Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 21:05

EM CHIM HÁT HAY QUÁ by mytutru Yesterday at 20:11

QUY NHƠN TÔI YÊU by phambachieu Yesterday at 16:51

Mái Nhà Chung by mytutru Thu 09 May 2024, 23:18

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 09 May 2024, 12:56

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Thu 09 May 2024, 12:37

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Wed 08 May 2024, 11:15

Một thoáng mây bay 13 by Ai Hoa Wed 08 May 2024, 10:00

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Tue 07 May 2024, 23:54

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Tue 07 May 2024, 08:05

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:42

Chết rồi! by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:31

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Sun 05 May 2024, 11:06

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 19:13

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 06:36

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Wed 01 May 2024, 21:49

7 chữ by Tinh Hoa Tue 30 Apr 2024, 10:59

5 chữ by Tinh Hoa Sun 28 Apr 2024, 22:27

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8  Next
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN NHẠC, NGUYỄN HUỆ và NGUYỄN LỮ   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 I_icon13Sat 06 Mar 2010, 01:50

Nhận mệnh trời trên đỉnh Trung Sơn: ở Phú Lạc có khá nhiều núi non, nhưng nổi danh hơn cả vẫn là Trung Sơn. Núi này còn có nhiều tên gọi khác như Hòn Sung1, Hòn Sưng2, Độc Nhũ Sơn3, Độc Xỉ Sơn4. Tuy chỉ cao khoảng hơn 400 mét nhưng Trung Sơn vẫn được coi là một trong những ngọn núi thiêng. Sự tích Chàng Lía5 kể rằng, khi mẹ Chàng Lía qua đời, Chàng Lía đội quan tài trên đầu, một tay thì giữ, một tay cầm cái mâm vụt mạnh. Mâm bay, Chàng Lía nhanh chân nhảy lên và cứ thế bay mãi, bay mãi đến đỉnh Trung Sơn thì dừng lại. Chàng Lía đã mai táng mẹ ở đó. Hiện nay trên đỉnh Trung Sơn còn có một tảng đá bằng phẳng, hình chữ nhật, bên cạnh lại có hai tảng đá vuông vức chồng lên nhau, người địa phương nói đó là mả của mẹ Chàng Lía.

Thời bấy giờ, Trung Sơn có rất nhiều cọp, vì thế, hầu như chẳng mấy ai dám bước chân lên. Một hôm, Nguyễn Nhạc tổ chức một bữa tiệc linh đình trong nhà mình. Trong số khánh mời có khá nhiều vị Tù Trưởng, những người vốn dĩ rất cả tin nhưng cũng rất đa nghi. Đêm khuya, khi tiệc vừa tàn thì bỗng thấy trên đỉnh Trung Sơn lửa sáng rực trời và tiếp đó là tiếng chiêng trống rộn rã nổi lên. Nguyễn Nhạc cùng với nhiều vị Tù Trưởng rủ nhau cầm đuốc đi lên xem chuyện gì đã xảy ra. Khi gần đến nơi, họ bỗng thấy ở chỗ mả của mẹ Chàng Lía, có nhiều người ăn mặc thật dị kì, nắm tay nhau múa hát theo nhịp trống nhịp chiêng chung quanh một đống lửa lớn. Đang lúc kinh ngạc và lo sợ thì bỗng có một người cao lớn nhất, ăn mặc dị kì nhất, bước ra và dõng dạc nói:

- Truyền cho Nguyễn Nhạc tới đây!

Nguyễn Nhạc run lẩy bẩy, ngoan ngoãn bò tới. Người cao lớn liền mở một cái hòm thật đẹp, lấy ra một tờ giấy và trịnh trọng đọc rồi nói rằng:

- Ta vâng mệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế, truyền cho ngươi được quyền làm vua để trị vì thiên hạ kể từ đây.

Được chứng kiến cảnh này, các vị Tù Trưởng đều rất tin rằng Nguyễn Nhạc chính là người được trời sai xuống để làm vua thiên hạ chứ không phải là bị trời đày xuống.

Trời đã ban cho ấn kiếm lại còn cho cả bút nghiên để biên chép một sự nghiệp phi thường: Sau đêm kính nhận mệnh trời trên đỉnh Trung Sơn được một thời gian, thì một hôm, trời bỗng nổi sấm chớp đùng đùng rồi tuôn mưa xối xả. Nguyễn Nhạc đang vui vẻ đàm đạo với khách tại nhà thì thấy một người hớt hải đội mưa chạy đến và thưa:

- Vừa rồi, sét đánh vỡ tung một tảng đá trên Hòn Giải, tôi tình cờ đi qua và thấy trong đám đá vụn, có cái này.

Nguyễn Nhạc chỉ mới liếc qua đã mỉm cười và nói:

- Đó là ấn thiêng trời ban cho ta, ta biết rồi, đưa đây.

Mọi người chưa hết ngạc nhiên thì lại thấy một người khác, cũng hớt hải đội mưa chạy đến nhà Nguyễn Nhạc và thưa rằng:

- Lúc nãy, tôi tình cờ đi qua Gò Sặt, thấy sét đánh vỡ tung một tảng đá và trên đống đá vụn ấy, có thanh kiếm lạ này.

Nguyễn Nhạc cũng chỉ liếc qua một cái đã quả quyết:

- Đó là kiếm báu trời ban cho ta, ta biết rồi, đưa đây.

Từ đây, Nguyễn Nhạc có thêm ấn thiêng và kiếm báu, tin ấy nhanh chóng loan đi khắp nơi, thiên hạ cho rằng chuyện đất bằng nổi sóng chắc chẳng còn bao lâu nữa. Hòn Giải từ đó có tên là Ấn Sơn và Gò Sặt cũng kể từ đó có tên là Kiếm Sơn.

Bấy giờ, lòng người ở Tây Sơn đều hướng về Nguyễn Nhạc, người ta tin là nhất định sẽ có ngày Nguyễn Nhạc chính thức lên ngôi. Có nhân kiệt ấy cũng bởi có địa linh, mỗi ngọn núi của Tây Sơn từ đây lại có thêm những tên gọi mới, hùng tráng và thiêng liêng kì lạ:

- Núi Ngang (tên chữ là Hoành Sơn) vốn dĩ chỉ là một dãy núi bình thường, nhưng từ đây lại được mô tả với dáng vẻ khác thường: xa trông, Hoành Sơn như bức bình phong của trời ban tặng.

- Hai ngọn núi nho nhỏ ở Tây Sơn, một ở bên phải và một ở bên trái Hoành Sơn, từ đây được người đời gọi là Nghiên Sơn và Bút Sơn. Trên đỉnh Nghiên Sơn có vũng nước không bao giờ cạn, đời truyền tụng rằng đó chính là nguồn mực vô tận, đủ để chép tất cả những sự tích phi thường của Tây Sơn. Bút Sơn xa trông như một ngọn bút lớn đang chĩa thẳng lên trời. Chuyện “kinh thiên động địa” của Tây Sơn phải chép giữa trời xanh rộng lớn cho muôn đời thấu tỏ.


- Cũng ở dưới chân Núi Ngang, có hai núi nhỏ nữa. Một có tên là Hòn Giải, tức Ấn Sơn, thi thoảng cũng có người gọi là Cổ Sơn. Sở dĩ gọi là Cổ Sơn vì xa trông, Ấn Sơn hay Hòn Giải rất giống hình cái trống (âm Hán Việt đọc là Cổ). Núi nhỏ thứ hai vốn có tên là Hòn Một, bỗng được mang tên mới là Chung Sơn. Sở dĩ gọi là Chung Sơn vì xa trông, ngọn núi này có hình dáng tựa như cái chuông (âm Hán Việt đọc là Chung). v v

- v.v.

Nhưng, nếu Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế thì liệu ngôi vị Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc sẽ tồn tại trong bao lâu? Nếu Nguyễn Nhạc ở ngôi lâu, lại truyền nối được nhiều đời mà không theo Nguyễn Nhạc, tức là trái mệnh trời, thế nào cũng sẽ bị nghiêm trị. Nếu Nguyễn Nhạc chỉ ở ngôi Hoàng Đế trong một thời gian ngắn, thì theo Nguyễn Nhạc, sau thế nào cũng sẽ bị kẻ khác trả thù. Nguyễn Nhạc biết rất rõ điều này, vì thế, ông lại âm thầm tìm cách trấn an. Và, đó chính là cơ sở nảy sinh của một câu chuyện li kì khác.

Táng hài cốt song thân vào long mạch dưới chân Hoành Sơn, Nguyễn Nhạc ngầm tỏ rằng nghiệp Đế Vương của dòng họ mình sẽ vững bền mãi mãi: Chuyện kể rằng, vào một ngày nọ, có một thầy địa lí lừng danh từ Trung Quốc đi sang. Lần theo mạch đất, ông đến Tây Sơn và lặng lẽ dừng lại dưới chân Hoành Sơn. Sau nhiều ngày trầm ngâm suy nghĩ, ông ta liền trồng hai bụi trúc ở hai vị trí khác nhau, ngay trên khu đất đầy sỏi. Nguyễn Nhạc bí mật theo dõi và thấy thầy địa lí đến ngay vuông đất đầy sỏi là sỏi, trồng vào đó hai khóm trúc rồi đi thẳng. Biết chắc đó là phép thử huyệt khí, Nguyễn Nhạc liền canh chừng từng ngày một. Thế rồi một trong hai khóm trúc khô héo dần và chết, còn một khóm nữa thì xanh tươi lạ thường. Nguyễn Nhạc hiểu là long huyệt nằm ở đấy, bèn đào một khóm trúc đã chết khô ở nơi khác đem đến, nhổ khóm trúc tươi tốt đi mà trồng thay vào. Việc vừa xong thì cũng đúng lúc thầy địa lí quay trở lại. Thấy cả hai khóm trúc đều khô héo, ông ta liền bỏ đi luôn, sau, không hề thấy ông ta về Tây Sơn lần nào nữa.

Thầy địa lí đi rồi, Nguyễn Nhạc lập tức đem hài cốt của song thân cải táng vào long huyệt. Việc này khiến cho dân Tây Sơn đương thời rất vui, bởi lẽ họ tin rằng, một người được trời che đất chở như Nguyễn Nhạc, phúc đức sẽ bền lâu vô cùng. Họ tin và đến với Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ ngày một đông đảo.

Khu mộ cải táng của song thân Nguyễn Nhạc, về sau bị triều Nguyễn khai quật để trả thù, đó chính là di tích Hai hố Nguyệt đã nói ở mục Quê hương và gia đình.

Cũng chuyện cải táng hài cốt của song thân vào long huyệt do thầy địa lí người Trung Quốc tìm ra, dân Tây Sơn còn có truyền thuyết kể rằng, sau khi biết chắc rằng mình đã tìm được long huyệt dưới chân Hoành Sơn, thầy địa lí người Trung Quốc liền trở về cố hương, lấy hài cốt của tổ tiên mình đựng vào một cái tráp thật đẹp, đem sang để cải táng vào đấy. Nhưng ông ta đi gần đến nơi thì bị một con cọp lao ra. Hốt hoảng quá, thầy địa lí người Trung Quốc bèn quăng cả tráp mà chạy. Khi hoàn hồn quay trở lại, thấy cái tráp hãy còn nguyên, nằm lăn lốc bên đường, ông ta vui mừng đem đến long huyệt mai táng cẩn thận. Xong, ông ta về mà không hề biết rằng, con cọp kia chỉ là cái lốt, Nguyễn Nhạc đội vào để hù, còn cải tráp kia tuy ngỡ như còn y nguyên, nhưng kì thực, hài cốt bên trong đã bị Nguyễn Nhạc đánh tráo. Đó không còn là hài cốt tổ tiên thầy địa lí mà là hài cốt của song thân Nguyễn Nhạc.


*
* *

Vài truyền thuyết dân gian kể trên, rõ ràng là mang rất đậm màu sắc mê tín. Đó là hiện tượng tự nhiên của thế kỷ thứ XVIII và của quá khứ dân tộc ta nói chung. Có truyền thuyết nẩy sinh do chính lòng ngưỡng mộ của nhân dân đối với ba anh em Tây Sơn, tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng có những truyền thuyết, hoặc giả là một phần nào đó của truyền thuyết, do chính ba anh em Tây Sơn xây dựng nên. Nhưng, bất kể là ra đời từ nguồn gốc trực tiếp nào, kết quả đáng yêu của những truyền thuyết nói trên cũng đều là một, đó là đã tạo ra được sự nhất trí hành động ngày càng cao độ trong đồng bào các dân tộc anh em ở Tây Sơn, là đã tạo ra được một ngọn cờ chính trị, thể hiện ý chí quật khởi chung của nhân dân bị áp bức đương thời. Về phương diện đó mà xét, những câu chuyện li kì nói trên có ý nghĩa thực tiễn rất lớn lao.

Chuẩn bị về lực lượng và tồ chức

Như trên đã nói, đất Tây Sơn lúc bấy giờ có khá nhiều đồng bào các dân tộc ít người, trong đó, đông đảo hơn cả vẫn là đồng bào người Bana và đồng bào người Xêđăng. Ngoài đồng bào các dân tộc ít người, từ thế kỷ XVII, Tây Sơn còn có thêm một số làng xã của người Việt và cả người Hoa. Để có lực lượng, trước hết, ba anh em Tây Sơn đã tập hợp và huy động các tầng lớp nhân dân ở ngay quê hương mình.

