Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
EM CHIM HÁT HAY QUÁ by mytutru Today at 20:11

QUY NHƠN TÔI YÊU by phambachieu Today at 16:51

Mái Nhà Chung by mytutru Yesterday at 23:18

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Yesterday at 12:56

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Yesterday at 12:37

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Wed 08 May 2024, 11:15

Một thoáng mây bay 13 by Ai Hoa Wed 08 May 2024, 10:00

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Tue 07 May 2024, 23:54

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Tue 07 May 2024, 08:05

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:42

Chết rồi! by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:31

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Sun 05 May 2024, 11:06

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 19:13

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 06:36

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Wed 01 May 2024, 21:49

7 chữ by Tinh Hoa Tue 30 Apr 2024, 10:59

5 chữ by Tinh Hoa Sun 28 Apr 2024, 22:27

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGÔ THÌ NHẬM   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 I_icon13Sat 13 Mar 2010, 20:21

Cũng trong thời gian làm Đốc Đồng Kinh Bắc kiêm Đốc Đồng Thái Nguyên, Ngô Thì Nhậm đã viết Thánh triều hội giám1.

Năm 1780 (năm 34 tuổi), trong chỗ đẩy đưa không ngờ của thế cuộc, bỗng dưng, Ngô Thì Nhậm phải mang tiếng xấu với đời. Chuyện này mỗi sách chép một kiểu, tuy nhiên, tổng hợp và phân tích những tài liệu tin cậy nhất, chúng ta có thể tóm lược như sau:
Trước đó, chúa Trịnh Sâm đã lập con trưởng là Trịnh Khải2 làm Thế Tử, nhưng rồi đến tháng 9 năm 1780, do quá si mê với Tuyên Phi Đặng Thị Huệ3, Trịnh Sâm đã truất ngôi Thế Tử của Trịnh Khải và lập con trai thứ do Đặng Thị Huệ sinh hạ là Trịnh Cán (lúc này còn rất nhỏ) lên thay. Trịnh Khải tức giận, liền cùng với quan giữ chức Trấn Thủ ở Sơn Tây là Nguyễn Khản và quan giữ chức Trấn Thủ ở Kinh Bắc là Nguyễn Khắc Tuân4, bàn mưu chuẩn bị lực lượng để chờ khi Trịnh Sâm qua đời5 là giết Quận Huy6, bắt Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán rồi giành lấy ngôi chúa cho Trịnh Khải. Biết chuyện, Ngô Thì Nhậm đã có lời can ngăn, nhưng, việc chưa đâu vào đâu thì Ngô Thì Sĩ qua đời, ông phải về nhà chịu tang cha. Và cũng đúng lúc ấy, cơ mưu của Trịnh Khải bị bại lộ, Trịnh Sâm hạ lệnh bắt giam Trịnh Khải, đồng thời, xử tội rất nặng một loạt đại thần: giết chết Đàm Xuân Thụ7, bắt giam Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân, Nguyễn Phương Đĩnh8 và Chu Xuân Hán9. Sau, Trịnh Sâm cho là Nguyễn Phương Đĩnh nuôi dạy Trịnh Khải mà không làm được công trạng gì, bèn lột hết chức tước rồi đuổi về quê10. Trong ngục tối, Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán đã vì uất ức mà uống thuốc độc tự tử11, riêng Nguyễn Khản thì khi Trịnh Khải lên ngôi chúa liền được tha và đến tháng bảy năm 1783 lại được thăng làm Lại Bộ Thượng Thư, quyền Tham Tụng. Bấy giờ, Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo vốn có tư thù với Ngô Thì Nhậm, bèn tìm mọi cách để xin cho Ngô Thì Nhậm được làm Công Bộ Hữu Thị Lang, tạo cớ cho thiên hạ phao tin rằng Ngô Thì Nhậm là “sát tứ phụ nhi Thị Lang” nghĩa là giết bốn người cha để làm Thị Lang12. Ngô Thì Nhậm biết là sự chẳng lành sẽ đến nên cố từ chối, nhưng gia đình lại có người bàn rằng, cần phải mềm dẻo mới mong tránh được những sự thù oán tiếp theo, vì thế, Ngô Thì Nhậm buộc phải nhận chức, nhưng lấy cớ là đang chịu tang cha cho nên không dâng biểu tạ ơn13.

Sự kiện trên xảy ra vào năm 1780, năm Canh Tí, vì thế, sử thường gọi đó là vụ án năm Canh Tí. Trong vụ án này, Ngô Thì Nhậm là người vô tội. Lúc đầu, ông có ý định can ngăn đối với những người ủng hộ mưu đồ của Trịnh Khải, nhưng, việc chưa tiến hành thì ông đã phải về chịu tang cha. Việc Ngô Thì Sĩ qua đời lúc ấy chỉ hoàn toàn là tình cờ, không phải là bởi uất ức vì chuyện Ngô Thì Nhậm phát giác mưu mô của những người ủng hộ Trịnh Khải (trong đó có mình) như một vài tài liệu đã viết.

Năm 1782 (năm 36 tuổi), do những biến cố dồn dập trong phủ chúa, Ngô Thì Nhậm phải về quê vợ ở một thời gian khá dài. Năm đó, Trịnh Sâm qua đời, chưa được bao lâu thì kiêu binh nổi lên, phế Trịnh Cán14, giết Huy Quận Công và tôn lập Trịnh Khải lên ngôi chúa. Ngay khi vừa được tôn lên ngôi chúa, Trịnh Khải đã tìm đủ mọi cách để báo ân báo oán. Nhân cơ hội đó, có kẻ đề nghị Trịnh Khải bắt Ngô Thì Nhậm nhưng Trịnh Khải không trả lời. Ngô Thì Nhậm thấy thật khó mà được bình an, bèn trốn về quê vợ như đã nói ở trên15.


_____________________________________
1. Sách này nay đã thất truyền.
2. Trịnh Khải cũng tức là Trịnh Tông (mẹ người họ Dương), sinh năm 1763, sau, làm chúa 4 năm (1782-1786).
3. Đặng Thị Huệ tức Bà Chúa Chè vì bà vốn người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) mà làng này lại có tục danh là làng Chè.
4. Nguyễn Khắc Tuân là con nuôi của Nguyễn Phương Đĩnh, xuất thân võ quan, trước đó từng có mối quan hệ khá thân mật với Trịnh Khải.
5. Lúc này Trịnh Sâm đang lâm bệnh nặng.
6. Quận Huy tức Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo, còn có tên khác là Hoàng Tố Lý. Ông người làng Phụng Công, huyện Yên Dũng (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Quận Huy là cháu của Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc, xuất thân là quan võ. Lúc này, Quận Huy và Đặng Thị Huệ có mối quan hệ rất gắn bó với nhau. Sau, Quận Huy bị kiêu binh giết chết.
7. Đàm Xuân Thụ hiện chưa rõ lai lịch, chỉ biết đó là người rất được Trịnh Khải tin cậy.
8. Nguyễn Phương Đĩnh là cha nuôi của Nguyễn Khắc Tuân (Trấn Thủ Kinh Bắc). Lúc này, Nguyễn Phương Đĩnh được chúa Trịnh là Trịnh Sâm giao việc nuôi dạy Trịnh Khải.
9. Chu Xuân Hán là hoạn quan, người huyện Chương Đức, nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.
10, 11. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 45, tờ 22 ).
12. Bốn người cha đó, có sách nói là Trịnh Khải (quân phụ), Ngô Thì Sĩ (thân phụ), Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán (phụ chấp: bạn của cha). Tuy nhiên, cũng có sách nói là Ngô Thì Sĩ (thân phụ), Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán (phụ chấp).
13. Ngô gia văn phái: Hoàng Lê nhất thống chí (Hồi thứ nhất).
14. Trịnh Cán là con thứ của Trịnh Sâm do bà Đặng Thị Huệ sinh hạ. Tháng 10 năm 1781, Trịnh Cán được lập làm Thế Tử và tháng 9 năm 1782 thì được lập làm chúa.
Tháng 10 năm 1782, Trịnh Cán bị phế truất và mất vào cuối năm 1782 vì bệnh.

