Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Today at 19:36

QUY NHƠN TÔI YÊU by phambachieu Today at 16:58

Lịch Âm Dương by mytutru Today at 09:00

Khoảnh Khắc Vui Với Đường Thi by Tam Muội Today at 07:51

CHUYỆN VỤN (Phương Nguyên) by Phương Nguyên Yesterday at 16:32

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Phương Nguyên Yesterday at 09:56

Một thoáng mây bay 13 by Phương Nguyên Yesterday at 09:55

LỀU THƠ NHẠC by Trà Mi Yesterday at 09:34

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Thu 30 May 2024, 16:51

Hoa Dừa nhà Tôi by Tú_Yên tv Thu 30 May 2024, 14:46

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 30 May 2024, 14:38

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Tue 28 May 2024, 21:45

SƯ Minh Tuệ by mytutru Tue 28 May 2024, 18:44

Mái Nhà Chung by mytutru Mon 27 May 2024, 22:42

Chết rồi! by Phương Nguyên Sun 26 May 2024, 10:14

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 24 May 2024, 15:40

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Fri 24 May 2024, 15:35

EM CHIM HÁT HAY QUÁ by mytutru Thu 23 May 2024, 23:04

NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH by mytutru Wed 22 May 2024, 21:01

MỪNG SINH NHẬT 85 by mytutru Tue 21 May 2024, 21:54

ĐƯỜNG THƠ MÁI ẤM ĐÀO VIÊN by mytutru Tue 21 May 2024, 21:21

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 21 May 2024, 20:43

50 năm Hải chiến Hoàng Sa by Trà Mi Mon 20 May 2024, 10:58

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Mon 20 May 2024, 10:46

MÂY NGŨ SẮC 13.05.2024 by mytutru Sat 18 May 2024, 01:48

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) by Ai Hoa Wed 15 May 2024, 10:25

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 15 May 2024, 10:08

4 chữ by Tinh Hoa Mon 13 May 2024, 20:23

CÁC LOÀI CHIM ĐẸP by mytutru Sun 12 May 2024, 10:51

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Sun 12 May 2024, 00:04

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5  Next
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7122
Registration date : 01/04/2011

Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh   Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 I_icon13Wed 18 Sep 2019, 09:17

Chương X
HÀO-KHÍ RẠNG NON SÔNG

Qua bữa sau, những chủ xóm với thân-hào đem rượu thịt đến làm lễ ra mắt Hoàng-Tử Ánh. Chiều lại Đỗ Nương-nương luyện tập nữ-binh cho Hoàng-Tử xem. Hoàng-tử lấy làm hài lòng mà được biết ở đất Ba Giồng già trẻ trai gái đều đoàn-kết, lập thành một khối vững-vàng để đuổi theo một mục-đích cao thượng.

Đêm đó, thừa lúc vắng-vẻ, Minh-Giám mới nói riêng cho Thanh-Nhân biết Hoàng-Tử Ánh là bực siêu-hùng, người thường không thể hiểu tâm-trí của ngài nổi. Vậy nếu muốn gần thì phải thần-phục tận tâm, còn như không chịu uật-hạ với người thì phải dang ra cho xa, chớ nếu lưng-chừng ắt sẽ sanh rắc-rối.

Thanh-Nhân nói: “Mấy năm nay, vì chán-nản nên tôi quyết tự-cường, tự-chủ, không phục-tùng ai hết. Nay gặp Hoàng-Tử Ánh, tôi cảm-phục hoàn-toàn, tôi quyết sẽ tôn ngài làm Chúa đặng tôi phò-tá. Việc đó đã quyết định rồi. Bây giờ xin ông định kế khắc-phục Phan-Yên cho mau đặng rước Hoàng-Tử về đó tôi tôn lên ngôi Chúa rồi chiêu-mộ binh-tướng đem ra đàng ngoài quét sạch Tây-Sơn và nếu Trời giúp vận thì đi luôn ra Bắc-Hà dẹp tới Chúa Trịnh nữa, đặng thống-nhứt sơn-hà từ Nam chí Bắc”.

Minh-Giám thở một hơi dài mà nói:

- Chương-Trình đó tốt đẹp biết chừng nào. Tôi vái Trời cho tôi sống lâu đặng hiệp với ông và Hoàng-Tử mà thực-hiện cho được ý-định đó, chừng chết tôi mới hài lòng phỉ chí.

- Tuy ông quá lục tuần rồi, song sức còn mạnh, ông chưa chết đâu mà lo. Về việc ông tính phò tá Hoàng-Tử Ánh, thì tốt hơn là nay mai nên nói thiệt cho ngài biết đặng thành-thật hiệp-tác với nhau, khỏi sự nghi-kỵ nữa.

- Tôi sẽ nói. Phải nói ngay ra cho ngài biết tôi sẽ cử binh đánh lấy thành Phan-Yên đặng tôn ngài làm Chúa. Rồi đó chia hai phần việc: ngài làm Chúa lo đặt quan cai-trị đặng mộ binh lính và gom lương-thực, tôi làm tướng, tôi tổ-chức binh đội và cầm binh đánh giặc. Nếu ngài cung-cấp binh lương cho tôi đầy đủ thì tôi sẽ dẹp bọn Tây-Sơn ở đàng ngoài, rước ngài về Thuận-Hóa rồi tôi thâu-phục luôn Bắc-Hà mà đem về một mối cho ngài thống-trị.

- Ừ, phải nói cho rành như vậy: Lần nầy tôi để cho ông nói, tôi không chen vô. Tôi khuyên ông một điều nầy là tin mà phải phòng. Đừng dắt Hoàng-Tử đi xem hệ thống phòng-thủ đất Ba Giồng của mình, phải giữ bí-mật, vì Đông-Sơn còn mất là nhờ bí-mật đó, không nên cho người ngoài biết. Dầu Hoàng-Tử có xin đi xem cũng đừng cho.

- Tôi sẽ làm y theo lời dặn.

Thanh-Nhân táo-bạo, nhưng quảng-đại và chơn-chánh. Giận ai thì nói ngay ra, không biết sợ, mà phục ai thì cũng tỏ thiệt liền, không chịu giấu.

Sáng bữa sau, lúc Hoàng-Tử ngồi uống nước trà thì Thanh-Nhân đem ý-định hồi hôm mà nói cho Hoàng-Tử biết, nói trước mặt mọi người. Hoàng-Tử ngạc-nhiên, ngài hỏi tại sao hôm nọ Minh-Giám nói nghĩa-binh Đông-Sơn chán-nản không muốn phò vua chúa nữa, chỉ lo an dân báo quốc mà thôi, mà bây giờ Thanh-Nhân lại nói nghĩa-binh tính khắc-phục Phan-Trấn đặng tôn Hoàng-Tử lên ngôi Chúa mà phò tá.

Thanh-Nhân nói: “Mấy bữa rày tướng lãnh Đông-Sơn được gần ngài, thấy ngài có đủ tài đức đặng cầm quyền chúa-tể trong nước. Vì vậy nên anh em lớn nhỏ thay đổi chí-hướng, quyết khắc-phục thành Phan-Trấn cho mau đặng tôn ngài lên ngôi Chúa cho Đông-Sơn phò-tá. Ngài làm Chúa đặng tổ-chức cai trị, đặt quan khắp nơi để mộ lính và nạp lương. Anh em Đông-Sơn chúng tôi là tướng, là cầm binh đánh giặc. Hễ Chúa cung-cấp binh lương cho chúng tôi đầy đủ thì chúng tôi đánh dẹp hết Tây-Sơn ở đàng ngoài, rước Chúa về Thuận-Hóa rồi đuổi Trịnh, thâu-phục luôn xứ Bắc-Hà đem về một mối cho ngài thống trị”.

Hoàng-Tử Ánh biến sắc, lật-đật đứng dậy nói: “Tôi có tài đức gì đâu, sao lại được các tướng Đông-Sơn kỉnh-ái đến muốn giao cho tôi một trách nhiệm lớn lao cao quí như vậy ?”.

Ngài ngó Minh-Giám mà hỏi:

- Thiệt quả như vậy hay sao ?

- Thiệt quả như vậy. Mấy bữa rày anh em lớn nhỏ bàn tính rồi, nên mới phái Đỗ Chỉ-Huy nói trước cho ngài hay. Chúng tôi đương sắp đặt đặng xuất binh đánh Phan-Trấn.

- Có đủ lực-lượng hay sao ?

- Đánh Phan-Trấn thì có binh đủ, nhưng khắc phục thành rồi phải lập tức chiêu-mộ binh thêm cho nhiều đặng thừa thắng đánh luôn ra Bình-Thuận, Diên-Khánh. Nếu không thi-hành chiến-lược ấy thì Tây-Sơn thong-thả kéo vào đánh lấy Phan-Trấn, té ra mình thắng mà rồi cũng như bại.

- Không biết binh Tây-Sơn bây giờ ở Phan-Trấn được chừng bao nhiêu ?

- Tôi có tin chắc Huệ với Lữ đem đại binh về Qui-Nhơn để lại có 5.000 binh cho Tổng-Đốc Châu thủ đất Gia-Định. Châu sai 1000 binh giữ Biên-Trấn, cho đi tuần các rạch ngòi chừng 5, 700 và để giữ thành Phan-Yên với mấy đồn chung quanh nhiều lắm là 3.500. Để tôi nghiên cứu mà thảo chương-trình tấn binh, trong vài bữa rồi tôi sẽ trình cho ngài với Tổng Chỉ-Huy xem.

- Cha chả ! Bình Tây-Sơn số tới 3.000, lại ở trong thành có thế thủ, khó cho mình thắng lắm.

- Hãm thành thì hao binh. Mình không có binh đông nên không phép thí cho hao hớt. Tôi đương tìm kế chọc cho tướng Tây-Sơn đem binh ra khỏi thành đặng mình đánh cho dễ thắng.

- Mấy ông ráng thắng một trận đặng lấy oai.

- Phải thắng mới được.

Cơm dọn rồi, Võ-Nhàn mời hết đi ăn cơm.

Luôn trong hai ngày, Minh-Giám cứ thơ-thẩn đi khắp giồng mà chơi, không ghé nhà nào, mà cũng không muốn nói chuyện với ai hết.

(còn tiếp)

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7122
Registration date : 01/04/2011

Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh   Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 I_icon13Sat 21 Sep 2019, 07:30

Chương X
HÀO-KHÍ RẠNG NON SÔNG

Một đêm, ông mời Hoàng-Tử vào một cái phòng kín rồi kêu Thanh-Nhân, Võ-Nhàn, Háo-Nghĩa với Hồ-Văn-Lân vào mà nghị-sự. Hồi thế-kỷ 18 mà ông đã có sáng-kiến nhóm hội-nghị quân-sự gồm cả nhân-viên Bộ Chỉ-Huy, Bộ Tham-Mưu với Bộ Hành-Chánh, chẳng khác nào ngài nay các nước Âu Mỹ nhóm hội-nghị quốc-phòng tối cao đặng định kế-hoạch, hoặc phòng-bị, hoặc tấn-công. Có vậy mới thấy từ xưa, trong cuộc chiến-tranh, Việt-Nam đã có nhơn-tài cao-quí phát sanh, đời Trần có Hưng-Đạo-Vương giỏi về chiến-thuật tác-chiến tinh-thần, đời Lê có vua Thái-Tổ giỏi về môn du-kích, rồi đến đây lại có thêm Trần-Minh-Giám bày chiến-lược hễ khắc-phục thành-trì thì phải chiếm-cứ đất-đai rồi dùng cái thuật “tàm thực” là cách “tầm ăn dâu” lần lần đi tới hoài mà chinh-phục tất cả lãnh-thổ.

