Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
EM CHIM HÁT HAY QUÁ by mytutru Yesterday at 20:32

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:06

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) by Ai Hoa Yesterday at 10:25

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Yesterday at 10:08

Một thoáng mây bay 13 by Ai Hoa Yesterday at 07:34

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Tue 14 May 2024, 13:15

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Tue 14 May 2024, 09:55

4 chữ by Tinh Hoa Mon 13 May 2024, 20:23

MÂY NGŨ SẮC 13.05.2024 by mytutru Mon 13 May 2024, 15:05

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Mon 13 May 2024, 06:14

CÁC LOÀI CHIM ĐẸP by mytutru Sun 12 May 2024, 10:51

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Sun 12 May 2024, 00:04

Lục bát by Tinh Hoa Sat 11 May 2024, 14:33

QUY NHƠN TÔI YÊU by phambachieu Fri 10 May 2024, 16:51

Mái Nhà Chung by mytutru Thu 09 May 2024, 23:18

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 09 May 2024, 12:56

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Thu 09 May 2024, 12:37

Chết rồi! by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:31

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Sun 05 May 2024, 11:06

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 19:13

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 06:36

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Wed 01 May 2024, 21:49

7 chữ by Tinh Hoa Tue 30 Apr 2024, 10:59

5 chữ by Tinh Hoa Sun 28 Apr 2024, 22:27

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Giai thoại thơ Đường - Cao Tự Thanh

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3  Next
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Tri âm không gặp nói cùng ai   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 I_icon13Sun 03 Aug 2008, 21:53

Tri âm không gặp nói cùng ai

Tống Chi Vấn có bài Ngâm đông tiêu dẫn tặng Thừa Trinh (Đêm đông ngâm thơ nhân tặng Thừa Trinh) tặng đạo sĩ Tư Mã Thừa Trinh như sau:

Hà hữu băng hề sơn hữu tuyết,
Bắc hộ cận hề hành nhân tuyệt.
Độc sơn trung hề đối minh nguyệt,
Hoài mỹ nhân hề lũ doanh khuyết.
Minh nguyệt đích đích hàn đàm trung,
Thanh tùng u u ngâm kính phong.
Thử tình bất hướng tục nhân thuyết,
Ái nhi bất kiến hận vô cùng.

(Sông có băng chừ non có tuyết,
Song bắc khép chừ dấu người tuyệt.
Riêng núi sâu chừ ngắm trăng soi,
Nhớ người đẹp chừ thay tròn khuyết.
Trăng soi vằng vặc bóng đầm trong,
Thông biếc vi vu tiếng gió rung.
Tình nhã chẳng chia cùng thế tục,
Mong mà chẳng gặp hận vô cùng).

Thừa Trinh đáp lại rằng:

Thời ký mộ hề tiết dục xuân,
Sơn lâm tịch hề hoài u nhân.
Đăng kỳ phong hề vọng bạch vân,
Trướng miếu mạo hề tượng úc phân.
Bạch vân du du khứ bất phản,
Hàn phong sưu sưu xuy nhật vãn.
Bất kiến kỳ nhân thùy dữ ngôn,
Quy lai đàn cầm tứ dao viễn.

(Năm đã tàn chừ tiết sắp xuân,
Núi rừng vắng chừ trông cố nhân.
Lên đỉnh cao chừ nhìn mây trắng,
Ngắm chốn xa chừ như chuyển vần.
Mây trắng mênh mông không trở lại,
Gió reo vi vút thổi ngày xế.
Tri âm không gặp nói cùng ai,
Trỗi khúc đàn xa gởi ý ấy).

Tư Mã Thừa Trinh tự Tử Vi, hiệu Bạch Vân tử, người Hà Nội. Thuở trẻ không muốn làm quan, theo đạo sĩ Phan Sư Chính học đạo, hiểu hết các thuật đạo dẫn tịch cốc, phù chú luyện đan, lại nắm vững giáo lý Thượng thanh, là một trong các nhân vật quan trọng của Đạo giáo thời Đường. Từng đi khắp các danh sơn, sau tới ẩn cư trên ngọn Ngọc Tiêu núi Thiên Thai. Vũ Tắc Thiên triệu tới Lạc Dương, Duệ tông triệu vào Trường An, đến khi về núi các quan trong triều có hơn 300 người làm thơ đưa tiễn, về sau ông sắp xếp lại làm thành tập Bạch Vân ký. Đến đời Huyền tông cũng hai lần vời ra, sau ban chiếu cho tới ở núi Vương Ốc, khi chết được triều đình ban thụy là Trinh Nhất tiên sinh. Toàn Đường thi có chép một bài thơ của ông, tức là bài đáp Tống Chi Vấn nói trên.

Thừa Trinh là nhân vật nhờ đạo học mà nổi danh chứ không phải là hạng đạo sĩ đem pháp thuật mà cầu lợi, triều đình gọi thì ra, cho thì về, không tự tiến thân ở cung đình, không cầu giao du với khanh tướng, lối xuất xử tiến thoái “hòa nhi bất đồng” với thế tục ấy đủ cho thấy ông là một bậc cao nhân. Tới như hai câu cuối “Tri âm không gặp nói cùng ai, Trỗi khúc đàn xa gởi ý ấy” trong bài thơ nói trên thì lời hòa ý sâu, khí tĩnh tứ dài, bình đạm mà hơn đời, ung dung mà thoát tục còn bộc lộ thêm một phong tư tài sĩ. Lý Bạch có lần gặp Thừa Trinh ở Kim Lăng, được Thừa Trinh khen là có tiên phong đạo cốt, có thể phóng tinh thần rong chơi trong trời đất, Bạch có làm bài Đại bằng phú ghi lại.

(Cao Tự Thanh, Giai thoại thơ Đường, Nxb. Phụ nữ, 1995)
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Một lần triệu dễ đâu dời chân ngay   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 I_icon13Sun 03 Aug 2008, 21:54

Một lần triệu dễ đâu dời chân ngay

Phủ Sùng Thánh ở Trường An có Trang điện (điện trang điểm) của HIền phi họ Từ. Thái tông có lần triệu, lâu không thấy tới, vua nổi giận. Phi vì thế dâng thơ rằng:

Triêu lai lâm kính đài
Trang bãi độc bồi hồi
Thiên kim thủy nhất tiếu
Nhất triệu cự năng lai?


(Sáng ra bước tới đài gương
Điểm trang xong, ngắm dung nhan bồi hồi
Ngàn vàng mới một nụ cười
Một lần triệu dễ đâu dời chân ngay?)

Lời thơ rõ ra là của một sủng cơ, nghe vừa nũng nịu vừa kiêu kỳ. Song có lẽ hôm ấy trông nàng đẹp thật và chắc vì vua cũng đang sốt ruột, nên bèn không giận nữa. Vả lại nàng họ Từ không những có sắc đẹp mà còn là một tài nữ trong hàng cung phi của Đường Thái tông.