15. Quê vợ của Ngô Thì Nhậm ở Vũ Thư, Thái Bình.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGÔ THÌ NHẬM   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 I_icon13Sat 13 Mar 2010, 20:25

Năm 1786 (năm 40 tuổi), Ngô Thì Nhậm được chứng kiến tận mắt biến cố lớn lao của lịch sử nước nhà: quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã tiến thẳng ra Thăng Long, tiêu diệt họ Trịnh, tôn phù nhà Lê. Chỉ với một cuộc tấn công chớp nhoáng, Nguyễn Huệ đã đập tan toàn bộ lực lượng của họ Trịnh1, dựng lại cơ đồ của họ Lê vốn dĩ đã đổ nát trước đó hàng trăm năm. Chính biến cố này đã có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến nhận thức của Ngô Thì Nhậm. Ông đã âm thầm theo dõi với tất cả thiện chí của mình.

Năm 1788 (năm 42 tuổi), hưởng ứng lời cầu hiền của Nguyễn Huệ, cùng với một số cựu thần khoa bảng khác như Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch... Ngô Thì Nhậm đã ra nhận chức với chính quyền Tây Sơn, ông được phong làm Lại Bộ Tả Thị Lang, tước Tình Phái Hầu, được cùng với một trọng thần của Tây Sơn là Võ Văn Ước trông coi mọi việc quan hệ đến quan lại của nhà Lê. Cứ như ghi chép của sử cũ thì cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Ngô Thì Nhậm với Võ Văn Ước cũng có một giai thoại khá đặc biệt. Chuyện kể rằng, người đến sớm nhất trong ngày quan lại nhà Lê yết kiến Nguyễn Huệ là Ngô Thì Nhậm. Hôm ấy, Võ Văn Ước được Nguyễn Huệ giao trách nhiệm tổ chức đón tiếp. Thấy Ngô Thì Nhậm, Võ Văn Ước cứ tưởng là Sùng Nhượng Công Lê Duy Cẩn, vì thế, vội vã mời lên ngồi ngang hàng với mình. Một lúc sau, quan lại nhà Lê lục tục kéo đến và tề tựu ở ngay dưới sân. Không còn cách nào hơn, Ngô Thì Nhậm đành đứng dậy và lặng lẽ đi ra nơi khác, bấy giờ, Võ Văn Ước mới biết rằng đó không phải là Sùng Nhượng Công Lê Duy Cẩn mà là Ngô Thì Nhậm! Giận vì cho là Ngô Thì Nhậm vô lễ, lập tức, Võ Văn Ước sai người đi bắt. Ngô Thì Nhậm bèn chạy đến tìm gặp Trần Văn Kỷ nhờ giúp đỡ. Trần Văn Kỷ từng ra Thăng Long dự thi Hội (nhưng không đỗ), từng được gặp và do đó rất phục tài của Ngô Thì Nhậm. Lúc này, Trần Văn Kỷ đang được Nguyễn Huệ trọng dụng, cho nên, Ngô Thì Nhậm rất tin là có thể che chở cho mình được. Gặp Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm được thông báo rằng, chính Nguyễn Huệ cũng đã biết tiếng của Ngô Thì Nhậm, tin là có thể giao cho Ngô Thì Nhậm trọng trách của chính quyền mới, vì thế, đã giao cho Trần Văn Kỷ đi tìm Ngô Thì Nhậm. Ngay lập tức, Trần Văn Kỷ dẫn Ngô Thì Nhậm vào yết kiến Nguyễn Huệ. Đó là một cuộc gặp gỡ cảm động và tương đắc giữa đấng anh hùng cái thế là Nguyễn Huệ với bậc văn tài xuất chúng là Ngô Thì Nhậm. Và, Nguyễn Huệ đã phong chức ban tước cho Ngô Thì Nhậm như đã nói ở trên.

Chỉ ít ngày sau đó, Nguyễn Huệ trở lại Phú Xuân. Để cai quản lực lượng của mình ở Bắc Hà, đồng thời, để phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, Nguyễn Huệ đã thành lập một Bộ chỉ huy Tây Sơn đặt đại bản dinh ngay tại Thăng Long. Bộ chỉ huy này do Đại Tư Mã Ngô Văn Sở đứng đầu và sát cánh với Ngô Văn Sở là một số tướng lĩnh như Phan Văn Lân, Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyết...v.v. Ngoài ra, nhiều văn thần cũ của nhà Lê, trong đó có Ngô Thì Nhậm, cũng được Nguyễn Huệ tin cậy cho tham gia vào Bộ chỉ huy. Trước khi rời Thăng Long, Nguyễn Huệ đã ân cần dặn dò:

- (Ngô Văn) Sở, (Phan Văn) Lân là nanh vuốt của ta, (Võ Văn) Dũng và Ngôn (chưa rõ họ - NKT) là tâm phúc của ta, còn (Ngô Thì) Nhậm là bề tôi mới của ta. Ngày nay ta giao việc quân quốc của mười một trấn Bắc Hà cho các ngươi, vì thế, các ngươi phải lo toan liệu mà làm việc. Điều gì cần bàn thì phải họp bàn với nhau, chớ có phân biệt người mới với người cũ. Lòng ta chỉ mong như vậy mà thôi2.

Lời ấy là lời thực sự tin cậy của Nguyễn Huệ đối với Ngô Thì Nhậm và Ngô Thì Nhậm cũng đã hoàn toàn xứng đáng với lòng tin cậy lớn lao ấy của Nguyễn Huệ.

Cuối năm 1788, hai mươi chín vạn quân Mãn Thanh mượn cớ có Lê Chiêu Thống cầu cứu, đã giương ngọn cờ chính trị giả hiệu là “phù Lê diệt Tây Sơn” để tràn sang xâm lược nước ta. Trước tình thế đó, Bộ chỉ huy Tây Sơn đã họp để bàn kế sách đối phó. Ngô Thì Nhậm là một trong số những thành viên tham sự cuộc họp quan trọng này. Lúc đầu, ý kiến của các thành viên không nhất trí với nhau. Đại để có hai loại hình ý kiến chính như sau:

- Loại hình ý kiến thứ nhất cho rằng, họ được Nguyễn Huệ giao trách nhiệm ở lại giữ thành và giữ đất, vậy thì hễ giặc đến là phải liều chết mà đánh, không cần phải bàn luận gì nhiều. Chủ xướng loại hình ý kiến này là Đại Tư Mã Ngô Văn Sở. Rõ ràng, đây là loại hình ý kiến thể hiện một tinh thần trách nhiệm rất cao, nhưng đó là thứ tinh thần trách nhiệm cứng nhắc, không tính toán đến kết quả cuối cùng sẽ ra sao.