Minh-Giám mời nghị-sự, đợi ai nấy ngồi yên rồi, ông mới bày tỏ kế-hoạch để đánh thành Phan-Yên. Ông nói muốn đánh bại Tây-Sơn mà mình khỏi hao binh tổn tưởng, thì không nên rần-rộ kéo đến công thành, phải dùng chước phục binh rồi dụ giặc ra ngoài đặng tốp vây đánh, tốp đoạt thành, làm như vậy mới bắt hết binh giặc.

Vậy ông đề-nghị:

- Trước hết phải chở gạo với khô mắm đem lên dự trữ tại Ba-Cụm và Chợ Đệm cho sẵn-sàng đặng khi binh tới khỏi lo thiếu lương hướng;

- Đem binh đi thì không nên dùng thuyền rần rộ. Phải phân ra từng đội rồi âm-thầm cho đi đường bộ, đêm đi ngày nghỉ; nhưng đúng ngày giờ đã định cho biết trước thì mỗi đội phải đến mục-tiêu của mình, đặng mai phục cho sẵn-sàng mà tác-chiến;

- Phân binh mà đánh thì phải áp dụng chiến-thuật phục-kích thình-lình. Phái nhiều đội ẩn núp hai bên đường từ Phan-Yên xuống Chợ Đệm. Nhiều đội binh khác, ít nào cũng phải được một ngàn quân mai-phục dọc theo đường Phan-Yên lên Biên-Trấn. Còn lại bao nhiêu binh thì cho mai-phục chung quanh ba mặt thành, phải bỏ trống cửa hướng về phía Biên-Trấn cho giặc trong thành thong-thả chạy ra phía đó;

- Hễ đặt binh mai-phục đâu đó xong rồi thì cho một ông già vào thành báo tin nói có giặc tụ-tập tại Chợ Đệm đông đến mấy ngàn và xin quan Trấn đem binh đến đánh dẹp mà cứu dân. Nếu Tây-Sơn không dám bỏ thành mà xuất-binh, thì một đội binh Đông-Sơn từ Chợ Đệm phất cờ gióng trống làm rùm beng kéo lên thành mà khiêu chiến. Hễ binh trong thành ra đánh thì đội binh Đông-Sơn vừa đánh vừa lui, dụ cho giặc rượt theo tới chỗ phục binh hai bên mới ó lên vây chặt;

- Binh mai-phục ba phía thành hễ nghe phía Chợ Đệm hỗn chiến thì ó lên một lượt mà hãm thành. Tướng Tây-Sơn nghe binh ra ngoài đã lọt vào ổ phục-kích thì tinh-thần tán loạn rồi, chừng thấy ba mặt thành bị công-hãm nữa thì không còn tinh thần mà chiến-đấu, tự-nhiên phải kiếm đường thoát thân. Chiến-đấu không có tinh thần thì mong gì thắng ai nổi. Dầu 10 người mà khiếp sợ thì một người cương-quyết gặp đánh cũng thắng được. Thấy một mặt thành bỏ trống tự-nhiên kéo nhau ra ngã đó mà chạy lên Biên-Trấn. Bây mới tới phận-sự của mấy đội mai-phục dọc theo đường lên Thủ-Đức. Binh nầy phải chận bắt hết tưởng-sĩ Tây-Sơn chạy đó, rồi liền kéo hết lên vây đánh Biên-Trấn mà chiếm luôn. Mà hễ đại binh đoạt được thành Phan-Yên rồi thì nên cho vài đội rượt theo Tây-Sơn để tiếp với đạo binh núp ở Thủ-Đức mà bắt giặc và đánh Biên-Trấn.

Hoàng-Tử Ánh nghe Minh-Giám trình bày kế-hoạch thì khen ngợi hết sức. Hồ-Văn-Lân cũng bái kế hoạch của Minh-Giám. Ông nói thiệt lâu nay ông tưởng Đông-Sơn nhờ tinh thần, nhờ dũng-cảm mà nổi danh chớ ông không dè có mưu-mô, có thao-lược, tác chiến có quy-củ hơn binh-triều nữa. Ông là một võ-tướng của Triều-đình, nếu ông được chỉ-huy một đội binh Đông-Sơn thì ông lấy làm hãnh-diện lắm.

Thanh-Nhân cũng chấp-thuận kế hoạch, song nói hễ chiếm được đất Phan-Trấn với Biên-Trấn rồi thì liền cho một đạo-binh đi thẳng ra lấy luôn Bình-Thuận để làm căn-cứ đợi tôn Chúa, mộ binh thêm và vận lương rồi thì khởi đánh đàng ngoài.

Minh-Giám phú-thác cho Háo-Nghĩa vận lương trữ sẵn dọc đường để cung-cấp cho quân-đội, còn Thanh-Nhân thì lãnh phần phân-phối tướng-sĩ, sắp đặt người nào chỉ-huy đội nào và mai phục chỗ nào.

Thanh-Nhân mới định: đặt 5 đội mai-phục vùng Thủ-Đức dưới quyền tổng chỉ-huy của Lê-Văn-Quân. Đạo quân này có nhiệm-vụ đón bại binh Tây-Sơn, đánh lấy Biên-Trấn rồi đi luôn ra chiếm Bình-Thuận.

Võ-Nhàn chỉ-huy 5 đội núp dọc đường ra Chợ Đệm lên Phan-Yên. Thanh-Nhân, có Nguyễn-Lượng phụ-trách, lãnh đem binh mai-phục đặng công-thành.

Hoàng-Tử Ánh, có Hồ-Văn-Lân và các quan Hộ-giá, thì đi theo trung-quân của Thanh-Nhân. Ba tướng mới qui-thuận với Hoàng-Tử thì chỉ-huy một trăm binh mới, muốn nhập theo đạo binh nào tùy-ý, nhưng phải xuất trận cho quen. Lại tấn-công phải đem toàn-lực mới đủ xử-dụng, chỉ để 250 quân thủ căn-cứ; 50 giữ Cánh-Én, còn 200 quân giữ hai giồng kia, có Đỗ Nương-nương chăm-nom điều-khiển.

Quyết định xong rồi, Háo-Nghĩa lo kiếm thuyền chở lương đi tới dọc đường, có vài văn-sĩ phụ-giúp. Nguyễn-Văn-Hoằng với anh em họ Tống xin cho theo Nguyễn-Lượng đặng công thành.

(còn tiếp)

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7122
Registration date : 01/04/2011

Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh   Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 I_icon13Sat 21 Sep 2019, 07:33

Chương X
HÀO-KHÍ RẠNG NON SÔNG

Bữa sau, Thanh-Nhân sai người đi mời hết các tướng chỉ-huy về mà lãnh huấn-lịnh.

Trong lúc hội-nghị, Minh-Giám nói xuất-binh phải có Nguyên-Soái chấp-chưởng binh-quyền gìn-giữ kỷ-luật để ghi công phạt tội.

Thanh-Nhân liền đề nghị xin chư tướng công-cử Hoàng-Tử làm Đại Nguyên-Soái. Hoàng-Tử ngạc-nhiên, nói rằng mình chưa từng đánh giặc, nên cố từ không dám lãnh trọng trách, xin cử Thanh-Nhân mới hợp lý. Thanh-Nhân cứ nài ép Hoàng-Tử phải nắm quyền Nguyên-Soái thì binh xuất mới có danh có oai. Minh-Giám cũng tiếp mà yêu-cầu Hoàng-Tử lãnh chức “Đại Nguyên-Soái, Nhiếp Quốc-Chánh” cho binh có danh nghĩa, quân-chúng mới phục-tùng, bá tánh mới an dạ.

Hoàng-Tử tuy mừng thấy tướng lãnh Đông-Sơn đều thành-thiệt phục-tùng, song trong lòng chẳng khỏi ái-ngại, nên dụ-dự không dám nhận chức. Chư tướng cứ yêu-cầu, mà Hồ-Văn-Lân cũng xuôi thuận, cực chẳng đã Hoàng-Tử phải chịu. Nhưng ngài nói nếu buộc ngài lãnh quyền “Đại Nguyên-Soái, Nhiếp Quốc-Chánh” thì ngài dùng quyền Nhiếp Quốc-Chánh mà phong chức-tước lại cho chư vị anh-hùng, ai nấy cũng phải lãnh, chịu như vậy ngài mới bằng lòng. Ai nấy đều chịu.

Hoàng-Tử mới phong cho:

- Đỗ-Thanh-Nhân chức Chưởng Dinh.

- Trần-Minh-Giám chức Trưởng Tham-Mưu.

- Lê-Văn-Quân, Võ-Nhàn và Nguyễn-Lượng chức Phó Tướng.

- Còn các võ tướng khác đồng lãnh chức cai, đội

Cả thảy đều vui lòng, nhứt là Hoàng-Tử Ánh với Hồ-Văn-Lân mừng được toàn đạo nghĩa-binh Đông-Sơn qui-phục, giúp cho có sẵn một lực-lượng hùng-cường, lại khỏi phải lo chia rẻ mà gây thêm một mối thù nghịch khác nữa.

Thanh-Nhân phân binh cắt tướng, Háo-Nghĩa chuyển vận lương-thực, Minh-Giám chọn ngày tốt giờ lành, rồi binh Đông-Sơn từng tốp khởi-hành, tốp nào phải đi xa thì đi trước, rồi tốp đi gần mới theo sau, các tướng lãnh đều có tờ huấn-lịnh tuỳ thân, cứ coi theo đó mà huy-động.

Quân đội đi rồi, Thanh-Nhân với Minh-Giám dặn dò Đỗ Nương-nương ở nhà điều-khiển 250 quân thủ các đồn các trại rồi xuống hai chiếc thuyền nhỏ mà đi với Hoàng-Tử và ba quan Hộ-giá.

Minh-Giám lập kế hoạch đánh giặc chẳng khác nào một người thợ ráp cái máy, bộ-pbận nào đặt nằm chỗ nào, để làm việc. Còn Thanh-Nhân điều binh khiển tướng cũng như một người thợ đứng coi cho máy huy-động. Hễ đến giờ khắc đã định thì máy bắt đầu chạy, rồi các bộ-phận lần lượt chuyển động theo.

Vừa tảng sáng, Tổng-Đốc Châu ở trong thành Phan-Yên được tin có giặc Đông-Sơn, số đông cả ngàn, rần-rộ kéo lên Chợ Đệm phá làng đốt xóm. Ông liền ra lịnh cho hai bộ tướng, mỗi người đem một ngàn binh xuống vây bắt hết bọn phiến-loạn đem về trị tội.

Binh đi được nửa buổi thì quân báo phía Chợ Đệm có tiếng trống vang trời, tiếng người la dậy đất. Cách một hồi nữa, quân về báo, cả hai đạo binh Tây-Sơn lọt vào ổ phục-kích nên bị vây.

Tổng-Đốc Châu nghe như vậy thì cả kinh, liền đem thêm 500 binh, tính bổn thân đi trợ chiến mà cứu hai tướng. Vừa ra tới cửa thành thì nghe chung-quanh tiếng trống đánh tưng-bừng, chỗ nào cũng có giặc rần rộ xông ra. Châu dụ-dự không biết nên tấn tới mà ngăn giặc hay là phải thối vào thủ thành. Tướng-sĩ tán đởm kinh hồn, không còn tinh-thần chiến-đấu nữa, nên bỏ chạy tản tìm đường thoát thân. Châu ngăn cản không được, cùng thế phải lui vào thành, tom góp binh còn lại lối 500 và truyền lịnh phải tận tâm giữ thành.