Hiền phi họ Từ tên Huệ, người Hồ Châu. Sinh ra năm tháng đã biết nói, lên bốn tuổi hiểu sách Luận ngữ, đến tám tuổi thì biết làm văn. Cha là Hiếu Đức có lần thử tài bảo làm bài Tiểu sơn (Núi nhỏ) theo thể Ly tao, nàng đọc rằng:

Ngưỡng u nham nhi lưu miện, Phủ quế chi dĩ ngưng tưởng
Tương thiên linh hề thử ngộ, Thuyên hà vi hề độc vãng?


(Ngước non sâu mà lệ chảy, Vỗ cành quế mà nghĩ ngợi
Lấy ngàn tuổi chừ gặp đây, Vua việc gì chừ riêng tới?)

Hiếu Đức sợ lắm, biết không thể giấu. Người đương thời bàn tán với nhau, đồn đại tới triều đình. Thái tông nghe được, triệu nàng vào cung phong làm Tài nhân, kế thăng lên bậc Dung thừa. Năm Trinh Quán thứ 23 (649) nàng dâng sớ xin thôi việc binh, bãi lao dịch, trong có những câu như “ Kẻ có nghiệp lớn dễ kiêu căng, mong bệ hạ khó chỗ ấy; kẻ giỏi mở đầu khó kết thúc, mong bệ hạ dễ chỗ ấy... Định ra phép tiết kiệm, còn sợ làm xa xỉ; định ra phép xa xỉ, lấy gì ngăn đời sau?”. Năm Vinh Huy thứ 1 (650) chết, được tặng là Hiền phi. Em là Tề Tham, con là Kiên, đều nổi tiếng có học vấn.

Thái tông Lý Thế Dân là vị vua sáng nghiệp kiêm thủ thành của Đường triều, ắt phải ngoài có thần liêu tài giỏi trung thành phò tá, trong có hậu phi đoan chính hiền thục khuyến khích, điều đó đương nhiên khỏi bàn. Đáng nói là buổi ấy nhà Đường mới dụng, đời loạn vừa yên nên hạng danh sĩ tài nữ phần nhiều đều có cốt cách ngang tàng cứng cỏi; đến như một cô gái nhỏ cũng có khí phách, vịnh núi non thì không cầu có vua, làm cung phi thì không gấp đi hầu. Được sống giữa những người xuất chúng và trong một phong khí khoáng đạt như vậy, Lý Thế Dân quả là một ông vua may mắn làm sao!
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Đàn bà dễ có mấy tay   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 I_icon13Sun 03 Aug 2008, 22:00

Đàn bà dễ có mấy tay

Đường thi kỷ sự chép Đỗ Tiêu có vợ là nàng họ Lưu (có sách chép là họ Triệu). Tiêu trọ học ở xa, thi rớt định về nhà, nàng gửi thơ trước rằng:

Văn quân đích đích hữu kỳ tài
Hà sự niên niên bị phóng hồi
Như kim thiếp diện tu quân diện
Quân đáo lai thời cận dạ lai


(Nghe anh chữ nghĩa cũng bề bề
Sao cứ liền năm bị đuổi về
Giờ thấy mặt chàng quê mặt thiếp
Muốn vào anh hãy đợi canh khuya) (1)

Tiêu lập tức quay trở lại, không về nhà nữa. Kế thi đậu, vợ lại gửi thư rằng:

Trường An thử khứ vô đa địa
Uất uất thông thông giai khí phù
Lương nhân đắc ý chính niên thiếu
Kim dạ tuý miên hà xứ lâu?


(Trường An tới đó không nhiều đất
Hồng lục chen đua lắm sắc màu
Đắc ý, chồng ta đang tuổi trẻ
Đêm nay say ngủ ở nơi đâu?)

Tiêu đậu Tiến sĩ trong niên hiệu Trinh Nguyên (785-804), làm quan tới chức Thượng thư bộ Công, sự nghiệp và văn chương đều có chỗ hơn người, song sử sách đều có chép. Điều đáng nói là ông này có một người vợ thật dễ nể: chồng thi rớt thì chọc tức cho phẫn chí học tập, chồng thi đậu thì nói móc để hạn chế chơi bời, mà đều bằng thơ văn cả. Đàn bà dễ có mấy tay!

(1) Theo bản dịch trong Lều chõng của Ngô Tất Tố. Chúng tôi xin phép người đọc cho sửa vài chữ cho gần gũi hơn với ngôn ngữ hiện đại.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Ai ơi bưng bát cơm đầy   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 I_icon13Sun 03 Aug 2008, 22:03

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Lý Thân tự Công Thuỳ, hiệu Đoản Lý, cháu cố của Lý Kinh Huyền. Thi đậu Tiến sĩ trong niên hiệu Nguyên Hoà (806-820), giữ chức Hàn lâm viện học sĩ. Nổi tiếng hay thơ, cùng Lý Đức Dụ và Nguyên Chẩn được người đương thời gọi là "Tam tuấn" (ba người anh tuấn). Đời Mục tông (821-824) được triệu làm Hữu Thập di. Đời Vũ tông (841-846) làm tới chức Thượng thư Tả bộc xa môn hạ Thị lang (một cấp bậc của chức Thừa tướng), được bốn năm ra giữ trấn, kế chết. Có Tru tích du tập.

Thân buổi đầu lấy thơ cổ phong ra mắt Lữ Ôn. Ông đưa Tề Hủ xem, đọc bài Mẫn nông (Thương nhà nông) của Thân, nhân nói rằng " Người này ắt làm tới bậc khanh tướng", sau quả như lời ấy. Thơ Mẫn nông của Thân như sau:

I
Xuân chủng nhất lạp túc
Thu thu vạn khoả từ
Tứ hải vô nhàn điền
Nông phu do ngã tử

II
Sừ hoà nhật đương ngọ
Hãn trích hoà hạ thổ
Thuỳ tri bàn trung xan
Lạp lạp giai tân khổ

(I
Mùa xuân gieo một hạt con
Vào thu gặt vạn hạt tròn về tay
Ruộng nương khắp chốn giăng bày
Nhà nông có kẻ chết vì thiếu ăn

II
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa luống cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần (1)

Cũng có thể nói Lữ Ôn là kẻ tinh đời, song nghĩ cho cùng thì cái dự báo của ông về tiền đồ của Lý Thân là hoàn toàn có thể giải thích được. Vào thời bấy giờ thì nông dân, nông nghiệp và nông thôn là nền tảng kinh tế, xã hội và văn hoá của quốc gia, thương xót nhà nông cũng là thương yêu thiên hạ; học thức và tấm lòng của Lý Thân nhờ vậy mà được đời dùng, và đời dùng thì đời phải dung nên cố nhiên là ông ta làm tới bậc khanh tướng. Chứ về sau thì kinh tế thị trường phát triển, tấm lòng với thiên hạ của các bậc khanh tường và những kẻ sĩ toan làm khanh tướng tự nhiên phải hướng tới thương yêu và trọng vọng những đối tượng có nhiều vốn khác, ít có thời gian thương xót nhà nông hơn...

