Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
EM CHIM HÁT HAY QUÁ by mytutru Yesterday at 20:32

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:06

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) by Ai Hoa Yesterday at 10:25

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Yesterday at 10:08

Một thoáng mây bay 13 by Ai Hoa Yesterday at 07:34

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Tue 14 May 2024, 13:15

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Tue 14 May 2024, 09:55

4 chữ by Tinh Hoa Mon 13 May 2024, 20:23

MÂY NGŨ SẮC 13.05.2024 by mytutru Mon 13 May 2024, 15:05

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Mon 13 May 2024, 06:14

CÁC LOÀI CHIM ĐẸP by mytutru Sun 12 May 2024, 10:51

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Sun 12 May 2024, 00:04

Lục bát by Tinh Hoa Sat 11 May 2024, 14:33

QUY NHƠN TÔI YÊU by phambachieu Fri 10 May 2024, 16:51

Mái Nhà Chung by mytutru Thu 09 May 2024, 23:18

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 09 May 2024, 12:56

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Thu 09 May 2024, 12:37

Chết rồi! by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:31

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Sun 05 May 2024, 11:06

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 19:13

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 06:36

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Wed 01 May 2024, 21:49

7 chữ by Tinh Hoa Tue 30 Apr 2024, 10:59

5 chữ by Tinh Hoa Sun 28 Apr 2024, 22:27

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Giai thoại thơ Đường - Cao Tự Thanh

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Một thời làm khách nay về lại   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 I_icon13Sun 03 Aug 2008, 22:48

Một thời làm khách nay về lại

Thôi Nguyên Lượng tự Hối Thúc, người Từ Châu, sinh năm Đại Lịch nguyên niên (766). Năm Trinh Nguyên thứ 19 (803) triều đình mở khoa Hoằng từ cho những người đã đậu Tiến sĩ và làm quan thi, lấy bốn người là Nguyên Chẩn, Lã Quế, Vương Khởi, Bạch Cư Dị đậu hạng Bạt tụy, bốn người là Lý Phục Lễ, Lã Tần, Kha Thư Viên, Thôi Nguyên Lượng đậu hạng Bình phán. Nguyên Lượng đậu sau rốt, có thơ tự vịnh như sau:

Nhân gian bất hội vân gian sự,
Ưng tiếu Bồng Lai tối hậu tiên.

(Người đời dốt chuyện trên tiên giới,
Cứ nhạo Bồng Lai tiên đứng sau).

Năm Trường Khánh thứ 3 (823) triều đình cử Bạch Cư Dị làm Thứ sử Hàng Châu, Nguyên Chẩn làm Quan sát sứ Chiết Đông lãnh Thứ sử Việt Châu, Thôi Nguyên Lượng làm Thứ sử Hồ Châu (tức khu vực quận Ngô Hưng nước Ngô thời Tam quốc), Bạch Cư Dị nhân đó làm thơ đùa Nguyên Lượng rằng:

Việt quốc phong cương thôn bích hải,
Hàng Châu lâu các nhập thanh thiên.
Ngô Hưng ty tiểu quân ưng khuất,
Vị thị Bồng Lai tối hậu tiên.

(Đất Việt cõi bờ gom biển lớn,
Châu Hàng lầu gác vút trời cao.
Ngô Hưng nhỏ mọn anh nên nhịn,
Chỉ bởi Bồng Lai tiên đứng sau).

Khoảng đầu niên hiệu Thái Hòa (827 - 835) Nguyên Lượng về triều giữ chức Tán kỵ Thường thị, kế được thăng làm Thái tử tân khách đổi làm Phân ty Ngự sử ra làm việc ở Lạc Dương. Khi Đường Văn tông cùng Tể tướng Tống Thân Tích mưu diệt trừ đám hoạn quan Cừu Sĩ Lương lũng đoạn triều chính, việc bị tiết lộ, bè đảng hoạn quan là Trịnh Chú phao rằng Thân Tích toan làm phản, bắt bớ tra xét khắp nơi, trong triều ngoài quận náo động. Nguyên Lượng được tin vội về Trường An, lấy chức Gián nghị đại phu dẫn đầu các gián quan tới điện Diên Anh ra sức tâu bày can ngăn, khiến bọn Cừu Sĩ Lương phải chùn tay, chỉ giáng Thân Tích làm Tư mã Khai Châu, nên từ đó rất có danh vọng trong triều đình. Kế bị bệnh trở về Lạc Dương, được triệu ra làm Thứ sử Hào Châu thì chết.