Truyền thuyết dân gian vùng Tây Sơn cũng cho hay rằng Nguyễn Nhạc có một người vợ lẽ là con gái của Tù Trưởng người Bana. Người vợ lẽ này thường được gọi là Cô Hầu. Gia đình Cô Hầu sống ở Cổ Yêm (đất này nay thuộc An Khê, tỉnh Gia Lai). Cổ Yêm vừa là tên một thung lũng rất rộng, đất đai phì nhiêu, lại cũng vừa là tên một ngọn núi. Núi ấy cứ đến chiều tà là có hàng ngàn con chim bay về nghỉ ngơi, cho nên, mới có thêm tên chữ là Mộ Điểu. Tuy kết hôn với Nguyễn Nhạc nhưng người vợ lẽ này vẫn ở lại Cổ Yêm. Tại đây, cô ngày ngày lo tổ chức sản xuất để tích trữ lương thực cho Nguyễn Nhạc, vì thế, thung lũng Cổ Yêm cũng có tên là đồng Cô Hầu, núi Mộ Điểu về sau được coi là một trong những nơi phát tích của Nguyễn Nhạc, cho nên, lại có thêm tên mới là núi Hoàng Đế. Từ mối quan hệ hôn nhân này, Nguyễn Nhạc đã lôi kéo được rất nhiều đồng bào các dân tộc ít người tham gia vào lực lượng nghĩa sĩ của mình.

Tại Tây Sơn có hai ngọn núi mang hai tên gọi khá đặc biệt, một là Hòn Ông Bình và một nữa là Hòn Ông Nhạc. Hòn Ông Bình là nơi Nguyễn Văn Bình (tức Nguyễn Huệ) tập hợp và huấn luyện binh sĩ trước lúc khởi nghĩa. Hòn Ông Nhạc là nơi Nguyễn Nhạc tập hợp và huấn luyện binh sĩ trước khi làm lễ tế cờ xuất quân. Truyền thuyết dân gian nói rằng, trong ba anh em Tây Sơn, Nguyễn Lữ được phân công lo sản xuất và tích trữ lương thực, không trực tiếp tham gia huấn luyện binh sĩ như hai anh của mình. Kho tàng Tây Sơn do Nguyễn Lữ phụ trách để ở Núi Lãnh Lương (tên cũ là núi Đồng Phong).

Trong số rất đông đảo những người ủng hộ và tham gia phong trào Tây Sơn ở giai đoạn chuẩn bị này, có hai nhân vật được nhắc tới nhiều nhất đó là Huyền Khê và Nguyễn Thung. Hai ông đều là những người rất giàu có và đã đem tất cả của cải nhà mình dâng nạp cho nghĩa quân. Về sau, khi Nguyễn Nhạc tự phong làm Đệ Nhất Trại Chủ thì Nguyễn Thung được phong làm Đệ Nhị Trại Chủ, chỉ huy quân dân ở hai huyện Bồng Sơn và Phù Ly, còn Huyền Khê được phong là Đệ Tam Trại Chủ, trông coi về quân lương cho Tây Sơn.

Càng về sau, chủ trương tập hợp và huy động sức mạnh của toàn dân càng được anh em Tây Sơn mở rộng. Ở huyện Tuy Viễn (nay thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định), có ông bầu gánh hát tên là Nhưng Huy và một kép hát tên là Tứ Linh đã đi theo nghĩa quân. Ở Thạch Thành (nay thuộc Phú Yên) có nữ chúa người Chăm là Thị Hỏa cũng đã hăng hái hưởng ứng, lập đồn trại, luyện binh mã, sẵn sàng ứng viện cho nghĩa quân Tây Sơn. Sự có mặt của một bầu hát và một kép hát cùng với sự sẵn lòng ủng hộ của nữ chúa Thị Hỏa tỏ rõ ảnh hưởng rất sâu và rất rộng của Tây Sơn.

Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ là những người có công chuẩn bị một cách công phu và chu tất cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cũng là những người đứng đầu của bộ chỉ huy khởi nghĩa.

Chuẩn bị về khẩu hiệu đấu tranh

Như trên đã nói, từ nửa cuối của thế kỷ thứ XVII trở đi, ách thống trị của tập đoàn họ Nguyễn ngày một nặng nề, mâu thuẫn xã hội ở xứ Đàng Trong ngày một trở nên sâu sắc. Cũng từ nửa cuối của thế kỷ thứ XVII trở đi, một số phong trào đấu tranh của nhân dân Đàng Trong đã bùng nổ, trong đó, nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa do Chàng Lía (tức Võ Văn Đoan) phát động6 và cuộc vùng dậy do Lý Văn Quang chỉ huy7. Vấn đề quan trọng hàng đầu của xã hội Đàng Trong lúc ấy là phải cứu dân nghèo. Xuất phát từ nhận thức đó, khẩu hiệu khởi nghĩa đầu tiên mà ba anh em Tây Sơn đề ra là lấy của nhà giàu chia cho người nghèo. Các giáo sĩ phương Tây có mặt ở nước ta lúc bấy giờ đều xác nhận rằng Tây Sơn đã “lấy của cải bọn quan lại và bọn nhà giàu phân phát cho dân nghèo. Những làng mạc bị thuế má hà khắc đè nặng đã nhiệt liệt tuyên thệ hưởng ứng khởi nghĩa”8. Hoặc: “Họ (chỉ Tây Sơn - NKT) lấy những của quý đem chia cho dân nghèo, chỉ giữ gạo và thực phẩm cho họ mà thôi. Người ta gọi họ là bọn giặc nhân đức đối với người nghèo khổ”9. Trong Hịch xuất quân đánh Trịnh, các lãnh tụ Tây Sơn gọi đó là: “Tưới mưa dầm khi hạn, kẻo cùng dân sa chốn lầm than”. Đây là khẩu hiệu có ý nghĩa tập hợp lực lượng ngày càng đông đảo cho Tây Sơn.

Có mặt ở Tây Sơn trong thời kì trứng nước của cuộc khởi nghĩa này, thầy giáo Hiến có một ảnh hưởng không nhỏ. Những hiểu biết của thầy giáo Hiến về nội tình rối ren của phủ chúa Nguyễn, trở thành cơ sở quan trọng để Tây Sơn nêu khẩu hiệu hành động thứ hai, đó là ủng hộ Hoàng Tôn Dương, đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan. Đây là khẩu hiệu có ý nghĩa phân hóa kẻ thù. Bởi khẩu hiệu này, cuộc đối đầu giữa Tây Sơn và tập đoàn họ Nguyễn, cũng có lúc
được dân gian diễn đạt như là cuộc đối đầu giữa Quốc Phó Trương Phúc Loan với Hoàng Tôn Dương:

Binh triều là binh Quốc Phó,
Binh ó là binh Hoàng Tôn
10.

Một khi nội bộ kẻ thù bị phân hóa và chia rẽ sâu sắc, khả năng đề kháng của chúng sẽ yếu đi rất nhanh, và ngược lại, cơ hội thành công của Tây Sơn đến ngày một nhiều.


____________________________________
1. Hòn Sung được giải thích là vì xa trông chẳng khác gì một con bò đực sung sức
2. Hòn Sưng được giải thích là vì núi có nhiều chỗ nhấp nhô, xa trông giống như bị đánh sưng lên.
3. Độc Nhũ Sơn có khi được giải thích là xa trông tựa như một núm vú riêng lẻ, nhưng, xét mặt chữ Hán trong Đại Nam nhất thống chí (Bình Định tỉnh) thì lại có nghĩa là núi vú nghé.
4. Độc Xỉ Sơn được giải thích là xa trông tựa như một chiếc răng nanh.
5. Chàng Lía tên thật là Võ Văn Đoan, quê ở Bích Khê (huyện Phù Mỹ), thủ lĩnh của mộc cuộc khởi nghĩa lớn trước Tây Sơn.
6. Ở phủ Quy Nhơn cũ, nay thuộc tỉnh Bình Định.
7. Cuộc khởi nghĩa này xảy ra ở Cù Lao Phố, nay thuộc Biên Hòa, Đồng Nai. Lý Văn Quang là một thương nhân người Hoa, tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa đã được khá đông các thành phần xã hội khác hưởng ứng.
8. Emmanuel Castuera (giáo sĩ Tây Ban Nha). Dẫn lại của Lorenzo Pérez trong Les Espagnols dans l’Empire d’Annam (Bulletin de la Société des Études Indochinoises, nouvelle série, tome XV, 4-1940).
9. Diégo de Jumilla (giáo sĩ Tây Ban Nha). Dẫn lại của Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng trong Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ. Nxb. QĐND, Hà Nội, 1971, trang 33.
10. Sở dĩ gọi là binh ó vì quân đội Tây Sơn (quân ủng hộ Hoàng Tôn Dương) mỗi khi ra trận thường la ó để uy hiếp tinh thần đối phương.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Thu 11 Mar 2010, 00:03; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN NHẠC, NGUYỄN HUỆ và NGUYỄN LỮ   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 I_icon13Sat 06 Mar 2010, 02:24

02. GIAI ĐOẠN THỨ HAI: KHỞI NGHĨA VÀ CHIẾN ĐẤU
QUYẾT LIỆT Ở XỨ ĐÀNG TRONG

(Từ đầu năm 1771 đến giữa năm 1784)

“Quảng Nam đà quét sạch bụi trần,
Thuận Hóa lại đem về bở cõi.
Nam một dải tăm kình phẳng lặng,
Cơ thái bình đứng đợi đã gần,
Bắc mấy thành tin nhạn chưa yên,
Bé cứu viện ngồi trông sao tiện”
1



Toàn bộ quá trình chuẩn bị công phu của Tây Sơn có lẽ chỉ diễn ra trong khoảng vài ba năm trước năm 1771. Từ đầu năm 1771, các lãnh tụ Tây Sơn quyết định khởi nghĩa, mở đầu cuộc trường chinh vĩ đại của mình. Từ đầu năm 1771 đến giữa năm 1784 là giai đoạn khá đặc biệt của Tây Sơn. Nhìn về tính chất, có thể nói đây là giai đoạn Tây Sơn gần như chỉ thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là đấu tranh chống ách thống trị của tập đoàn họ Nguyễn, tức là mang đầy đủ những đặc trưng cơ bản của một cuộc chiến tranh nông dân. Nhìn về phạm vi hoạt động, đây là giai đoạn Tây Sơn chiến đấu quyết liệt ở khu vực từ Quảng Nam trở vào, tức là hoàn toàn thuộc không gian riêng của Đàng Trong. Giai đoạn thứ nhất này có thể chia làm ba chặng nối tiếp nhau như sau:


Chặng thứ nhất: Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ và liên tiếp giành được nhiều thắng lợi vang dội, giải phóng một vùng đất rộng lớn, tương ứng với các tỉnh ngày nay như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên (từ đầu năm 1773 đến cuối năm 1774).

Trong khoảng hai năm đầu, nghĩa quân Tây Sơn hoạt động chủ yếu ở vùng rừng núi Tây Sơn, biến vùng đất rộng lớn, tương ứng với huyện Tây Sơn của Bình Định và An Khê của Gia Lai ngày nay thành căn cứ vững chắc của mình. Chính quyền của chúa Nguyễn biết rất rõ thực tế này nhưng vẫn hoàn toàn bất lực không đề ra được một biện pháp chống trả nào đáng kể.

Năm 1773, khi xét thấy quân số ngày một đông, tiềm lực ngày một mạnh, anh em Tây Sơn đã nhanh chóng mở rộng phạm vi tấn công. Lần lượt các huyện Bồng Sơn2, Phù Ly3, Tuy Viễn4... lọt vào tay Tây Sơn. Cuối năm 1773, thành Quy Nhơn bị Tây Sơn đánh gục.

Sau khi chiếm được thành Quy Nhơn, Tây Sơn cho quân đánh mạnh ra vùng Quảng Ngãi và Quảng Nam ngày nay. Tại đây khá nhiều thương nhân người Hoa đã hăng hái tham gia nghĩa quân. Sử cũ có chép tên hai nhân vật người Hoa đặc biệt, một là Lý Tài (thủ lĩnh của đội quân Hòa Nghĩa) và một nữa là Tập Đình (thủ lĩnh của đội quân Trung Nghĩa). Hai đội quân này đã chiến đấu dưới ngọn cờ Tây Sơn trong khoảng hơn ba năm5.


Tin bại trận liên tiếp đưa về. Chúa Nguyễn hốt hoảng sai tướng đem quân đi chống trả nhưng không sao cản nổi bước tiến của Tây Sơn. Đến cuối năm 1774, Tây Sơn đã chiếm được một vùng đất rộng lớn và liên hoàn, tương ứng với một loạt các tỉnh ngày nay như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum Gia Lai và Phú Yên. Thậm chí, một số đạo quân của Tây Sơn còn đánh vào đến tận vùng Nha Trang ngày nay.

Chặng thứ hai: tạm hòa hoãn với quân Trịnh, kịp thời phá thế bị tấn công cùng lúc ở hai mặt Nam-Bắc khác nhau (từ cuối năm 1774 đến đầu năm 1776)

Diễn biến của tình hình Đàng Trong được chúa Trịnh lúc bấy giờ là Trịnh Sâm6 rất quan tâm. Đang lúc Trịnh Sâm có ý định can thiệp vào Đàng Trong thì “Trấn Thủ ở Nghệ An là Bùi Thế Đạt7 sai người chạy ngựa trạm về triều đình, đệ trình văn thư nói rằng tình trạng ở Thuận Hóa (chỉ Đàng Trong - NKT) rất rối ren, có thể nhân đó mà đánh lấy được. Bọn Hoàng Ngũ Phúc và Nguyễn Nghiễm cũng tán đồng ý kiến này, do vậy, Trịnh Sâm bèn quyết chí sai quân đi đánh”8. Một bộ chỉ huy hành quân được gấp rút thành lập, cụ thể như sau:

- Hoàng Ngũ Phúc giữ chức Tổng Chỉ Huy.

- Phan Lê Phiên9 và Uông Sĩ Điển10 giữ chức Tùy Quân Tham Biện.

- Đoàn Nguyễn Thục giữ chức Đốc Thị.

- Hoàng Phùng Cơ11, Hoàng Đình Thể12 cùng với hai nhân vật thân tín khác là Nguyễn Lệ13 và Hoàng Đình Bảo14 cũng được chỉ định tham gia bộ chỉ huy.