- Loại hình ý kiến thứ hai cũng có điểm tương đồng với loại hình ý kiến thứ nhất, đó là phải quyết đánh quân xâm lăng, nhưng, khác hẳn về phương thức đánh. Họ cho rằng, muốn đánh và đánh thắng quân Mãn Thanh, trước hết phải đem quân lên biên ải, kế thừa kinh nghiệm mai phục của Lê Lợi thuở trước, đánh phủ đầu bằng nhiều trận lớn nhỏ ngay khi chúng vừa đặt chân lên lãnh thổ nước ta, thì mới có thể giữ yên được bờ cõi. Chủ xướng loại hình ý kiến này là Võ Văn Dũng và Phan Văn Lân. Đây là ý kiến tỏ rõ sự hiểu biết khá sâu về truyền thống và kinh nghiệm chống xâm lăng của tổ tiên, nhưng lại cũng bộc lộ sự đánh giá chưa chính xác về tình hình cụ thể của Bắc Hà lúc bấy giờ. Gần bốn trăm năm trước khi quân Mãn Thanh sang xâm lược nước ta, sở dĩ Lê Lợi có thể liên tiếp tổ chức nhiều trận mai phục kéo dài từ Chi Lăng đến Xương Giang3 là vì lúc đó, lòng dân đã hoàn toàn hướng về Lam Sơn. Đến đây, nhân tâm li tán, và trong điều kiện đó, không một kế hoạch mai phục nào lại có thể thành công được.


___________________________________
1. Trịnh Khải chạy trốn nhưng sau đó bị bắt nạp cho Tây Sơn. Dọc đường bị áp giải, Trịnh Khải đã tự tử.
2. Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 30).
3. Xin vui lòng tham khảo thêm tập thứ hai: Danh tướng Lam Sơn của bộ Danh tướng Việt Nam.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGÔ THÌ NHẬM   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 I_icon13Sat 13 Mar 2010, 20:30

Đúng lúc đó, Ngô Thì Nhậm đã nêu ra một loại hình ý kiến khác hẳn. Ông nói với Ngô Văn Sở, cũng là nói với các tướng trong Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà rằng:

- “Xưa nay, phép dụng binh chỉ thấy nói hoặc đánh hoặc giữ mà thôi. Nay, quân Thanh đến đây, tiếng tăm rất lớn, đã thế, bọn cam tâm làm nội ứng cho chúng ở trong nước đem phao tin đồn nhảm, khiến cho thanh thế của chúng càng trở nên to lớn thêm và cũng khiến cho lòng người sợ hãi. Quân ta giá thử có ai được sai phái đi đâu, thì vừa ra khỏi thành đã bị bắt giết. Số người Bắc Hà trong sổ quân của
ta, hễ gặp dịp là bỏ trốn liền. Đem đội quân ấy đi mà đánh thì nào có khác gì xua bầy dê đi săn cọp dữ, bảo không thua thế nào được? Đến như việc đóng chặt cửa thành để cố thủ, thì khi lòng người đã không vững, chắc chắn thế nào cũng sẽ sinh ra mối lo ở bên trong. Đến lúc đó, dẫu cho Tôn, Ngô (chỉ Tôn Tử và Ngô Khởi, hai nhà binh pháp nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại - NKT) có sống lại cũng đành phải chịu bó tay, không làm gì hơn được nữa. Việc này chẳng khác gì đem chạch bỏ vào giỏ cua, xin hãy nghĩ kĩ lại. Nay, đánh cũng chẳng được, giữ cũng không xong, vậy thì cả đánh lẫn giữ đều không phải là kế hay, rốt cuộc có lẽ chỉ còn một cách, đó là nhanh chóng sai thủy quân chở lương thực, giương buồm thuận gió mà ra biển rồi tiến vào cửa Biện Sơn (nằm giáp giới giữa Ninh
Bình với Thanh Hóa ngày nay - NKT) mà đóng. Còn như bộ binh thì hãy sửa soạn khí giới mà gióng trống lên đường, lui về giữ miền Tam Điệp (cũng nằm giáp giới giữa Ninh Bình và Thanh Hóa ngày nay - NKT). Hai mặt thủy bộ cùng liên hệ với nhau, giữ chỗ hiểm yếu rồi cho người chạy về bẩm với
Chúa Công (chỉ Nguyễn Huệ - NKT). Ta cứ thử xem quân Thanh đến và xếp đặt việc của nhà Lê như thế nào, vua Lê Chiêu Thống sau khi phục quốc sẽ thu xếp việc quân việc nước ra sao, chờ đến khi Chúa Công ra rồi quyết chiến một phen cũng không muộn gì”1.


Ý kiến xuất sắc này của Ngô Thì Nhậm đã nhanh chóng thuyết phục được Bộ chỉ huy Tây Sơn. Cuộc rút lui về Tam Điệp và Biện Sơn của quân Tây Sơn cuối năm 1788 chính là bởi sự nhất trí với ý kiến của Ngô Thì Nhậm. Ông còn nói thêm với chủ tướng là Đại Tư Mã Ngô Văn Sở rằng:

- “Tướng giỏi ngày xưa thường lường trước thế giặc rồi mới đánh, cần nhắc để nắm chắc phần thắng rồi mới hành động, nghĩa là phải tùy theo tình thế đổi thay mà bày ra chước lạ. Giống như đánh cờ, trước phải nhường người một nước rồi sau mới thắng người một nước, không được đổi vị trí nước trước ra nước sau, đó mới là tay cao cờ. Nay, ta hãy bảo toàn lấy quân lực mà lui, không bỏ mất một mũi tên nào cả. Hãy cho giặc được ngủ trọ một đêm rồi đuổi đi, cũng như ngọc bích của nước Tấn thuở xưa sau vẫn nguyên lành chớ có mất gì2. Nếu có vì thế mà mắc lỗi, tôi sẽ xin bộc bạch với Chúa Công, thế nào cũng được lượng xét, xin ông chớ có nghi ngại gì”3.

Khi đem đại quân tiến ra Tam Điệp và Biện Sơn nhằm chuẩn bị cho trận quyết chiến với quân Mãn Thanh, phát biểu trong cuộc gặp gỡ với các tướng lĩnh và văn thần cao cấp của mình, Quang Trung Nguyễn Huệ khẳng định:

- “Các ngươi đóng quân ở nơi trơ trọi, giặc Thanh kéo sang, người trong kinh kì làm nội ứng cho chúng, các ngươi làm sao mà cử động được? Các ngươi đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia quân đóng giữ nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng. Kế ấy là rất đúng. Khi mới nghe nói, ta đã đoán là do Ngô Thì Nhậm chủ mưu, sau hỏi (Nguyễn) Văn Tuyết thì quả đúng như vậy”4.

Chưa bao giờ là võ tướng trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc, nhưng ý kiến của Ngô Thì Nhậm về đối sách tạm thời của quân đội Tây Sơn quả là rất xuất sắc. Thắng lợi vang dội của Tây Sơn trong trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa sau đó gắn chặt với công lao khởi xướng ý kiến đúng đắn này của Ngô Thì Nhậm.