Giặc ở ngoài hăng-hái, tốp phá cửa, tốp leo tường, tràn vô cả ba mặt. Tổng-Đốc Châu liệu thế không cản nổi, mới nhắm phía không có giặc mở cửa mà chạy.

Thanh-Nhân đốc binh tướng nhập thành, dạy Trần-Hạo đem 500 binh rượt theo bắt Tổng-Đốc Châu rồi đi luôn lên vùng Thủ-Đức tiếp viện với Lê-Văn-Quân đánh chiếm cho được Biên-Trấn.

Minh-Giám cùng ba quan Hộ-giá phò Hoàng-Tử Ánh nhập thành. Thanh-Nhân ra cửa nghinh tiếp và nói: “Nhờ thần oai của Đại Nguyên-Soái, binh Đông-Sơn chiến thắng rỡ ràng. Vậy tôi xin thay mặt cho tướng-sĩ Đông-Sơn cung-hạ. Đại Nguyên-Soái mới xuất một trận đầu đã được thành-công mỹ-mãn”.

(còn tiếp)

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7122
Registration date : 01/04/2011

Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh   Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 I_icon13Mon 23 Sep 2019, 11:22

Chương XI
MÂY MÙ TRỜI PHAN-TRẤN



Hoàng-Tử: đáp: “Được phép tham-dự, tôi mới thấy rõ tài-trí của quan Chưởng-Dinh và quan Trưởng Tham-Mưu và mới biết hào-khí của Đông-Sơn tướng-sĩ. Vậy tôi xin quan Chưởng-Dinh chuyển đạt cho các tướng-sĩ tấm lòng kỉnh-ái chơn-thành của tôi. Tôi tin chắc tình đoàn-kết chặt-chẽ của chúng ta đến cảnh vinh quang đặng lớn nhỏ chung vui cộng hưởng”.

Võ-Nhàn dẫn hai phó-tướng với cả ngàn binh Tây-Sơn về thành mà nạp.

Thanh-Nhân ra lịnh đem giam hết vào ngục rồi sẽ hỏi lại nếu ai chịu đầu hàng thì cho nhập ngũ sung quân, còn ai nghịch ý thi sẽ chém hết.

Sau cuộc chiến-thắng vẻ-vang, Thanh-Nhân ra lịnh chư tướng-sĩ nghỉ-ngơi hai ngày và xuất tiền kho mua trâu bò khao quân. Lê-Văn-Quân phái Trần-Hạo trở về Phan-Yên báo tin đã khắc-phục được Biên-Trấn xong rồi, có giải về 800 tù-hinh bắt được dọc đường và tại Biên-Thành. Tổng-Đốc Châu chạy ngã lào không biết, vì không gặp được.

Thanh-Nhân dạy giam tù binh chung với tù trước. Kiểm điểm binh Đông-Sơn lại thì bị thương lối 50 người, còn chết có 8 người. Thế thì binh Đông-Sơn còn tại thành được một ngàn rưỡi không kể 100 binh của anh em họ Tống.

Minh-Giám sai người về Ba Giồng báo tin thắng trận cho các chủ xóm hay và dạy Đỗ Nương-nương gởi thêm 200 binh nữa, vì Ba Giồng bây giờ khỏi phòng thủ, để hờ 50 quân giữ các đồn là đủ.

Thanh-Nhân điểm một ngàn nghĩa-binh Đông-Sơn giao cho Nguyễn-Lượng với Trần-Hạo để lên Biên-Trấn tiếp thêm cho Lê-Văn-Quân 500. Cộng số binh cũ và mới là 2.000. Lê-Văn-Quân làm chánh tướng và Trần-Hạo làm phó tướng dắt 2.000 binh đó ra đánh Bình-Thuận liền. Với 500 binh còn lại Nguyễn-Lượng điều-khiển ở giữ Biên-Trấn. Háo-Nghĩa được lịnh phải chở gạo ra Lưới-Rê và Cù-My đặng tiếp lương-thực cho đạo binh Lê-Văn-Quân. Nguyễn-Văn-Hoằng xin cho theo đạo binh Lê-Văn-Quân ra đánh giặc đàng ngoài đặng lập công. Thanh-Nhân hỏi ý Đại Nguyên-Soái thì ngài chấp thuận liền.

Trong thành bây giờ chỉ còn có 500 binh Đông-Sơn với 100 binh của họ Tống. Chừng đỗ Nương-nương gởi lên thêm 200 nữa thì cộng có 800. Thanh-Nhân với Minh-Giám thấy binh còn ít quá thì lo-ngại, nếu Tây-Sơn trở vô đánh báo thù thì không có lực-lượng mà chống cự. Hai Người vào bẩm tình-thế ấy cho Hoàng-Tử ánh hay và yêu cầu ngài dạy các quan Hộ-giá mau mau đặt quan cai-trị các nơi đặng mộ binh thêm cho nhiều mà giữ thành-trì và nạp lúa gạo để nuôi quân-đội đầy đủ.

Võ-Nhàn lãnh xem-xét tù-binh xong rồi lên phúc-trình cho Thanh-Nhân hay cả thảy tù binh 1.800 người đều yêu cầu cho qui-hàng và tình-nguyện xin nhập ngũ theo binh Đông-Sơn mà đánh giặc.

Thanh-Nhân ghét thói phản cựu nghinh tân, nhưng vì đương cần dùng người nên phải nhận số binh nầy để trà trộn với binh Đông-Sơn mà dùng đỡ.

Võ-Nhàn lại cho hay Tây-Sơn chạy bỏ lại có 8 chiếc thuyền lớn, 5 chiếc thuyền nhỏ, lớn hay nhỏ đều còn dùng được. Thanh-Nhân dạy Võ-Nhàn cho người giữ-gìn các thuyền ấy và cắt binh trấn mấy đồn ngoài Nhà Bè cho nghiêm-nhặt. Ông lại dạy phải gởi 200 binh mới hàng đầu lên Biên-Trấn cho Nguyễn-Lượng xử-dụng và bắt về 200 binh Đông-Sơn để thế ở Phan-Trấn.

Một bữa Hoàng-Tử Ánh thôi-thúc ba quan Hộ-giá phải viết tờ dạy gắt các trấn mộ binh cho gắp và cho nhiều mà nạp cho quan Chưởng-Dinh.

Hà-Khâm với Trương-Hậu thỏ thẻ nói vởi Hoàng-Tử rằng Thanh-Nhân là người xảo-trá lại ngang-tàng, hứa khắc-phục thành Phan-Yên đặng tôn Hoàng-Tử lên ngôi chúa mà làm được chuyện rồi thì không thèm nói tới. Còn binh đã có sẵn lại tự-chuyên sai đi bậy bạ hết, không thèm cho Đại Nguyên-Soái hay. Bây giờ biểu phải mộ binh thêm cho gắp thì làm sao có gắp cho được. Mấy bữa rày lại còn thâu nhận 1.800 tù binh Tây-Sơn cho làm lính hết. Làm sao mà dám tin bọn đó được. Nuôi ong tay áo, chẳng khỏi mang họa chung.

Hồ-Văn-Lân nghe hai ông bạn kiếm lời châm-chích như vậy thì giận quá, lại thấy Hoàng-Tử điềm-nhiên, không lấy lẽ phải mà cãi thì ông ta mới nói: “Hai ông muốn xúi Hoàng-Tử làm Tân-Chánh Vương nữa hay sao mà kiếm chuyện nói như vậy? Thành tuy lấy được rồi, nhưng công việc còn bận-rộn, đã yên đâu mà tôn vương? Cắt binh chiếm Biên-Trấn và đánh Bình-Thuận mà chận đường Tây-Sơn, sao lại gọi sai đi bậy bạ ? Biểu mình lo mộ binh cho gấp, mình cứ giải-đãi, người ta phải dùng đỡ tù binh, sao lại trách người ta? Mình bất tài không cựa quậy được, thì nhờ người ta làm cho, sao lại xoi-bói làm cho nghi-kỵ đặng có chia rẽ nữa? Minh cầu người ta, chớ phải người ta cầu mình đâu mà bắt lỗi bắt phải. Nên bỏ thói đố-kỵ đi các ông ơi. Đã khỏi chết một lần rồi, không nhớ hay sao?”.

Hoàng-Tử cười.

Hà-Khâm với Trương-Hậu giận đỏ mặt. Tuy giận Hồ-Văn-Lân nghịch ý, song cũng sợ Tây-Sơn vào rồi phải chạy chết như mấy năm kia. Tuy ghét Thanh-Nhân quyền lớn chức cao, song cũng mong nhờ cậy người gỡ nguy đỡ khổ. Bởi vậy hai quan Hộ-giá nầy phải rán ngậm hờn đè oán mà lo mộ tướng-sĩ góp lương tiền.

Thanh-Nhân thấy huấn-lịnh của Đại Nguyên-Soái không được quan làng thi-hành sốt-sắng, mới xin Hoàng-Tử sai Hà-Khâm với Trương-Hậu phân nhau đi khắp xóm khắp làng mà khuyên nhủ thần dân phải vì đất nước ra làm nghĩa-vụ. Hai lão nầy quen lười biếng, muốn mang chức lớn chớ không muốn cực thân, lại cũng quen nhút-nhát, sợ đông sợ tây, không dám ló ra khỏi cửa. Hai lão mới xin Hoàng-Tử sai Tống-Phước-Khuông với Tống-Phước-Lương đi thế, viện lẽ rằng hai cậu nầy miêu-duệ của quan Lưu-Thú Tống-Phước-Hiệp, nên ra ngoài mà nói chuyện chắc được người ta vừa lòng hơn, chớ hai lão tuy là đại-thần của Triều-đình, song ở đất mới người lạ, sợ nhơn-tâm không tùng-phục.

Thiệt quả hai anh em họ Tống phân nhau đi khuyến-khích trong ít ngày thì thấy có hiệu quả rõ-ràng. Mỗi tháng đều có hai ba trăm người ra xin đầu quân, lại cũng có lúa gạo chở nạp vào thành đều đều để cung-cấp quân-nhu.

Thanh-Nhân với Minh-Giám lấy làm hài lòng, hết lo thiếu binh nữa. Hễ có binh mới thì giao cho Võ-Nhàn chăm-nom luyện tập. Trong 6 tháng thì binh số đã thêrn được vài ngàn. Thanh-Nhân bèn lập thêm một đồn lớn tại cửa Cần-Giờ, cắt 200 quân cung nỏ ở phòng thủ, lại có cho thuyền lớn, thuyền nhỏ đậu sẵn để ngăn ngừa đắc lực và báo tin mau lẹ.

May cuộc phòng-thủ tổ-chức vừa xong thì có tin cho hay một đoàn thuyền chừng vài chục chiếc ở ngoài khơi nhắm cửa Cần-Giờ trương buồm chạy vào.

Có tin quan-hệ như vậy, Hoàng-Tử Ánh lo-ngại, nhưng Thanh-Nhân với Minh-Giám vẫn bình tĩnh như thường. Lập tức sai người đi báo tin cho Nguyễn-Lượng ở Biên-Trấn hay và dạy phải chống giữ phía Mô-Xoài cho gắt. Giao cho Võ-Nhàn thủ-thành Phan-Yên và bảo-hộ Hoàng-Tử với số một ngàn binh Đông-Sơn cũ và 1.600 binh Tây-Sơn hàng đầu, có hai anh em họ Tống ở lại tiếp sức. Thanh-Nhân điểm 2.000 binh mới chở xuống thuyền rồi cùng Minh-Giám với các bộ tướng chỉ-huy quyết ra Cần-Giờ tử-chiến với giặc cho Nguyễn-Huệ biết mặt Đông-Sơn hùng-dõng.