(1) Bài II này theo một bản dịch khuyết danh vẫn được coi là ca dao Việt Nam.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Chỉ đợi gió to nổi   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 I_icon13Sun 03 Aug 2008, 22:09

Chỉ đợi gió to nổi

Ngày trước, phụ nữ bị ràng buộc và khống chế bởi chuẩn mực tam tòng (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử - Ở nhà thì theo lời cha, lấy chồng thì theo lời chồng, chồng chết thì theo lời con trai) nên dần dần bị đẩy vào vai trò phụ thuộc với tâm lý thụ động trong nhiều hoạt động cả tại gia đình lẫn ngoài xã hội. Song cũng có không ít người hoặc nhờ học vấn, hoặc qua thực tiễn đã đi tới chỗ chống đối, phủ nhận thứ đạo đức vô nhân ấy, trước hết là về mặt tình cảm và ý thức. Trương Văn Cơ là một trường hợp.

Văn Cơ có bài thơ Khê khẩu vân (Đám mây ở cửa khe) như sau:

Nhất phiến khê khẩu vân
Tài hướng khê trung thổ
Bất phục quy khê trung
Hoàn tác khê trung vũ


(Một mảnh mây cửa khe
Từ miệng khe lan toả
Chẳng trở về trong khe
Lại rớt làm mưa nhỏ)

Từ thi pháp Đường thi và giới tính của tác giả mà nhìn, bài thơ trên đã ít nhiều thể hiện cái tâm tình của một người phụ nữ không cam lòng "sống yên phận". Mảnh mây kia tuy ra từ cửa khe song không trở về với dáng hình như cũ, mà hoá thành cơn mua rơi xuống cho nước trong khe thêm mát thêm đầy. Cái hàm ý giúp thêm cho nước trong khe này là điểm khởi đầu để người ta nghĩ tới ý thức sáng ngang vai với nam giới ở Văn Cơ, một ý thức mà dường như bài Sa thượng lộ (Con cò trên bãi cát) đã bộc lộ khá minh bạch:

Sa đầu nhất thuỷ cầm
Cổ dực dương thanh âm
Chỉ đãi cao phong tiện
Phi vô vân hán tâm


(Bãi bờ riêng lặn lội
Đập cánh tiếng vang dầy
Chỉ đợi gió to nổi
Nào không dạ lướt mây)

Lời thơ mang khẩu khí lướt gió tung mây so ra chẳng kém gì những đấng anh hùng nam giới như vậy cho thấy tác giả quả là một phụ nữ có chí khí hào hùng. Đáng tiếc là không rõ lai lịch và hành trạng của Văn Cơ, chỉ biết rằng nàng là vợ của một viên Tham quân họ Bão. Tuy nhiên vào thời Đường thì Nho giáo còn chưa hoàn chỉnh đồng thời chưa chiếm được hẳn vị trí độc tôn trong đời sống tinh thần của xã hội, mặt khác lại có nhiều phụ nữ thực sự tham gia hoạt động xã hội ở các vị trí cao, chẳng hạn Trương Xuất Trần (tức Hồng Phát, vợ Lý Tĩnh), Bình Dương công chúa (chị Lý Thế Dân) hay điển hình là Vũ Tắc thiên..., có lẽ hoàn cảnh và phong khí ấy của thời đại đã ít nhiều tác động tới hạng tài nữ như Văn Cơ chăng?

Trương Văn Cơ nổi tiếng hay thơ, giỏi vịnh vật ngụ ý, lời lẽ tình tứ uyển chuyển, các thi nhân đồng thời rất xưng tụng.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Soi tới mới phân minh   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 I_icon13Sun 03 Aug 2008, 22:14

Soi tới mới phân minh

Ngày xưa người ta sáng tác với quan niệm "Văn hàng công khí" - văn chương được lưu truyền là vật báu chung của thiên hạ. Văn chương lúc ấy chưa phải là một thứ hàng hoá đúng nghĩa trong một thị trường chữ nghĩa thật sự, bằng chứng là luật pháp chưa đặt ra vấn đề bảo hộ tác quyền. Và có lẽ vì chẳng được bao nhiêu lợi lộc nên người ta cũng ít hứng thú đạo văn, thậm chí có khi lại "vu khống" những người nổi tiếng là tác giả của tác phẩm của mình để chúng được truyền tụng rộng rãi - sự này cố nhiên là rất bậy nhưng phần lớn cũng chỉ xâm phạn độc quyền nhãn hiệu của các nhân vật đã quá cố nên ít khi bị chửi, hơn thế nữa còn góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho các nhà Thư tịch học, Văn bản học đời sau...Tuy nhiên giống như một sự vay mượn tinh thần và tạm ứng trí tuệ để tự khẳng định bản thân trong lãnh vực rất khó tự khẳng định là văn chương chữ nghĩa, cổ nhân cũng có những kẻ đạo văn; và mặc dù không phải là hoàn toàn bất tài so với các nạn nhân của mình nên có phần ít dốt nát hơn giới "đạo sĩ" (đạo ở đây là trộm cắp) thời nay, họ cũng để lại cho đám hậu sinh khả uý và khả ố này một số phương thức tổng quát cũng như thủ pháp cơ bản - chẳng hạn "thủ tiêu các bằng chứng buộc tội" và "nguỵ tạo các bằng chứng ngoại phạm". Vài giai thoại thơ Đường dưới đây là minh chứng.

Lý Nghĩa Phủ, Tể tướng đời Cao tông (650-683) có bài thơ ngũ ngôn như sau:

Lũ nguyệt vi ca phiến
Tài vân tác vũ y
Tự lân hồi tuyết ảnh
Hảo thủ Lạc Xuyên quy


(Quạt ca đem nguyệt chạm
Áo múa lấy mây may
Tuyết rọi thương cho bóng
Khéo đem sông Lạc về)

Đương thời có Huyện uý Táo Cương Trương Hoài Khánh rất hay trộm cắp văn chương của các bậc danh sĩ đọc thấy bèn tân trang thành thơ thất ngôn:

Sinh tình lũ nguyệt vi ca phiến
Xuất tính tài vân tác vũ y
Chiếu giám tự lân hồi tuyết ảnh
Lai thời hảo thủ Lạc Xuyên quy


(Tình hứng quạt ca đem nguyệt chạm
Tính thành áo múa lấy mây may
Soi lên tuyết rọi thương cho bóng
Khen kẻ khéo đem sông Lạc về)

Thông thường ai không có thịt cá mới dùng nhiều bột ngọt (mì chính) để nấu canh, cũng như ai không có ý tưởng mới tung hứng ngôn từ để làm ảo thuật chữ nghĩa. Tám chữ của thi nhân đạo sĩ họ Trương thêm vào kia do đó cũng chỉ nhằm làm cho bài thơ khác đi so với nguyên tác của Lý Nghĩa Phủ như một lối thủ tiêu bằng chứng buộc tội, chứ về giá trị thì cũng chỉ là một thứ bột ngọt ngôn từ, chẳng ích lợi gì cho bài thơ về cả ý tứ lẫn nghệ thuật. Vụ đạo văn trắng trợn này đã khiến người đương thời có câu

Hoạt tước Trương Xương Linh
Toạ thôn Quách Chính Nhất

(Ăn tươi Trương Xương Linh
Nuốt sống Quách Chính Nhất
Xương Linh và Chính Nhất đều là hai nhà thơ nổi tiếng lúc bấy giờ), ý nói Hoài Khánh chỉ giỏi việc "ăn tươi nuốt sống" thơ văn người khác mà thôi.