Khi đất nước đã sạch bóng quân xâm lăng, Ngô Thì Nhậm được Quang Trung thăng làm Binh Bộ Thượng Thư. Đó là một sự tưởng thưởng xứng đáng, thể hiện niềm tin cậy ngày một vững chắc và lớn
lao của Quang Trung đối với ông. Đáp lại, Ngô Thì Nhậm cũng đã không ngừng có thêm những đóng góp to lớn cho chính quyền của Quang Trung. Tổng kết những ghi chép tản mạn của sử cũ, chúng ta có thể khái quát các cống hiến của Ngô Thì Nhậm từ năm 1789 (năm 43 tuổi) trở về sau như sau:

Một là: bằng tiếng nói sắc bén, thấu lí và đạt tình, Ngô Thì Nhậm đã lôi kéo được không ít trí thức khoa bảng từng phục vụ cho vua Lê và chúa Trịnh, trút bỏ mặc cảm để hợp tác đắc lực và rất có
hiệu quả đối với guồng máy chính quyền của Quang Trung. Trong số những người được Ngô Thì Nhậm cảm hóa, giới thiệu và tiến cử, chúng ta thấy nổi bật lên những tên tuổi như: Phan Huy Ích5, Trần Bá Lãm6, Ninh Tốn7, Vũ Huy Tấn8, Đoàn Nguyễn
Tuấn9... v.v. Tuy mức độ cao thấp có khác nhau, nhưng, tất cả họ đều có những cống hiến rất đáng được trân trọng.

Hai là: thay mặt Hoàng Đế Quang Trung, soạn thảo kế hoạch và trực tiếp chỉ huy việc thực hiện chủ trương thiết lập mối quan hệ bang giao hữu hảo với triều đình Mãn Thanh. Đây là một công việc cực kì khó khăn, bởi lẽ sau thất bại thảm hại ở trận Ngọc Hồi-Đống Đa, triều đình Mãn Thanh đang muốn quyết chí đánh báo thù. Nhưng, bằng tất cả sự uyển chuyển và khôn khéo, Ngô Thì Nhậm đã buộc triều đình Mãn Thanh phải từ bỏ ý định đánh báo thù, công nhận nền độc lập và tự chủ của nước ta, công nhận chính quyền do Quang Trung đứng đầu, đồng thời, từ bỏ âm mưu lợi dụng tập đoàn Lê Chiêu Thống lưu vong. Công lao của Ngô Thì Nhậm trong lĩnh vực này là vô cùng to lớn: Không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải hoàn toàn là tán dương một cách vô lối, khi người đương thời cũng như hậu thế vẫn thường nói “Ngô Thì Nhậm là Quang Trung thời bình”. Cuối năm 1788, khi chuẩn bị cho trận đại phá quân Thanh, trong một cuộc gặp gỡ các tướng lĩnh và văn thần cao cấp tại Tam Điệp và Biện Sơn, chính Quang Trung đã khẳng định vai trò của Ngô Thì Nhậm trong cuộc đấu trí ngoại giao ác liệt này:

“Nay ta thân hành cầm quân ra, phương lược tiến đánh đều đã được tính toán sẵn, chẳng qua chỉ độ mươi ngày là đã có thể đánh được người Thanh. Nhưng, chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt sẽ lấy làm hổ thẹn mà dốc chí đánh báo thù, như thế thì họa binh đao sẽ chẳng bao giờ dứt, đó không phải là điều phúc cho dân, ai nỡ lòng nào mà làm được? Đến lúc ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới mong dập tắt được binh đao, nếu chẳng phải là Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được”10.

Xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của Quang Trung, Ngô Thì Nhậm đã hoàn thành xuất sắc việc mà Quang Trung cho là “nếu chẳng phải là Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được”. Ông là tác giả của kịch bản cho người đóng giả Quang Trung sang chầu và dự lễ bát tuần khánh thọ của Hoàng Đế Mãn Thanh là Càn Long11.

Ngày 16 tháng 9 năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời, hưởng thọ 39 tuổi! Đó là tổn thất lớn nhất của Tây Sơn. Con của Quang Trung là Quang Toản lên nối ngôi. Cuối năm ấy (năm 46 tuổi), Ngô Thì Nhậm được cử làm Chánh Sứ sang Mãn Thanh để vừa báo tang vừa cầu phong cho Quang Toản. Và, ông đã hoàn thành tốt đẹp chuyến đi sứ đó.

Tiếc thay, sau cái chết của Quang Trung, cuộc khủng hoảng chính trị trong nội bộ Tây Sơn diễn ra ngày một trầm trọng khiến cho sức mạnh ngỡ như “bất khả chiến bại” của Tây Sơn nhanh chóng bị tiêu hao. Là nhà khoa bảng và là bậc đại thần giàu lòng “ưu thời mẫn thế, Ngô Thì Nhậm theo dõi những biến đổi của thời cuộc với bao nỗi lo lắng không nguôi. Trên danh nghĩa, Quang Toản vẫn trọng dụng ông, nhưng, sự chia bè kết cánh của triều đình khiến cho ông không sao có thể tiếp tục phát huy được tài năng của mình. Ngô Thì Nhậm dành phần nhiệt huyết còn lại của mình cho việc cầm bút và nghiên cứu về Thiền học. Chính ông là người đã lập ra Trúc Lâm thiền viện tại phường Bích Câu (nay thuộc Hà Nội) và cũng chính ông là tác giả của Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Đương thời cũng như hậu thế có thể có những ý kiến về thiền khác hẳn với Ngô Thì Nhậm, nhưng, điều quan trọng đáng nói hơn lại là ở chỗ, giữa nhiễu nhương của cuộc đời Ngô Thì Nhậm đã tìm cho mình một lối sống tao nhã, không chút vướng bận đến vụ lợi và đua tranh.

Năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm lại được toàn cõi nước ta và chính thức khai sinh ra triều Nguyễn. Một cuộc trả thù rất tàn bạo với tất cả những ai từng theo hoặc từng ủng hộ Tây Sơn bắt đầu. Ngô Thì Nhậm là một trong số những người bị trả thù đó. Đầu năm Quý Hợi (1803), Ngô Thì Nhậm cùng với Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan cùng bị đem ra Văn Miếu để đánh đòn. Riêng Ngô Thì Nhậm vì chịu không nổi đau đớn, đã mất vào ngày 16 tháng 2 (nhằm ngày 9-3-1803), hưởng thọ 57 tuổi. Vì sao cả ba người cùng bị đòn roi mà chỉ có một mình Ngô Thì Nhậm chết? Cắt nghĩa điều này, đời có khá nhiều giai thoại, đại để cho rằng Ngô Thì Nhậm có mối hiềm khích đối với bạn học là Đặng Trần Thường. Sau, Đặng Trần Thường trở thành tướng cao cấp của Nguyễn Ánh, cho nên, cũng là đánh roi, nhưng roi dùng để đánh Ngô Thì Nhậm bị Đặng Trần Thường sai cột thêm móc sắt. Giai thoại còn nói đến cuộc đối đáp giữa Ngô Thì Nhậm với Đặng Trần Thường khi Ngô Thì Nhậm bị đem ra Văn Miếu để
đánh. Nhưng, giai thoại bao giờ cũng là... giai thoại, vì thế, xin được miễn nhắc lại ở đây.

Cuộc đời của Ngô Thì Nhậm là cuộc đời của một nhà yêu nước tầm vóc lớn, của một bậc khoa bảng thức thời, của một cây đại bút để lại cho đời rất nhiều tác phẩm quý, góp phần làm rạng rỡ cho văn hiến của nước nhà. Phần lớn các tác phẩm của Ngô Thì Nhậm đã được Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội giới thiệu trong Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm (2 quyển), năm 1978.