Hồ-Văn-Lân thấy trong thành đã có Võ-Nhàn với anh em họ Tống bèn xin theo trợ-chiến với Thanh-Nhân cho rõ nghĩa đồng ưu cộng lạc.

(còn tiếp)

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7122
Registration date : 01/04/2011

Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh   Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 I_icon13Tue 24 Sep 2019, 07:01

Chương XI
MÂY MÙ TRỜI PHAN-TRẤN

Thanh-Nhân, Minh-Giám với Hồ-Văn-Lân, mỗi người chỉ huy một chiếc thuyền lớn đi hàng đầu; Minh.Giám đi giữa có hai võ-tưởng Cao-Liêm với Lý-Thiện theo hộ-vệ mạnh-mẽ.

Đoàn chiến-thuyền ra tới cửa Cần-Giờ, Minh-Giám thấy trên đồn quân đương dùng cung tên mà ngăn cản không cho giặc vào cửa, nhưng giặc chia năm thuyền chuyên đánh đồn, còn mười mấy thuyền thì cứ xông tới mà vào mạnh-mẽ. Thanh-Nhân truyền lịnh các thuyền đầu phải day ngang để gài mặt trận chận giặc mà đánh.

Nước ròng được nửa sông, giọt nước tuôn ra rất mạnh, đưa đoàn thuyền Đông-Sơn xáp trận rất mau. Chiếc thuyền của Minh-Giám đi giữa, nhờ giọt nước đạp mạnh nên xáp trước với một thuyền giặc. Minh-Giám đứng trên mui đốc quân hỗn chiến. Hai tướng Cao-Liêm với Lý-Thiện nỗ-lực tranh-đấu, cầm đao nhảy qua thuyền giặc mà chém giết.

Thanh-Nhân với Hồ-Văn-Lân đi hai bên cũng đốc quân xông vào giữa đoàn thuyền Tây-Sơn gặp đâu đánh đó, tiếng binh la inh-ỏi, tiếng trống đánh vang vầy, máu nhuộm đỏ vàm sông, thây lênh-nghênh trên mặt nước. Giữa lúc hỗn-độn, Thanh-Nhân dòm thì chiếc thuyền của Minh-Giám đi, hai thuyền giặc xáp lại hai bên mà đánh. Cao-Liêm với Lý-Thiện chận cản hai bên dường như đuối sức, Minh-Giám đứng giũa thuyền vẫn la hét chỉ-huy.

Thanh-Nhân sợ Minh-Giám bị nguy khổn, lật đật xáp lại trợ-chiến. Lúc gần tới, Thanh-Nhân thấy một tướng giặc cầm đại đao nhảy qua thuyền Minh-Giám. Thanh-Nhân hét một tiếng lớn mà nhảy vọt theo, nhưng làm không kịp nên Minh-Giám phải bị tướng giặc chặt một đao rồi nó mới bị Thanh-Nhân đâm chết.

Cao-Liêm với Lý-Thiện thấy có Chưởng-Dinh tiếp chiến thì chống-cự thêm mạnh-mẽ. Binh giặc thấy tướng lãnh của mình đã bị Thanh-Nhân giết rồi thì mất tiuh-thần, nên dang ra xa mà tránh.

Thanh-Nhân thấy Minh-Giám bị chặt đứt lìa một cánh tay mặt thì ôm Minh-Giám để nằm, nhưng miệng vẫn hô cho Cao-Liêm với L.ý-Thiện cứ tiếp đánh.

Đoàn thuyền Tây-Sơn rời-rã, mỗi chiếc đều bị Đông-Sơn rượt đánh, nên có chiếc bị bắt, có chiếc bị chìm, còn lối mười chiếc tản-lạc, day mũi trở ra khơi mà chạy.

Thanh-Nhân bó sơ vết thương cho Minh-Giám, rồi đứng dậy xem chiến-trường, thấy thuyền giặc tản-mác mà chạy thì day lại cho Minh-Giám hay binh Đông-Sơn toàn thắng.

Minh-Giám tuy bị thương nặng, song nghe nói Đông-Sơn toàn thắng thì vui mừng mà nói: “Đông-Sơn toàn thắng được trận nầy dầu tôi chết tôi cũng mát ruột”.

Thanh-Nhân dạy Cao-Liêm đánh chiêng thâu quân, biểu thuyền trưởng trở lại đồn đặng lập thế cầm máu cho vết thương của Minh-Giám.

Trong thuyền có bắt được vài tên quân Tây-Sơn. Lý-Thiện dắt lại chỗ thây tướng giặc bị Thanh-Nhân đâm chết đó mà hỏi tuớng ấy là ai. Mấy quân giặc tỏ thiệt tướng chết đó là quan Tư-Khấu Oai làm soái cầm binh, có Tổng-Đốc Châu với Hộ-giá Ngạn theo trợ-lực, Thanh-Nhân với Minh-Giám nghe như vậy lấy làm hài lòng vì Tham-Mưu Trưởng của Đông-Sơn bị thương mà giết được Nguyên-Soái của Tây-Sơn thì không lỗ gì lắm.

Thanh-Nhân ghé đồn săn-sóc cho Minh-Giám mà cũng có ý chờ các thuyền gom về đặng xét hỏi coi có bắt được Tổng-Đốc Châu hay Hộ-giá Ngạn hay không.

Chừng đoàn thuyền Đông-Sơn tựu về đồn, Thanh-Nhân dạy tướng kiểm-điểm lại thì Đông-Sơn bị chìm hết một chiếc thuyền nhưng có bắt của giặc hai chiếc. Có vớt được 120 tù binh, nhưng không có Hộ-giá Ngạn với Tổng-Đốc Châu, chắc hai người đó đã lui trước.

Thanh-Nhân dạy Cao-Liêm ngồi thuyền nhỏ về thành báo tin thắng trận. Người đi thuyền lớn với Lý-Tiện hộ-tống Minh-Giám theo sau. Còn các thuyền khác thì ở lại Cần-Giờ với Hồ-Văn-Lân và các tướng lãnh mà ngừa giặc phản công. Phải cho thuyền câu theo dọ-thám như giặc về luôn thì sẽ đem chiến thuyền trở về thành, còn nếu giặc đổ bộ ở Phước-Hải hoặc Lưới Rê đặng đánh Mô-Xoài hay Biên-Trấn thì phải độ binh qua vùng Núi Nứa mà chặn đánh cho tan.

Hoàng-Tử Ánh với Võ-Nhàn cùng anh em họ Tống hay Đông-Sơn đại thắng giết được Tư-Khấu Oai thì mừng rỡ vô cùng. Nhưng nghe Trưởng Tham-Mưu Minh-Giám bị thương nặng thì lo sợ, sai quân đi rước sẵn lương-y đặng chừng bịnh-nhân về tới thì điều trị cho gấp.

Thuyền đi dọc đường, Thanh-Nhân không rời Minh-Giám, cứ ngồi một bên mà chăm nom. Vết thương chảy máu hoài làm cho Minh-Giám mặt xanh sức đuối, coi bộ mệt nhọc lắm.

Minh-Giám nằm ngó Thanh-Nhân một hồi, thấy trong mui vắng-vẻ mới rán mà nói: “Từ ngày tôi được gặp ông bạn, đàm-luận cùng nhau, tôi nhận thấy hai ta tuy niên-kỷ bất đồng, tuy tánh tình khác hẳn, song chúng ta đồng một ý chí, đồng một cang-cường. Vì vậy nên tôi kết bạn cùng ông để nhập cái trí của tôi với cái tài của ông làm một khối, đủ sáng suốt với mạnh-mẽ mà chọc trời vọc nước, xông núi phá rừng, nổi tiếng anh-hùng của đất Gia-Định cho thiên-hạ biết. Tôi rất tiếc tôi nuôi cái tham-vọng như vậy mà trời dường như không cho tham-vọng ấy được thành, nên mới khiến cho lôi bị trọng-thương, sợ không thoát khỏi lưỡi búa của tử thần với quỉ sứ. Tôi biết chắc tôi phải chết vì tuổi già sức yếu mà mất máu nhiều quá không thể gượng nổi. Cái mạng của tôi mà đổi được mạng của vị Tư-Khấu nghĩ cũng không ức gì. Tôi tiếc là tiếc tôi mất rồi không còn ai tá-trợ cho ông bạn vững bước mà đi đến chỗ thành-công rực-rỡ”.

Thanh-Nhân cảm-động nên chảy nước mắt mà nói: “Ông đừng lo sợ. Ông không chết. Vì Trời không muốn cho ông chết, nên trong lúc hỗn-chiến mới khiến cho tôi thấy ông sắp nguy, tôi nhảy qua mà giết Tư-Khấu Oai đặng cứu ông”.

Minh-Giám nói: “Nếu Trời dung cho tôi thì tốt, dầu tôi mất hết một cánh tay cũng không hại gì. Nhưng dầu mất dầu còn, tôi tưởng cũng nên để lại cho ông bạn vài lời tâm-phúc đặng ông bạn ghi nhớ mà xử-sự. Tôi nhắc ông bạn nhớ Hoàng-Tử Ánh là bực niễu-hùng [9]. Trong đời hỗn-độn nầy, tôi thấy người đó có đủ tài đủ trí mà thâu-phục nhơn-tâm và làm vua thiên-hạ. Nhưng người đó tánh nghi-kỵ lại có lòng sâu-sắc, khó lường được. Vậy chừng tôi chết rồi, nếu ông bạn muốn phò Hoàng-Tử Ánh thì phải tận lực tận tâm, phải ẩn-nhẫn thận-trọng cho lắm mới mong được nhứt phẩm công-hầu, vinh-vang từ trong triều ra ngoài trấn. Còn nếu ông bạn liệu muốn tự-chủ, không chịu tùng-phục ai, thì tốt hơn là phân rẽ ngay giờ đi, phân rẽ đặng tự-do mà bay nhảy, chớ nếu không phục-tùng mà gần-gũi, thì tôi e sợ có họa lớn. Đây là lời tâm-phúc của người đồng-chí vì yêu nhau nên phải dặn nhau. Vậy ông bạn chớ nên khinh thường, để hư sự mà phải hối-hận”.

Thanh-Nhân lơ-lửng rồi nói: “Tôi cám ơn ông. Để rồi tôi sẽ liệu. Tôi ước mong cho ông lành mạnh rồi chúng ta sẽ bàn lại với nhau”.

Thuyền về tới bến, có Hoàng-Tử Ánh và các quan, các tướng chực mừng Thanh-Nhân thắng trận và coi cho quân võng [10] Minh-Giám vào thành. Tiếc thay, vừa đặt Minh-Giám nằm êm trên giường thì ông tắt hơi, trước mặt Hoàng-Tử và các quan văn võ.

Hoàng-Tử Ánh với Võ-Nhàn sa nước mắt, thương tiếc người trí sáng mưu cao, tức gãy gánh giữa đường không kịp thấy công thành danh toại. Thanh-Nhân ngơ ngẩn, đứng nhìn bạn trân-trân, không khóc, không than vì đau-đớn quá nên nói không được. Chư-tướng bèn lo hòm rương mà tẩn-liệm. Thanh-Nhân mới quyết định phải chở linh-cữu về giồng Thuộc-Nhiêu mà mai táng.

Liệm và tế rồi mới khiêng linh-cữu xuống để trong một chiếc thuyền, có Cao-Liêm, Lý-Thiện với 20 nghĩa-binh Đông-Sơn đưa về Ba Giồng. Lúc phát-hành có Hoàng-Tử, Thanh-Nhân và các quan, các tướng tề-tựu tống chung. Hai bên đường từ thành xuống bến có binh đội dàn hầu nghiêm chỉnh cho đến thuyền đi rồi mới giải-tán.