Bài mộ chí Thôi Nguyên Lượng của Bạch Cư Dị chép Nguyên Lượng cuối đời hâm mộ đạo Phật, bỏ hết sắc tướng. Đêm Nguyên Lượng chết, người nhà mới thay chiếu xong thì Cư Dị được tin hốt hoảng đến thăm cũng vừa tới, chỉ thấy ông lặng lẽ như được giải thoát, tắt thở mà vẻ mặt vẫn điềm nhiên, ở cuối tờ di sớ trên bàn có bốn câu thủ bút như sau:

Tạm vinh tạm tụy thạch xao hỏa,
Tức không tức sắc nhãn sinh hoa.
Hứa thời vi khách kim quy khứ,
Đại Lịch nguyên niên thị ngã gia.

(Thoắt vinh thoắt lo đá khua lửa,
Ấy không ấy sắc mắt sinh hoa.
Một thời làm khách nay về lại,
Đại Lịch nguyên niên mới thật nhà).

Kể ra Thôi Nguyên Lượng cũng là một con người kỳ lạ: một mặt ông coi cuộc sống ngắn ngủi như tia lửa nhoáng lên từ viên đá lửa còn thế giới như tấn tuồng hư ảo thoắt có thoắt không làm hoa cả mắt người, thậm chí còn cho rằng mình lúc chưa sinh ra mới đích thực là mình, song mặt khác lại vẫn ôm bầu nhiệt huyết với cuộc đời như việc làm trong vụ Tống Thân Tích đã ít nhiều cho thấy. Song tình trạng giống như một sự lưỡng phân giữa tư tưởng và lý trí, quan niệm nhân sinh và khuynh hướng thực tiễn ấy dường như lại là sản phẩm phổ biến của xã hội Trung Hoa thời Đường sau loạn An Sử, ở đó phần đông những kẻ sĩ có tài có đức vừa bị hoàn cảnh lịch sử buộc phải bước ra cứu nước giúp đời song vừa bị thực tế chính trường đẩy vào chỗ không thể hết sức hết lòng xả thân cho lý tưởng. Chính vì vậy mà ở một mức độ nhất định, có thể coi con người Thôi Nguyên Lượng như một trích đoạn nhỏ của một tấn bi kịch lớn, tấn bi kịch của những người trí thức phải sống cuộc đời hai mặt với khẩu phần cô đơn như một cách thức thích ứng để tồn tại, một biện pháp dung hòa để hành động trong mâu thuẫn giữa lý tưởng xã hội với thực tiễn hoạt động, giữa tự do tư tưởng với số phận cá nhân....

Lúc ở Hồ Châu Nguyên Lượng có làm bài thơ Tam tịch (Ba thói xấu) trong đó ông tự xưng là “Tam tịch ông” chỉ ba việc mê thơ, mê đàn và mê rượu của bản thân viết lên quạt gởi Lưu Vũ Tích ở Quỳ Châu. Vũ Tích làm thơ họa kèm bài tựa gởi lại, trong có câu “Hội thư đoàn phiến thượng, Tri quân văn tự công” (Đọc thơ trên chiếc quạt, Đủ biết được tài ông), xem đó đủ thấy thi tài của Thôi Nguyên Lượng được các danh sĩ đương thời trân trọng. Những thơ văn xướng họa giữa ông với Bạch Cư Dị ở Hàng Châu, Nguyên Chẩn ở Việt Châu trong hai năm cuối của niên hiệu Trường Khánh (823 - 824) về sau được Bạch Cư Dị tập hợp thành Tam châu xướng họa tập. Tập thơ này được sao lục rải rác trong một số sử sách thời Tống như Tân Đường thư, Thông chí và Đường thi kỷ sự còn toàn tập chưa từng khắc in nên đã mất hẳn từ đầu thời Minh.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Ruộng vườn mờ mịt lối   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 I_icon13Sun 03 Aug 2008, 22:50

Ruộng vườn mờ mịt lối

Lưu U Cầu có bài thơ Thư hoài (Tỏ nỗi lòng) như sau:

Tâm vị minh thời tận,
Quân môn thượng bất dung.
Điền viên mê kính lộ,
Quy khứ dục hà tùng.