Thời Tự Đức (1848-1883), vì Nhà vua có họ và tên thật là Nguyễn Phúc Thì, lại có tên khác là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, cho nên, để tránh hai chữ húy là Thì và Nhậm, Ngô Thì Nhậm bị đọc thành Ngô Thời Nhiệm. Tên ông bị đọc khác đi nhưng ánh sáng tỏa ra từ cuộc đời và sự nghiệp của ông thì vẫn mãi mãi không đổi. Ngàn năm, còn đó... tên ông.


____________________________________
1. Ngô gia văn phái: Hoàng Lê nhất thống chí (Hồi thứ 13).
2. Ở Trung Quốc thời Xuân Thu, có nước Tấn muốn đánh cả nước Ngu lẫn nước Quắc. Lúc đầu, nước Tấn hay lấy ngựa tốt và ngọc quý đem đút lót cho vua nước Ngu để mượn đường nước Ngu đi đánh nước Quắc. Vua nước Ngu dại dột nghe theo. Đến khi diệt được nước Quắc rồi: nước Tấn liền đem quân diệt luôn cả nước Ngu. Nước Ngu thua trận, bao nhiêu ngọc quý trước đó nước Tấn đem đút lót cho vua nước Ngu đều bị nước Tấn thu hồi lại.
3. Ngô gia văn phái: Hoàng Lê nhất thống chí (Hồi thứ 13).
4, 10. Ngô gia văn phái: Hoàng Lê nhất thống chí (Hồi thứ 14).
5. Phan Huy Ích (1751-1822) người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), đỗ Tiến Sỹ năm 1775. Ông là con của Tiên Sỹ Phan Huy Cận (tức Phan Huy Áng), anh của Tiến Sĩ Phan Huy Ôn và là cha của nhà bác học Phan Huy Chú.
6. Trần Bá Lãm (1758-1815) người làng Vân Canh, huyện Từ Liêm (nay là xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây), đỗ Chế Khoa (tương đương Tiến Sĩ) năm 1787.
7. Ninh Tốn (1744-1790) người làng Côi Trì, huyện Yên Mô (nay thuộc xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), đỗ Tiến Sĩ năm 1778.
8. Vũ Huy Tấn người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Ông là con của Tiến Sỹ Vũ Huy Đĩnh.
9. Đoàn Nguyễn Tuấn người làng Hải An, huyện Quỳnh Côi (nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Ông là con của Tiến Sĩ Đoàn Nguyễn Thục.
11. Tức là lễ mừng thọ 80 tuổi của Hoàng Đế Càn Long. Về người được cử đóng giả là Quang Trung, theo ghi chép của Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập, quyển 30) là Phạm Công Trị.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 Empty
Bài gửiTiêu đề: PHAN HUY ÍCH   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 I_icon13Sat 13 Mar 2010, 20:40

03. PHAN HUY ÍCH (1751 - 1822)

“Được dự vào hàng công huân cao quý,
cố sao đền đáp ơn vua vừa mới ban xuống;
Nối dõi thư hương, càng gắng
giữ nếp cũ thanh bạch của nhà xưa”1.


Phan Huy Ích sinh ngày 12 tháng 12 năm Canh Ngọ (1751). Ông là con của Tiến Sĩ Phan Huy Cẩn (1733-1800). Phan Huy Cẩn vốn người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) nhưng sau đó đã dời ra định cư tại làng Thụy Khuê, huyện Thạch Thất trấn Sơn Tây (nay làng Thụy Khuê thuộc tỉnh Hà Tây). Phan Huy Cẩn sau đổi tên là Phan Huy Áng.

Từ nhỏ cho đến năm hai mươi tuổi, Phan Huy Ích sống và học tập tại quê cha đất tổ là làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc như đã nói ở trên. Năm 1771 (năm tròn 20 tuổi), Phan Huy Ích đỗ Giải Nguyên (tức đỗ đầu khoa thi Hương) tại trường Nghệ An. Đây là một vinh dự đặc biệt đối với dòng Phan Huy, bởi vì trước đó gần hai chục năm (năm 1753), thân phụ Phan Huy Ích là Phan Huy Cẩn cũng đỗ Giải Nguyên tại trường thi Hương này.

Sau khi đỗ Giải Nguyên, Phan Huy Ích được trao một chức quan nhỏ tại trấn Sơn Nam. Ông trở thành học trò rồi thành con rể của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) kể từ giai đoạn này. Năm 1775 (năm tròn 24 tuổi), Phan Huy Ích đỗ Hội Nguyên Tiến Sỹ. Khoa này, triều đình lấy đỗ 18 Tiến Sĩ (mà không lấy ai đỗ Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa và Hoàng Giáp). Anh vợ của Phan Huy Ích là Ngô Thì Nhậm cũng cùng đỗ Tiến Sĩ trong khoa này. Một lần nữa, đây là vinh dự đặc biệt của dòng Phan Huy, bởi lẽ trước đó 19 năm (năm 1754), thân phụ ông là Phan Huy Cẩn cũng đỗ Hội Nguyên Tiến Sĩ như thế.

Năm 1776, nghĩa là đúng một năm sau khi đỗ Hội Nguyên Tiến Sĩ, Phan Huy Ích lại dự tiếp kì thi Ứng Chế và ông cũng đã đỗ trong khoa này. Từ đó, hoạn lộ của Phan Huy Ích ngày một rộng mở. Năm 1776, ông được trao chức Hàn Lâm Viện Thừa Chỉ. Năm 1777, ông được trao chức Đốc Đồng trấn Thanh Hoa. Sau đó không bao lâu, Phan Huy Ích được trao chức Thiêm Sai ở phủ chúa Trịnh. Cũng trong khoảng thời gian này, Phan Huy Ích được cử lên Nam Quan để ứng tiếp sứ giả của nhà Mãn Thanh.

Năm 1780, con trưởng của chúa Trịnh Sâm là Trịnh Tông (cũng tức là Trịnh Khải) đã âm mưu làm chính biến nhưng không thành. Trịnh Sâm đã tiến hành một cuộc đàn áp rất tàn khốc. Không ít quan lại và đại thần bị bức tử. Sử gọi đó là vụ án năm Canh Tí2. Bấy giờ, vì là con rể của Ngô Thì Sĩ và là em rể của Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích cũng bị công kích từ nhiều phía khác nhau. Ông buồn nản quá, bèn cáo bệnh để xin từ quan nhưng không được, vì thế, ông liền đóng bè ở dưới sông, xa lánh mọi đồng liêu cũng như thuộc chức, mỗi tháng chỉ đến công đường một lần.

Năm 1785, khi tình hình chung đã tương đối tạm ổn định, Phan Huy Ích mới trở lại với việc quan. Cuối năm đó, ông được trao chức Hiến Sát Thanh Hoa.

Năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã ồ ạt tiến ra Bắc. Chúa Trịnh là Trịnh Tông bị bắt
và tự tử dọc đường áp giải. Vua Lê lúc bấy giờ hèn yếu và bạc nhược, không đủ khả năng, càng không đủ uy tín để điều khiển mọi hoạt động của triều đình. Chính sự lại một phen rối ren đến khó tả. Thấy Nguyễn Huệ đã rút đại quân về Nam, phe đảng của họ Trịnh lại nổi lên. Sau những cuộc tránh giành khá ác liệt, Trịnh Bồng đã nắm được ngôi chúa, đó chính là Yến Đô Vương. Trong thời gian ở ngôi chúa ngắn ngủi của Yến Đô Vương, Phan Huy Ích được trao chức Đô Cấp Sự Trung, kiêm Thiêm Sai ở phủ Chúa.