Ở Ba Giồng các chủ xóm hay tin thì hiệp nhau lại sắp-đặt cuộc nghinh-tiếp linh-cữu mà tế một lễ cho long trọng rồi mới an-táng.

Đỗ Nương-nương nghe tin ấy, nàng giựt mình chẳng khác nào sét đánh một bên lưng. Nàng nói với mấy ông chủ xóm: “Hồi trước tôi có một ông cha. Cha tôi truyền võ-nghệ cho tôi. Từ ngày có ông Minh-Giám về ở đây, tôi coi như ông cha thứ nhì của tôi vì ông truyền cho tôi biết thêm chiến-lược nữa. Nghĩa binh Đông-Sơn của ta hễ xuất trận thì thắng luôn luôn, phần nhiều là nhờ chiến-lược của ông. Nay Trời khiến ông phải qui thần, không cho ông dìu dắt nghĩa-binh Đông-Sơn nữa. Tôi xin các chú bác lo liệu mà chôn cất ông cho tử-lế đặng vong-linh của ông phưởng-phất trong đất Ba Giồng mà phò-hộ chúng ta. Cha tôi muốn đem ông về an-táng tại Thuộc-Nhiêu là có ý đó”.

Các chủ xóm truyền tin cho nhơn-dân cả Ba Giồng hay. Thuyền đưa linh-cữu của ông Minh-Giám về tới vàm thì sẵn có Đỗ Nương-nương với đội nữ-binh ngồi trên cả chục thuyền nhỏ đón mà nghinh tiếp rồi đi kềm hai ông mà vô rạch. Rước linh-cữu lên để giữa diễn-võ trường có nghĩa-binh dàn hầu hai bên với các chủ xóm và các nhà thân-hào. Nhân dân cả Ba Giồng đứng chung-quanh sân đông nghẹt.

Lễ tế có trâu bò heo. Hai tướng Cao-Liêm với Lý-Thiện thay mặt cho nghĩa-binh Đông-Sơn đứng chánh-tế. Hai tướng vái lạy rồi thì Đỗ Nương-nương dắt nữ-binh vào cúng rồi lần lượt mấy chủ xóm và mấy nhà thân-hào.

Lễ tất rồi, nghĩa-binh mới khiêng linh-cữu đem táng tại đầu giồng phía đông, chỗ đó ngó qua giồng Trấn-Định với giồng Cánh-Én được.

Cao-Liêm với Lý-Thiện trở lên thành Phan-Yên, giao cho mấy chủ xóm giữ mồ.

Mỗi bữa, lúc mặt trời lặn, người ta thấy Đỗ Nương-nương ra mả ông Minh-Giám đốt mà cắm một cây nhang, không sót bữa nào.

(còn tiếp)

_________________

[9] niễu: mềm mại như sợi tơ. Niễu-hùng là một anh hùng biết thích ứng với thời cuộc.

[10] võng: phương tiện nghỉ ngơi bằng lưới, cũng dùng làm phương tiện chuyên chở. Võng ở đây được dùng làm động từ. Một số danh từ chỉ phương tiện chuyên chở khác cũng dùng làm động từ vào thời đó: xe, gánh.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7122
Registration date : 01/04/2011

Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh   Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 I_icon13Wed 25 Sep 2019, 07:31

Chương XII
ĐẢNG ĐÔNG-SƠN SỤP ĐỔ

Đỗ-Thanh-Nhân mất Trần-Minh-Giám chẳng khác nào con người gãy hết một cánh tay. Mấy năm nay có việc gì ông cũng bàn với ông Minh-Giám rồi mới làm. Ông Minh-Giám có nhiều sáng-kiến hay, nên chỉ cho ông khỏi lầm, khỏi thất.

Bổn tánh của ông nóng-nảy, nhưng trầm-tĩnh ít nói, ít cười. Mất Minh-Giám rồi ông buồn, ông càng thêm nghiêm-nghị, không muốn nói chuyện nhiều. Hồ-Văn-Lân với chư-tướng đem đoàn chiến-thuyền về nói rằng Tây-Sơn đi luôn chớ không có ghé đánh Mô Xoài.

Kế được tờ của Lê-Văn-Quân gởi về cho hay binh Ðông-Sơn đã chiếm cả đất Bình-Thuận và đương sửa-soạn tiến đánh Diên-Kkánh.

Thanh-Nhân vào cho Ðại Nguyên-Soái Nhiếp-Quốc-Chánh hay tin ấy. Nhơn dịp ông nói khắp đất Gia-Định đã tổ-chức cơ-quan cai-trị xong rồi, bây giờ binh có nhiều, lương có đủ, nên ông định cho chở một ngàn binh với năm thuyền lúa đem ra Bình-Thuận giúp cho Lê-Văn-Quân. Ðại Nguyên-Soái chịu. Thanh-Nhân bèn sai Tống-Phước-Khuông chở binh với lương ra Bình-Thuận liền.

Hà-Khâm thấy Minh-Giám chết, bỏ trống chức Trưởng Tham-Mưu mới xin Đại Nguyên-Soái cho lãnh chức đó. Nguyên-Soái vị tình thầy trò, nên chịu cho, nhưng nói với Thanh-Nhân thì Thanh-Nhân gạt ngang mà đáp: “Làm Trưởng Tham-Mưu phải thông chiến-luợc, phải có tài, có trí, có mưu. Ông Hà-Khâm có tài có trí gì mà muốn đòi chức đó. Muốn thành-công vĩ-đại phải chọn nhơn-tài, chớ đừng kể thân-thích. Vị tình mà phong chức cho hạng người vô dụng, họ choán chỗ đặng hống hách chớ có ích gì. Hổm nay tôi có ý muốn cử Phạm-Háo-Nghĩa thế cho ông Minh-Giám nhưng tôi còn dụ-dự, muốn để ít ngày mà thử tài trí coi. Hiện giờ về quân-sự nếu có việc chi quan hệ thì tôi bàn với Hồ-Văn-Lân và Võ-Nhàn được, không cần phải có gắp Trưởng Tham-Mưu. Hà-Khâm hay việc nầy thì càng thù Thanh-Nhân thêm nữa.

Một bữa có một người Cao-Miên đến cửa thành xin cho phép vào hầu quan Chưởng-Dinh Ðỗ-Thanh-Nhân, nắm quyền chỉ-huy binh Ðông-Sơn. Quân vào báo tin. Thanh-Nhân cho phép vào.

Người Miên xưng rằng mình làm quan cho Miên-Triều tại Nam-Vang. Nhơn dịp vua Nắc-Tôn băng, người cháu giành ngôi không chịu cho Nắc In là con của Nắc-Tôn kế vị. Người cháu dấy loạn trong vùng Biển Hồ, lại tính cầu-viện với Xiêm đem binh qua đánh giúp mà đuổi Nắc-In. Vì vậy nên Nắc-In sai đem thơ xuống xin binh Đông-Sơn lên bảo-hộ. Người Miên nói rồi bèn trình thơ của Nắc-In cho Thanh-Nhân xem.

Thanh-Nhân liền cho mời Hồ-Văn-Lân, Võ-Nhàn với Háo-Nghĩa đến nghị-sự.

Háo-Nghĩa xuống trại kiếm một tên quân gốc ở Trà-Vinh xem thơ thì thiệt quả vua Nắc-In cầu binh Ðông-Sơn bảo-hộ.

Hồ-Văn-Lân với Háo-Nghĩa đồng ý muốn cho binh lên giúp với Nắc-In mà dẹp loạn đặng gây tình nghĩa với Miên-Hoàng.

Võ-Nhàn nói nếu Xiêm tiếp với loạn-quân, mình phải chống với Xiêm nữa, rồi ngoài Tây-Sơn đánh vào, trên Xiêm đánh dồn xuống, mình bị lưỡng diện thọ địch, chịu sao nổi. Háo-Nghĩa đề-nghị cho một văn quan qua Xiêm xin Xiêm-Triều đừng tiếp giúp quân phiến-loạn Cao-Miên vì mình đã được lời của vua Nắc-In yêu cầu bảo hộ rồi.

Thanh-Nhân cùng với Hồ-Văn-Lân và Háo-Nghĩa vào bàn việc ấy với Nguyên-Soái Nhiếp-Chánh. Nguyên-Soái dụ-dự, một là sợ đem binh đi xa rủi Tây-Sơn vào đánh không đủ binh mà chống cự, hai nữa sợ gây hấn với Xiêm-La rồi sanh ra lưỡng diện thọ dịch.

Thanh-Nhân nói rằng mình tiếp giúp vua Cao-Miên có mấy cái lợi nầy:

1.- Gây tình nghĩa với vua Cao-Miên đặng dùng xứ ấy làm hậu-thuẫn. Rủi mình thất-bại về phía Tây-Sơn thì mình nương náu với Cao-Miên và cậy giúp binh, giúp lương;

2.- Bình loạn cho Cao-Miên được rồi thì mình bảo-hộ Cao-Miên, oai-thế càng mạnh-mẽ, thinh-danh càng rực-rỡ hơn nữa.

3.- Hiện giờ mình có gần hai ngàn binh gốc binh Tây-Sơn hàng đầu. Hồi mới mình thiếu binh nên phải dùng đỡ chớ không dám tin cậy lắm. Bây giờ mình có binh Gia-Ðịnh nhiều rồi, vậy nên thừa dịp đem binh ấy lên bảo-hộ Cao-Miên cho khỏi sợ phản-bội nữa. Nếu sợ gây hấn với Xiêm thì viết thơ rồi sai Lê-Thứ-Tiên đi sứ qua Vọng-Các cầu thân-thiện với Xiêm-Hoàng và xin đừng can hiệp việc Cao-Miên vì vua Nắc-In đã có cầu mình bảo hộ.

Thanh-Nhân lại nói, tiếp viện Cao-Miên thì ông sẽ cầm binh đi với Hồ-Văn-Lân, đi trong một tháng thì về, chớ không lâu hơn. Võ-Nhàn với Háo-Nghĩa ở lại thủ đất Gia-Ðịnh với chư-tướng được. Nếu muốn chắc chắn hơn thì hoặc Lý-Thiện hoặc Tống Phước-Lượng lên thủ Biên-Trấn, đòi Nguyễn-Lượng về Phan-Yên hiệp lực với Võ-Nhàn thì khỏi lo gì hết.

Nguyên-Soái Nhiếp-Chánh chịu nhưng nài xin Thanh-Nhân đi giúp sức cho Miên-Hoàng phải về mau mau đặng lo việc bình-định của mình.

Thanh-Nhân thi-hành liền, sai Thứ-Tiên đi sứ qua Xiêm, sai Lý-Thiện lên thủ Biên-Trấn thế cho Nguyễn-Lượng về chỉ-huy cuộc phòng thủ từ Bến-Nghé ra cửa Cần-Giờ. Sắp-đặt xong rồi, Thanh-Nhân với Hồ-Văn-Lân mới từ biệt Đại Nguyên-Soái, chở hai ngàn binh Tây-Sơn hàng đầu xuống thuyền mà lên Nam-Vang.