Tân Hoằng Trí và Thường Định Tông cùng là Tiến sĩ làm việc ở Quốc tử giám. Hoằng Trí có làm một bài thơ rằng:

Quân vi hà biên thảo
Phùng xuân tâm thặng sinh
Thiếp như đài thượng kính
Đắc chiếu thuỷ phân minh


(Chàng nói cỏ ven sông
Gặp xuân lòng hẳn xanh
Thiếp như gương trên giá
Soi tới mới phân minh)

Định Tông thấy tứ thơ đặc sắc đâm thú quá, bèn đổi chữ thuỷ (mới) trong câu cuối thành chữ chuyển (sẽ) rồi nhận là thơ của mình. Hai người cãi nhau, ai cũng nói "Ta làm viết ra trên giấy rõ ràng đây". Bác sĩ Quốc tử giám La Đạo Tông phân xử rằng "Phép tắc thơ ngũ ngôn đã tình từ xưa, là đều lấy lý để phân chia cao thấp. Nay có chuyện tranh giành, thì ai viết nhiều hơn là tác giả. Vậy bài thơ của Hoằng Trí, còn chữ chuyển là của Định Tông, cứ dựa vào bản viết tay của hai người mà xét theo công luận".

Kể ra theo logic trong kết cấu bài thơ, tức là cái mà La Đạo Tông gọi là "lý" thì chữ chuyển của Định Tông quả cũng làm bài thơ rõ hơn về ý và chặt hơn về nghĩa so với chữ thuỷ của Hoằng Trí thật. Có điều sửa đi một chữ rồi nhận cả tác phẩm với ý tứ trọn vẹn của người ta làm của mình với lý do viết ra có khác như một lối nguỵ tạo bằng chứng ngoại phạm thì lối lý sự ăn người của Định Tông quả cũng khá trơ tráo. Nhưng so với đám hậu bối thời nay chỉ biết sử "năm mươi năm" thành "nửa thế kỷ", "tâm lý cứng cỏi mà phóng khoáng" thành "tâm lý rắn rỏi mà khoáng đạt"...thì ít ra ông ta cũng tài giỏi hơn một tầng. Xem ra nếu sống vào thời nay thì với bằng cấp sang cả, sở trường khôn vặt và nhất là bản lĩnh trơ tráo ấy có thể ông sẽ nổi tiếng trong một cái nghề danh giá là sửa chữa năm ba chỗ, thay đổi một đôi câu gọi là "hiệu duyệt, nhuận sắc" rồi ký tên là Chủ biên, Chỉ đạo hoặc Đồng tác giả...gì đó trên sách vở của kẻ khác viết cũng không biết chừng...

Dương Hành buổi đầu ẩn cư ở Lư Sơn, nổi tiếng hay thơ. Có một người quen đi thi ăn cắp thơ ông làm bài, đậu Tiến sĩ. Sau đó Hành lên kinh thi, cũng đậu Tiến sĩ, gặp người ấy bèn giận dữ hỏi "Câu Nhất nhất hạc thanh phi thượng thiên (Tiếng tiếng hạc kêu bay tới trời) có còn không? ". Người ấp đáp "Biết ông rất quý câu ấy, nên thật là không dám ăn cắp". Hành cười nói "Vậy thì còn tha được".

Cố nhiên Dương Hành bỏ qua việc vị Tiến sĩ - đạo sĩ kia trộm cắp thơ văn của ông vì chưa bị mất luôn câu mà ông đắc ý, nhưng việc "biết điều" mà chừa lại câu ấy cũng cho thấy ít ra người kia cũng có nhãn lực về văn chương nên việc ông ta thành khẩn nhận lỗi cũng làm cho Hành thoả mãn. Chứ như một vài học giả thời nay chép ráo cả những lỗi in ấn trong sách của người khác theo một cung cách dốt nát vô phương cứu chữa, khi bị vạch mặt còn già mồm thưa kiện hoặc cãi vã, thậm chí dùng cả thủ đoạn hạ lưu là vu khống nạn nhân của mình cũng đạo văn để chạy tội, thì đó không phải là loại trộm cắp nữa mà là hạng lưu manh rồi. Cho nên so với những kẻ dốt nát và vô sỉ không thể dùng đạo đức và dư luận để ngăn chặn mà có lẽ phải nhờ pháp lý và pháp đình soi tới mới phân minh được ấy, thì vị đạo sĩ nhờ trộm cắp văn chương của Dương Hành mà đậu tiến sĩ nói trên xem ra còn có nét dễ thương hơn... Có điều nếu nhớ lại những kẻ chép tác phẩm của người khác một cách khá nguyên văn vào những quyển sách bài báo ký tên mình nhưng khi bị phát hiện chỉ "cải chính" hay xin lỗi bằng mồm, thì có thể thấy rằng ông ta với họ cũng chỉ là cùng trường khác lớp!
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Cát vàng chảy thẳng vào mây trắng   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 I_icon13Sun 03 Aug 2008, 22:23

Cát vàng chảy thẳng vào mây trắng

Vương Chi Hoán cùng Vương Xương Linh, Cao Thích uống rượu trong quán, có bọn giáo phường tới ca hát. Thời bấy gìơ những ca kỹ thường lấy thơ của các danh sĩ phổ nhạc để hát, nên bọn Chi Hoán nhân đó hẹn nhau rằng nếu người nào có thơ được hát nhiều thì người ấy giỏi hơn. Người ca kỹ đầu tiên bước ra hát, là bài Phù Dung lâu tống Tân Tiệm của Vương Xương Linh:

Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô
Bình minh tống khách Sở sơn cô
Lạc Dương thân hữu như tương vấn
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ

(Mưa lạnh theo sông tối tới Ngô
Sáng ra đưa khách núi Nam sầu
Bạn bè đất Lạc như thăm hỏi
Một mảnh lòng băng giữa ngọc hồ)

Vương Xương Linh nghe xong gật gù khen hay, lấy móng tay vạch lên vách sau lưng chỗ ngồi một nét, nói "Một bài". Người ca kỹ thứ hai bước ra hát, là bài Khốc Đan phủ Lương Cửu Thiếu phủ của Cao Thích:

Khai níp lệ triêm ức
Khán quân tiền nhật thư
Dạ đài hà tịch mịch
Do thị Sở Vân cư

(Mở tráp lại rơi lệ
Luống nhìn thư cố nhân
Tuyền đài đâu vắng vẻ
Còn có bạn thơ văn)

Cao Thích nghe xong tấm tắc khen hay, lấy móng tay vạch lên vách sau lưng chỗ ngồi một nét, nói "Một bài". Người ca kỹ thứ ba bước ra hát, là bài Trường Tín thu của Vương Xương Linh:

Phụng chửu bình minh thu điện khai
Thả tương đoàn phiến cộng bồi hồi
Ngọc nhan bất cập hàn nha sắc
Do đới Chiêu Dương nhật ánh lai

(Cung thu sáng quét mở toang rồi
Quạt cũ trên tay luống ngậm ngùi
Mặt ngọc nghĩ thua màu quạ lạnh
Còn mang bóng nhật điện vàng bay)

Vương Xương Linh nghe xong nức nở khen hay, lại vạch thêm một nét trên vách, nói" Hai bài". Rồi cùng Cao Thích vờ làm ra vẻ đắc chí, cứ liếc nhau rồi nhìn Vương Chi Hoán tủm tỉm cười. Chi Hoán điềm nhiên chỉ người ca kỹ đẹp nhất trong bọn giáo phường nói "Nếu nàng ấy ra hát mà không phải thơ của ta thì từ nay về sau không dám so tài với các anh nữa". Liền đó nàng ấy bước ra hát, quả nhiên là một bài thơ đắc ý của Vương Chi Hoán, bài Xuất tái:

Hoàng sa trực thượng bạch vân gian
Nhất phiến cô thành vạn nhận san
Khương địch hà tu oán dương liễu
Xuân phong bất độ Ngọc Môn quan

(Cát vàng chảy thẳng vào mây trắng
Một mảnh thành côi núi vạn trùng
Sáo rợ trỗi chi lời liễu oán
Gió xuân đã bị Ngọc Môn phong)

Ba người nghe xong vỗ tay cười ầm lên, mọi người trong quán đều ngơ ngác. Người cầm đầu bọn giáo phường bèn tới bàn hỏi, khi biết chuyện vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, vội gọi tất cả các nàng ca kỹ tới làm lễ ra mắt. Rồi đó bọn họ không ca hát nữa, gọi chủ quán dọn một bàn khác, mời ba người qua cùng nhau uống rượu, trò chuyện ngâm thơ, tấu nhạc ca hát vui vẻ với nhau đến khi thật say mới chia tay.

Bọn giáo phường tự cho là may mắn được hạnh ngộ với ba vị danh sĩ, song việc họ liên tiếp hát thơ của đúng ba người cũng là một kỳ sự đối với những kẻ văn nhân. Và bài Xuất tái quả là một tuyệt tác trong Đường thi, nên mới được bọn giáo phường phong nhã kia lấy làm nội dung cho tiết mục tự giới thiệu của ngội sao trong bọn họ (câu cuối của cả bốn bài thơ đều có thể hiểu như lời tự giới thiệu thân thế riêng của bốn nàng đồng thời thông qua đó nói về cả nhóm). Thi pháp Đường thì lấy khí và cách làm chủ, dùng việc và cảnh nói tình, mà trên cả hai phương diện này thì bài Xuất tái đều đạt tới mức tuyệt diệu. Tình thương nhớ quê hương của người lính thú nhân dịp xuân về ở đây quả là sầu mà không bi, thương mà không oán; còn từ cảnh Cát vàng chảy thắng vào mây trắng tới việc Gió xuân đã bị Ngọc Môn phong thì các yếu tố cảnh và tình, thực và ảo đã đan xen, kết hợp, chuyển hoá vào nhau dưới một cái nhìn xuất sắc, một ngòi bút tài hoa. Sở dĩ Xuất tái phù hợp với tâm tư của những người cô độc tha hương và tâm trạng của những người sống trong nghịch cảnh (nàng ca kỹ kia là một ví dụ) chính vì nó tạo được những kết hợp ảo để tả các cảnh ngộ thực, tạo được một không gian chung cho nhiều ý niệm riêng...

Vương Chi Hoán người Tinh Châu, trong niên hiệu Thiên Bảo (742-755) cùng anh là Chi Hàn, Chi Bí nổi tiếng văn chương (có lẽ ba anh em sinh ra trong một gia đình trí thức, vì tên của họ là tên ba quẻ Trạch Sơn Hàn, Sơn Hoả Bí và Phong Thuỷ Hoán trong Kinh Dịch). Thơ văn của Vương Chi Hoán rất nhiều nhưng bị mất mát gần hết trong loạn An Sử , chỉ còn có sáu bài. Bài Cửu nhật tống biệt như sau:

Bằng đình tiêu sách cố nhân hy
Hà xứ đăng cao thả tống quy
Kim nhật tạm đồng phương cúc tửu
Minh triêu ưng tác đoạn bồng phi

(Đình hoang xơ xác người xưa ít
Đâu chốn lên cao tiễn kẻ về
Nay vẫn còn chung men rượu cúc
Mai ngày đã hoá cánh bồng xoay)

Bài thơ như bức tranh chỉ chấm phá vài nét, mà tình bạn đưa nhau giữa ngày 9 tháng 9 - tiết Trùng dương hiển hiện. Ly đình xơ xác vì lòng người buồn bã, bạn bè thưa thớt vì là cảnh tiễn biệt, kẻ tiễn không phải không có chỗ lên cao nhìn theo mà thật lòng không muốn lên cao để nhìn theo người đi; và người đi chưa đi mà trong buổi tiệc họp mặt ngát mùi rượu cúc tiễn đưa đã thấp thoáng cánh cỏ bồng cô đơn xoay giữa gió thu, một cánh cỏ bồng mang mang nhớ nhung về sắc hoa vàng và mùi rượu cúc. Dự cảm về một quá khứ chưa xảy ra ấy trùm lên toàn bộ bài thơ, và nếu nhớ lại rằng Trung Hoa có phong tục họp mặt bạn bè để vui chơi trong ngày tiết Trùng dương, người ta sẽ thấy được ở đây nỗi xót xa của những người họp mặt giữa tiết Trùng dương tiễn bạn. Thực tế giống như tàn nhẫn ấy kết hợp với cái logic mờ về một thời gian ảo trong dự cảm nói trên đã xoá nhoà toàn bộ không gian cụ thể của một lần đưa tiễn, biến ngày Trung dương họp mặt buồn bã kia thành ngày Trùng dương tiễn biệt của muôn đời. Dường như với Vương Chi Hoán thì tiễn biệt là đề tài sở trường. Hãy thử đọc một bài thơ khác của ông, bài Tống biệt:

Dương liễu Đông môn thụ
Thanh thanh giáp ngự hà
Cận lai phàn chiết khổ
Chị vị biệt ly đa

(Dương liễu ngòi đông mọc
Xanh xanh ánh nước mây
Gần đây vin bẻ khó
Chỉ bởi lắm chia tay)