(Lòng dạ phô bày hết,
Cửa vua còn chẳng dung,
Ruộng vườn mờ mịt lối,
Quay bước khó về cùng).

Lưu U Cầu người Ký Châu, cuối đời Trung tông làm quan tới chức Ngự sử. Khi Vi hoàng hậu đầu độc Trung tông, phế Tương vương mà lập Ôn vương làm vua để thao túng triều đình, con Tương vương là Lâm Tri vương Long Cơ (tức Huyền tông Đường Minh hoàng sau này) đem quân giết Vi hoàng hậu, tôn Tương vương (tức Duệ tông) làm vua, U Cầu cũng có công. Niên hiệu Tiên Thiên (712) làm Tể tướng nhưng quyền hành còn dưới nhiều người, có ý chưa thỏa mãn. Khi Đậu Hoài Trinh, Thôi Thực giúp Thái Bình công chúa mưu phản, U Cầu khuyên Minh hoàng nên trừ đi, lời nói tiết lộ nên bị Thái thượng vương Duệ tông đày ra Phong Châu, năm sau Thái Bình công chúa bị giết lại được triệu về kinh. Đầu niên hiệu Khai Nguyên (713 - 741) được tiến cử làm Tả Thừa tướng, nhưng vì đang giữ chức Thái tử Thiếu bảo nên triều đình bàn thôi việc ấy. Tể tướng Diêu Sùng lại vốn ghét, tâu rằng U Cầu vì giữ chức tản quan (chức quan nhàn rỗi - không quan trọng) thường có lời oán vọng. Vua giáng chiếu sai bọn Lư Hoài Thận tra xét, đều tâu rằng U Cầu khinh nhờn ngạo mạn, mất phong thể đại thần, nên bị biếm làm Thứ sử Mục Châu, đổi làm Thứ sử Hàng Châu và Sâm Châu. U Cầu phẫn uất chết trên đường đi.

Người xưa thường lấy việc giúp vua trị nước làm công danh sự nghiệp của kẻ sĩ, việc Lưu U Cầu bày tỏ ý nguyện như vậy chẳng có gì là sai trái. Song tình người có lúc ấm lúc lạnh, đường đời có chỗ thẳng chỗ cong, không thể cố chấp mà xử sự theo một lối được. Không rõ có phải bài Thư hoài kia là chứng cớ cho nhóm Lư Hoài Thận kết luận về tội “ngạo mạn” của U Cầu không, song ít ra thì câu Ruộng vườn mờ mịt lối cũng cho thấy tác giả không đạt lẽ tiến thoái nên đã tự ngăn lấp đường lui rồi. Mà đã quyết ý không lui thì lẽ ra cứ phải kiên tâm mà tiến, đây lại vừa gặp điều không như ý đã lập tức trách móc rằng triều đình không dung thì rõ là tâm chí đã tự bại trước, làm sao còn tiến được nữa! Nhưng ý khí lại không dung được sự không dung của triều đình, cứ cậy tài cậy công muốn tiến, cương cường quá nên thành khắc bạc, đến nỗi mất cả phong thể đại thần, không được dùng thì oán vọng ra lời, bị giáng chức thì phẫn uất mà chết, tối tăm sự lập chí, mờ mịt việc chung thân như thế, đáng thương mà cũng đáng trách lắm.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Ngày xưa vâng lệnh triệu, Lòng đạo dễ đâu toàn   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 I_icon13Sun 03 Aug 2008, 22:52

Ngày xưa vâng lệnh triệu, Lòng đạo dễ đâu toàn

Phí Quan Khanh tự Tử Quân, người Trì Châu. Đi học lâu ngày ở kinh đô, có làm bài thơ Cảm hoài:

Huỳnh chúc bất vi khổ, Cầu danh thủy tân toan.
Thượng quốc vô giao thân, Thỉnh yết đa thiểu nan.
Cửu nguyệt phong đáo diện, Tu hãn thành băng phiến.
Cầu danh sĩ công đạo, Danh dữ công đạo viễn.
Lực tận đắc nhất danh, Tha hỉ ngã thả khinh.
Gia thư thập niên tuyệt, Quy khứ tri thùy vinh.
Mã tê Vị Kiều liễu, Đặc địa khởi sầu thanh.