(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7122
Registration date : 01/04/2011

Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh   Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 I_icon13Wed 30 Oct 2019, 09:49

Chương XII
ĐẢNG ĐÔNG-SƠN SỤP ĐỔ

Lê-Văn-Quân tiếp được viện-binh, lại có thêm lương-thực dồi-dào thì hăng-hái tiến đánh Diên-Khánh rất mạnh-mẽ. Nhờ có đạo binh nầy lừng-lẫy, sĩ-phu miệt ngoài mới hay Hoàng-Tử Nguyễn-Phước-Ánh đã nối nghiệp Chúa, đánh đuổi binh Tây-Sơn mà thống-trị đất Gia-Ðịnh, là vùng điền địa phì-nhiêu, bạc tiền chớn-chở. Văn-nhơn võ-sĩ đua nhau vào Gia-Ðịnh, tốp đi bộ, tốp đi thuyền, vào phò-tá Chúa Nguyễn dựng nghiệp trung-hưng mà lập công-danh.

Trong lúc Đỗ-Thanh-Nhân với Hồ-Văn-Lân giúp vua Nắc-In củng-cố quyền quốc-vương xứ Cao-Miên thì ở Phan-Yên mỗi ngày đều có năm mười người ở đàng ngoài vào yết-kiến Hoàng-Tử Nhiếp Quốc-Chánh xin cho phò-tá. Hoàng-Tử thâu nhận hết và giao cho Trương-Hậu với Hà-Khâm chọn lựa; văn thì sung vào cơ-quan hành chánh, còn võ thì sung vào binh đội để luyện tập. Hoàng tử thấy nhơn-tâm qui-thuận càng ngày càng thêm nhiều thì ngài lấy làm hài lòng. Ngài mới đặt quan làng khắp mọi nơi, lập bộ đinh để kêu dân đi lính, lập bộ điền để thâu thuế, lập trại đóng thuyền để chở-chuyên, lập xưởng làm binh-khí để cho quân-đội dùng, công việc tiến-hành rần-rộ, coi đắc lực lắm.

Thanh-Nhân lên Cao-Miên giúp vua Nắc-In trong một tháng thì yên hết, vùng Biển-Hồ cũng bình-tịnh như các nơi. Ông phái Hồ-Văn-Lân ở lại với binh-đội mà bảo hộ, rồi ông dắt vài chục tên quân xuống thuyền trở về Gia-Định. Về ngang vàm Thuộc-Nhiêu nhằm lúc ban đêm, ông muốn ghé thăm coi một chút mà rồi ông nghĩ ông đã hiến thân cho dân cho nước, ông không phép nhớ tới việc nhà nữa, bởi vậy biểu thuyền-trưởng đi luôn, ông không cho ghé.

Về đến thành Phan-Yên, Thanh-Nhân vào yết kiến Nguyên-Soái Hoàng-Tử Ánh mà thuật việc dẹp loạn và bảo-hộ xong rồi. Hoàng-Tử tỏ lời ngợi khen và khuyên chăm-nom đóng thuyền, đúc binh-khí, tập binh-đội đặng đến mùa thuận gió ra đánh Qui-Nhơn. Thanh-Nhân nói trước khi xuất binh viễn-chinh, Hoàng-Tử phải lên ngôi Chúa đặng có vương-hiệu xuất binh mới có danh.

Hoàng-Tử nghe như vậy thì lấy làm mừng, vì được biết Thanh-Nhân thiệt phục-tùng, không có ý gì khác. Thanh-Nhân xin Hoàng-Tử chọn ngày tốt rồi cùng với các quan văn-võ tôn Hoàng-Tử lên ngôi Chúa.

Hoàng-Tử Ánh xưng vương-hiệu rồi liền phong cho Đỗ-Thanh-Nhân làm chức Ngoại-Hữu, Phụ-Chánh Thượng-Tướng Công. Thanh-Nhân tạ ơn và yêu-cầu Nguyễn-vương thăng-thưởng chư-tướng có chiến công nhiều đặng dục lòng cho quân-đội tận-tụy với nhiệm-vụ.

Ngài đề-nghị:

- Truy-tặng Trần-Minh-Giám tước Tam-Phụ Trí-Dõng Đại-Tướng-Quân;

- Phong Hồ-Văn-Lân làm Chưởng-Dinh đặng có đủ oai quyền mà bảo hộ Cao-Miên;

- Thăng Lê-Văn-Quân, Võ-Nhàn và Nguyễn-Lượng lên chức Chưởng Cơ;

- Thăng mấy tướng khác là Trần-Hạo, Cao-Liêm, Lý-Thiện, Phan-Đình-Trụ, Lưu-Bạch-Khuê, Thái-Hồng-Tâm, Nguyễn-Văn-Hoằng, Tống-Phước-Khuông và Tống-Phước-Lương lên chức Phó-Tướng;

- Còn bên văn thì phong Háo-Nghĩa với Thứ-Tiên chức Tham-Tri; Trung-Cự, Thiên-Hà và Bá-Vạn chức Tham-tá Quân-Sự.

Hai quan Hộ-Giá Hà-Khâm với Trương-Hậu cùng sĩ-phu mới vào xin cho phò-tá lúc sau nầy vì Thanh-Nhân chưa có dịp xử-dụng nên ngài xin để cho vua tùy công-lao với tài trí mà phong thưởng.

Nguyễn-Vương chấp thuận đề-nghị của Thanh-Nhân, phong chức tước cho tướng-sĩ y như lời ngài xin. Nhơn dịp đó vua mới lập ra một cơ-quan mới, gọi là Ngự-Tiền Tham-Mưu để giúp vua lo việc cai-trị và việc binh-bị. Cơ-quan nầy có hai phòng:

1.-Văn-phòng đặt Hà-Khâm làm Trưởng Phòng, được quyền thong-thả chọn người có văn-học, có tài năng để phụ giúp về việc cai-trị;

2.- Võ-phòng thì đặt Trương-Hậu làm Trưởng Phòng, cũng được quyền chọn lựa nhơn-tài để lo về binh-bị.

Tổ-chức cuộc phân quyền như vầy ai nghe cũng cho là tiện-lợi. Thanh-Nhân nắm quyền chỉ-huy tối cao tất cả quân đội, chỉ lo phân binh đánh giặc mà thôi, không tham-dự đến việc cai trị. Còn Nguyễn-Vương thì chỉ lo việc cai-trị, lo cung cấp binh-lương và khí-giới cho quân-đội đủ dùng mà thôi, không cần biết tới việc chinh-chiến. Nếu hai cơ-quan chánh-trị và binh-bị thảy đều nhứt trí mà cộng-tác với nhau, thành-thiệt chăm lo dẹp loạn để phục-hưng đất nước thì chắc-chắn sẽ tiến-bộ dễ dàng, sẽ thành-công mau lẹ.

Sự thành-thiệt hiệp tác của tôi với Chúa đã biểu-lộ rõ-ràng. Nguyễn-Vương phong cho Thanh-Nhân tới chức Thượng Tướng-Công thì đủ thấy ngài biết quí trọng nhơn-tài nên hoàn-toàn tín-nhiệm. Còn Thượng Tướng-Công Thanh-Nhân đã vui lòng nhận chức, lại giao cả quyền cai trị cho vua được thong-thả sắp đặt thì cũng thấy ngài thành-thiệt phục-tùng, không có ý tranh quyền đoạt vị chút nao hết.

Có điều đáng tiếc là Nguyễn-Vương vị tình sư-phó, lại cảm nghĩa cựu thần, tín-dụng Hà-Khâm với Trương-Hậu làm tả hữu cố-vấn, một người coi văn phòng, một người coi võ phòng, nên mới sanh rắc rối.

(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7122
Registration date : 01/04/2011

Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh   Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 I_icon13Thu 31 Oct 2019, 08:23

Chương XII
ĐẢNG ĐÔNG-SƠN SỤP ĐỔ

Hà-Khâm với Trương-Hậu mang danh đại-thần mà không có óc đại-thần. Cả hai chỉ có tài nịnh vua, chỉ biết mưu hại bạn. Cả hai chú thấy ai có công nhiều, thấy ai được chức lớn thì thù. Cả hai chú mong vinh thân phì gia, không kể cứu dân giúp nước. Trước kia hai chú thấy Thanh-Nhân là một tên bạch-đinh, nhờ nghinh-giá mà được Định-Vương quí trọng thì ghét rồi, nay lại thấy Nguyễn-Vương phong tước trọng, giao quyền to, làm cho Thanh-Nhân cũng như ông vua thứ nhì, thì ấm-ức trong lòng, quyết lập thế hại Thanh-Nhân cho bỏ ghét, không nhớ hồi trước vì Thanh-Nhân bỏ mà đi, nên chúa tôi mới bị tai-hoạ, rồi bây giờ nhờ Thanh-Nhân tá-trợ nên tôi chúa mới hiển-vinh.

Được làm Ngự-Tiền Cố-Vấn, coi nội-điện, văn phòng võ-phòng, hai chú âm mưu với nhau, kết phe lập đảng, bố trí thủ-hạ khắp nơi, để dòm ngó Thanh-Nhân và châm chích Hoàng-Thượng.

Thanh-Nhân quen tánh thẳng ngay quảng-đại lại lãnh một trách-nhiệm nặng-nề, ngài phải chú trí lo việc lớn ngoài ngàn dặm xa xuôi, không thèm ghé mắt xem vật mọn nằm dưới chưn lúc-nhúc. Tình thế ấy dễ cho bọn tiểu nhơn vận-động, gieo chông gai đầu nầy, rót mật đắng đầu nọ để gạt người ngay sụp ngã cho chúng leo qua mình.

Bọn tiểu-nhơn âm-thầm lập thế xô ngã Thanh-Nhân, không dè Ngài cứ nhắm đường ngay thẳng mà đi, thấy cái hay thì khen, cái dở thì quở. Ngài nghe chư-tướng than-phiền, nhơn-dân trong làng trong xóm bị hà-hiếp, bóc-tột, ngài tâu cho Nguyễn-Vương hay và xin vua trừng-trị bọn tham-lam cho khỏi thất nhơn-tâm mà hư hại cuộc trung-hưng vừa mới xây-dựng.

Nguyễn-Vương đem việc đó mà tỏ lại với hai vị Ngự-Tiền Cố-Vấn, quở trách hai ông không làm tròn nhiệm-vụ là dẹp loạn đặng cứu dân, lại để cho người dưới tay thừa loạn mà làm thêm khổ cho dân-chúng.

Việc đó đụng chạm đến quyền-lợi của Hà-Khâm và Trương-Hậu, bởi vậy hai chú cho Thanh-Nhân ỷ thế lộng quyền quyết phải trừ Thanh Nhân cho gấp đặng khỏi hậu-hoạn.

Bữa nay Trương-Hậu có dịp bàn về quân-sự với Nguyễn-Vương, ông đã than: “Thượng Tướng-Công Thanh-Nhân cầm binh xuất trận có tài thiệt. Tài ấy ít ai dám bì. Nhưng Hoàng-Thượng giao tất cả binh-quyền cho ngài nắm, làm cho tôi lo sợ quá !”.

Nguyễn-Vương châu mày mà hỏi:

- Tại sao ông lo sợ ?

- Ví như ngài trở lòng phản Hoàng-Thượng rồi Hoàng-Thượng mới lấy chi mà đỡ gạt ?

- Người đã tỏ dấu thành-thiệt phục tùng ta rồi, không phản đâu mà sợ.

- Ngày trước Hồ-Văn-Lân khuyên ngài ra phò Hoàng-Thượng ngài không chịu. Ngài nói đời loạn ai mạnh thì làm Chúa. Ngài độc-lập đặng tranh làm Chúa, cần gì mà phải hạ mình tùng-phục người khác. Chừng Hoàng-Tử đi-giá đến Ba Giồng mà yêu cầu Ngài thì Minh-Giám cũng còn tỏ ý như vậy.