Tương tự bài Cửu nhật tống biệt, bài Tống biệt này cũng không nêu rõ ai tiễn ai đi, thậm chí cũng khó mà biết tác giả là kẻ bàng quang hay là người trong cuộc. Nhưng nếu bài thất ngôn trên chỉ nhắc qua một chốn ly đình không cụ thể để khắc sâu lên văn chương một ngày Trùng dương ly biệt, thì bài ngũ ngôn này lại quy tụ toàn bộ tứ thơ vào không gian cụ thể của một cây dương liễu để mở rộng tới vô cùng thời điểm của cuộc chia tay. Người Trung Hoa xưa thường bẻ cành liễu để tặng người lên đường vào lúc chia tay, nên những cuộc chia tay ở đây đều để lại dấu vết trên cây dương liễu. Vì biệt ly nhiều, nhiều người trước bẻ khiến cành liễu ít đi nên người sau khó bẻ, hay vì đã nhiều lần bẻ cành liễu để đưa những người đi không hẹn ngày trở lại nên mỗi lần giơ tay bẻ liễu là một lần nghe lòng ngần ngại xót xa? Ở đây cũng có một logic mờ tạo ra một không gian ảo, bởi cây dương liễu ghi dấu chỗ chia tay nơi cửa Đông giáp ngòi ngự (ngòi nước trong Cấm thành chảy ra) kia còn là tâm tình của người đưa tiễn; song trên chữ nghĩa thì nó quá cụ thể nên thời điểm chia tay thành ảo, và hình ảnh cây dương liễu nơi đưa tiễn trong bài thơ đã ngưng đọng lại như một hình tượng về tấm lòng e ngại cảnh chia tay...

Bài một chí Thứ sử Trừ Châu Trịnh Lư của Bạch Cư Dị cho biết ngoài Vương Xương Linh; Vương Chi Hoán còn cùng Trịnh Lư, Thôi Quốc Phụ lấy thơ văn kết bạn, kẻ xướng người hoạ, nổi tiếng một thời.

(Ghi chú về bài Xuất tái, trích từ Lời nói đầu

....nhưng bài Xuất tái (Lương Châu từ) của Vương Chi Hoán thì Đường thi kỷ sự chép câu đầu là “Hoàng sa trực thượng bạch vân gian” trong khi rất nhiều tài liệu chép là “Hoàng Hà...” - giữa “Sông Hoàng Hà” và “Cát vàng” là một khoảng cách quá lớn bắt buộc người ta phải chọn lựa. Nhưng nếu đọc lại câu cuối thì mấy chữ “Ngọc Môn quan” cho thấy không gian được miêu tả trong bài thơ là vùng biên giới phía Bắc Trung Quốc - phía trên Cam Túc, cạnh sa mạc Tân Cương, và tình cảm của người lính thú ở đây là buồn bã trước cảnh Cát vàng kéo dài tới tận chân trời chứ không phải là hoài vọng về sông Hoàng Hà ở phía nam. Chúng tôi chọn chữ “sa” là theo cách hiểu như vậy và trên cơ sở văn bản trong tay, còn việc biện luận văn bản, hiệu chỉnh đúng sai ở đây thì không phải chỗ.)
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Khiến người lại nhớ Bình Nguyên quân   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 I_icon13Sun 03 Aug 2008, 22:27

Khiến người lại nhớ Bình Nguyên quân

...Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu
Còn như vào trước ra sau
Ai cho kén chọn vàng thau tại mình
Từ rằng: Lời nói hữu tình
Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên quân


Ngoài lối "đoạn chương thủ nghĩa" dùng cho câu đầu, trong đoạn đối đáp giữa Thuý Kiều và Từ Hải trên đây, Nguyễn Du đã dịch hai câu thơ của Cao Thích để nói lên sự cô đơn của nàng tài nữ Thuý Kiều trong việc tìm một kẻ sĩ tri âm và sự ngạc nhiên của người anh hùng Từ Hải khi giữa một cuộc đời mà sự tầm thường công cộng đã lên nôgi vẫn còn thấy được tại chốn yên hoa một người khác tục. Lời nói của Từ Hải trong đoạn thơ trên vốn lấy tích Bình Nguyên quân Triệu Thắng nước Triệu thời Chiến quốc than thở khi biết tài Mao Toại "Từ nay Thắng này không dám xem xét kẻ sĩ nữa"; và hai câu thơ ấy của Cao Thích là trong bài Hàm Đan thiếu niên hành.

Hàm Đan thành nam du hiệp tử
Tự căng sinh trưởng Hàm Đan lý
Thiên trường tung bác gia nhưng phú
Kỷ xứ báo cừu thân bất tử
Trạch trung ca tiếu nhật phân phân
Môn ngoại xa mã trường như vân
Vị tri can đảm hướng thuỳ thị
Lệnh nhân khước ức Bình nguyên quân
Quân bất kiến tức kim giao thái bạc
Hoàng kim dụng tận hoàn sơ tác
Dĩ tư cảm thán từ cựu du
Canh ư thời sự vô sở cầu
Thả dữ thiếu niên ẩm mỹ tửu
Vãng lai xạ lạp Tây sơn đầu


(Có chàng du hiệp ở Hàm Đan
Tự khoe sinh trưởng tại thành nam
Ngàn phen thua bạc nhà còn của
Mấy chốn giết người thân vẫn toàn
Sáo đàn ngày đêm rộn trong cửa
Xe ngựa như mây giăng chật sân
Chưa hay gan ruột cùng ai tỏ
Khiến người lại nhớ Bình Nguyên quân
Anh chẳng thấy lòng người hay khinh bạc
Vàng vòng tiêu hết bạn thưa thớt
Người xưa giờ đây chẳng muốn gặp
Chuyện đời bỏ hết không mong cầu
Cùng bọn thiếu niên uống rượu tốt
Lại qua săn bắn nơi non sâu)

Cao Thích tự Đạt Phu, người Thương Châu. Năm hai mươi tuổi lên Trường An cầu quan không được như ý, tới ở vùng Lương Tống. Năm Thiên Bảo thứ 8 (749) thi đậu khoa Hữu đạo, ra làm Huyện uý Phong Khâu, mấy năm sau được Tiết độ sứ Lũng Hữu Kha Thu Hàn tiến cử làm Chưởng Thư ký ở Mạc phủ Tây Hà, sau lại theo Hàn về giữ trận ở Đồng Quan, Thích theo đường tắt chạy vào Thục theo Minh hoàng, được cử làm Tả Thập di, thăng Thị Ngự sử,rồi lần lượt giữ các chức Tiết độ sứ Hoài Nam, Thái tử Thiếu Thiêm sự, Thứ sử Bành Châu, Thục Châu, Tiết độ sứ Kiếm Nam, Tây Xuyên. Năm Quảng Đức thứ 2 (764) được triệu về kinh làm Thị lang bộ Hình, đổi làm Tả Tán kỵ Thường thị, tấn phong làm Bột Hải Huyện hầu. Tháng giêng năm Vĩnh Thái thứ 1 (765) chết ở Trường An, được truy tặng hàm Thượng thư bộ Lễ, thuỵ là Trung. Thích vốn lấy công danh tự hứa, nhưng lời nói nhiều khi quá thực tài, người đời sau chê là có chỗ kém.