Lực lượng quân sĩ của chúa Trịnh được huy động vào cuộc Nam chinh này là ba vạn. Tháng 10 năm 1774, đạo quân ba vạn này bất đầu vượt sông Gianh, mở đầu cuộc tấn công ồ ạt và bất ngờ vào Đàng Trong. Phủ chúa Nguyễn bị kẹp chặt bởi hai thế lực đối nghịch, phía Bắc là quân Trịnh và phía Nam là quân Tây Sơn. Bấy giờ, Hoàng Ngũ Phúc tuyên bố rằng: “việc hành quân này bất quá chỉ để trừ khử một Trương Phúc Loan và phe đảng của hắn, sau nữa là diệt bọn giặc kiệt hiệt (ý chỉ Tây Sơn - NKT) chứ thực tình không có ý gì khác”15. Đứng trước tình thế thúc bách như vậy, cách duy nhất là phải thí bỏ Trương Phúc Loan, kẻ mà cả Tây Sơn lẫn quân Trịnh đều lên án, trong phủ chúa cũng lắm người không ưa. Tướng của chúa Nguyễn là Nguyễn Cửu Pháp16 liền lập mưu bắt sống Trương Phúc Loan giao cho Hoàng Ngũ Phúc, nhưng, Hoàng Ngũ Phúc vẫn lấy cớ là chưa diệt được Tây Sơn nên vẫn cho quân tiến vào. Không còn con đường nào khác nữa, chúa Nguyễn cùng với toàn bộ tôn thất và bá quan văn võ phải bỏ Phú Xuân, tìm đường chạy vào Gia Định (tức vùng Nam Bộ ngày nay).

Đến Gia Định, chúa Nguyễn dần dần củng cố lực lượng của mình và điều đó đã khiến cho tình thế xoay chuyển có phần bất lợi cho Tây Sơn. Từ đây, lực lượng bị kẹp chặt ở giữa hai đối phương hùng mạnh không phải là chúa Nguyễn nữa mà là Tây Sơn. Họ Trịnh và họ Nguyễn tuy là hai thế lực không đội trời chung, nhưng trong tình huống đặc biệt này, chúng rất dễ có thể liên minh để chống Tây Sơn. Xuất phát từ nhận định ấy, Tây Sơn đã có một chủ trương rất đúng đắn và cũng rất kịp thời, đó là tạm thời hòa hoãn với quân Trịnh để chủ động phá thế bị tấn công cùng lúc từ hai mặt Nam-Bắc khác nhau. Bấy giờ, quân sĩ của Hoàng Ngũ Phúc vừa mệt mỏi vì hành quân xa, lại vừa bị bệnh dịch hoành hành, cho nên, vui vẻ nhận lời cầu hòa ngay. Về phần mình, Hoàng Ngũ Phúc cũng muốn mượn việc hòa hoãn để lợi dụng. Hắn hi vọng rằng cả Tây Sơn và chúa Nguyễn sẽ mệt mỏi và kiệt sức trong cuộc tranh hùng, và đến lúc đó hắn sẽ ra tay cũng không muộn.


Chặng thứ ba: năm lần tấn công vào Gia Định, lật nhào cơ đồ thống trị của họ Nguyễn ở Đàng Trong (từ đầu năm 1776 đến giữa năm 1784)

Sau khi được tạm yên ở mặt Bắc, Tây Sơn quyết tâm dốc sức tiêu diệt quân Nguyễn ở mặt Nam. Năm chiến dịch lớn đã được tổ chức. Đại lược như sau:

- Lần thứ nhất là vào tháng hai năm Bính Thân (1776) do Nguyễn Lữ chỉ huy. Nguyễn Lữ đã đánh bật quân đội chúa Nguyễn ra khỏi thành Gia Định và ráo riết cho quân truy đuổi Nguyễn Phúc Thuần. Chúa Nguyễn Phúc Thuần may được một giáo sĩ phương Tây là Diego de Jumilla giấu ở dưới giường ngủ mới thoát được Tuy nhiên, Nguyễn Lữ cũng chỉ chiếm giữ thành Gia Định trong một thời gian rất ngắn rồi lại rút về Quy Nhơn.

- Lần thứ hai là vào tháng ba năm Đinh Dậu (1777). Lần này, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã tấn công rất dữ dội. Nguyễn Phúc Dương (lúc này là Tân Chính Vương) và sau đó là Nguyễn Phúc Thuần (lúc này là Thái Thượng Vương) đều bị bắt và bị giết. Đến đây, cơ đồ của họ Nguyễn gây dựng trên hai trăm năm kể như đã bị lật đổ hoàn toàn.

Cầm đầu tàn quân của họ Nguyễn lúc này chỉ còn có Nguyễn Ánh nữa mà thôi17.

- Lần thứ ba là vào tháng hai năm Mậu Tuất (1778). Lần này quân Tây Sơn do hai tướng là Tổng Đốc Chu (hiện chưa rõ họ) và Hộ Giá Phạm Ngạn chỉ huy. Tổng Đốc Chu và Hộ Giá Phạm Ngạn đã đánh khá mạnh vào vùng tương ứng với Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, nhưng rất tiếc là không giành được thắng lợi. Tây Sơn chẳng những mất Gia Định mà còn mất luôn cả vùng Bình Thuận.

- Lần thứ tư là vào tháng ba năm Nhâm Dần (1782). Lần này, quân Tây Sơn do cả Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ chỉ huy. Mục tiêu của lần này là đánh gục tàn binh của Nguyễn Ánh. Và, Tây Sơn đã thành công, Nguyễn Ánh bị đại bại, phải chạy đi phiêu bạt đó đây. Viên sĩ quan phương Tây giúp Nguyễn Ánh là Manuel (sử cũ phiên âm là Mạn Hòe) bị giết chết.

- Lần thứ năm là vào tháng hai năm Quý Mão (1783). Lần này, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ chỉ huy. Mục tiêu của Tây Sơn lần này vẫn là đập tan lực lượng của Nguyễn Ánh vừa mới được hồi phục. Với cuộc tấn công này, Nguyễn Ánh bị đánh cho tơi bời, nhưng rốt cuộc, hắn vẫn trốn thoát được.

___________________________________
1. Hịch xuất quân đánh Trịnh năm 1786 của Tây Sơn.
2. Huyện Bồng Sơn xưa thuộc phủ Hoài Nhơn, nay thuộc Bình Định.
3. Huyện Phù Ly xưa nay tương ứng với đất đai của hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ của tỉnh Bình Định.
4. Huyện Tuy Viễn xưa, nay là huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
5. Cuối năm 1776, cả Lý Tài lẫn Tập Đình đều làm phản, bỏ Tây Sơn theo Nguyễn Ánh, nhưng hai nhân vật này không được Nguyễn Ánh tin dùng.
6. Con của Trịnh Doanh, làm chúa 15 năm (1767-1782).
7. Bùi Thế Đạt người làng Tiên Lý, huyện Đông Thành (nay thuộc Nghệ An) là võ quan cao cấp.
8. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 44, tờ 10).
9. Phan Lê Phiên (1735-1809) người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay là thôn Đông Ngạc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội), đỗ Tiến Sĩ năm 1757.
10. Uông Sĩ Điển (1737-?) người làng Vũ Nghị, huyện Thanh Lan (nay là xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), đỗ Tiến Sĩ năm 1766.
11. Hoàng Phùng Cơ người làng Vân Cốc (nay thuộc Hà Tây), từng theo Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, sau phản bội.
12. Hoàng Đình Thể người làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc (nay thuộc Thanh Hóa), đỗ Tạo Sĩ (Tiến Sĩ võ).
13. Nguyễn Lệ tức Nguyễn Khản, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), con của Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm và anh của thi hào Nguyễn Du, ông đỗ Tiến Sĩ năm 1760.
14. Hoàng Đình Bảo tức Hoàng Tố Lý, cháu của Hoàng Ngũ Phúc. Ông người làng Phụng Công, huyện Yên Dũng (nay thuộc tỉnh Bắc Giang).
15. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 44, tờ 19).
16. Nguyễn Cửu Pháp là con của Nguyễn Cửu Thế, tổ tiên vốn người huyện Tống Sơn (nay thuộc Thanh Hóa) nhưng sinh trưởng tại Đàng Trong.
17. Nguyễn Ánh tức Nguyễn Phúc Ánh hay Nguyễn Phúc Chủng là con thứ ba của Nguyễn Phúc Luân (cũng tức là Nguyễn Phúc Kỳ), mà Nguyễn Phúc Luân là con thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Nguyễn Ánh sinh năm Nhâm Ngọ (1762). Về sau, Nguyễn Ánh đánh bại được Tây Sơn và lên ngôi Hoàng Đế, đó là Gia Long (1802-1819).

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Thu 11 Mar 2010, 00:05; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN NHẠC, NGUYỄN HUỆ và NGUYỄN LỮ   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 I_icon13Sat 06 Mar 2010, 02:29

03. GIAI ĐOẠN THỨ BA: KẾT HỢP ĐÁNH CẢ THÙ TRONG LẪN GIẶC NGOÀI

(Từ cuối năm 1784 đến đầu năm 1789)


Đây là giai đoạn ngắn nhất nhưng lại chính là giai đoạn rực rỡ nhất của phong trào Tây Sơn. Xét về quy mô, đây là giai đoạn Tây Sơn hoạt động trên phạm vi cả nước. Xét về tính chất, đến đây, Tây Sơn đã đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ trọng đại khác nhau. Một là đẩy mạnh và mở rộng cuộc tấn công vào cơ đồ của giai cấp phong kiến thống trị ở cả Đàng Ngoài. Hai là dũng cảm đảm nhận sứ mệnh bảo vệ độc lập dân tộc, lập nên những võ công chống xâm lăng vô cùng hiển hách, góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống ngoan cường, bất khuất của cả dân tộc ta. Đại để, tính theo tuần tự thời gian thì giai đoạn này có mấy sự kiện nổi bật sau đây:

- Cuối năm Giáp Thìn (1784), đầu năm 1785, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã quét sạch năm vạn quân Xiêm La do Nguyễn Ánh rước về trong trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm Xoài Mút. Từ đây, nói theo cách nói của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp thì “quân đội nông dân đã chuyển hóa một cách kì diệu và tự nhiên thành quân đội dân tộc”1.

- Giữa năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã tấn công vào quân Trịnh ở Phú Xuân, toàn bộ xứ Đàng Trong đã hoàn toàn thuộc về Tây Sơn.

- Ngay sau khi đánh bại đạo quân đông đảo của chúa Trịnh ở Phú Xuân, lực lượng Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã táo bạo tấn công ra Đàng Ngoài, lật nhào cơ đồ thống trị của họ Trịnh. Đây là cuộc tấn công có hai ý nghĩa hết sức lớn lao. Một là xóa bỏ biên giới sông Gianh chia cắt đất nước từ rất lâu dài trước đó, mở ra một trong những cơ sở quan trọng cho việc thống nhất quốc gia sau này. Hai là chấm dứt ách thống trị thối nát của họ Trịnh, tức là tiêu diệt trở lực lớn nhất của xã hội Đàng Ngoài.

- Cuối năm Mậu Thân (1788), trong bước đường cùng, Lê Chiêu Thống2 đã đi cầu cứu nhà Mãn Thanh và nhân cơ hội đó, hai mươi chín vạn quân xâm lược Mãn Thanh đã tràn sang nước ta. Quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy thiên tài của Nguyễn Huệ3 đã đánh trận quyết chiến chiến lược tuyệt vời ở Ngọc Hồi-Đống Đa vào đúng Tết Kỷ Dậu (1789). Với võ công oanh liệt này, Tây Sơn đã khiến cho nhà Mãn Thanh phải kinh hồn bạt vía, khiến cho Lê Chiêu Thống và bọn tay chân mù quáng phải bỏ nước sống lưu vong để rồi cuối cùng phải chết một cách bi thảm trên đất Trung Quốc.

Chỉ trong vòng năm năm mà hai lần đại thắng quân xâm lược đến từ hai hướng khác nhau, đó là hiện tượng chưa từng có ở bất cứ một phong trào nông dân nào, cũng là hiện tượng chưa từng có của lịch sử dân tộc. Vinh quang ngàn đời bất diệt của Tây Sơn trước hết và chủ yếu là kết tinh ở đây.



04. GIAI ĐOẠN THỨ TƯ: CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC TÂY SƠN
(Từ đầu năm 1789 đến cuối năm 1801)

Cùng với quá trình chiến đấu không mệt mỏi là quá trình không ngừng xây dựng và củng cố chính quyền. Tuy nhiên, lịch sử hình thành và phát triển của phong trào Tây Sơn có một giai đoạn rất đặc biệt, đó là giai đoạn Tây Sơn đã quản lãnh được toàn cõi nước ta và tồn tại với tư cách của những hệ thống chính quyền khác nhau, bắt đầu từ đầu năm 1789 và kết thúc vào cuối năm 1801. Các hệ thống chính quyền này, tuy đều là thành quả chung của phong trào Tây Sơn, nhưng, bởi nhiều lí do khác nhau, mỗi hệ thống chính quyền có một xu hướng tồn tại riêng khá rõ rệt. Đại để, Tây Sơn có ba hệ thống chính quyền cụ thể như sau:

- Một là hệ thống chính quyền do Nguyễn Lữ đứng đầu, cai quản miền đất Gia Định (Nam Bộ ngày nay). Nguyễn Lữ mất năm 1787 nhưng chính quyền của ông thì trên danh nghĩa, vẫn tiếp tục tồn tại thêm một thời gian nữa. Đây là chính quyền yếu kém nhất của Tây Sơn.

- Hai là hệ thống chính quyền của Nguyễn Nhạc, quản lí miền đất từ Bình Thuận ra đến Bến Ván4 của Quảng Nam ngày nay. Nguyễn Nhạc mất vào cuối năm 1793 nhưng con ông là Nguyễn Bảo (tức Nguyễn Quang Thiệu) vẫn tiếp tục duy trì chính quyền thêm một thời gian nữa. Trong giai đoạn đầu của phong trào Tây Sơn, Nguyễn Nhạc là người có công lớn nhất, nhưng, cũng trong số các lãnh tụ Tây Sơn, Nguyễn Nhạc là người bị phong kiến hóa sớm nhất.

