Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Today at 08:52

5 chữ by Tinh Hoa Yesterday at 22:27

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 16:16

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 11:01

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:46

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:55

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

Mái Nhà Chung by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:33

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Ở NHÀ MỘT MÌNH by Phương Nguyên Tue 16 Apr 2024, 09:59

HÁ MIỆNG CHỜ SUNG by Phương Nguyên Sun 14 Apr 2024, 13:29

Trang thơ vui Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 12 Apr 2024, 15:48

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Fri 12 Apr 2024, 15:32

Chết rồi! by Phương Nguyên Fri 12 Apr 2024, 13:57

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Thu 11 Apr 2024, 17:43

THẬN TRỌNG SIÊU LỪA by mytutru Wed 10 Apr 2024, 20:33

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú by Trà Mi Wed 10 Apr 2024, 11:45

KHÓ NGỦ by Phương Nguyên Wed 10 Apr 2024, 01:46

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6  Next
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính   Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 I_icon13Thu 24 Dec 2009, 23:33

HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG[v]


Vương họ Trần tên là Quốc Tuấn, quê ở làng Tức Mặc, tỉnh Nam Định, con ông An sinh vương Liễu (anh ruột vua Trần Thái Tôn).

Khi trước An sinh vương phu nhân, nằm mơ thấy một ông thần tinh vàng tướng ngọc tự xưng là Thanh tiên đồng tử phụng mệnh Ngọc hoàng xuống xin đầu thai, nhân thế có mang. Đến lúc sinh ra vương, có hào quang sáng rực cả nhà và có mùi hương thơm ngào ngạt.

Vương khôi ngô kì vĩ, thông minh sớm lắm, lên 5,6 tuổi, đã biết làm thơ ngũ ngôn, và hay bày chơi đồ bát trận. Khi gần lớn, học rộng các sách, thông hết lục thao, tam lược, có tài kiêm cả văn võ.

Trong năm Nguyên Phong thứ bảy thời vua Thái Tôn (1257), có giặc Mông Cổ lấn vào phận Hưng Hóa, vua sai vương cầm quân lên giữ mặt thượng du.

Đến thời vua Nhân Tôn, Mông Cổ lại sai Thoát Hoan đem bọn Toa Đô, Ô Mã Nhi chia đường sang đánh nước Nam, vương phụng mệnh thống lĩnh các quân của vương, hầu, hội cả ở trại Vạn Kiếp, để chống nhau với quân Mông Cổ. Bấy giờ thanh thế Mông Cổ đang mạnh, vương phải rước xa giá Hoàng đế lánh vào Thanh Hóa. Hoàng đế thấy sự thể nguy cấp, muốn hàng, vương không nghe, tâu rằng:

- Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hết chặt đầu thần đi đã, rồi sẽ hàng cũng chưa muộn. Đầu thần còn thì xã tắc cũng còn, xin bệ hạ chớ lo.

Vua thấy nói cứng cỏi làm vậy, trong bụng cũng yên. Đến tháng tư, phá được quân Mông Cổ ở cửa sông Hàm Tử. Tháng năm, lại đánh vỡ quân Mông Cổ và chém được đại tướng là Toa Đô ở đất Tây Kết, Thoát Hoan phải rút quân về Tàu.

Năm Trùng Hưng thứ ba, Thoát Hoan lại đem bọn Ô Mã Nhi, A Bát Xích sang quấy thứ nữa. Vương sai Trần Khánh Dư phục quân chặn đường, đốt phá được hết thuyền lương của giặc ở cửa bể Lục Hải (thuộc về huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên). Thoát Hoan cạn lương, muốn rút quân về, vương phục sẵn quân ở sông Bạch Đằng, đóng cột chông ngầm dưới nước, chờ lúc thủy triều lên ra khiêu chiến, dử cho giặc đuổi đến chỗ mai phục, thì nước vừa xuống, thuyền giặc vướng mắc cột chông chìm đắm mất nhiều, mới thả quân mai phục ra đánh, bắt sống được Ô Mã Nhi, và bắn chết được Trương Ngọc, còn A Bát Xích, Thoát Hoan trốn được về Tàu.

Tự bấy giờ quân Mông Cổ sợ uy danh của ngài, không dám gọi tên, chỉ gọi là Hưng Đạo vương, và không dám sang quấy nhiễu nữa.

Khi Thoát Hoan sang xâm thứ sáu, có một tên ti tướng là Nguyễn Bá Linh (tức là Phạm Nhan) có yêu thuật, biến hiện trăm chiều, vương phải lập cửu cung mới phá được. Khi bắt được Bá Linh rồi, chém thế nào nó cũng không chết, vương lại dùng đến thần kiếm chém nó mới chịu.

Vương ba lần phụng mệnh chống nhau với quân Mông Cổ, trải lắm phen gian truân, mà vẫn vững một niềm không núng, cho nên về sau phá được quân giặc, lập nên công to, để cho nước Nam lại vững như cái âu vàng.