(Học hành không cực khổ, Thi cử mới chua cay.
Ở kinh không người thân, Gặp quan nhiều khó khăn.
Cuối thu gió táp mặt, Mồ hôi thẹn thành băng.
Cầu danh đợi công đạo, Danh, đạo thảy xa xăm.
Hết sức được chút danh, Họ mừng ta lại khinh.
Mười năm thư mẹ vắng, Về quê ai thấy vinh.
Ngựa hí liễu cầu Vị, Tiếng sầu theo ý nhanh).

Năm Nguyên Hòa thứ 2 (807) Quan Khanh thi đậu Tiến sĩ thì mẹ chết. Chôn cất xong, ông than rằng “Cầu làm quan hưởng lộc là để nuôi mẹ mà thôi. Được lộc mà mẹ đã mất rồi, có gì đáng gọi là lộc nữa”. Bèn về ẩn trong núi Cửu Hoa ở Trì Châu. Trong niên hiệu Trường Khánh (821 - 824) quan ở Điện Viện tiến cử là người hiếu hạnh, được phong làm Hữu Thập di, lời chế viết rằng “Tiến sĩ tiền triều Phí Quan Khanh, theo nghiệp Thi Thư, lấy văn thi đậu. Lộc không kịp để báo hiếu, xót mẹ chết nghĩ đau lòng, bèn về gởi thân núi gò, bỏ đường tiến thủ. Giữ vẹn hiếu hạnh suốt mười lăm năm, tiết cao tuy không dùng, tiếng hay đã đồn khắp. Phàm nêu rõ điều chí hiếu, cất nhắc kẻ dật nhân là để phong tục thêm thuần, danh giáo thêm sáng. Khanh nên nhân việc khích lệ người có đức để răn dạy kẻ vô tình, ra giữ chức trọng gần vua mà lập công danh trung ái”. Quan Khanh không nhận chức, làm hai bài Mông triệu bái Thập di, thư tình (Đội ơn vời ra trao chức Thập di, ghi lại tình cảm) như sau:

I. Thập di đế trắc tri thùy đắc,
Quan hệ tài vi khủng bất thăng (thắng).
Hảo thị trung triều tuyệt thân hữu,
Cửu Hoa sơn hạ chiếu lai trưng.

II. Tam thiên lý ngoại nhất vi thần,
Nhị thập niên lai nhiệm vận thân.
Kim nhật hốt mông Thiên tử triệu,
Tự tàm kinh động quốc trung nhân.


(I. Thập di là kẻ kề bên chúa,
Chức nặng tài hèn dạ chẳng an.
Đã tuyệt bạn bè nơi đế khuyết,
Chiếu vời lại tới Cửu Hoa san.
II. Ba ngàn dặm thẳm thân hèn mọn,
Hai chục năm rồi ý nước mây.
Thiên tử hôm nay ban lệnh triệu,
Làm phiền non nước thẹn cho ai).

Quan Khanh ẩn trong núi Cửu Hoa, Thị lang bộ Lễ Tiêu Kiến gởi thơ rằng:

Kiến thuyết Cửu Hoa phong thượng tự,
Nhật cung do tại hạ phương khai.
Kỳ trung u cảnh khách nan đáo,
Thỉnh vị thi trung đồ họa lai.

(Nghe nói chùa trên ngọn Cửu Hoa,
Mặt trời lại tự phía tây ra.
Bên trong cảnh vắng người khôn tới,
Xin vẽ thành thơ gởi kẻ xa).


Quan Khanh làm một bài ngũ ngôn trường thiên đáp, hai câu cuối như sau:

Quân năng khí danh lợi,
Tuế yến nhất tương phùng.

(Nếu anh bỏ danh lợi,
Năm hết sẽ tương phùng).


Quan Khanh là người học hành uẩn súc, chán danh lợi, ít giao thiệp. Khi từ chối không ra làm quan theo lệnh triệu, có thơ bày tỏ chí hướng rằng:

Quân thân đồng thị tiên vương đạo,
Hà như cốt nhục nhất xứ lão.
Dã tri thần bất hợp tá thì,
Tự cổ vinh hoa thùy khả bảo.

(Hiếu trung cùng đạo tiên vương cổ,
Sao bằng cốt nhục chôn cùng chỗ.
Cũng hay thần chẳng biết làm quan,
Gìn giữ giàu sang ngàn thuở khổ).