Cũng trong thời Yến Đô Vương, Phan Huy Ích còn được trao chức Đốc Thị ở trấn Nghệ An kiêm Tán Lí Quân Vụ ở trấn Thanh Hoa. Với chức vụ đó, ông được sai cầm quân đi đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉ mới giáp chiến, Phan Huy Ích đã bị Nguyễn Hữu Chỉnh bắt sống, may nhờ có bạn cũ là Nguyễn Kim Khuê ra sức tìm cách cứu giúp, ông mới được tha.

Năm 1787, khi tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm cầm quân ra đánh Nguyễn Hữu Chỉnh, Phan Huy Ích
liền về Sài Sơn và ẩn mình tại đó. Thời làm quan cho vua Lê chúa Trịnh của Phan Huy Ích cũng đến đó là chấm dứt.

Giữa năm 1788, khi Nguyễn Huệ trực tiếp cầm quân ra hỏi tội viên tướng thuộc quyền của mình là Vũ Văn Nhậm, cùng với một số Nho sĩ tên tuổi khác như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thế Lịch3, Nguyễn Bá Lan4, Ninh Tốn5, Đoàn Nguyễn Tuấn6, Vũ Huy Tấn7... Phan Huy Ích đã ra hợp tác với Tây Sơn. Ông được Nguyễn Huệ trao chức Tả Thị Lang bộ Hộ, tước Thụy Nham Hầu.

Sau khi nhận chức tước, Phan Huy Ích theo Nguyễn Huệ vào Phú Xuân. Hoàng Lê nhất thống chí và các tác phẩm của Phan Huy Ích đã xác nhận điều này. Cuối năm 1788, Lê Chiêu Thống rước quân
Mãn Thanh sang giày xéo đất nước ta. Để trả thù những người theo Tây Sơn, Lê Chiêu Thống đã sai đục bỏ tên của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích trên bia Tiến Sĩ, đồng thời phát lệnh truy nã cả hai ông. Nhưng, chỉ với một cuộc hành quân thần tốc và một trận quyết chiến chiến lược ở Ngọc Hồi-Đống Đa lịch sử, Quang Trung Nguyễn Huệ đã quét sạch quân Thanh ra khỏi bờ cõi, đồng thời, trừng trị đích đáng hành động phản quốc hại dân của Lê Chiêu Thống.

Chiến tranh kết thúc, Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm được Quang Trung tin cậy giao cho trọng trách thiết lập mối quan hệ bang giao hữu hảo với Mãn Thanh. Bằng tất cả tài năng và sự khôn khéo của mình, cùng với Ngô Thì Nhậm, ông đã có cống hiến rất xuất sắc trên mặt trận đấu tranh ngoại giao.

Năm 1790, nếu Ngô Thì Nhậm là tác giả của kịch bản đưa “giả vương” Phạm Công Trị sang dự lễ bát
tuần khánh thọ của Hoàng Đế Càn Long, thì Phan Huy Ích là một trong những người thực hiện xuất sắc kịch bản này. Cùng với Ngô Văn Sở, Nguyễn Duật, Vũ Huy Tấn và Đoàn Nguyễn Tuấn... Phan Huy Ích đã đưa “giả vương” sang Trung Quốc, khéo léo đến độ không để xảy ra một sơ suất nào.

Năm 1792, Phan Huy Ích được thăng chức Thị Trung Ngự Sử. Nhưng, ông chưa kịp vui thì Quang Trung qua đời, nội bộ Tây Sơn mất đoàn kết ngày một nghiêm trọng. Ông được giao việc viết một số bài để hòa giải nhưng tình hình cũng chẳng tốt hơn được.

Năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm lại được toàn cõi nước ta, Phan Huy Ích bị bắt cùng với Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Gia Phan (tức Nguyễn Thế Lịch), sau đó, bị đem ra đánh đòn tại Văn Miếu.

Năm 1803, Phan Huy Ích về sống tại Sài Sơn. Ông ở đó cho đến năm 1814 thì vào đất tổ là huyện Thiên Lộc để mở trường dạy học. Ông là một nhà giáo đức độ và tài ba, được người đương thời và đặc biệt là các thế hệ môn sinh rất kính trọng. Năm 1819, Phan Huy Ích nghỉ dạy vì tuổi đã cao và đến ngày 20 tháng 2 năm Nhâm Ngọ (1822), ông qua đời, hưởng thọ 71 tuổi.

Phan Huy Ích là một trong những người để lại cho đời khá nhiều tác phẩm. Phần lớn các sáng tác của ông đã được Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội giới thiệu trong bộ Thơ văn Phan Huy Ích (ba tập, 1978). Và, Phan Huy Ích còn là thân phụ của nhà bác học Phan Huy Chú (1782-1840).


__________________________________
1. Phan Huy Ích: Dật thi lược toán.
2. Xin vui lòng tham khảo thêm phần viết về Ngô Thì Nhậm cũng thuộc chương thứ tư của sách này.
3. Nguyễn Thế Lịch (1750-1829) người làng Yên Lũng, huyện Từ Liêm, nay thuộc thôn Yên Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, đỗ Tiến Sĩ năm 1775, cùng khoa với Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm. Ông còn có tên khác là Nguyễn Gia Phan.
4. Nguyễn Bá Lan (1757-?) người làng Cổ Linh, huyện Gia Lâm, nay thuộc thị trấn Sài Đồng, huyện Gia Lâm (Hà Nội), đỗ Tiến Sĩ năm 1785. Thời Quang Trung, ông được
trao chức Trực Học Sĩ.

5. Ninh Tốn (1744-1790) người làng Côi Trì, huyện Yên Mô, nay thuộc xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, đỗ Hội Nguyên Tiến Sĩ năm 1778. Thời Quang Trung, ông được trao chức Hàn Lâm Trực Học Sĩ.
6. Đoàn Nguyễn Tuấn hiện chưa rõ lai lịch, chỉ biết thời Quang Trung, ông được phong chức Lại Bộ Tả Thị Lang, tước Hải Phái Hầu.
7. Vũ Huy Tấn (1749-1800) người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Thời Quang Trung ông làm quan được thăng dần lên đến chức Thượng Thư.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN THIẾP   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 I_icon13Sat 13 Mar 2010, 20:44

04. NGUYỄN THIẾP (1723 - 1804)

“Học cho rộng rồi ước lược cho gọn,
theo điều học biết mà làm”1.


Nguyễn Thiếp sinh năm Quý Mão (1723) tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn. Nay đất làng quê ông thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông vốn có tên là Nguyễn Minh nhưng sau vì húy Minh Đô Vương tức chúa Trịnh Doanh (1740-1767) nên mới đổi gọi là Nguyễn Thiếp. Trong số các danh sĩ sống vào giai đoạn lịch sử này, ít ai có nhiều tên hiệu như Nguyễn Thiếp: Hạnh Am, Khai Xuyên, Điền ẩn, Cuồng ẩn, Lạp Phong Cư Sĩ, Bùi Phong Cư Sĩ, Lục Niên Tiên Sinh, Hầu Lục Niên,
Lam Hồng Dị Nhân, La Giang Phu Tử, La Sơn Phu Tử...v.v. Tuy nhiên, tên hiệu được đời biết đến nhiều hơn cả vẫn là La Sơn Phu Tử và sau đó là Hạnh Am.