Thích đến năm năm mươi tuổi mới bắt đầu làm thơ nhưng lập tức nổi tiếng, đặt câu lẫn tứ đều có ý khí hơn đời nên cứ viết ra bài nào thì người ta đua nhau truyền tụng bài ấy. Thích sống nhiều năm trong quân lữ, có hơn 40 bài thơ viết về đề tài biên tái được đánh giá rất cao về nghệ thuật, nổi tiếng nhất là bài Yên ca hành. Do hướng tới sự phi thường nên thơ ông nhiều khi man mác ý vị hoài cổ, như bài Yên ca hành kết bằng câu "Chí kim do ức Lý tương (tướng) quân" (Nay còn nhớ Lý tướng quân xưa) hay bài Phong Khâu kết bằng câu "Chuyển ức Đào Tiềm Quy khứ lai" (Lại nhớ Đào Tiềm Quy khứ lai). Có bài Cổ Đại Lương hành viết về thành Đại Lương nước Nguỵ thời Chiến quốc rất thê thiết

Cổ thành thương mang đa kinh trăn
Khu mã hoang thành sầu sát nhân
Nguỵ vương cung quán tận hoà thử
Tín Lăng tân khách tuỳ khôi trần
...Bạch bích hoàng kim vạn hộ hầu
Bảo đao tuấn mã điền sơn khâu
Niên đại thê lương bất khả vấn
Vãng lai duy hữu thuỷ đông lưu

(Nước xưa mờ mịt đầy gai góc
Đi giữa thành hoang buồn muốn khóc
Tân khách Tín Lăng thành bụi bay
Cung điện Nguỵ vương đầy lúa mọc
...Ngọc trắng vàng ròng khua giữa gió
Ngựa hay đao tốt rải quanh đồng
Ngày tháng thê lương ai biết được
Lại qua duy có nước về đông)

Thương Phan nói "Cao Thích tính phóng túng, không câu nệ tiểu tiết. Thẹn vì khoa danh tầm thường, náu vết học rộng, tài danh truyền xa. Thơ Thích phần lớn là lời tâm huyết, lại có khí phách, nên trong triều ngoài nội đều rất tán thưởng, như những bài Yên cà hành có rất nhiều câu hay. Bi Nhật Hưu rất thích hai câu "Chưa hay gan ruột cùng ai tỏ, Khiến người lại nhớ Bình Nguyên quân" thường ngâm mãi không chán, dường như những kẻ tài sĩ trong đời dù thoả lòng hay thất ý cũng đều giữ riêng cho mình một khẩu phần cô đơn...
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Qua mùa chưa bỏ giàn leo cũ   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 I_icon13Sun 03 Aug 2008, 22:38

Qua mùa chưa bỏ giàn leo cũ

Lý Quý Lan giỏi thơ ngũ ngôn, có bài Ký Hàn Hiệu thư gởi Hiệu thư lang Hàn Bát rằng:

Vô sự Ô Trình huyện
Ta đà tuế nguyệt dư
Bất tri Lan các sứ
Tịch mịch ý hà như?
Viễn thuỷ phù tiên trạo
Hàn tinh bạn sứ cư (xa)
Nhân quá Đại Lôi ngạn
Mạc vong bát hàng thư


(Huyện Ô Trình rảnh rỗi
Năm tháng luống ơ thờ
Chẳng biết người văn nhã
Cô đơn ý có mơ?
Chèo tiên khua nước vắng
Xe sứ mỏi sao mờ
Qua bến Đại Lôi ấy
Đừng quên gửi ít thơ)

Bài thơ thật độc đáo, không phải vì lời lẽ của nó mà vì nó là của một người đàn bà; hơn thế nữa, một người đàn bà đã bộc lộ cái tâm tính như một thiên tư mà các chuẩn mực đạo đức thời phong kiến coi là mất nết ngay từ thưở còn thơ ấu. Khi Quý Lan năm sáu tuổi, được cha bế ra sân chơi, đã làm bài Tường vi (Dây tường vi) trong có hai câu kết như sau:

Kinh thời vị giá khước
Tâm tư loạn tung hoành

(Qua mùa chưa bỏ giàn leo cũ
Mối ý đan dây rối dọc ngang)

Người cha thấy lời thơ, giận dữ nói "Con bé này ắt sẽ là hạng đàn bà mất nết"; và nói một cách nhẹ nhàng thì bài thơ gởi Hàn Bát kia quả cũng cho thấy đây là một phụ nữ chủ động trong quan hệ, bạo dạn trong ngôn ngữ, ngút ngàn tình ái và ngùn ngụt yêu đương thật. Chứ phụ nữ bình thường chắc không ai dám nói bằng văn bản với đàn ông rằng tôi ở riêng, tôi chán đời, bạn văn độc thân ước mơ gì không, cứ làm tới đi (Chèo tiên khua nước vắng) vì tôi đang nguyện vọng (Xe sứ mỏi sao mờ)... Có điều chuyện tình ái vốn nó bất chấp tuổi tác, mà cho dù Quý Lan có thiên về khía cạnh vật chất của vấn đề thì cũng chẳng phải tội lỗi gì, chẳng qua vì nàng chẳng may không có địa vị như những Vũ Tắc Thiên, Thái Bình công chúa, Quắc quốc phu nhân để nuôi một bọn đàn ông cung ứng tình dục thì đành chịu mang tiếng mất nết mà thôi. Vả chăng trong bài thơ Tống Hàn Bát chi Giang Tây (Đưa Hàn Bát đi Giang Tây) chia tay người tình trẻ tuổi sau này, nàng còn bộc lộ một tình nghĩa thực sự chân thành qua những lời thiết tha thương mến:

Tương khan chỉ dương liễu
Biệt hận chuyển y y
Vạn lý Giang Tây thuỷ
Cô chu hà xứ quy
Bồn Thành triều bất đáo
Hạ Khẩu tín ưng hy
Duy hữu Hành Dương nhạn
Niên niên lai khứ phi


(Nhìn nhau chỉ dương liễu
Lá động hận chia ly
Dòng thẳm Giang Tây chảy
Thuyền côi lạ chốn đi
Bồn Thành không sóng vỗ
Hạ Khẩu ít tin về
Duy nhạn Hành Dương cũ
Năm năm đây đó bay)

Cao Trọng Vũ, một nhà phê bình văn học thời Đường viết về Quý Lan như sau "Kẻ sĩ có trăm nết, đàn bá có bốn đức, Quý Lan thì không thế. Dáng vẻ đã ngang tàng, ý thơ cũng phóng đãng, từ Bảo Chiếu về sau ít có hạng người như vậy. Như câu "Chèo tiên khua nước vắng. Xe sứ mỏi sao mờ" thật đã đạt tới chỗ toàn mỹ của thơ ngũ ngôn. Trên so với Ban Tiệp dư (Ban Chiêu thời Hán) thì không đủ, dưới so với Hàn Anh (Hàn Lan Anh đời Nam Tề) thì có dư. Không kể tuổi tác, cũng là một bà già hơn người". Ngắn gọn hơn, một nhà thơ đương thời là Lưu Trường Khanh chỉ nói "Lý Quý Lan là thi hào trong đám phụ nữ".
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Làm sao chống lạnh đây   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 I_icon13Sun 03 Aug 2008, 22:42