- Ba là hệ thống chính quyền của Nguyễn Huệ, quản lãnh nền đất từ Bến Ván của Quảng Nam ngày nay trở ra cho đến hết Đàng Ngoài. Đây là hệ thống chính quyền mạnh nhất, có nhiều cải cách táo bạo, tích cực và tiến bộ nhất. Nguyễn Huệ qua đời năm 1792 nhưng con ông là Quang Toản vẫn tiếp tục duy trì chính quyền cho đến cuối năm 1801.

Nhược điểm lớn nhất của các lãnh tụ Tây Sơn khi nắm chính quyền là đã để xảy ra tình trạng mất đoàn kết rất nghiêm trọng. Nguyễn Ánh đã triệt để lợi dụng điều này để tổ chức phản công. Và cuối cùng, Nguyễn Ánh đã giành được thắng lợi. Sau ba mươi năm chiến đấu ngoan cường (1771-1801), đến đây, phong trào Tây Sơn bị Nguyễn Ánh đè bẹp. Từ trong máu lửa của cuộc chiến đấu ngoan cường này, một loạt danh tướng đã xuất hiện, mà trước hết, ba lãnh tụ tối cao của Tây Sơn cũng chính là ba danh tướng xuất sắc nhất.


______________________________________
1. Võ Nguyên Giáp: Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Hà Nội. 1973. Trang 80.
2. Tên thật là Lê Duy Kỳ hay Lê Tư Khiêm, con trưởng của Lê Duy Vĩ, cháu đích tôn của vua Lê Hiển Tông (1740-1786). Lê Chiêu Thống ở ngôi hai năm (1786-1788), sau mất ở Trung Quốc vào năm 1793, hưởng dương 28 tuổi.
3. Lúc này Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Quang Trung.
4. Bến Ván tên chữ là Bản Tân, ở phía nam của tỉnh Quảng Nam, gần với phía bắc của tỉnh Quảng Ngãi.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Thu 11 Mar 2010, 00:06; sửa lần 2.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 I_icon13Sat 06 Mar 2010, 18:09

III- NGUYỄN NHẠC (? - 1793)


Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 H22ngu10
Nhân dĩ sơn phiêu danh nhi thoa kế tăng quang,
Sơn dĩ nhân đắc hiệu nhi thảo hoa sinh sắc.

(Người nhờ núi nêu danh mà trâm tóc thêm sáng,
Núi nhờ người được hiệu mà hoa cỏ tốt tươi)
1.


Trong số những non xanh của đất Tây Sơn, có ngọn núi mang tên Hòn Ông Nhạc, lại có ngọn núi nữa mang tên Núi Hoàng Đế2. Đúng là người nhờ núi nêu danh thơm mà tên tuổi sáng mãi với thiên thu, núi nhờ mang tên đấng anh hùng mà như có khí thiêng ngưng tụ. Cùng với sông núi của quê nhà, sự nghiệp của Nguyễn Nhạc còn mãi trong kí ức bất diệt của các thế hệ nhân dân, trong sử sách của nước nhà.


1. Người có công đầu trong quá trình chuẩn bị, lãnh tụ cao nhất, đồng thời cũng là linh hồn của Tây Sơn trong những cuộc chiến đấu đầu tiên.

Như trên đã nói3, hiện tại vẫn chưa rõ Nguyễn Nhạc sinh vào năm nào, các nhà nghiên cứu chỉ đoán định rằng ông sinh vào khoảng năm 1743 mà thôi. Với một khoảng cách tuổi tác khá xa so với Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ4, lại vốn dĩ là người từng trải và nhiều cơ mưu, Nguyễn Nhạc là người rất có uy với các em của mình. Đó chính là điều kiện thuận lợi để ông có thể dễ dàng dẫn dắt hai em và cùng với hai em nhen nhóm lên ngọn lửa quật khởi ở Tây Sơn.

Trong giai đoạn thứ nhất của Tây Sơn - giai đoạn chuẩn bị - Nguyễn Nhạc là người có công đầu tiên, cũng là người có công lớn nhất5. Nguyễn Nhạc đã khôn khéo đi từng bước chắc chắn từ thấp lên cao, từ đơn giản đến nâng cao và hoàn thiện. Kho tàng truyền thuyết dân gian ở Tây Sơn và những ghi chép tản mạn của chính sử cũng như dã sử đã cho thấy rằng, quá trình chuẩn bị của Nguyễn Nhạc ở Tây Sơn vừa rất công phu vừa đạt tới trình độ nghệ thuật rất xuất sắc. Ông là người hiểu dân, một sự hiểu biết không phải chỉ dừng lại ở sự cảm thông sâu sắc về bao nỗi bất công và oan ức bởi ách thống trị hà khắc của giai cấp phong kiến đương thời, mà cao hơn, ông tỏ ra rất nhạy bén với đặc trưng nhận thức của xã hội ở chung quanh mình. Nhờ sự hiểu biết quý báu đó, ông đã nghĩ ra được nhiều biện pháp phong phú khác nhau để tập hợp và huy động sức mạnh cũng như trí tuệ của nhân dân.

Khi quá trình chuẩn bị còn đang dở dang thì kế hoạch của Nguyễn Nhạc bị bại lộ. Bấy giờ có một viên Đốc Trưng tên là Đằng6 mật báo cho chúa Nguyễn, vì thế, một cuộc đàn áp có quy mô khá lớn đã được chúa Nguyễn gấp rút tổ chức. Tây Sơn đứng trước một thử thách rất cam go. Nếu chống cự thì chưa đủ sức, còn nếu tìm cách ẩn náu để chờ thời thì cũng không dễ gì qua mắt kẻ thù. Truyền thuyết dân gian kể rằng, để giải quyết tình huống đặc biệt khó xử này, Nguyễn Nhạc đã quyết định: nhanh chóng tịch thu và cất giấu hết toàn bộ kho tàng của chúa Nguyễn do viên Đốc Trưng tên là Đằng quản lí, sau đó, bắt kẻ phản bội mà giết đi7. Xong xuôi mọi việc, Nguyễn Nhạc liền tạm lánh khỏi Tây Sơn một thời gian ngắn và phao tin rằng: Nguyễn Nhạc đánh bạc, bị thua to, lấy trộm hết cả kho tàng của nhà nước rồi bán hết của cải trong nhà vẫn không đủ trả nợ, bị Viên Đốc Trưng tên là Đằng giận, vu cho là làm phản. Nay, Nguyễn Nhạc vì không kiềm chế được cơn bực tức, đã lỡ tay giết chết kẻ dám cả gan vu oan cho mình, sợ quan trên bắt tội nên đã bỏ trốn. Vụ án đến đó là hoàn toàn bế tắc, bởi nguyên cáo đã bị giết còn bị cáo thì trốn biệt tăm. Chúa Nguyễn đành phải hạ lệnh lui quân!

Các sử gia thời Nguyễn không hiểu được thực chất của câu chuyện li kì này, vì thế đã có những nhận định không đúng về nguyên nhân bùng nổ của phong trào Tây Sơn:

“Vì đánh bạc tiêu phí hết cả kho tàng nhà nước, Nguyễn Nhạc bèn trốn vào Tây Sơn làm giặc cướp, những kẻ vô lại và những người nghèo đói phần nhiều đều đi theo, vì thế, thủ hạ có đến vài ngàn người”8.

Một kẻ đam mê cờ bạc, trong chỗ không ngờ, đôi khi cũng có thể cả gan làm nhiều việc khó lường trước được, nhưng, làm gì thì làm, quyết không thể quyết chí liều thân “tưới mưa dầm khi hạn, kẻo cùng dân sa chốn lầm than” như anh em Tây Sơn nói chung và cá nhân Nguyễn Nhạc nói riêng đã làm. Vả chăng, một vài người thì có thể nhầm chứ cả dân tộc thông minh như dân tộc ta quyết không thể nhầm lẫn để rồi dốc cả trí tuệ, tài sản và xương máu cho một kẻ chỉ biết đắm mình trong những cuộc sát phạt đỏ đen.

Đầu năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nhạc chính thức phát động khởi nghĩa. Sử cũ cho biết, những đồn trại đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn được thiết lập ở vùng Thượng Đạo9. Bấy giờ, thầy giáo Hiến cho phổ biến khắp đó đây lời sấm (mà ông cho là của người xưa), nói rằng: “Tây khởi Bắc thu công” (khởi phát ở phía Tây, thu công ở phía Bắc) khiến cho nghĩa binh Tây Sơn rất hồ hởi. Họ liên tiếp tổ chức tấn công và liên tiếp giành thắng lợi.

Một trong những cuộc tấn công táo bạo nhất của Nguyễn Nhạc trong giai đoạn đầu tiên này là trận tấn công vào thành Quy Nhơn. Bấy giờ, thành Quy Nhơn do Tuần Phủ Nguyễn Khắc Tuyên trấn giữ. Sử cũ cho hay10, một hôm, Nguyễn Nhạc tự ngồi vào cũi sai quân lính khiêng đến cửa thành Quy Nhơn, nói là đã bắt được Nguyễn Nhạc, xin đem đến nạp. Tuần Phủ Nguyễn Khắc Tuyên tưởng thật, đang đêm tối cũng mở cửa thành ra đón. Bởi thấy đúng Nguyễn Nhạc bị nhốt ở trong cũi nên Nguyễn Khắc Tuyên rất chủ quan. Đúng lúc ấy, quân Tây Sơn ập vào, Nguyễn Nhạc cũng phá cũi xông ra, tất cả quan lại quân lính của chúa Nguyễn trong thành Quy Nhơn từ Nguyễn Khắc Tuyên trở xuống, đều bị bắt.

Thành Quy Nhơn là một trong những thành lớn và có vị trí rất quan trọng. Thành này trước đó có tên là thành Đồ Bàn, từng là cố đô của Chiêm Thành, được xây dựng rất vững chắc. Xưa thành Quy Nhơn thuộc huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, nay thuộc tỉnh Bình Định. Chiếm được thành Quy Nhơn cũng có nghĩa là chiếm được vị trí then chốt, án ngữ trục lộ Bắc Nam của xứ Đàng Trong, khiến cho lực lượng của chúa Nguyễn bị chia cắt làm hai, rất khó liên lạc để phối hợp ứng phó. Thắng lợi này của Tây Sơn đã gây được tiếng vang rất lớn. Hào kiệt và nhân dân các địa phương nô nức tìm đến với Nguyễn Nhạc, trong đó, có hai nhân vật rất đặc biệt là Lý Tài và Tập Đình. Hai nhân vật này đều là người Trung Quốc, sang làm ăn buôn bán ở nước ta. Lý Tài đã lập ra đạo Hòa Nghĩa Quân còn Tập Đình thì lập ra đạo Trung Nghĩa Quân. Những người Việt cao lớn cũng được Nguyễn Nhạc đưa vào hàng ngũ của hai đạo quân này. Sử cũ cho hay, mỗi khi ra trận, họ uống rượu say, cởi trần trùng trục, cổ đeo vàng mã (ý nói liều chết), cho nên, quân chúa Nguyễn không sao chống đỡ nổi11.

Sau trận hạ thành Quy Nhơn, do quân số ngày một đông, đất đai chiếm được cũng ngày một rộng, Nguyễn Nhạc đã sắp đặt lại lực lượng của mình. Bấy giờ, Nguyễn Nhạc chia quân Tây Sơn làm năm đồn, gồm Tiền Đốn, Hậu Đồn, Tả Đồn, Hữu Đồn và Trung Đồn. Từ thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc cho quân tấn công theo ba hướng khác nhau. Một là hướng tây - tây bắc, giải phóng khu vực tương ứng với hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum ngày nay. Hai là hướng bắc, giải phóng khu vực tương ứng với tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Ba là hướng nam, giải phóng khu vực tương ứng với tỉnh Phú Yên ngày nay. Hiện vẫn chưa rõ, đồn quân nào đánh ở hướng nào, chỉ biết cả ba hướng tấn công nói trên đều thu được những thắng lợi rất giòn giã. Đặc biệt, lực lượng Tây Sơn tấn công lên hướng bắc đã khiến cho chúa Nguyễn rất lo ngại. Nếu Tây Sơn mà chiếm được Quảng Nam thì cũng có nghĩa là phủ chúa hoàn toàn bị cô lập, đèo Hải Vân dẫu rất hiểm trở vẫn không đủ để che chở cho Phú Xuân. Trước tình thế nguy cấp đó, chúa Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần quyết định đưa gấp quân đến đánh chặn Tây Sơn ở phía nam tỉnh Quảng Nam ngày nay. Các tướng chỉ huy đạo quân đi đánh chặn này gồm có12:

- Chưởng Cơ Nguyễn Cửu Thống.
- Chưởng Cơ Nguyễn Cửu Sách.
- Tổng Nhung Tống Sùng.
- Tán Lí Đỗ Văn Hoảng.

Quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc chỉ huy và quân của chúa Nguyễn do một loạt các tướng lĩnh cao cấp nói trên cầm đầu đã đụng độ với nhau trận đầu tiên ở Bến Ván13. Thấy thế giặc đang hăng, Nguyễn Nhạc cho quân tạm rút lui về Bến Đá14 và tổ chức một trận đồ mai phục tại khu vực này. Nguyễn Cửu Thống cùng các tướng hung hăng tiến quận, chẳng dè, bị lọt vào ổ mai phục và bị quân Tây Sơn đánh cho tơi bời. Nguyễn Cửu Thống và một tùy tướng là Nguyễn Cửu Pháp may mắn thoát chết nhưng Tổng Nhung Tống Sùng cùng Tán Lí Đỗ Văn Hoảng thì bị giết tại trận.