Năm 1743, Nguyễn Thiếp đỗ Hương Cống (học vị này về sau đổi gọi là Cử Nhân). Sau khi dỗ, ông được chúa Trịnh Doanh bổ làm Huấn Đạo và chẳng bao lâu thì thăng làm Tri Huyện của huyện Thanh Chương (Nghệ An). Thời Nguyễn Thiếp bước vào hoạn lộ cũng là thời tàn tạ thảm hại của chế độ phong kiến Đàng Ngoài. Buồn nản vì cảnh mục ruỗng của triều đình, cảnh đen bạc của nhân tình thế thái, Nguyễn Thiếp liền từ quan, về núi Thiên Nhẫn của quê nhà để sống cuộc đời thanh bạch của bậc
ẩn cư.

Tuy chỉ đỗ Hương Cống nhưng nhờ có thực tài và đức độ lại giàu khí khái, Nguyễn Thiếp có uy tín xã hội rất rộng lớn. Tên tuổi của ông có ảnh hưởng khá lớn đối với đội ngũ sĩ phu đương thời. Nguyễn Huệ sớm biết tiếng Nguyễn Thiếp, chủ yếu cũng bởi lí do này.

Cuối năm 1788, sau khi lên ngôi Hoàng Đế, Nguyễn Huệ đã dẫn đại quân thần tốc tiến ra Bắc để đánh trận quyết định với quân Mãn Thanh xâm lược. Dọc đường hành quân, dù vô cùng vội vàng và bận rộn với không biết bao nhiêu việc trọng đại, Nguyễn Huệ vẫn dành thời gian để cho mời Nguyễn Thiếp tới hỏi ý kiến. Tuy quyết chí xa lánh công danh và hoạn lộ, nhưng, Nguyễn Thiếp vẫn luôn luôn cố gắng theo dõi thật chặt chẽ mọi diễn biến của thời cuộc, bởi vậy, ý kiến của bậc ẩn sĩ này sắc sảo đến lạ lùng. Chuyện kể rằng, trong buổi gặp gỡ đầu tiên này, Nguyễn Huệ hỏi:

- “Quân Thanh sang đánh, nay ta đem quân chống cự, về kế công thủ và số được thua, tiên sinh cho biết thế nào?”

Nguyễn Thiếp đáp rằng:

“Nay trong nước trống không, lòng người li tán. Quân Thanh ở xa lại, tình hình quân ta sức mạnh sức yếu không biết, thế công thế thủ không hay. Chúa công ra chuyến này chẳng qua mười ngày là giặc Thanh sẽ tan”2.

Nhận định của Nguyễn Thiếp rất phù hợp với nhận định của Nguyễn Huệ, bởi vậy, Nguyễn Huệ rất lấy làm vui. Ý định đánh nhanh thắng nhanh vốn đã được hình thành trước đó, đến đây càng được khẳng định, niềm tin ở thắng lợi to lớn và triệt để vốn đã mạnh mẽ, đến đây, càng trở nên mạnh mẽ gấp bội hơn. Trên cơ sở ý định vững chắc và niềm tin sắt đá đó, Nguyễn Huệ đã dõng dạc tuyên bố với quân sĩ của mình tại Tam Điệp-Biện Sơn rằng: “Nay ta tới đây thân đốc việc binh, kế chiến thủ ra sao đều đã có phương lược định sẵn. Chỉ nội mười ngày nữa, thế nào ta cũng quét sạch giặc Thanh3. Và: “Nay hãy ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến mồng bảy tháng giêng, vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng như vậy không4.


Diễn biến của trận quyết chiến chiến lược với quân xâm lược Mãn Thanh quả đúng như dự biến thiên tài của Nguyễn Huệ, như nhận định chính xác và sâu sắc của Nguyễn Thiếp. Bởi lý do này, Nguyễn Huệ càng trân trọng và đánh giá cao tài năng của Nguyễn Thiếp. Về phần mình, Nguyễn Thiếp cũng rất khâm phục Quang Trung Nguyễn Huệ cả về đức độ dày dặn lẫn trí dũng phi thường, vì thế, ông đã từ bỏ cuộc sống ẩn dật để ra cộng tác với chính quyền của Quang Trung. Nguyễn Thiếp được Quang Trung Nguyễn Huệ tin cậy, trao phó cho hai nhiệm vụ lớn.

Nhiệm vụ thứ nhất là làm Viện Trưởng viện Sùng Chính. Bấy giờ, Viện Sùng Chính là cơ quan trông coi về giáo dục, đồng thời, phụ trách việc dịch các tác phẩm kinh điển và giáo khoa của Nho gia ra chữ Nôm. Cùng làm việc với ông trong viện Sùng Chính còn có một số danh sĩ khác như Nguyễn Thiện5, Nguyễn Công, Phan Tố Định6,... v.v. Cơ quan viện Sùng Chính đã dịch xong bộ Tiểu học 7 và bộ Tứ thư8 từ chữ Hán ra chữ Nôm. Hai bộ sách dịch này gồm tất cả 32 tập. Bản dịch chuyển về Phú Xuân, được Quang Trung khen ngợi, ban thưởng cho 100 quan tiền, ngoài ra, Quang Trung còn sai Trấn Thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Thận cấp thêm cho Nguyễn Thiếp đến vài ba chục viên thư lại để giúp việc biên chép ở viện Sùng Chính. Quang Trung còn yêu cầu dịch gấp Ngũ kinh9 ra chữ Nôm mà trước hết là Kinh Thi, Kinh ThưKinh Dịch, hạn trong ba tháng là phải xong! Nhưng, công việc đang tiến hành dở dang thì ngày 16 tháng 9 năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời và sau đó không bao lâu thì Nguyễn Thiếp cũng rời bỏ chức vụ Viện Trưởng viện Sùng Chính để trở về với cuộc sống ẩn dật như cũ10.

Tuy tồn tại không lâu nhưng cơ quan viện Sùng Chính do Nguyễn Thiếp đứng đầu đã có những ảnh hưởng tốt đẹp và to lớn đối với chính quyền của Quang Trung nói riêng cũng như đối với sự phát triển của văn hóa nước nhà cuối thế kỷ thứ XVIII nói chung. Bấy giờ, Quang Trung chẳng những rất đề cao chữ Nôm mà còn muốn biến chữ Nôm thành văn tự chính thức của nước nhà. Nhiều văn kiện của nhà nước, bài làm của sĩ tử trong các khoa thi và một số giấy tờ quan trọng đã được viết bằng chữ Nôm. Việc làm táo bạo đó của Quang Trung đã được sự đồng cảm và ủng hộ mãnh liệt của Nguyễn Thiếp. Hai con người, hai thế hệ, hai chí hướng khác nhau, nhưng vẫn có sự gặp gỡ rất tương đắc với nhau. Văn học chữ Nôm thời Tây Sơn phát triển, một phần cũng bởi lí do này.