Dễ thấy rằng Phí Quan Khanh về ở ẩn không chỉ vì mẹ chết mà còn vì chán ngán công danh. Có lẽ từ những ngày bôn ba thi cử ở Trường An, ông đã có quá nhiều dịp để chứng kiến và suy nghiệm về cái mặt trái của tầng lớp quan lại đương thời, cái mặt trái tình người chai sạn và thậm chí trở thành phi nhân trên con đường danh lợi. Cho nên bắt đầu từ tình cảm mà cũng là sự hối hận với người mẹ mà ông xa cách mười năm trong ý nguyện sẽ lập công danh để phụng dưỡng ngày sau nhưng khi ông vừa bắt đầu có thể phụng dưỡng bằng bổng lộc của triều đình thì đã ra người thiên cổ, Phí Quan Khanh trong những ngày ẩn dật ở núi Cửu Hoa cuối đời đã tiến tới một “đạo tâm” thuần phác vượt khỏi các quan niệm hiếu trung song cũng không rơi vào quan niệm vạn sự giai không của đạo Phật theo lối cực đoan kiểu “Mặt trời lại tự phía tây ra” như Tiêu Kiến lầm tưởng. Có lẽ đây chính là cái tinh túy nhất trong chất người ẩn sĩ nơi ông, cái tinh túy mà về sau Đỗ Tuân Hạc sẽ đề cập tới trong bài thơ điếu nấm mộ hoang tàn của vị dật nhân họ Phí:

Phàm điếu tiên sinh giả, Đa thương kinh cức gian.
Bất tri tam xích thổ, Cao khước Cửu Hoa san.
Thiên địa hữu hà ngoại, Tử tôn vô diệc nhàn.
Đương thời nhược trưng khởi, Vị tất đạo thân hoàn.

(Người điếu tiên sinh trước, Thường đau nỗi mộ hoang.
Nào hay ba tấc đất, Cao sánh Cửu Hoa san,
Trời đất có chi khác, Cháu con không cũng nhàn.
Ngày xưa vâng lệnh triệu, Lòng đạo dễ đâu toàn).
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Giai thoại thơ Đường - Cao Tự Thanh   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 I_icon13Fri 04 Sep 2009, 05:14

Nguyên Chẩn, nhà thơ đa tình

Thi nhân vốn đa tình, nên nói Nguyên Chẩn là một nhà thơ đa tình e chưa chính xác. Song người đời cũng có lắm kẻ đa tình mà không phải là thi nhân, vả chăng sự đa tình ở thi nhân cũng có lắm chỗ khác với người đời, nên nói như vậy cốt để làm rõ rằng ông chỉ là người đa tình trong các nhà thơ mà thôi, chứ chẳng phải là so với con người trong thiên hạ.

Chẩn nghe danh kỹ Tiết Đào ở Ích Châu giỏi từ chương, muốn gặp mà chưa có dịp. Đến khi được cử làm Giám sát vào Tây Thục lấy quyền Ngự sử xét việc ngục tụng thì vì địa vị lại khó tới gặp nàng. Quan sở tại biết ý, bảo Tiết Đào tới gặp. Sau Chẩn về kinh đổi bổ làm việc ở Hàn lâm viện, có gởi nàng một bài thơ rằng:

Cẩm Giang hoạt nhị Nga My tú,
Sinh xuất Văn Quân dữ Tiết Đào.
Ngôn ngữ xảo thâu anh vũ thiệt,
Văn chương phân đắc phượng hoàng mao.
Phân phân từ khách đa tình bút,
Cá cá công hầu dục mộng đao.
Biệt hậu tương tư cách yên thủy,
Xương bồ hoa phát ngũ vân cao


(Núi sông đất Thục trời cho đẹp,
Sinh được Văn Quân với Tiết Đào.
Ngôn ngữ êm lời anh vũ nói,
Văn chương sánh giá phượng hoàng cao.
Thi nhân rối rít đành ngưng bút,
Khanh tướng mơ màng mãi Ích Châu.
Ly biệt nhớ nhau vời khói sóng,
Xương bồ năm sắc dáng hoa đâu).