Tháng 12 năm 1773, chúa Nguyễn lại sai Tôn Thất Hương làm Tiết Chế, đem Nội Quân (lực lượng chủ lực trực tiếp bảo vệ phủ chúa) đi đánh Tây Sơn. Tôn Thất Hương tràn qua đất Quảng Ngãi ngày nay mà vẫn không gặp một trở lực nào đáng kể, vì thế, rất lấy làm chủ quan. Nhưng, cũng đúng lúc chúng đang chủ quan một cách cao độ nhất, Nguyễn Nhạc đã bí mật sai Lý Tài và Tập Đình đem quân đi mai phục tại Bình Khê15. Một trận đánh lớn đã diễn ra tại đây. Tướng Tôn Thất Hương thua trận và bị giết. Toàn bộ đạo quân do Tôn Thất Hương chỉ huy cũng tan rã.

Đầu năm 1774, quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc chỉ huy đã liên tiếp đánh bốn trận lớn với quân đội của chúa Nguyễn. Bốn trận đó cụ thể như sau16:

- Trận thứ nhất: diễn ra tại Quảng Ngãi. Bấy giờ, chúa Nguyễn sai Cai Cơ là Tôn Thất Mân, bất ngờ băng qua đất Quảng Nam, đánh vào tận Quảng Ngãi. Nhưng, trận đánh bất ngờ này bị chặn đứng, Tôn Thất Mân đại bại phải hốt hoảng chạy về vùng phía bắc của Quảng Nam ngày nay. Nhân đà thắng lợi ấy, Nguyễn Nhạc lập tức hạ lệnh cho lực lượng nghĩa sĩ của mình đánh mạnh về phía nam, giải phóng thêm một số vùng thuộc Phú Yên, Đắc Lắc, Khánh Hòa và Ninh Thuận ngày nay.

- Trận thứ hai: là trận chưa đánh đã thắng. Thấy quân Tây Sơn có thanh thế ngày một lớn, chúa Nguyễn sai tướng Tôn Thất Thăng cầm quân đi đánh. Nhưng, Tôn Thất Thăng lo sợ quá chỉ mới nghe đồn là. Nguyễn Nhạc sắp đem đại binh đến; đã hoảng hốt bỏ chạy. Quân sĩ của Tôn Thất Thăng chỉ sau một đêm chạy dài đã tan rã hết.

- Trận thứ ba: diễn ra ở dải đất mà Tây Sơn mới giải phóng trong trận đánh thứ nhất. Khi ấy, Lưu Thủ Long Hồ17 là Tống Phúc Hợp cùng với Cai Bạ là Nguyễn Khoa Tuyền đem quân sĩ năm dinh18 đánh mạnh ra Bắc. Tống Phúc Hợp và Nguyễn Khoa Tuyền đã chiếm lại được các địa phương từ Phú Yên ngày nay trở vào.


- Trận thứ tư: diễn ra tại khu vực Quảng Nam ngày nay. Lần này, chúa Nguyễn sai Tôn Thất Nghiễm và Nguyễn Cửu Dật đem quân vào Quảng Nam, dự kiến sẽ đánh một trận quyết định với Tây Sơn. Nhưng, Tôn Thất Nghiễm chưa đánh được trận nào thì đã nghe tin chúa Trịnh sai Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc đem ba vạn quân vượt sông Gianh đánh ồ ạt vào Đàng Trong. Tôn Thất Nghiễm lập tức nhận được lệnh phải trở về để bảo vệ Phú Xuân. Cuộc giằng co giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn chuyển sang một giai đoạn mới.


____________________________________
1. Hiện chưa rõ tác giả, tạm xếp vào dạng khuyết danh.
2. Xin tham khảo thêm mục 1-Giai đoạn thứ nhất: Chuẩn bị ở phần thứ II của Chương thứ hai trong sách này.
3. Xin vui lòng tham khảo thêm mục 2-Quê hương và gia đình thuộc phần 1 của Chương thứ hai cũng ở trong sách này.
4. Cũng theo nhiều tài liệu dân gian và một số ghi chép của các giáo sĩ phương Tây có mặt ở nước ta lúc bấy giờ thì có lẽ gia đình Nguyễn Nhạc có đến bảy anh em ba trai bốn gái. Tuy nhiên, những người con gái hầu như không được nhắc tới. Người xưa cũng tính con theo hai dòng trai gái khác nhau, cho nên, thứ tự Hai Trầu, Ba thơm, Tư Lữ có lẽ chỉ là thứ tự dòng con trai.
5. Xin vui lòng tham khảo thêm mục I-Giai đoạn thứ nhất: Chuẩn bị thuộc phần I của Chương thứ hai cũng trong sách này.
6. Đốc Trưng là chức chuyên lo việc thu thuế. Viên Đốc Trưng này hiện chưa rõ họ.
7. Tương truyền, Nguyễn Nhạc đã giết kẻ phản bội bằng cách cắt cu. Ở Tây Sơn có đồi Cắt Cu ắt là nơi xử tử Đốc Trưng Đằng.
8. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 44, tờ 22).
9. Thượng Đạo tức Tây Sơn
Thượng Đạo, nay thuộc địa phận tỉnh Gia Lai.

10. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn: Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập, quyển 30), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 44, tờ 22).
11. Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 30) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 44).
12. Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 30).
13. Bến Ván tức Bản Tân, nay thuộc Quảng Nam.
14. Bến Đá tức Thạch Tân, nay thuộc Quảng Ngãi.
Tác giả chưa có điều kiện để khảo sát ở hai địa điểm Bến Ván và Bến Đá, vì thế, chưa thể giới thiệu một cách chi tiết hơn về hai địa điểm này.

15. Bình Khê nay thuộc Bình Định.
16. Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 30). Tài liệu giới thiệu ở đây là tài liệu tổng hợp, không phải tài liệu trích dẫn nguyên văn.
17. Long Hồ nguyên xưa là một dinh thuộc châu Định Viễn. Từ năm 1780, Long Hồ thuộc dinh Vĩnh Trấn. Năm 1808, Vĩnh Trấn đổi là Vĩnh Thanh. Nay, Long Hồ thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long.
18. Đất Nam Bộ có một thời khá dài chỉ gồm có 5 dinh, đó là các dinh Biên Trấn, Phiên Trấn, Trấn Định, Vĩnh Trấn và Hà Tiền.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN NHẠC   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 I_icon13Sat 06 Mar 2010, 18:14

2. Người quyết định chủ trương đúng đắn, đưa Tây Sơn ra khỏi thế “lưỡng đầu thọ địch” đầy nguy nan

Những khó khăn và lúng túng của chúa Nguyễn ở Đàng Trong lúc bấy giờ được chúa Trịnh Sâm theo dõi rất chặt chẽ. Quan giữ chức Trấn Thủ ở Nghệ An là Bùi Thế Đạt luôn luôn tìm cách thu thập và báo cáo đầy đủ mọi tin tức của xứ Đàng Trong về triều đình.

Tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774), Trịnh Sâm quyết định đưa ba vạn quân, giao cho Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc cầm đầu, vượt sông Gianh tiến thẳng vào Nam1. Khi vừa vượt qua sông Gianh, đóng ở xã Cao Lao2, Hoàng Ngũ Phúc đã gặp may. Sử cũ chép rằng:


“Quan giữ chức Trấn Thủ dinh Bố Chính (của Đàng Trong) là Tôn Thất Tiệp liền sai viên Cai Đội là Quý Lộc (không rõ họ) và viên Câu Kê là Kiêm Long (không rõ họ), đem sản vật tới khao quân để tìm cách hoãn binh. (Hoàng) Ngũ Phúc bèn bí mật sai người giao thiệp riêng với hai người này. Kiêm Long nói:

- Đường mà không đi thì không đến, chuông mà không đánh thì không kêu.

(Hoàng) Ngũ Phúc hiểu ý, bèn ra lệnh tiến quân. Tướng Hoàng Đình Thể cũng được Hoàng Ngũ Phúc sai đem một đạo quân, bí mật tiến đến lũy Trấn Ninh3. Bọn Cai Đội trông coi kỵ binh (của chúa Nguyễn) là Hoàng Văn Bật và Lê Thập Thí, tình nguyện làm nội ứng, mở cửa đồn ra xin hàng. Quân sĩ của (Hoàng) Ngũ Phúc vừa đánh trống reo hò vừa tiến vào. Tướng giữ đồn là Tống Hữu Trường hoảng sợ mà bỏ chạy. Đồn lũy Trấn Ninh từng có tiếng là kiên cố ở giữa nơi thiên nhiên hiểm trở, nay (Hoàng) Ngũ Phúc kéo vào và san phẳng hết.

Chúa Trịnh Sâm thấy (Hoàng) Ngũ Phúc đem đạo quân cô độc vào sâu trong đất đối phương, sợ xảy ra bất trắc, bèn tự mình đem quân đi tuần hành ở biên giới (phía nam) để gây thanh thế yểm trợ từ xa cho (Hoàng) Ngũ Phúc”4.

Sau khi lấy được Trấn Ninh, Hoàng Ngũ Phúc gấp rút cho quân tiếp tục đánh vào Nam. Ngọn cờ chính trị giả hiệu là tiêu diệt quyền thần Trương Phúc Loan mà Hoàng Ngũ Phúc giương lên đã tạo ra được những ảnh hưởng không nhỏ. Bấy giờ, tướng Đàng Trong là Nguyễn Cửu Pháp đã lập mưu bắt sống được Trương Phúc Loan đem đến nạp cho Hoàng Ngũ Phúc, nhưng, lấy cớ là chưa diệt được Tây Sơn, quân Đàng Ngoài chưa thể rút, Hoàng Ngũ Phúc lại thúc quân ào ạt Nam tiến. Chúa Nguyễn buộc phải điều quân đi đánh chặn. Chỉ huy cuộc
đánh chặn này gồm có:

- Tôn Thất Tiệp: Thống Binh.

- Cai Đội người họ Đặng: Quản Lãnh.

Ngoài ra, lực lượng thủy binh của chúa Nguyễn còn được điều động tới khu vực Bái Đáp5, đặt dưới quyền chỉ huy của Chưởng Cơ Nguyễn Văn Chính. Nhưng, quân chúa Nguyễn chưa đánh được trận nào thì đã bị Hoàng Ngũ Phúc cho lính men theo đường tắt, vượt Ghềnh Trầm6 và Ghềnh Ma7, hai mặt trước sau cùng giáp chiến, khiến Nguyễn Văn Chính bị đại bại và bị giết, quân của chúa Nguyễn tan vỡ hoàn toàn. Không còn cách nào khác, chúa Nguyễn đành phải bỏ Phú Xuân, đem toàn bộ tôn thất và bá quan vào Gia Định8 để tránh thế bị tấn công từ hai phía khác nhau. Hoàng Ngũ Phúc cũng lập tức kéo quân vào Phú Xuân, còn Trịnh Sâm thì thấy Hoàng Ngũ Phúc đã nắm được phần chắc thắng, bèn trở về Thăng Long.

Từ tháng hai năm Ất Mùi (1775), Hoàng Ngũ Phúc bắt đầu cho quân vượt đèo Hải Vân để tiếp tục cuộc Nam chinh. Bấy giờ, lực lượng bị lâm vào thế “lưỡng đầu thọ địch”9 là Tây Sơn chứ không phải là chúa Nguyễn nữa. Các tướng của Tây Sơn như Lý Tài và Tập Đình hăng hái đem quân ra đánh và đã giết được Quế Vũ Bá10 trong trận Cẩm Sa11 nhưng vẫn không sao cản được bước tiến của Hoàng Ngũ Phúc.

Mùa hạ năm 1775, từ phía Nam, tướng của chúa Nguyễn là Tống Phúc Hợp12 đem quân đánh mạnh lên vùng phía Bắc của tỉnh Phú Yên ngày nay, trong lúc đó, quân của Hoàng Ngũ Phúc cũng đã tiến đến khu vực Châu Ổ13. Tình hình biến đổi ngày một bất lợi cho Tây Sơn.

Trước tình thế đặc biệt khó khăn ấy, Nguyễn Nhạc đã quyết định: phải nhanh chóng tìm cách tạm thời hòa hoãn với quân Trịnh đưa Tây Sơn ra khỏi cuộc đối đầu cùng lúc với hai lực lượng hùng mạnh khác nhau. Tướng Phạm Văn Tham được cử thay mặt Nguyễn Nhạc, thay mặt bộ chỉ huy Tây Sơn đến gặp Hoàng Ngũ Phúc. Với lời lẽ rất nhã nhặn và nhún nhường là “xin hàng” và “xin làm tướng đi tiên phong” cho quân Trịnh, với khá nhiều vàng lụa làm lễ vật ra mắt... Phạm Văn Tham đã được Hoàng Ngũ Phúc tiếp đón nồng hậu. Bấy giờ, quân sĩ của Hoàng Ngũ Phúc vừa mệt mỏi vì phải đi xa lâu ngày, lại vừa bị bệnh dịch hoành hành, mặt khác, Hoàng Ngũ Phúc cũng muốn lợi dụng Tây Sơn, cho nên, hắn đồng ý ngay với những đề nghị của Tây Sơn Nguyễn Nhạc do Phạm Văn Tham chuyển đến. Hoàng Ngũ phúc lập tức phong ngay cho Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn Hiệu Trưởng, Tiên Phong tướng quân14. Phạm Văn Tham15 về rồi, Hoàng Ngũ Phúc nói với các tướng rằng: “Tây Sơn bây giờ đang như ngọn lửa bốc mạnh. Tôi già mất rồi, còn các tướng, tôi e không phải là tay đối địch với họ được”16. Tuy nói vậy nhưng Hoàng Ngũ Phúc vẫn sai gia khách, giữ công việc thư kí của bắn là Nguyễn Hữu Chỉnh17 đem sắc, ấn, cờ và kiếm đến ban cho Nguyễn Nhạc. Cuộc tấn công của quân Trịnh vào lực lượng của Tây Sơn cũng đình chỉ kể từ đó. Tây Sơn nhờ vậy mà được thảnh thơi ở mặt Bắc để tập trung đối phó ở mặt Nam.