______________________________________
1. Lời đáp của Nguyễn Thiếp đối với Quang Trung về việc học. Dẫn lại của Hoàng Xuân Hãn trong La Sơn Phu Tử. Minh Tân xuất bản, Paris, 1950, trang 146.
2. Hoàng Xuân Hãn. Sách đã dẫn.
3. Ngô gia văn phái: Hoàng Lê nhất thống chí (Hồi thứ 14).
4. Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 30).
5. Nguyễn Thiện (1763-1818) người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh), đỗ Hương Cống năm 1782.
6. Nguyễn Công và Phan Tố Định hiện chưa rõ lai lịch.
7. Tiểu học là bộ sách giáo khoa, gồm các tác phẩm như Dương tiết, Minh Tâm, Thuyết ước...
8. Tứ Thư là một trong hai bộ kinh điển chủ yếu của Nho gia (Ngũ kinhTứ thư). Bộ Tứ thư gồm bốn tác phẩm: Luận ngữ, Trung dung, Đại họcMạnh Tử. Cả hai bộ Tiểu họcTứ Thư được viện Sùng Chính dịch xong vào tháng 7 năm 1792. Rất tiếc là chúng tôi chưa được tham khảo 32 tập bản dịch của viện Sùng Chính nên không dám có một nhận định nhỏ nào.
9. Ngũ kinh gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh DịchKinh Xuân Thu.10. Trong La Sơn Phu Tử (Minh Tân xuất bản, Paris. 1950. trang 149 - 158). Hoàng Xuân Hãn có giới thiệu bộ Thi kinh giai âm khắc năm Quang Trung thứ năm (tức là năm 1792) và đoán rằng, có thế đó là bản dịch bộ Kinh Thi của viện Sùng Chính. Chúng tôi không có bộ Thi kinh giai âm trong tay nên không dám lạm bàn. Còn Nguyễn Thiếp, sau khi Quang Trung mất một thời gian ngắn, đã quay về ẩn dật như cũ vì ông không đủ lòng tin, càng không thể phục đối với Quang Toản.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN THIẾP   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 I_icon13Sat 13 Mar 2010, 20:50

Nhiệm vụ thứ hai mà Nguyễn Thiếp đảm nhận là chọn nơi đóng đô cho chính quyền của Quang Trung Nguyễn Huệ. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế ở Phú Xuân (nay thuộc Huế). Địa điểm được chọn làm nơi đăng quang của Nguyễn Huệ là núi Bân1. Và cũng từ đó, kinh đô của chính quyền do Quang Trung Nguyễn Huệ đứng đầu được xác định là Phú Xuân. Sau cũng có lúc Nguyễn Huệ dự kiến dời đô ra vùng Yên Trường (nay thuộc Ninh Bình), nhưng cuối cùng, Nghệ An mới là đất được chọn lựa chính thức. Bấy giờ, người được ủy thác chọn địa điểm cụ thể trên đất Nghệ An để định đô là Nguyễn Thiếp. Đích thân Nguyễn Huệ viết thư bằng chữ Nôm gởi cho Nguyễn Thiếp để đốc thúc việc thực hiện quyết định quan trọng này2.

Thư có đoạn:

“Hành cung sao cho hậu cận sơn, kì chính địa, phỏng tại dân cư ư gian, hay là đâu cát địa khả đô, duy Phu Tử đạo nhãn giám định. Tảo tảo bốc thành. Ủy cho Trấn Thủ Thận tạo lập cung điện, kì tam nguyệt nội hoàn thành, đắc tiện giá ngự”3.

Nguyễn Thiếp đã chọn địa điểm đóng đô mới cho chính quyền Quang Trung Nguyễn Huệ ở khoảng giữa núi Kỳ Lân và núi Phượng Hoàng của Nghệ An. Kinh đô mới này được đặt tên là Phượng Hoàng Trung Đô. Núi Phượng Hoàng tức là núi Dũng Quyết hay núi Quyết, còn núi Kỳ Lân tức núi Mèo. Phía trước của Phượng Hoàng Trung Đô là sông Lam4. Công cuộc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô đang tiến hành dở dang thì Quang Trung Nguyễn Huệ đột ngột qua đời. Vua kế vị là Quang Toản không tiếp tục sự nghiệp này nữa, vì thế, Phượng Hoàng Trung Đô chưa bao giờ thực sự là kinh đô cả. Ngày nay, Phượng Hoàng Trung Đô vẫn còn một số những dấu tích.

Như vậy, Nguyễn Thiếp là một trong số những nhân vật đặc biệt, để lại dấu ấn khá rõ rệt trong thời Quang Trung trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Cuộc gặp gỡ giữa Quang Trung Nguyễn Huệ với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cũng là một trong những cuộc gặp gỡ khá độc đáo của thế kỷ thứ XVIII. Nguyễn Huệ tỏ ra rất trân trọng tài năng của Nguyễn Thiếp, nhiều lần sai quan lại cao cấp đến mời Nguyễn Thiếp5, sau lại tự mình đến gặp Nguyễn Thiếp. Và, cảm động trước sự ân cần thật sự chân tình đó, Nguyễn Thiếp đã dốc lòng vì Quang Trung Nguyễn Huệ, vì sự nghiệp cao cả của Tây Sơn.

Dưới thời Quang Trung, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là một nhà giáo lớn, một người có công đối với nền giáo dục. Chính ông là Chánh Chủ Khảo trong khoa thi Hương đầu tiên của chính quyền Quang Trung tổ chức tại Nghệ An năm 1789 và cũng chính ông là người được Quang Trung tin cậy giao phó cho việc khảo xét tài năng và đức độ của những người mới ra hợp tác với Tây Sơn để làm cơ sở cho việc bổ dụng. Nói tóm lại, nếu Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích là những văn thần được Quang Trung tin cậy ủy thác trông coi các hoạt động ngoại giao, thì La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là người được Quang Trung tin cậy ủy thác trông coi các hoạt động về văn hóa và giáo dục. Đóng góp của Nguyễn Thiếp thực sự là một phần sự nghiệp của Tây Sơn.

Nhiều thư tịch cổ còn cho biết thêm rằng, Nguyễn Thiếp còn có nhiều ý kiến xuất sắc, có ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến những cải cách kinh tế của Quang Trung.

Ngày 25 tháng chạp năm Quý Hợi (nhằm ngày 6-2-1804), La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp qua đời tại quê nhà, hưởng thọ 81 tuổi.


_____________________________________
1. Xin xem hình di tích núi Bân trong sách này.
2. Xin tham khảo bút tích của Nguyễn Huệ trong sách này.
3. Đoạn văn Nôm cổ ở trên xin tạm diễn nghĩa như sau: Nơi vua ở sao cho phía sau thì gần núi, đất được chọn hoặc là ở giữa chốn dân cư, hoặc là đâu đất tốt có thể làm kinh đô được tùy con mắt tinh tường của Phu Tử xét và định đoạt. Chọn nhanh nhanh lên. Ủy cho
quan Trấn Thủ là (Nguyễn Văn) Thận xây dựng cung điện, nội trong ba tháng phải xong để tiện cho vua ra ở.

4. Xin xem sơ đồ Phượng Hoàng Trung Đô trong sách này.
5. Năm 1786, Nguyễn Huệ sai hai viên quan cao cấp của bộ Binh và bộ Hình ra mời Nguyễn Thiếp. Năm 1787 lại hai lần cử quan cao cấp tới mời. Một lần do quan Lưu Thủ là Nguyễn Văn Phương đi và một lần do quan Binh Bộ Tả Thị Lang là Lê Tài đi.




- HẾT -

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 8 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Danh Tướng Việt Nam 1 - Nguyễn Khắc Thuần
» Danh Tướng Việt Nam 2 - Nguyễn Khắc Thuần
» Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần
Trang 8 trong tổng số 8 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Lịch Sử-