Sau Chẩn làm Liêm vấn Chiết Đông, lại gặp nàng Lý Thái Xuân từ đất Hoài tới, dung nhan đẹp đẽ không ai sánh được. Chẩn làm thơ tặng nàng rằng:

Tân trang xảo dạng tận song nga,
Bao mạn Thường Châu thấu ngạch la.
Chính diện thâu luân quang hoạt vẫn,
Noãn hành kinh đạp trửu văn ba.
Ngôn từ nhã thác phong lưu túc,
Cử chỉ đê hồi tú mị đa.
Cánh hữu não nhân trường đoạn xứ,
Tuyển từ năng xướng Vọng phu ca.


(Mày tô lối mới tựa tiên nga,
Y phục xinh tươi rỡ gấm là.
Trước mặt môi son ngời yểu điệu,
Sau chân sóng gợn bước kiêu sa.
Nói cười gieo ngọc trong như nhạc,
Dáng vẻ tiêu hồn thẹn chết hoa.
Lại khéo não nùng cung đứt ruột,
Chọn lời đặt khúc Vọng phu ca).

Vọng phu ca tức khúc hát La Hống, một khúc điệu khởi từ Lý Thái Xuân. Chẩn ở Chiết Hà bảy năm, một hôm uống rượu say đề thơ ở cửa Đông Vũ rằng:

Dịch dịch hành nhân sự, Phân phân toái bạ thư.
Công phu lưỡng nha tận, Lưu trệ thất niên dư.
Bệnh thống mai thiên phát, Thân tình hải ngạn sơ.
Nhân tuần vị quy đắc, Bất thị ức lô ngư.


(Việc lại nhiều phiền toái, Công văn chán rối mù.
Công phu hai chỗ hết, Nát bét bảy năm dư.
Bệnh xót trời mai nở, Tình sầu góc bể thưa.
Bởi về chưa thỏa ý, Gỏi vược chẳng tương tư).

Thị lang Lý Giản Cầu đùa rằng “Thừa tướng không nhớ gỏi cá vược (ý nói nhớ quê) mà chỉ thích sắc xuân trên Kính Hồ thôi” (Sắc xuân chỉ nàng Thái Xuân).

Vợ trước của Chẩn là con gái Kinh triệu doãn họ Vi, tên Huệ Tùng. Khi Huệ Tùng chết, Chẩn làm thơ khóc, có câu rằng:

Tằng kinh thương hải nan vi thủy,
Trừ khước Vu Sơn bất thị vân.


(Đã qua bể thẳm khôn còn nước,
Ngoài chốn non Vu chẳng có mây).

Lời thơ bóng bẩy nhưng ý tứ rất chân thành - Chẩn ví vợ mình như nước bể thẳm, mây non Vu, đã chung sống với nhau rồi thì trong thiên hạ khó có được người đàn bà nào có thể thay thế. Cái tình cảm sâu nặng với vợ ấy ở ông không phải là giả dối, mặc dù ông vẫn có quan hệ tình cảm với nhiều người khác. Bởi vì là con người thì ông là một kẻ thâm tình, còn là thi nhân thì ông là một người đa tình, mà sự đa tình ở thi nhân có chỗ khác với ở người đời là không chỉ trong phạm vi tình trai gái. Đa tình ở đây không phải là có tình với nhiều người mà là với nhiều điều có thể làm người ta ngưỡng mộ và phát sinh tình cảm. Tình cảm của Nguyên Chẩn với hai nàng danh kỹ Tiết Đào, Lý Thái Xuân và với vợ là ví dụ tiêu biểu. Ông có tình với Tiết Đào là có tình với tài, có tình với Lý Thái Xuân là có tình với sắc, có tình với vợ là có tình với tình.
Và phải chăng khả năng ngưỡng mộ và phát sinh tình cảm với những điều tốt đẹp trên đời trước hết qua các dạng thức hoàn hảo cụ thể của chúng chính là yếu tố quan trọng bậc nhất làm nên phẩm chất và bản lĩnh thi nhân?