_____________________________________
1. Về bộ chỉ huy cuộc tấn công này, xin tham khảo thêm mực 2-Khởi nghĩa là chiến đấu quyết liệt ở xứ Đàng Trong, thuộc phần II, Chương thứ hai.
2. Thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
3. Trấn Ninh tức Trường Thành hay lũy Nhật Lệ, nối từ núi Đâu Mâu đến cửa Nhật Lệ (Quảng Bình).
4. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 44, tờ 18).
5. Bái Đáp là tên sông. Sông này còn có tên là Phú Lễ.
6. Ghềnh Trầm thuộc địa phận làng Cổ Bi, huyện Quảng Điền (nay thuộc Thừa Thiên-Huế).
7. Ghềnh Ma thuộc địa phận làng Cổ Bi, huyện Quảng Điền (nay thuộc Thừa Thiên-Huế).
8. Vùng tương ứng với Nam Bộ ngày nay.
9. Hai đầu đều gặp giặc.
10. Quế Vũ Bá là tước hiệu, hiện chưa rõ họ tên.
11. Cẩm Sa là tên làng, thuộc huyện Hòa Vang (nay thuộc Quảng Nam).
12. Lúc này, Tống Phúc Hợp giữ chức Lưu Thủ Long Hồ, tước Kính Quận Công.
13. Châu Ổ ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
14. Nghĩa là người đứng đầu hiệu quân có tên là Tây Sơn, đồng thời là tướng cầm quân đi đầu (của quân Trịnh).
15. Nhân vật Phạm Văn Tham cũng có người viết là Phạm Văn Tuế, nguyên do có lẽ trong Hán tự, mặt chữ Tuế và chữ Tham gần giống nhau.
16. Hoa Bằng: Quang Trung, anh hùng dân tộc. Dẫn lại của Phan Huy Lê, Chu Thiên, Vương Hoàng Tuyên và Đinh Xuân Lâm trong Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập 3). Nhà Xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1960, trang 285.
17. Nguyễn Hữu Chỉnh người Đông Hải, huyện Chân Lộc (nay thuộc Nghi Lộc, Hà Tĩnh). Sau Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ họ Trịnh theo Tây Sơn rồi lại chống Tây Sơn, bị Tây Sơn giết năm 1787.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Thu 11 Mar 2010, 00:07; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN NHẠC   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 I_icon13Sat 06 Mar 2010, 18:17

3. Nhanh chóng giành lại đất Quảng Nam và từng bước tìm cách lợi dụng những xung đột trong nội bộ chính quyền họ Trịnh

Sử cũ viết rằng:

“Bấy giờ, Hoàng Ngũ Phúc đóng quân ở Châu Ổ lâu ngày, bệnh dịch phát sinh, quân sĩ nhiều người bị chết, bèn bí mật tính kế lui quân. Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Lệnh Tân1 thì muốn tiếp tục đóng giữ Quảng Nam, cắt đặt quan lại ở các địa phương trong vùng. (Hoàng) Ngũ Phúc không theo cách ấy, liền cho người chạy gấp về triều, đề nghị cho rút quân ra Thuận Hóa, đất Quảng Nam sẽ tính toán sau. Trịnh Sâm y cho”2.


Ngay khi quân Trịnh vừa rời khỏi Quảng Nam, Nguyễn Nhạc liền lập tức cho lực lượng của mình đến tiếp quản ngay. Phương châm chung của Nguyễn Nhạc là lặng lẽ, mềm dẻo nhưng kiên quyết. Hệ thống chính quyền do quân Trịnh mới dựng lên đều được thay thế bởi chính quyền của Tây Sơn. Việc thay thế diễn ra khá êm thấm, tránh được những xung đột không cần thiết với quân đội họ Trịnh ở phía bắc đèo Hải Vân. Sử cũ viết tiếp:


“Sau khi chiếm cứ được Quảng Nam, (Nguyễn) Văn Nhạc bèn sai thuộc hạ là Đỗ Phú Tuấn3 ra xin với Trịnh Sâm để được làm Trấn Thủ ở vùng đất này. Trịnh Sâm ngại việc dùng binh, bên nhân đó, chuẩn y cho. (Nguyễn) Văn Nhạc sắm sửa vũ khí, tích trữ lương thực, đắp lũy nơi hiểm yếu, đóng giữ nơi quan ải, dần dần trở lại thế hùng cường. Phó Đốc Thị là Nguyễn Lệnh Tân xin hãy sớm trừ diệt đi nhưng tướng Phạm Ngô Cầu4 cản lại. (Nguyễn) Lệnh Tân liền làm tờ khải, mật tâu với Trịnh Sâm rằng:

- Phạm Ngô Cầu là người nhút nhát, không có cơ mưu, nếu giao phó việc lớn cho Phạm Ngô Cầu tất nhiên là Thuận Hóa cũng sẽ mất. Vậy, xin bãi chức của Phạm Ngô Cầu đi mà cử viên tướng khác đến, như thế may ra mới giữ được.

Nhưng, Trịnh Sâm lại cho rằng, Phạm Ngô Cầu là người trầm tĩnh và cẩn trọng mà không cho lời của Nguyễn Lệnh Tân là đúng, bèn triệu Nguyễn Lệnh Tân về, bổ đi làm Tham Chính ở Sơn Tây. Từ đấy, (Nguyễn) Nhạc được thể cứ mặc sức vùng vẫy, đánh phá cả các địa phương Phú Yên và Bình Thuận, không ai còn có thể kiềm chế được nữa”5.


Lấy lại được Quảng Nam, đẩy quân Trịnh về phía Bắc đèo Hải Vân là một thắng lợi lớn. Thắng lợi lớn này thu được trước hết và chủ yếu là nhờ vào cơ mưu của Nguyễn Nhạc. Ở đấy không có những trận kịch chiến lớn nhưng tài năng quân sự của Nguyễn Nhạc vẫn thể hiện một cách đầy đủ và sâu sắc. Từ thắng lợi này, một tư thế mới của Tây Sơn được xây dựng và khẳng định ngày càng vững vàng hơn.

Trong khi Tây Sơn ngày một mạnh thì ở Đàng Ngoài, cơ đồ thống trị của họ Trịnh ngày một lung lay. Bấy giờ, kiêu binh thực sự trở thành một tai họa lớn, chúng mặc sức phá phách, hoành hành, không phải chỉ đối với nhân dân, quan lại, đại thần... mà còn cả với cung vua và phủ chúa6. Cả Đàng Ngoài, nhất là các địa phương ở chung quanh kinh đô Thăng Long bị náo loạn. Chúa Trịnh nhiều phen muốn tìm cách ngăn chặn nhưng đều thất bại. Nạn kiêu binh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến lực lượng của quân đội họ Trịnh tại Thuận Hóa. Nguồn cung cấp của hậu phương bị suy giảm và chính điều đó đã khiến cho các tướng của họ Trịnh ở đây không dám tổ chức những cuộc hành quân nào đáng kể nữa. Thực tế này đã được Nguyễn Nhạc triệt để lợi dựng. Bấy giờ, Tây Sơn chỉ để một bộ phận nhỏ ở phía Bắc, còn thì tập trung về phía nam, chuẩn bị đánh những trận đánh quyết định với tập đoàn họ Nguyễn.


_____________________________________
1. Nguyễn Lệnh Tân người làng Phù Lê huyện Thụy Nguyên nay là xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa), đỗ Tiến Sĩ năm 1763.
2. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 44, tờ 28).
3. Đỗ Phú Tuấn hiện vẫn chưa rõ lai lịch.
4. Phạm Ngô Cầu là Tạo Quận Công, lai lịch chưa rõ. Năm 1786. Phạm Ngô Cầu thua trận, bị Tây Sơn giết.
5. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 45, tờ 2).
6. Xin vui lòng tham khảo thêm: Nguyễn Khắc Thuận – Việt sử giai thoại (tập 7). NXB Giáo dục, 1994 hoặc các bản tái bản 1996, 1997.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN NHẠC   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 I_icon13Sat 06 Mar 2010, 18:26

4. Người hoạch định chủ trương và cũng là người từng trực tiếp chỉ huy quân Tây Sơn tấn công vào sào huyệt cuối cùng của họ Nguyễn tại Gia Định

Khi mới khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc xưng là Đệ Nhất Trại Chủ. Đó là danh xưng khiêm nhượng, phù hợp với thực lực của Tây Sơn trong giai đoạn chiến đấu đầu tiên. Khi thực hiện chủ trương tạm thời hòa hoãn với quân Trịnh để cứu Tây Sơn khỏi thế “lưỡng đầu thọ địch”, Nguyễn Nhạc đã vui vẻ nhận danh xưng Tây Sơn Hiệu Trưởng, Tiên Phong Tướng Quân do Hoàng Ngũ Phúc thay mặt chúa Trịnh trao cho. Một lần nữa, đó cũng là sự nhún nhường cần thiết, phù hợp với tương quan thế và lực giữa Tây Sơn với quân đội họ Trịnh và giữa Tây Sơn với quân đội họ Nguyễn lúc bấy giờ.

Sau khi lấy lại được đất Quảng Nam, sự nhún nhường của Tây Sơn là không cần thiết nữa. Vấn đề hàng đầu của Tây Sơn lúc này là phải làm sao nhanh chóng phát triển thực lực, từng bước hạ gục kẻ thù này đến kẻ thù khác. Một danh xưng lớn hơn và phù hợp hơn là hết sức quan trọng đối với Tây Sơn lúc này. Xuất phát từ thực tế đó, năm 1776, anh em Tây Sơn đã quyết định về danh xưng mới như sau:

- Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương.

- Nguyễn Huệ là Phụ Chính Đại Thần.

- Nguyễn Lữ là Thiếu Phó.

Việc thay đổi danh xưng này tuy làm cho nội bộ các tướng lĩnh Tây Sơn có sự mất đoàn kết trong nhất thời1 nhưng, nhân dân khắp nơi lại rất hồ hởi đến với Tây Sơn. Muôn đời vẫn vậy, một danh nghĩa chính thống bao giờ cũng có sức cuốn hút rất mạnh mẽ đối với tất cả những ai giàu thiện chí vì nước, vì dân.

Sau khi lên ngôi vương, Nguyễn Nhạc đóng bản doanh tại thành Đồ Bàn. Đây vốn dĩ là thành cũ của Chiêm Thành, xưa có tên là Vijaya, bị hoang phế đã từ lâu. Năm 1778, Nguyễn Nhạc chính thức lên ngôi Hoàng Đế2, thành Đồ Bàn được sửa sang lại và đổi tên là thành Hoàng Đế3. Từ thành này, Nguyễn Nhạc đã quyết định đánh những trận cuối cùng với tập đoàn họ Nguyễn. Như trên đã nói4, Tây Sơn đã năm lần tấn công vào Gia Định và với năm lần tấn công này, Nguyễn Nhạc không chỉ là người hoạch định chủ trương mà còn từng là người trực tiếp chỉ huy một trận lớn, đó là trận tấn công lần thứ tư, tổ chức vào tháng 3 năm Nhân Dần (1782).

Cùng với em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc đã đưa một đạo bộ binh và một đạo thủy binh với khoảng vài trăm chiến thuyền, từ Quy Nhơn, vượt biển đánh thẳng vào cửa biển Cần Giờ (nay thuộc thành Phố Hồ Chí Minh). Lần này, Nguyễn Ánh đã biết trước, cho nên, đã chuẩn bị đối phó rất công phu. Ở khu vực Ngã Bảy (Thất Kỳ Giang), Nguyễn Ánh đã bố trí sẵn hơn 400 chiến thuyền (nghĩa là nhiều gấp đôi số chiến thuyền của Tây Sơn), đó là chưa kể một số tàu chiến của Pháp và của Bồ Đào Nha cũng có mặt để sẵn sàng trợ chiến5. Cũng do biết trước được cuộc tấn công của Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã cấp báo cho cánh quân của họ Nguyễn ở khu vực Bình Thuận ngày nay, do các tướng Tôn Thất Dụ, Trần Xuân Trạch, Trần Văn Tự, Trần Công Chương... cầm đầu để các tướng này mau đem quân vào Nam ứng cứu. Tóm lại, Nguyễn Ánh rất tự tin ở khả năng phòng giữ của mình và niềm tin đó xem ra cũng rất có cơ sở. Tuy nhiên, Nguyễn Ánh hoàn toàn không dự đoán được tài dùng binh của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ trong trận này biến hóa hiểm hóc đến mức nào.

Trong cuộc giáp chiến đầu tiên ở Ngã Bảy, thủy quân của Nguyễn Ánh đã đại bại, Nguyễn Ánh phải tháo chạy thục mạng, lực lượng chiến thuyền đông đảo, kể cả các tàu chiến của Pháp và của Bồ Đào Nha đều tùy nghi tìm chỗ náu mình. Một tàu chiến của Pháp do viên sĩ quan Manuel6 chỉ huy bị thiêu cháy, Manuel bị giết chết.

Cuộc giáp chiến thứ hai xảy ra tại khu vực Bến Nghé, Thị Nghè và thành Gia Định. Bấy giờ, từ Ngã Bảy, Nguyễn Ánh chạy về khu vực Bến Nghé, Thị Nghè và thành Gia Định, muốn dựa vào thế chân vạc vững chắc của hệ thống thành lũy nơi đây để chống cự. Nhưng, chỉ với một trận tập kích chớp nhoáng, quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh bật Nguyễn Ánh ra khỏi khu vực này. Không còn con đường nào khác Nguyễn Ánh phải chạy về vùng Tiền Giang ngày nay để rồi sau đó lao nhanh vào con đường vừa hại dân vừa phản quốc, cam tâm đi cầu cứu quân Xiêm La.

Trong lúc Nguyễn Ánh đang liên tiếp bị đại bại thì cánh quân của họ Nguyễn từ Bình Thuận cũng vừa tiến vào. Một cuộc đụng độ lớn đã diễn ra tại khu vực cầu Tham Lương (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Thấy không thể nào chống đỡ nổi, Tôn Thất Dụ và các tướng chỉ huy đạo quân này của họ Nguyễn buộc phải rút lui.