- Tại nghĩa-binh Đông-Sơn phiền Tân-Chánh Vương khinh bạc, nên nói như vậy, chớ chừng ta cắt nghĩa phải quấy rồi thì lớn nhỏ đều qui-thuận, có trách ta nữa đâu. Cả thảy đều hăng-hái quyết khắc-phục Phan-Trấn đặng tôn ta lên ngôi báu. Trước khi xuất binh đã cử ta làm Đại Nguyêu-Soái Nhiếp Quốc-Chánh, chừng thâu-phục tất cả đất Gia-Định, sai tướng chiếm Bình-Thuận, đem binh bảo-hộ Cao-Miên, làm cho ta có đủ thinh thế mạnh-mẽ rồi thì tôn ta lên làm vua, cử chỉ như vậy sao còn nghi người ta muốn tiếm-đoạt. Đừng có nghi mà hư việc lớn. Nếu người ta cố tâm muốn phản thì phản hồi mới gặp, chớ có lẽ nào đới tới bây giờ.

- Không biết chừng ban đầu người ta giả phục tùng đặng cậy oai-tín của Hoàng-Tử mà gây-dựng thế-lực, thâu phục nhơn-tâm, sau có trở mặt cho dễ.

- Thôi, thôi, khanh chẳng nên châm-chích nhiều lời mà làm cho quân thần phân rẽ.

Trương-Hậu hết dám nói nữa.

Bữa khác Hà-Khâm tâu với vua:

- Bảo-hộ nước Cao-Miên mà Hoàng-Thượng đặt ông Hồ-Văn-Lân tôi sợ thất sách, bởi vì ông Lân không đủ oai quyền mà làm cho người Miên phục tùng và người Xiêm khiếp-sợ.

- Ta đã thăng Lân lên chức Chưởng-Dinh. Ông Thanh-Nhân đã cho Lân tới hai ngàn binh. Vậy thì đủ oai-quyền chớ còn muốn gì nữa.

- Phải người như Thượng Tướng-Công mới xứng chức.

- Sai Thượng Tướng-Công đi rồi ai thế ở đây ?

- Rút ông Hồ-Văn-Lân về thế.

- Đâu được ! Rủi Tây-Sơn vào đánh thì Hồ-Văn-Lân có đủ sức mà chống cự đâu.

- Cũng binh đó, tướng đó, ông Nhân hay ông Lân chỉ-huy cũng vậy. Thắng hay bại đều tại binh tướng, chớ có phải tại người chỉ-huy hay sao ?

- Khanh không biết chiến pháp. Đánh giặc thắng hay bại đều tại tinh thần. Người chỉ-huy phải được binh-đội tín-nhiệm, tinh thần chiến-đấu của họ mới vững-vàng, họ mới liều chết mà thủ thắng. Ta không thể lào giao binh quyền cho một người nào khác. Phải Đỗ-Thanh-Nhân ta mới vững bụng, tướng-sĩ mới tận-tâm. Huống chi Thanh-Nhân mới bàn tính với ta, người đợi đóng thuyền cho đủ số rồi thừa mùa gió thuận người chở binh ra đánh Qui-Nhơn một lần thử coi lực-lượng của giặc thế nào, cách phản-ứng của họ ra sao cho biết.

- Tôi dòm thấy Thượng Tướng-Công được Hoàng-Thượng tín nhiệm rồi ngài lộng quyền muốn làm việc gì thì làm, không cần do Hoàng-Thượng.

- Ta đã giao cả binh-quyền cho Thượng Tướng-Công thì ông được phép tự-do liệu định mà thưởng phạt tướng-sĩ, phân quân-đội, cần gì phải do nơi ta. Chừng nào có đại-sự thì mới bàn tính chớ.

- Làm vua phải nắm tất cả quyền hành không nên giao cho ai hết, nhứt là quyền binh-bị. Đó là luật cổ-điển không nên bỏ. Nếu vua chia quyền bớt cho bầy tôi, tự nhiên sanh họa quân nhược thần cường. Thuở nay nước loạn-ly sụp đổ là tại vua phú quyền cho đại-thần. Hoàng-Thượng nên xét lại.

- Lời khanh tâu thì hợp lý thiệt. Nhưng ta còn trẻ tuổi, lại không thông binh-pháp. Ta phải lựa người có tài-năng, có đởm-lược mà phú thác binh quyền đặng người ta lo dẹp loạn mà bình-định sơn-hà, chớ biết làm sao. Huống chi giữa lúc dông gió nầy chỉ có một mình Thanh-Nhân mới đủ sức xông lướt chớ không có người nào khác nữa mà chọn lựa. Chê thì dễ nhưng làm thì khó. Vậy làm không được thì chẳng nên chê bai, hễ tín-nhiệm chẳng nên nghi-kỵ.

Hà-Khâm hổ thẹn lui bước trở ra.

(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7122
Registration date : 01/04/2011

Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh   Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 I_icon13Fri 01 Nov 2019, 07:13

Chương XII
ĐẢNG ĐÔNG-SƠN SỤP ĐỔ

Trương-Hậu với Hà-Khâm nhận thấy không thể cậy tay Nguyễn-Vương mà xô ngã Thanh-Nhân được, hai chú bèn bàn tính âm-mưu làm cách khác mà hại Thanh-Nhân. Việc của hai chú tinh, hai chú giữ bí-mật nên không ai biết được. Người ta nếu để ý thì thấy thường thường hai chú hay nói rù-rì với nhau, mà Trương-Hậu cũng đòi năm ba anh võ-sĩ ở đàng ngoài mới vào lúc sau nầy đặng nói chuyện ít lần rồi biểu mấy ảnh ở làm bộ hạ cho hai chú.

Một buổi chiều, Thượng Tướng-Công Đỗ-Thanh-Nhân đương ngồi nói chuyện với Chưởng-Cơ Võ-Nhàn, có lịnh của Nguyễn-Vương mời Thanh-Nhân vào nghị-sự. Thanh-Nhân hăm hở đi liền.

Chúa tôi bàn tính với nhau đặng tổ-chức cuộc đem binh ra đánh Qui-Nhơn, bàn tới chạng vạng tối, Thanh-Nhân ra về. Khi ra vừa khỏi cửa thì có một tên núp trong cánh cửa nhảy ra đưa gươm lên chém Thanh-Nhân. Thanh-Nhân lẹ làng trớ qua một bên, nắm cánh tay nó mà giựt cây gươm, rồi sẵn bộ đâm luôn nó té sấp. Trong lúc ngài giựt cây gươm có một người nữa núp cánh cửa phía bên nây ngài không thấy, nó nhảy ra đâm ngài một gươm tại hông, rồi bỏ gươm mà chạy. Thanh-Nhân bị thương nặng nên té quị bên thằng ám-sát thứ nhứt.

Một tên quân đi ngoài đường ngó thấy thằng ám-sát thứ nhì đâm Thanh-Nhân rồi bỏ chạy thì chạy theo, vừa chạy vừa la: “Bắt nó ! Bắt nó ! Bớ người ta ! Nó đâm Thượng Tướng-Công rồi nó chạy đó. Bắt nó giùm chút !”.

Cao-Liêm ở ngoài cửa thành đi vô. Nghe tiếng quân la rồi thấy người chạy thì chận tên ám-sát toan bắt. Tên nọ thủ thế tính đánh Cao-Liêm mà thoái thân, chẳng dè Cao-Liêm cho một đá té nằm dài rồi chận cổ mà bắt.

Trong thành binh lính với thường-dân chạy rần-rần. Cao-Liêm kêu vài tên quân biểu lấy dây trói thằng sát-nhơn rồi dắt trở lại trước Hoàng-Cung là chỗ Thanh-Nhân bị hại.

Võ-Nhàn nghe la đã chạy đến đó trước rồi, thấy Nguyễn-Vương bước ra thì nói lớn: “Đứng anh-hùng ra phò vua giúp nước, phải vào sanh ra tử, phải lao thân mệt trí, cho chúng vui hưởng cao-sang, rồi chúng đền ơn đáp nghĩa thế nầy hay sao? É! Bậy lắm! Không thể được, không thể được!”.

Võ-Nhàn vừa than, vừa đỡ Thanh-Nhân ngồi dậy, rút cây gươm của kẻ sát-nhơn còn ghim trong hông ngài rồi kề vai cõng ngài về dinh, máu chảy dầm-dề nhuộm đỏ quần áo.

Tướng Cao-Liêm, Đinh-Trụ, Bạch-Khuê với Tham-Tri Háo-Nghĩa và Tham-Tá Thiên-Hà đã chạy tới đó, đồng áp lại phụ với Võ-Nhàn mà để Thanh-Nhân nằm ngay trên bộ ván.

Thanh-Nhân sắc mặt vẫn bình-tĩnh, hai mắt vẫn mở trao-tráo mà nhìn các tướng-sĩ đứng hai bên rồi lần-lần tắt hơi, không nói một lời, mà cũng không nhắm mắt.

Võ-Nhàn tức-tủi cực điểm, thò hai tay vuốt máu của Thanh-Nhân còn ấm hiểm [11] rồi đưa ngay lên mặt ngài mà nói:” Tôi quyết trả thù nầy cho ngài. Xin ngài vững lòng mà an giấc”.

Các tướng-sĩ đứng chung-quanh thấy vậy đều cảm-động, nên đồng nhúng tay vào máu điều một đệ nhứt hùng Gia-Định [12] mà thề sẽ trả oán rửa hờn.

Cao-Liêm day lại thấy tên sát-nhơn bị trói đương đứng trong góc, có hai tên quân gìn-giữ, thì nổi giận nên rút cây gươm treo trên vách nhảy lại nạt tên sát-nhơn mà hỏi: “Thằng khốn-nạn! Ai xúi mầy ám-sát Thượng Tướng-Công, phải khai cho mau. Khai mau kẻo tao chặt rụng đầu Thằng nào xúi mầy? Nói đi. Nói mau”.

Tên sát-nhơn sợ chết, đứng run bây-bẩy thủng-thẳng nói: “Ông Hà-Khâm với ông Trương-Hậu biểu tôi”.

Cao-Liêm la lớn: “À! Hai thằng cha đó biểu mầy, hai thằng cha đó biểu mầy!” vừa nói vừa huơi gươm chém quân sát-nhơn. Háo-Nghĩa với Thiên-Hà vội-vã muốn chụp tay Cao-Liêm mà chụp không kịp nên đầu của tên sát-nhơn rơi xuống đất, còn thân mình nó thì ngã nằm dài máu trong cổ phun ra có vòi.

Háo-Nghĩa chắt lưỡi mà than: “Phải để nó sống đặng đối-chứng, sao lại giết nó đi!”.

Võ-Nhàn nói: “Dẫu Hà-Khâm với Trương-Hậu xúi nó thì cũng phải có lịnh vua dạy bọn đó mới dám xúi. A! Hèn chi sai đòi Thượng Tướng-Công lại Hoàng-Cung nghị-sự. Ấy là kế sắp đặt đặng hạ-sát Thượng Tướng-Công mà!”.

Cao-Liêm nói: “Vậy thì tôi đi báo thù liền bây giờ.” Cao-Liêm nói dứt lời rồi hăm-hở cầm gươm đi ra cửa. Đinh-Trụ với Võ-Nhàn cũng xách gươm chạy theo. Mấy chục tên quân đứng lóng-nhóng ngoài sân cũng đi theo ba tướng.

Tới đinh của hai quan Ngự-Tiền Cố-Vấn, Võ-Nhàn với mấy chục binh Đông-Sơn bao-vây còn Cao-Liêm cầm gươm xông vào lục-soát. Hà-Khâm với Trương-Hậu đều trốn đi mất, không có ở trong dinh. Tướng-sĩ kéo nhau đến trước Hoàng-Cung thì thấy cửa đóng.