_________________________
Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Sứ quân họ Bạch là tài tử   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 I_icon13Fri 04 Sep 2009, 05:20

Sứ quân họ Bạch là tài tử

Vu Sơn là một dãy núi ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Núi này gồm mười hai ngọn, ngọn cao nhất là Thần Nữ phong, dưới có đền thờ Thần nữ. Thời Chiến quốc, nhà thơ nổi tiếng nước Sở là Tống Ngọc cùng Sở Tương vương ra chơi đầm Vân Mộng (đầm lớn ở Hồ Nam, Hồ Bắc), làm bài Cao Đường phú, đề tựa rằng “Xưa tiên vương ra chơi Cao Đường (tên một cái đài của nước Sở trong đầm Vân Mộng), đến tối đi nghỉ, mộng thấy một nữ nhân tới nói là gái ở Vu Sơn, làm khách Cao Đường, nghe vua tới Cao Đường, xin hầu chăn gối. Khi chia tay nàng ấy xưng là ở sườn núi Vu Sơn, trên dốc non cao, sáng làm mây, chiều làm mưa, sáng sáng chiều chiều ở dưới Dương Đài”. Người sau nhân đó dùng chữ “Vu Sơn vân vũ” (mây mưa non Vu) để chỉ việc ái ân trai gái, núi Vu Sơn lại là một thắng cảnh, vì vậy lại càng nổi tiếng. Từ Hán Ngụy đến Nam triều, thi nhân Trung Hoa đua nhau đề vịnh Vu Sơn, thời Đường càng thịnh. Nhưng Bạch Cư Dị (tức Bạch Lạc Thiên), một nhà thơ nổi tiếng thời Đường thì không, mặc dù ông từng lên tới núi Vu Sơn, vào tận đền Thần nữ. Về việc này, Đường thi kỷ sự chép như sau:

Lạc Thiên được thăng chức Thứ sử Tô Châu, theo đường sông tới nhậm chức. Lúc bấy giờ có Bà Tri Nhất ở huyện Thê Quy, nghe tin Cư Dị sắp đi ngang Vu Sơn, bèn tới trước lấy phấn viết lên tường đền Thần nữ một bài thơ bằng chữ lớn rằng:

Trung Châu Thứ sử kim tài tử,
Hành đáo Vu Sơn tất hữu thi.
Vị báo Cao Đường thần nữ đạo,
Tốc bài vân vũ hậu thanh tì (từ).


(Sứ quân họ Bạch là tài tử,
Đi tới Tô Châu ắt ghé đây.
Báo trước Cao Đường thần nữ biết,
Mây mưa bày gấp đợi thơ hay).

Cư Dị tới đọc thấy rất khoan khoái, bèn mời Tri Nhất tới. Tri Nhất nói “Lang trung ở Lịch Dương là Lưu Vũ Tích, làm quan ở thành Bạch Đế ba năm, muốn làm một bài thơ về Vu Sơn mà không làm được. Đến khi nghỉ chức qua ngang, xóa hết hơn ngàn bài thơ đề vịnh ở đây, chỉ để lại có bốn bài mà thôi”.

I. Thơ của Thẩm Thuyên Kỳ:

Vu Sơn cao bất cực,
Hợp đạp kỳ trạng tân.
Ám cốc nghi phong vũ,
U nhai nhược quỷ thần.
Nguyệt minh Tam Giáp thự,
Triều mãn Cửu Giang xuân.
Vị vấn Dương Đài khách,
- Ưng như nhập mộng nhân?


(Một dãy Vu Sơn cao chót vót,
Phô bày cảnh vật vẻ thanh tân.
Hang sâu mờ mịt hồn mưa gió,
Núi kín âm u ý quỷ thần.
Trăng chiếu đêm ngời Tam Giáp rạng,
Triều dâng nước rẫy Cửu Giang xuân.
Mơ màng hỏi khách Dương Đài trước,
- Có khứng đưa nhau tới mộng chăng?)

II. Thơ của Vương Vô Cạnh:

Thần nữ hướng Cao Đường,
Vu Sơn hạ tịch dương.
Bồi hồi hành tác vũ,
Uyển luyến trục Kinh vương.
Điện ảnh giang tiền lộ,
Lôi thanh giáp ngoại trường.
Triêu vân vô xứ sở,
Đài quán hiểu thương thương


(Chiều buông Thần nữ hướng Cao Đường,
Để lại Vu Sơn lặng tịch dương.
Bịn rịn gieo tràn mưa luyến ái,
Êm đềm ruổi giữa mộng Kinh vương.
Sấm vang ngoài núi thanh rền rĩ,
Chớp sáng đầu sông ánh tỏ tường.
Mây sớm bơ vơ không chốn ngụ,
Quán đài xanh ngắt buổi tinh sương)

III. Thơ của Hoàng Phủ Nhiễm:

Vu Giáp hiện Ba Đông,
Thiều thiều xuất bán không.
Vân tàng Thần nữ quán,
Vũ đáo Sở vương cung.
Triêu mộ tuyền thanh lạc,
Hàn huyên thụ sắc đồng.
Thanh viên bất khả thính,
Thiên tại cửu thu trung.