Làm sao chống lạnh đây

Nho giáo đề cao đạo thầy trò tới mức đặt thầy trên cha trong thứ bậc Quân Sư Phụ. Triều đình nhà Đường cũng vậy. Sử sách chép khi Lý Thế Dân còn là Tần vương, được Đường Cao tổ Lý Uyên đón Trương Phục Dận làm khách dạy cho kinh sử. Sau Thế Dân lên ngôi, có lần đãi yến quần thần ở hồ Nguyệt Trì, đắc ý hỏi Trương Phục Dận rằng “Như đệ tử ngày nay thì thế nào?”. Phục Dận tâu “Xưa đức Khổng tử có ba ngàn học trò mà kẻ được vinh hiển chẳng một ai được phong tới tước tử tước nam, thế mà thần tán trợ một người liền trị vì thiên hạ, cứ kể cái công của thần, còn vượt cả đức Tuyên thánh”, Thái tông nghe nói liền cười. Xem câu chuyện trên đủ biết các ông vua khai sáng triều đại đều trọng đãi kẻ sĩ đồng thời trọng vọng người thầy, nên Phục Dận mới dám đùa cợt với Đường Thái tông kiểu ấy. Thế nhưng nhiều người trong đám hậu duệ của Đường Thái tông lại coi ông thầy là hạng đầy tớ, nên giai thoại thơ Đường còn ghi lại câu chuyện không cười nổi về trường hợp Tiết Lệnh Chi.

Lệnh Chi là người Trường Khê đất Mân, thi đậu Tiến sĩ. Trong niên hiệu Khai Nguyên (713 - 741) đời Huyền tông, Lý Hanh (sau là Đường Túc tông) làm Đông cung Thái tử, Lệnh Chi được lấy hàm Hữu Bổ khuyết kiêm Đông cung Thị giảng thay cho Hạ Tri Chương lúc ấy từ chức Hữu Thứ tử thăng làm Thái tử Tân khách sung Bí thư giám. Thời bấy giờ quan lại liêu thuộc ở phủ Đông cung lương bổng rất đạm bạc, nên Lệnh Chi làm một bài thơ Tự điệu (Tự xót thương) như sau:

Triêu nhật thượng đoàn đoàn,
Chiếu kiến tiên sinh bàn.
Bàn trung hà sở hữu?
Mục túc trường lan can.
Phạn sắc thời nan quán,
Canh hy trợ dị khoan.
Vô dĩ mưu triêu tịch,
Hà do bảo tuế hàn.

(Mặt trời lên ngày ngày,
Chiếu vào mâm của thầy,
Trong mâm có những gì?
Rau muống cọng dài dài.
Cơm cháy thìa khôn vét,
Canh suông đũa đỡ rầy.
Chẳng đủ lo hai bữa,
Làm sao chống lạnh đây).

Kể ra một nhà nho làm thầy, lại là thầy của Đông cung mà đến nỗi phải công khai than thở bất chấp nguyên tắc sống quân tử ăn chẳng cần no như vậy thì quả là triều đình Đường Minh hoàng trả lương cho giáo viên tệ thật. Nhưng tệ hơn nữa là khi Lệnh Chi trình bài thơ ấy cho Lý Hanh xem, thì gã học trò này hoặc là dốt, hoặc là hỗn, hoặc là cả hai, lại đã không giúp đỡ hay cảm thông cho thầy mà còn lên giọng cháu nội trời (vì chưa phải là con trời) phê vào bên cạnh bài thơ của ông bốn câu rất hách:

Trác mộc khẩu chủy trường,
Phượng hoàng vũ mao đoản.
Nhược hiềm tùng quế hàn,
Nhiệm trục tang du noãn.

(Gõ kiến lo ăn không ngắn mỏ,
Phượng hoàng chuộng đẹp chẳng dài lông,
Cung son nếu ngại đời heo hút,
Quê cũ về đi khỏi lạnh lùng).

Lệnh Chi đọc xong bài thơ của Lý Hanh, bèn cáo bệnh từ chức về quê. Đến niên hiệu Càn Nguyên (758 - 759) Túc tông đánh dẹp loạn An Lộc Sơn, Sử Tư Minh mới thấm thía về công ơn của các ông thầy, bèn tặng Hạ Tri Chương hàm Thượng thư bộ Lễ và triệu Tiết Lệnh Chi ra làm quan, song lúc bấy giờ thì ông này đã chết.


Chẳng cần bình phẩm nhiều hơn về bài thơ của Lý Hanh, vì nghĩ cho cùng đó cũng chỉ là sự hỗn láo tầm thường của một gã hoàng tử quen coi người như rác. Điều đáng nói là trong bài thơ giống như kêu ca về sự đói ăn rất đỗi tầm thường kia, dường như Tiết Lệnh Chi còn bộc lộ nỗi lo lắng về thời sự thông qua dự cảm cho một tương lai về nhân cách. Là một nhà nho, ông cũng muốn giữ khí tiết cao thượng bất chấp gian khổ như lời Khổng tử “Tuế hàn nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã” (Mùa lạnh tới mới biết cây tùng cây bách tàn tạ sau cùng), song là một con người, ông cũng thấy ý chí ấy nơi mình cứ mỏi mòn qua nhiều tháng ngày giữa thời bình mà chẳng đủ lo hai bữa. Hơn thế nữa, một ông thầy dạy học cho Thái tử trong thời bình mà lại lo lắng về việc làm sao chống lạnh, thì cái mùa lạnh An Lộc Sơn - Sử Tư Minh kia quả đã chớm tới trong lòng những kẻ sĩ phục vụ cho Đường triều đương thời rồi. Ở đây, lối đãi ngộ và đối xử với trí thức - người thầy của chính quyền Đường Minh hoàng chính bộc lộ sự suy thoái về cả khả năng tổ chức lẫn đạo đức chính trị của nó. Cố nhiên, những ngày tháng bôn ba đánh dẹp để gìn giữ ngai vàng cũng đem lại cho Đường Túc tông Lý Hanh một nhận thức khác trước về các ông thầy, song như người ta đã thấy, sau loạn An Sử thì nhà Đường không còn khả năng giữ gìn ngôi báu một cách chủ động nữa. Bởi vì chưa nói tới những tổn thất và khó khăn về kinh tế - xã hội, chỉ trên phương diện văn hóa - giáo dục thì ngay trong lối tôn trọng trên danh nghĩa và vụ lợi đối với trí thức - người thầy như vậy, nhà Đường sau loạn An Sử cũng đã là một chính quyền không có tương lai.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Giai thoại thơ Đường - Cao Tự Thanh   Giai thoại thơ Đường -  Cao Tự Thanh - Page 2 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Giai thoại thơ Đường - Cao Tự Thanh
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Giai thoại văn học Việt Nam
» 36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ
» Những giai thoại hay về Lương Thế Vinh
» Giai Thoại Chữ Nghĩa
» Những Giai Thoại về Các Vị Tam Nguyên
Trang 2 trong tổng số 3 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Tài Liệu-