Võ-Nhàn vỗ cửa xin cho vào đặng tâu với vua cho bắt Hà-Khâm với Trương-Hậu chém liền về tội xúi người âm-sát Thượng Tướng-Công. Cao-Liêm la lớn nếu không mở cửa thì cứ phá cửa mà vào.

Nguyễn-Vương ở trên từng lầu phải ra đứng ngoài cửa mà nói: “Chư-tướng chẳng nên vô lễ mà phạm tội. Vụ Thượng Tướng-Công bị ám-sát để cho ta tra xét rõ-ràng rồi ta chiếu quốc-luật mà trừng-trị những chánh-phạm, tùng-phạm và chủ-mưu. Chư-tướng phải vâng lịnh ta, chẳng nên táo-bạo mà gây họa: Ta sẽ báo thù cho Đỗ Tướng-Công”.

Cao-Liêm nói: “Đứa sát-nhơn đã khai Hà-Khâm với Trương-Hậu xúi nó. Chắc hai thằng gian-tặc đó trốn trong Hoàng-Cung. Vậy xin Hoàng-Thượng dạy bắt chúng nó giao cho quân đội hành-quyết liền bây giờ mới vừa lòng dân-chúng, nếu Hoàng-Thượng yêm-ẩn bọn gian-thần thì người ta sẽ nghi Hoàng-Thượng đồng mưu rồi sự phẫn uất của nghĩa-binh Đông-Sơn sẽ đưa tới cái cảnh thành nghiêng nhà cháy“.

Nguyễn-Vương nói: “Không có Hà-Khâm với Trương-Hậu trốn trong Hoàng-Cung. Chư-tướng hãy về lo cho Đỗ Tướng-Công. Để sáng mai ta ra lịnh tìm bắt hai người ấy mà tra vấn. Nếu quả có tội thì ta sẽ chiếu quốc-luật mà hành-hình. Ta không tư-vị đâu”.

Háo-Nghĩa hay chư-tướng lại vây tới Hoàng-Cung thì sợ đại-loạn, nên lật-đật chạy lại đứng nãy giờ mà nghe vua phân phán.

Anh ta tiếp khuyên tướng-sĩ phải bình-tĩnh mà xử sự. Vậy nên trở về bàn tính vơi nhau, không nên bạo-động gây họa thêm lớn nữa. Chư tướng nghe lời mới dắt nhau trở về dinh Đỗ Tướng-Công.

Nhưng khi bước vào dinh, Võ-Nhàn với Cao-Liêm thấy thi-hài của Thanh-Nhân nằm, cặp mắt vẫn mở trao-tráo, thì xúc-động, nên mỗi người đứng một bên ôm mình Thanh-Nhân mà khóc.

Cao-Liêm khóc một hồi rồi ngước mặt lên mà nói: “Ai muốn ở lại đây thì ở. Tôi phải đưa thi-hài về Ba Giồng nhà chôn cất rồi tôn Đỗ Nương-nương làm nữ-chúa đặng đánh báo-thù”.

Võ-Nhàn nói: “Tôi cũng đi, chớ ở lại đây làm gì nữa”. Mấy người khác cũng hiệp ý.

___________________________________________
[11] khá nóng, hâm hẩm nóng.

[12] Theo sử của Việt-Nam thì Gia-Định tam-hùng là Đỗ Thanh-Nhân, Châu-Văn-Tiếp và Võ-Tánh, cả ba đều giúp vua Gia-Long phục quốc.

(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7122
Registration date : 01/04/2011

Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh   Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 I_icon13Wed 06 Nov 2019, 12:45

Chương XIII
NẶNG TÚI OÁN HỜN

Võ-Nhàn bước ra cửa, thấy binh lính tựu trước sân khá đông thì nói lớn: “Anh em đi khắp các trại truyền cho tướng-sĩ hay: Chúng tôi sắp trở về Ba Giồng lo báo thù cho Chủ Soái, có đại công mà bị người ta ám hại. Ai muốn báo thù thì đi theo chúng tôi. Ai không muốn thì ở lại đặng rồi cũng sẽ chết nữa”.

Ở ngoài hô lớn: “Chúng tôi theo hết”.

Chư-tướng lấy một cái võng ôm thi-hài của Thanh-Nhân để lên võng rồi dạy hai tên quân võng đem ra bến mà chở xuống thuyền. Đã quá canh một rồi nên nhà ở dọc đường đều đóng cửa ngủ hết. Binh-lính chạy về trại lấy khí-giới và áo-quần rồi đi theo sau.

Nghĩa-binh Đông-Sơn ngày trước phần nhiều thì đi đánh Bình-Thuận với Lê-Văn-Quân, còn lại thì ít, tốp thì chia cho Biên-Trấn, tốp thì thủ các đồn từ Nhà-Bè ra Cần-Giờ, bởi vậy ở tại thành Phan-Yên chỉ có mấy chục. Mấy ngàn binh trong thành hiện thời là binh mới điền lúc sau nầy, chớ không phải nghĩa-binh Đông-Sơn.

Tuy vậy mà khi Võ-Nhàn, Cao-Liêm, Đinh-Trụ, Bạch-Khuê, Háo-Nghĩa và Thiên-Hà đưa thi-hài của Thanh-Nhân ra tới bến, đặt trong một chiếc thuyền đặng đi cho mau thì thấy chiến-sĩ cầm binh-khí chạy theo từng tốp, chẳng phải mấy chục nghĩa-binh Đông-Sơn mà thôi, mà còn có thêm gần 300 binh mới, vì mến nghĩa-dõng của đệ-nhứt anh hùng Gia-Định, nên theo đặng làm cho thiên-hạ thấy tuấn-kiệt dầu mất, oai tín vẫn còn, còn đến mấy đời cũng không phai-lợt.

Chư-tướng thấy nhơn-tình như vậy thì cảm-động nên dọn thêm bốn chiếc thuyền nhỏ nữa mà chở hết đi.

Đoàn thuyền lìa bến. Mặt trăng đã lên cao. Ai nấy day lại ngó vào thành Phan-Yên, thì cảnh-vật lặng-lẽ, im-lìm, như cảnh vô nhơn, như vật kiệt lực.

Đáng buồn thay !

Đêm nay, ở Thuộc-Nhiêu, Đỗ Nương-nương bứt-rứt trong lòng, nên nằm thổn-thức hoài, nhắm mắt mà không ngủ được.

Nàng nhớ cha, hay cha đi sắp-đặt cuộc bảo-hộ Cao-Miên, hay cha đã tôn Hoàng-Tử Ánh lên ngôi quốc-vương, hay cha được phong tước trọng quyền cao, hay chư-vị anh hùng Đông-Sơn đều được đẹp mày nở mặt. Nàng biết Trần-Minh-Giám khuất sớm không được thấy ngày vinh-quang hiển-đạt của đồng-chí Đông-Sơn là nhóm người quyết nuôi lòng nghĩa-hiệp đặng nêu cao hào-khí của đất nước Gia-Định.

Đêm càng khuya, trăng càng tỏ, gà trong chuồng đua nhau gáy, dế ngoài cửa lén ngâm. Đỗ Nương-nương mơ-màng, hồn vởn-vơ, trí mê-mệt, bỗng chiêm-bao thấy ông Minh-Giám về xô cửa buồng bước vào kêu mà nói rõ ràng: “Thanh-Xuân, thức dậy con. Cha con bị gian-đảng đố hiền tật năng [13] nên ám-sát chết rồi. Con phải dậy sửa-soạn nghinh-tiếp thi-hài của cha con, rồi hiệp cùng đồng-chí Ba Giồng mà báo thù báo oán”.

Đỗ Nương-nương vùng ngồi dậy, không thấy ông Minh-Giám, nhưng tiếng nói của ông vẫn còn văng-vẳng bên tai. Nàng đổ mồ-hôi ướt áo, bước lại khêu ngọn đèn cho tỏ, rồi ngó đèn mà suy-nghĩ. Tại sao ông Minh-Giám hiện hình về báo tin hung-ác như vậy ? Có thiệt hay là mộng-mị ? Ta mơ màng thấy ông rõ-ràng và nghe nói rành rẽ ông dạy ta sửa-soạn rước thi-hài cha ta rồi hăng-hái lo báo oán. Nên tin hay là không nên tin?

Nàng ngồi ngẫm-nghĩ một hồi lâu rồi bưng đèn bước ra nhà khách, kêu gia-dịch thức dậy và sai một người lại nhà ông chủ xóm Tấn ở gần nhà, mời ông lại có việc gấp.

Chẳng bao lâu, chủ xóm Tấn lại tới. Ông thấy Nương-nương ngồi mà có sắc lo. Ông hỏi có việc chi thì Nương-nương mời ông ngồi rồi đem chuyện chiêm-bao mà thuật rõ lại cho ông nghe.

Ông Tấn đã sẵn kính phục trí sáng suốt của Minh-Giám, lại ông trộng tuổi, ông cho chiêm bao là linh-tánh mách bảo cho mình biết việc dữ và điềm lành sắp tới, bởi vậy nghe Nương-nương thuật chuyện thì ông nóng-nảy lo sợ. Ông xin Nương-nương sai một tên gia-đinh nhậm lẹ đi tắt qua giồng Trấn-Định lấy một chiếc xuồng nhỏ bơi riết lên thành Phan-Yên mà thăm, rồi dầu có dầu không cũng phải trở về liền mà báo tin.

Đỗ Nuơng-nương quyết-định nàng phải đi, chớ không thể ngồi nhà mà chờ tin được. Ông Tấn nói nếu Nương-nương đi thì ông đi theo.

Ông Tấn liền về nhà sửa soạn. Đỗ Nương-nương thay đổi xiêm-y gọn-gàng rồi ông Tấn trở lại, nàng đai kiếm mang cung, dắt hai tên gia-đinh mạnh-mẽ mà đi với ông Tấn qua Trấn-Định lấy xuồng mà lên Phan-Trấn.

Hai gia-đinh nỗ lực bơi riết nên tảng sáng thì xuồng đã gần tới Ba Cụm. Ông Tấn thấy phía trên xa đi xuống có năm chiếc thuyền nối đuôi đi một dọc mà chiếc nào cũng chở người ta nhiều. Ông chỉ cho Nương-nương xem. Hai người đều phát nghi nên châu mày buồn-bực, thúc hai gia-đinh bơi riết.

Chừng gặp đoàn thuyền ấy, Đỗ Nương-nương thấy có Võ-Nhàn đứng trong chiếc đi đầu liền kêu mà hỏi: “Phải thuyền đưa thi-hài cha tôi về hay không ? Nói giùm cho mau”.

Bên thuyền kia có nhiều người la “Phải” một lượt. Đỗ Nương-nương nóng-nảy, xuồng chưa kịp cặp sát với thuyền mà nàng đã đứng dậy nhảy vọt qua, thấy cha nằm im lìm nhưng cặp mắt mở lớn thì ôm cha mà khóc. Chư-tướng ngồi bao chung-quanh có thêm ông chủ xóm Tấn, ai cũng rơi lụy.

Bây giờ Thanh-Nhân mới chịu nhắm mắt lại.

Trong thuyền ai thấy như vậy cũng lấy làm kỳ.

___________________________________________
[13] ghen gét người có hạnh, ganh tỵ người có tài.

(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh   Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh - Page 4 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Đỗ Nương Nương báo oán - Hồ Biểu Chánh
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 4 trong tổng số 5 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Tiểu thuyết :: Hồ Biểu Chánh-