(Vu Sơn cao ngất cõi Ba Đông,
Hiện giữa trời xanh dáng lạ lùng.
Mây giấu đền Vu Thần nữ vắng.
Mưa rơi cung Sở cố nhân mong.
Sáng chiều tiếng suối gieo châu ngọc.
Ấm lạnh màu cây biếc trúc thông.
Vượn hú não nùng nghe chẳng nổi,
Giọng buồn riêng ngập bóng thu trong).

IV. Thơ của Lý Đoan:

Vu Sơn thập nhị trùng,
Giai tại bích không trung.
Hồi hợp vân tàng nhật,
Phi vi vũ đới phong.
Viên thanh hàn độ thủy,
Thụ sắc mộ liên không.
Bi hướng Cao Đường khứ,
Thiên thu kiến Sở cung.


(Một dãy mười hai ngọn chập chùng,
Vu Sơn sừng sững giữa không trung.
Mây quanh cuộn cuộn vầng dương lịm,
Mưa tuyết giăng giăng nét gió cong.
Tiếng vượn lạnh vang trong tiếng suối,
Màu cây chiều xuống lẫn màu không.
Cao Đường nghĩ xót khi ly biệt,
Tình ý ngàn thu gởi Sở cung)

Bạch Cư Dị đọc xong bốn bài rồi, cùng Bà sinh đều xuống thuyền, không đề thơ ở Vu Sơn nữa.

Là một nhà thơ tài hoa, cho dù không làm được một bài thơ thật đặc sắc về Vu Sơn, chắc chắn Bạch Cư Dị cũng có thể viết nổi một bài nghe được. Nhưng ông không viết.
Người độc giả mang cái tên đầy vẻ ngụ ngôn truyền thuyết Bà Tri Nhất (chữ Bà còn có âm là phiền (nhiều) - nhiều mà biết có một) kia đã nhắc khéo ông rằng nếu không làm được thơ hay hơn cả bốn bài nói trên, thì đừng gượng gạo vô ích. Bởi qua tay một danh sĩ Lưu Vũ Tích trăn trở suốt ba năm cho một bài thơ về núi Vu Sơn, bốn bài không bị xóa kia đã trở thành một cụm thơ liên hoàn về truyền thuyết cuộc gặp gỡ giữa Sở vương và Thần nữ Vu Sơn trong kết cấu hoàn chỉnh về bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông ở Vu Sơn rồi.
Và có tài hoa đến mấy thì Bạch Cư Dị cũng không thể vượt lên trên thi tài của cả năm danh sĩ đương thời, vả chăng cần gì phải làm thêm một bài thơ mà chính những nhà thơ như Lưu Vũ Tích và người đọc như Bà Tri Nhất đều thấy là không cần thiết nữa? Lưu Vũ Tích đã làm một bài thơ về núi Vu Sơn mà không viết, Bạch Cư Dị được đọc một bài thơ về núi Vu Sơn nên không làm. Và Bạch Cư Dị không làm thơ về Vu Sơn, mà người đời được một bài học qua việc ông không làm thơ về Vu Sơn.
Kẻ tài sĩ thì khí lượng giống người quân tử, một bài thơ cũng coi là việc chung thiên hạ, có ai gánh được rồi thì mình thấy thanh thản, và cũng xử sự như bậc anh hùng, thấy không tiến được thì lui ngay, bởi có thừa tài thức nên tự trọng thân phận, quyết không thể khinh dị mà sống chết cầu danh ở một bài thơ như đám tục tử thùng rỗng kêu to được.

_________________________
Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Giai thoại thơ Đường - Cao Tự Thanh   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 3 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Giai thoại thơ Đường - Cao Tự Thanh
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Giai thoại văn học Việt Nam
» 36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ
» Những giai thoại hay về Lương Thế Vinh
» Giai Thoại Chữ Nghĩa
» Những Giai Thoại về Các Vị Tam Nguyên
Trang 3 trong tổng số 3 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Tài Liệu-