Như vậy là năm 1782, cùng với em là Nguyễn Huệ và các tướng lĩnh dưới quyền khác, chỉ với một cuộc hành quân, ba lần lâm trận, Nguyễn Nhạc đã đánh gục quyết tâm của Nguyễn Ánh và của những kẻ ủng hộ Nguyễn Ánh. Trong giai đoạn này, đây là lần thể hiện tài năng quân sự của Nguyễn Nhạc rõ nét nhất. Sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi Tây Sơn, nhưng, Nguyễn Nhạc đã tự cho thấy khả năng điều khiển thủy chiến rất sắc sảo của ông. Đó là nét độc đáo trong tài năng quân sự của Nguyễn Nhạc, cũng là nét độc đáo chung trong tài năng quân sự của ba anh em Tây Sơn.


_______________________________________
1. Nếu trước đó một chút, Huyền Khê và Nguyễn Thung bày tỏ sự bất bình quá đáng, bị Nguyễn Nhạc trừng trị, thì đến đây, tới lượt Lý Tài vả Tập Đình ganh tị quyền hành mà phản bội Tây Sơn.
2. Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Bấy giờ, Nguyễn Huệ được
phong làm Long Nhương Tướng Quân còn Nguyên Lữ thì được phong làm Tiết Chế.

3. Thành Hoàng Đế về sau bị triều Nguyễn phá hủy để lấy vật liệu xây thành Bình Định. Trên bản đồ hiện đại, thành Hoàng Đế nằm ở phía Bắc huyện An Nhơn của tỉnh Bình Định. Tuy bị tàn phá nhưng dấu tích của thành hiện vẫn còn. Đại để, có thể mô tả như sau:
- Vòng ngoài cùng có chu vi khoảng gần 7500 mét, hình chữ nhật. Thành xây bằng đất, hai mặt trong và ngoài có lát đá ong rất kiên cố. Di tích hiện còn có chỗ cao non 6 mét, chân thành hơn 10 mét và bề mặt phía trên của thành rộng chừng gần 4 mét. Vòng này, dân địa phương gọi là Thành Ngoại.
- Vòng ở giữa cũng có hình chữ nhật, chu vi ước chừng 1600 mét, cách xây đại để cũng như Thành Ngoại. Vòng này nhân dân địa phương gọi là Thành Nội. Nếu như Thành Ngoại có đến năm cửa (Đông, Tây và Bắc ở mỗi hướng có một cửa, riêng hướng Nam hai cửa) thì Thành Nội chỉ có ba cửa nằm ở ba hướng Đông, Tây và Nam.
- Vòng trong cùng cũng có chu vi hình chữ nhật, chừng 600 mét. Dân địa phương gọi đó là Tử Thành hay Tử Cấm Thành.

4. Xin vui lòng tham khảo thêm mục 2-Giai đoạn thứ hai: Khởi nghĩa và chiến đấu quyết liệt ở xứ Đàng Trong thuộc phần II của Chương thứ hai.
5. De la Bissachère: État actuel du Tonkin, de la Cochinchine et des royaumes de Cambodge, Laos et Lạc Thổ. Librairie Calgnani, Pari, 1812, tom I, p. 325
6. Viên sĩ quan này được Nguyễn Ánh phong làm Cai Cơ (võ quan thuộc hàng cao cấp) và được sử cũ gọi theo tên Hán Việt là Mạn Hòe.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN NHẠC   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 I_icon13Sat 06 Mar 2010, 18:30

05. Vẫn biết tất nhiên là như thế, nhưng...

Sau trận tấn công vào Gia Định (tháng 3 năm Nhâm Dần, 1782), nếu như vai trò của Nguyễn Nhạc trong quản lí nhà nước có phần nổi bật lên, thì ngược lại, vai trò của ông trong chỉ huy trận mạc dần dần bị mờ nhạt. So với các lãnh tụ khác của phong trào Tây Sơn, Nguyễn Nhạc là người bị phong kiến hóa sớm nhất và cũng sâu sắc nhất.

Tại thành Hoàng Đế ở Quy Nhơn, quyết định đúng đắn và táo bạo cuối cùng của Nguyễn Nhạc có lẽ là cho quân tấn công vào lực lượng quân Trịnh ở Phú Xuân nói riêng và Thuận Hóa nói chung. Nhưng, lần này Nguyễn Nhạc chỉ hoạch định chủ trương chứ không hề trực tiếp cầm quân tham chiến. Người chỉ huy xuất sắc trận đánh quan trọng này là Nguyễn Huệ. Giữa năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ cùng các tướng dưới quyền, chia quân đánh mạnh vào lực lượng quân Trịnh. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hơn ba vạn quân Trịnh đóng tại đây đã bị quét sạch khỏi lãnh thổ Đàng Trong.

Nhân đà thắng lợi, Nguyễn Huệ cho quân vượt sông Gianh, tiến thẳng ra Bắc, đập tan cơ đồ thống trị của họ Trịnh, dựng lại triều Lê tàn tạ vốn dĩ đã mấy trăm năm. Sự vươn tới mạnh mẽ của Nguyễn Huệ khiến cho Nguyễn Nhạc lấy làm lo sợ. Ông đã làm một việc lẽ ra không nên làm, ấy là đã đuổi theo với mục đích ngăn chặn bước tiến của em mình. Chính điều này đã dẫn tới cuộc xung đột đáng tiếc giữa Nguyễn Nhạc với Nguyễn Huệ. Đành rằng chẳng bao lâu sau đó, cuộc xung đột này chấm dứt, nhưng, di hại của nó thì còn kéo dài rất lâu.

Cuối năm 1786, sau khi ở Thăng Long về và sau khi chấm dứt cuộc xung đột với Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng Đế, đồng thời, phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương và Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương. Thực ra, danh xưng Trung ương Hoàng Đế có ý nghĩa xác lập một thế thứ hoàng tộc mới chứ không hề có giá trị khẳng định quyền lực bao trùm của Nguyễn Nhạc. Ông chỉ kiểm soát một vùng đất giới hạn từ Bình Thuận trở ra cho đến phía nam của Bến Ván (tỉnh Quảng Nam ngày nay) mà thôi. Đất Gia Định, và đặc biệt là đất từ Bến Ván trở ra, Nguyễn Nhạc hoàn toàn không hề chi phối và cũng không thể nào chi phối được.

Đến đây, chí lớn của Nguyễn Nhạc đã bị hao mòn, đúng như Nguyễn Huệ nhận xét là: “Đại Huynh có ý mệt mỏi, tình nguyện giữ một phủ Quy Nhơn”1. Cuối cùng, ảnh hưởng của Nguyễn Nhạc gần như chỉ bó hẹp trong thành Hoàng Đế hoặc trong phủ Quy Nhơn mà thôi. Ngay cả khi Nguyễn Ánh đánh đuổi lực lượng của Đông Định Vương Nguyễn Lữ ra khỏi Gia Định, thậm chí là mở những đợt phản công mạnh mẽ vào khu vực do mình quản lý, Nguyễn Nhạc cũng hầu như không nêu ra được một biện pháp nào đáng kể.

Năm 1793, Nguyễn Nhạc qua đời, con ông là Nguyễn Bảo lên nối nghiệp. Nguyễn Bảo là người thiếu tỉnh táo, chẳng những không có khả năng làm cho nội bộ Tây Sơn ngày một xích lại gần nhau mà còn đẩy tướng lĩnh Tây Sơn lún sâu vào hố xung đột. Năm 1797, Nguyễn Bảo sắp đặt kế hoạch đầu hàng Nguyễn Ánh, nhưng cơ mưu bị bại lộ, Nguyễn Bảo bị con của Quang Trung là Quang Toản giết chết.


*
* *

Nguyễn Nhạc xuất thân là nông dân, tuy là nông dân khá giả nhưng sự khá giả đó cũng không hề làm thay đổi bản chất nông dân của con người Nguyễn Nhạc. Và, con đường tất yếu của nông dân trung đại trong trào lưu chống phong kiến là cuối cùng, chính họ sẽ bị phong kiến hóa. Xét về phương diện đó, Nguyễn Nhạc không phải là một ngoại lệ của lịch sử. Và, cũng xét về phương diện dó, nếu cuối cùng Nguyễn Nhạc có sự biến đổi xa lạ với nguồn gốc ban đầu của ông, thì đó cũng là tất nhiên. Vẫn biết là như vậy, nhưng... dẫu sao thì cũng tiếc thay.

Không thấy nguồn gốc ban đầu để rồi không thấy quá trình phong kiến hóa của Nguyễn Nhạc là một thiếu sót lớn. Nhưng, nếu chỉ thấy quá trình phong kiến hóa mà không thấy những cống hiến xuất sắc của Nguyễn Nhạc đối với nước nhà, là một sai lầm cũng rất lớn. Đó không phải chỉ là sai lầm khi đánh giá về cá nhân Nguyễn Nhạc mà còn là sai lầm với cả lịch sử nữa.

Nguyễn Nhạc, vị anh hùng đời mãi mãi không quên.


_____________________________________
1. Quang Trung tức vị chiếu.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 I_icon13Sat 06 Mar 2010, 18:36

6. Chuyện kể về thần Bạch Mã hay là lời thẩm định đáng yêu của nhân dân Tây Sơn về sự nghiệp phi thường của Nguyễn Nhạc

Muôn đời vẫn thế, chuyện kể dân gian bao giờ cũng là chuyện kể dân gian, nó không hoàn toàn là lịch sử nhưng lại luôn luôn phản ánh một cái lõi sự thật nào đó của lịch sử. Chuyện kể dân gian ở vùng Tây Sơn về thần Bạch Mã cũng không ngoài lẽ thường đó.

Chuyện kể rằng: sinh thời, Nguyễn Nhạc có một con tuấn mã lông trắng mượt mà, chân cao bụng thon, dáng vẻ thật dũng mãnh. Con tuấn mã ấy đã gắn bó với Nguyễn Nhạc suốt cả cuộc trường chinh. Nhờ đó mà Nguyễn Nhạc mới có thể chỉ huy trận mạc một cách kịp thời và sắc bén, cũng nhờ nó mà Nguyễn Nhạc đã lập được rất nhiều chiến công. Tóm lại, từ khi là Tây Sơn Đệ Nhất Trại Chủ, là Tây Sơn Hiệu Trưởng Tiên Phong Tướng Quân, là Tây Sơn Vương, là Hoàng Đế hay Trung ương Hoàng Đế, hình ảnh của Nguyễn Nhạc bao giờ cũng gắn liền với hình ảnh con tuấn mã nổi tiếng của ông.

Nhưng rồi năm 1793, khi Nguyễn Nhạc qua đời, con tuấn mã ấy cũng xổng chuồng, chạy thẳng một mạch về Tây Sơn. Một thời gian sau, vào những lúc chiều tà, thỉnh thoảng, nhân dân ở vùng Núi Ngang lại thấy con tuấn mã ấy xuất hiện. Vẫn bộ lông trắng tuyệt vời ấy, vẫn dáng vẻ dũng mãnh rất quen thuộc ấy, chỉ có khác là tiếng hí của nó nghe sao mà não nề đến kì lạ. Tương truyền, mộ Nguyễn Nhạc ở đấy, cho nên, con ngựa nhớ chủ mà về thăm. Chủ được dân yêu quý tôn làm thần và con ngựa của chủ cũng được dân tôn làm thần của xứ sở: thần Bạch Mã.

Bởi thờ thần Bạch Mã nên dân Tây Sơn không ai nuôi ngựa trắng nữa. Tục ấy giữ mãi cho đến sau này. Đầu thế kỷ thứ XIX, khi triều Nguyễn được dựng lên, một cuộc trả thù tàn bạo đối với Tây Sơn đã được tiến hành. Mộ của Nguyễn Nhạc bị đào lên, nắm xương tàn bị hành hạ, thần Bạch Mã đến Núi Ngang, cất tiếng hí bi ai rồi đi thẳng vào rừng xanh.

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Baotan10
Bảo tàng Tây Sơn (Bình Định)

Năm 1885, đất Tây Sơn lại sôi động bởi một phong trào yêu nước mới: phong trào hưởng ứng chiếu cần vương của Hoàng Đế Hàm Nghi. Lãnh tụ của phong trào này là Mai Xuân Thưởng, quê ở Phú Lạc, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ông sinh năm 1860, trong một gia đình Nho học và bản thân ông cũng đỗ Cử Nhân (khoa Ất Dậu, 1885, tại trường thi Hương ở Bình Định). Mai Xuân Thưởng kêu gọi nhân dân vùng dậy chống Pháp dưới ngọn cờ cần vương ngay sau khi ông vừa đỗ đạt. Tương truyền, đúng ngày trọng đại đó, thần Bạch Mã lại xuất hiện ở Tây Sơn, cất tiếng hí vang động cả núi rừng. Chừng như thần có vẻ rất lấy làm mãn nguyện vì lại thấy trên đất Tây Sơn có người nối được chí lớn của Nguyễn Nhạc thuở nào.

Ở một chừng mực nào đó, chuyện kể của dân cũng chính là một cách diễn đạt lòng dân. Với dân Tây Sơn, chuyện kể về thần Bạch Mã còn có giá trị như một nhận định mang tính khái quát về Nguyễn Nhạc. Hồn thiêng con người đó và tất cả những gì gắn bó mật thiết với con người đó lúc sinh thời, đều là bất diệt. Khí thiêng sông núi Tây Sơn đã đúc nên ông và khi về với cõi vĩnh hằng, chính ý chí kiên cường của ông lại trở thành một bộ phận của khí thiêng sông núi quê nhà. Thần Bạch Mã hí vang như là để chào đón cuộc gặp gỡ khí phách của hai thế hệ ngoan cường vậy. Mai Xuân Thưởng anh dũng hi sinh năm 1887 khi vừa mới 27 tuổi (1860-1887) và có để lại bài thơ tuyệt mệnh, rất xứng đáng là một trong những người con ưu tú của Tây Sơn.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN HUỆ   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 I_icon13Sun 07 Mar 2010, 22:04

IV. NGUYỄN HUỆ (1753 - 1792)

“Mắt Sáng như chớp, tiếng nói như chuông,
khôn ngoan trí xảo hơn người, giỏi chiến trận,
không ai là không phải khiếp sợ”1.



1. Bước khởi đầu của một sự nghiệp lớn

Nguyễn Huệ sinh năm 1753 và điều ấy cũng có nghĩa là khi tham gia chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, ông còn ở tuổi vị thành niên2. Năm 1771, khi chính thức trở thành một trong ba lãnh tụ cao nhất của Tây Sơn, Nguyễn Huệ vừa tròn 18 tuổi. Trong hàng các bậc danh tướng kiệt xuất nhất của lịch sử nước ta, rất hiếm thấy những trường hợp bắt đầu sự nghiệp sớm như thế.

Trong quá trình chuẩn bị, nếu như Nguyễn Nhạc là người chịu trách nhiệm bao quát chung, Nguyễn Lữ là người gần như chỉ chủ yếu là chuyên lo sản xuất và tích trữ lương thực, thì Nguyên Huệ, ngay từ đầu đã là người trực tiếp cầm quân. Ở Tây Sơn có Hòn Ông Bình, tương truyền, đó chính là nơi thuở xưa Nguyễn Huệ huấn luyện binh mã trước khi xuất quân khởi nghĩa3.


Tài năng quân sự đầu tiên của Nguyễn Huệ thể hiện rõ nhất là ở việc vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ huy xây dựng một chiến lũy rất dài, nối liền Hòn Ông Nhạc, Hòn Ông Bình với Hòn Lãnh Lương. Đó là chiến lũy nằm án ngữ trục đường qua đèo An Khê, đủ để ngăn chặn những cuộc tấn công của quân đội chúa Nguyễn lên vùng Tây Sơn Thượng Đạo. Nay, chiến lũy do Nguyễn Huệ chỉ huy xây đắp chỉ còn dấu tích một số đoạn ngắn nữa mà thôi.

Năm 1771, khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ. Nguyễn Huệ là một trong số những tướng lĩnh cao cấp đầu tiên và ông đã cầm quân xông pha trận mạc như thế cho đến tận phút cuối của cuộc đời mình. Nếu như hình ảnh của Nguyễn Nhạc luôn luôn gắn liền với hình ảnh của con tuấn mã có bộ lông màu trắng tuyệt đẹp, thì hình ảnh của Nguyễn Huệ luôn luôn gắn bó với thanh long đao có cán màu đen. Ở vùng Tây Sơn hiện vẫn còn có di tích một ngôi miếu, gọi là Miếu Xà và nhân dân địa phương hiện vẫn còn lưu truyền một sự tích khá li kì như sau: lần đầu tiên xuất quân, Nguyễn Huệ và các tướng rất náo nức. Nhưng, đoàn quân vừa rời khỏi căn cứ thì bỗng chựng lại, hàng ngũ phía trước tự dưng rối loạn. Nguyễn Huệ tới để kiểm tra nguyên do thì thấy có hai con rắn đen cực lớn nằm chắn ngang đường, cả hai đền vươn cổ lên, há miệng đỏ như đang ngậm máu. Quân sĩ Tây Sơn cho đó là điềm chẳng lành nên ngần ngại, không dám hăng hái đi tiếp. Nguyễn Huệ lập tức xuống ngựa, cung kính thi lễ và khấn rằng:

- Nay, anh em chúng tôi xuất quân là vì đại nghĩa. Nếu biết trước là sự nghiệp của chúng tôi sẽ thành công thì kính xin Xà Thần (Thần rắn) mở lối cho chúng tôi đi, còn như nếu biết trước được rằng chúng tôi chỉ uổng công vô ích thì xin Xà Thần hãy trị tội mình tôi mà tha cho hết thảy nghĩa sĩ đều được trở về với gia đình, vợ con.

Không ngờ, Nguyễn Huệ vừa khấn xong thì cả hai con rắn đen cực lớn kia đều quay đầu lại, thoăn thoắt tiến lên phía trước, mở đường cho cả đạo binh cùng đi. Đi được một quãng đường khá xa thì bỗng một con rắn lao nhanh vào bụi rậm và chốc lát sau thì trở ra, miệng ngậm một thanh long đao có cán màu đen, vươn cổ lên “trao” cho Nguyễn Huệ. Đó là thanh long đao cực bén, thế gian không ai có được. Nguyễn Huệ kính cẩn nhận lấy thanh long đao và thề sẽ vì đại nghĩa cứu dân, vì ân huệ của Xà Thần mà chiến đấu đến cùng. Hai con rắn đen nghe Nguyễn Huệ thề xong thì biến mất. Về sau, để tưởng nhớ ơn đức lớn lao của Xà Thần, Nguyễn Huệ đã cho dựng miếu thờ. Miếu ấy lâu ngày đã bị hoang tàn, di tích còn lại chính là Miếu Xà đã nói ở trên.


2. Tổng chỉ huy xuất sắc trận Phú Yên (năm 1775: năm 22 tuổi), tạo ra bước ngoặt quan trọng cho toàn bộ quá trình phát triển mạnh mẽ sau đó của phong trào Tây Sơn

Năm 1774, lợi dụng lúc chúa Nguyễn đang phải lúng túng đối phó với hàng loạt những cuộc tấn công của Tây Sơn, chúa Trịnh lúc bấy giờ là Trịnh Sâm đã sai Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc đem ba vạn quân tiến thẳng vào Đàng Trong và chẳng bao lâu sau đó, Hoàng Ngũ Phúc đã chiếm được thủ phủ của chúa Nguyễn. Toàn bộ tập đoàn họ Nguyễn phải tháo chạy vào Gia Định. Tuy nhiên, cũng kể từ đó, Tây Sơn bị đẩy vào thế “lưỡng đầu thọ địch”. Ở mặt Bắc, quân Hoàng Ngũ Phúc bắt đầu vượt đèo Hải Vân. Ở mặt Nam, quân Nguyễn cũng phản công dữ dội. Trước sự xoay chuyển đột ngột và phức tạp của tình hình như vậy,Tây Sơn đã quyết định tạm thời hòa hoãn với quân Trịnh. Mặt Bắc tạm yên nhưng mặt Nam vẫn rất căng thẳng.

Năm 1775, hơn hai vạn quân Nguyễn do Tống Phúc Hiệp chỉ huy đã ồ ạt đánh từ phía Nam đánh ra. Một dải đất rộng lớn và liên hoàn, tương ứng với các tỉnh ngày nay như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắc Lắc... mới được Tây Sơn giải phóng đã bị Tống Phúc Hiệp chiếm lại. Tống Phúc Hiệp còn đánh ra tận Phú Yên, tình hình trở nên rất nguy cấp. Tây Sơn chỉ còn giữ được một vùng đất tương ứng với các tỉnh ngày nay như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai nữa mà thôi.

Tống Phúc Hiệp đặt đại bản doanh ngay tại Phú Yên và lập hai đại đồn, một ở Xuân Đài (cách Phú Yên chừng 4 km) và một nữa ở Vũng Lấm (cách Phú Yên chừng 10 km). Nếu Xuân Đài là đại đồn của lực lượng bộ binh hùng hậu thì Vũng Lấm chính là đại đồn của lực lượng thủy binh cũng rất đáng gờm. Xuân Đài và Vũng Lấm là hai khu vực xuất phát, cũng là hai địa điểm tập kết rất lợi hại của Tống Phúc Hiệp. Thế đứng của Tống Phúc Hiệp được khẳng định khá vững vàng.

Trong khi khí thế quân Nguyễn đang được dần dần phục hồi thì ngược lại, phía Tây Sơn gặp không ít khó khăn. Ngoài việc đất đai bị thu hẹp, bộ chỉ huy Tây Sơn cũng có sự tổn thất và xáo trộn. Bấy giờ, tướng Tập Đình đã bỏ trốn còn tướng Lý Tài thì liên tiếp bị thua đau mấy trận liền, vì thế, hoang mang và uy thế giảm sút rất nhanh. Muốn đánh bại Tống Phúc Hiệp ở Phú Yên, bộ chỉ huy Tây Sơn không thể trao trọng trách chỉ huy chiến dịch cho tướng Lý Tài được nữa. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Huệ đã dũng cảm đảm trách sứ mệnh tổng chỉ huy chiến dịch này. Bấy giờ, Nguyễn Huệ vừa tròn 22 tuổi, nhưng, vị tướng rất trẻ này từng là người chỉ huy luyện tập quân sĩ trong thời kì Tây Sơn chuẩn bị khởi nghĩa, và quan trọng hơn, từng là tướng trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc bốn năm trời. Tài năng bẩm sinh cộng với những kinh nghiệm thực tiễn quý giá đã tạo cho Nguyễn Huệ một bản lĩnh rất cao cường.

Để tạo yếu tố bất ngờ, trước lúc mở màn trận tấn công, Nguyễn Huệ đã cho người đến gặp Tống Phúc Hiệp để bàn hai việc lớn, một là tôn lập Nguyễn Phúc Dương (tức Hoàng Tôn Dương) lên làm chúa và hai là kế hoạch phối hợp giữa Tây Sơn và Tống Phúc Hiệp trong việc chống lại quân Trịnh! Cuộc thương lượng giữa đại diện của Tây Sơn với Tống Phúc Hiệp đang tiến hành thì quân của Nguyễn Huệ tràn tới. Chỉ trong chớp nhoáng, thành Phú Yên bị hạ. Tống Phúc Hiệp phải bỏ thành Phú Yên chạy thục mạng. Tướng của Tống Phúc Hiệp là Nguyễn Văn Hiển ra sức chống trả đã bị giết ngay tại trận. Một viên tướng nữa của Tống Phúc Hiệp là Nguyễn Khoa Kiên bị Nguyễn Huệ bắt sống. Bộ binh của Tống Phúc Hiệp ở Xuân Đài vội vã tháo chạy khiến cho thủy binh ở Vũng Lấm cũng hốt hoảng rút ngay về phía Nam.

Tin Nguyễn Huệ thắng lớn ở Phú Yên nhanh chóng truyền vào Nam. Tướng của chúa Nguyễn giữ chức Trấn Thủ tại Bình Khang là Bùi Công Kế4 cùng với thuộc tướng là Tống Văn Khôi lập tức đem quân đi cứu, nhưng vừa đến nơi, chưa kịp bày binh bố trận đã bị Nguyễn Huệ đánh cho tan tành. Tống Văn Khôi bị giết tại trận, Bùi Công Kế phải lập tức rút hẳn về Bình Khang5.

Trận Phú Yên là trận có ý nghĩa rất quan trọng. Từ đây, quân đội của chúa Nguyễn liên tiếp bị đại bại để rồi cuối cùng là bị đánh bật khỏi Gia Định. Từ đây, tên tuổi của Nguyễn Huệ nổi bật hẳn lên, tài năng quân sự của Nguyễn Huệ ngày một nở rộ.

Sau trận Phú Yên, theo yêu cầu của Nguyễn Nhạc, Hoàng Ngũ Phúc đã phải xin chúa Trịnh là Trịnh Sâm phong cho Nguyễn Huệ chức Tây Sơn Hiệu, Tiện Phong Tướng Quân. Cũng sau trận Phú Yên, Nguyễn Huệ được lệnh ra ổn định tình hình Quảng Nam. Bấy giờ, Hoàng Ngũ Phúc rút quân khỏi vùng Quảng Nam, ra hẳn phía bắc đèo Hải Vân, tuy nhiên, tay chân của chúa Nguyễn ở vùng này cũng nhân đó mà nổi dậy chống Tây Sơn. Hai nhân vật nổi bật của đám tay chân này là Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân. Chỉ trong một trận đánh chớp nhoáng, Nguyễn Huệ đã quét sạch lực lượng của Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân ra khỏi Quảng Nam. Toàn bộ vùng đất từ Quảng Nam vào đến Phú Yên do Tây Sơn quản lí, nhìn chung là ổn định. Ở tuổi 22, Nguyễn Huệ không phải chỉ là một vị tướng có tài mà còn là một người rất giàu năng lực tổ chức quản lí hành chính. Tóm lại, Nguyễn Huệ bắt đầu trở thành linh hồn của Tây Sơn kể từ đây.


____________________________________
1. Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 30).
2. Như đã nói trong mục 2-Quê hương và gia đình (thuộc phần I của Chương thứ hai) phần lớn các thư tịch cổ và tài liệu dân gian đều nói rằng Nguyễn Huệ là em Nguyễn Nhạc và là anh Nguyễn Lữ. Một vài giáo sĩ nước ngoài có mặt ở nước ta lúc bấy giờ, như Labartette chẳng hạn, thì nói Nguyễn Huệ là em Nguyễn Lữ. Nhưng, ghi chép của họ cũng có chỗ tỏ rõ chưa ổn, sức thuyết phục chưa cao.
3. Xin vui lòng tham khảo thêm mục 1-Giai đoạn thứ nhất: Chuẩn bị (thuộc phần thứ II của Chương thứ nhất).
4. Đại Nam liệt truyện (Tiền biên, quyển 4).
5. Bình Khang: là một khu vực hành chánh địa phương thời các chúa Nguyễn. Khu vực này trong khoảng những năm từ 1775 đến 1790 có nhiều thay đổi. Khi Bùi Công Kế làm Trấn Thủ, Bình Khang chỉ tương ứng với Khánh Hòa và một phần Đất Lắc ngày nay.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 3 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Danh Tướng Việt Nam 1 - Nguyễn Khắc Thuần
» Danh Tướng Việt Nam 2 - Nguyễn Khắc Thuần
» Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần
Trang 3 trong tổng số 8 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Lịch Sử-