Ngài nhân có công ấy, được tiến phong làm Thái sư thượng phụ Hưng Đạo đại vương. Vua tôn kính coi như đạo cha, lập ra miếu sinh từ ở Vạn Kiếp và khắc văn bia để tỏ công đức của ngài.

Ngài thường soạn ra một quyển sách gọi là “Binh pháp yếu lược” để ban cho các tướng, lại lập ra trận đồ cửu cung bát quái, thần diệu vô cùng.

Khi ngài già, về trí sĩ ở trại Vạn Kiếp, hưởng thọ ngoài 70 tuổi mới mất, trên từ vua cho chí các quan, dưới đến trăm họ, ai ai cũng thương tiếc.

Bây giờ mỗi năm về hôm 20 tháng tám là ngày húy nhật ngài, thiện nam tín nữ đến lễ bái đền Vạn Kiếp thành ra một ngày hội to.

_________________________
Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính   Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 I_icon13Fri 25 Dec 2009, 18:33

NGUYỄN TRÃI


Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai tiên sinh, cha ông ấy là Tự khanh công, nguyên người ở huyện Phượng Nhỡn. Ông cụ ấy hay địa lý, mới đem tiên phần sang táng ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, rồi làm nhà và nhập tịch làng ấy.

Đời con là Nguyễn Trãi, đỗ tiến sĩ về thời nhà Hồ, làm đến Ngự sử đài chánh chưởng. Đến lúc nhà Hồ mất, ông ấy về ẩn ở núi Côn Sơn, có bụng muốn ra dẹp loạn cứu đời.

Bấy giờ có người ở làng Hoắc Sa tỉnh Sơn Tây tên là Trần Nguyên Hãn, đi bán dầu kiếm ăn. Một bữa trời tối, đi qua làng Chèm, mới vào đền Chèm nằm ngủ. Nửa đêm nghe có tiếng ông thần làng khác vào rủ ông Chèm lên chầu trời. Ông Chèm nói có quốc công ngủ trọ không đi được. Đến gà gáy ông thần kia trở về. Ông Chèm hỏi trên trời có việc gì, thì ông kia nói rằng:
- Thượng đế thấy nước Nam chưa có chúa, có cho ông Lê Lợi (tức Lê Thái Tổ) làm chúa, mà ông Nguyễn Trãi thì làm bày tôi.

Trần Nguyên Hãn nghe rõ câu ấy, chịu khó hỏi dò tìm đến nhà ông Nguyễn Trãi, kể lại chuyện ấy. Nguyễn Trãi không tin, lại về đền Chèm cầu mộng, thì thấy thần báo mộng rằng:
- Việc thiên đình bí mật lắm, không dám nói lộ ra ngoài. Có chị Tiên Dong biết tường việc ấy, vả lại là đàn bà, thì trời không trách đến, ông nên đem vàng đến nơi ấy mà hỏi.

Ông Nguyễn Trãi nghe lời ấy, đến cầu mộng đền bà Tiên Dong, thì mơ thấy bà ấy gọi bảo rằng:   
- Nguyễn Trãi! Lê Lợi làm vua, mà anh thì làm bày tôi, anh chưa biết chuyện ấy à?

Ông ấy hỏi cặn kẽ lại thì mới biết ông Lê Lợi là người làng Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa. Mới cùng với Trần Nguyên Hãn vào Lam Sơn, hỏi thăm đến nhà ông Lê Lợi. Bấy giờ Thái Tổ còn hàn vi, khi hai ông kia đến, thì ngài đang mặc cái áo cánh cộc, vai vác bừa, tay dắt bò ở ngoài đồng về. Hai ông xin vào hầu, Thái Tổ mời nghỉ lại trong nhà. Xảy gặp hôm ấy nhà có giỗ, hai ông kia xuống bếp thổi nấu, trông trộm lên nhà trên, thì thấy ngài cầm dao thái thịt, đang vừa thái vừa ăn.

Hai ông kia bàn riêng với nhau rằng:   
- Bà Tiên Dong nói lừa chúng ta đây, có lẽ đâu khí tượng thiên tử mà lại thế kia bao giờ?   
- Lê Lợi làm vua, trời đã nhất định như thế rồi, chỉ vì chưa có thiên tinh giáng đấy thôi.   

Hai ông lần sau lại đến thăm Thái Tổ, thì bấy giờ ngài đã được quyển thiên thư. Khi ấy đang đêm đóng cửa xem sách.
Liền cáo từ ra về, lại đến cầu mộng đền bà Tiên Dong, thì thấy báo mộng rằng:
- Lê Lợi làm vua, trời đã nhất định như thế rồi, chỉ vì chưa có thiên tinh giáng đấy thôi.   

Hai ông lần sau lại đến thăm Thái Tổ, thì bấy giờ ngài đã được quyển thiên thư. Khi ấy đang đêm đóng cửa xem sách. Nguyễn Trãi đứng ngoài cửa dòm vào, rồi đẩy cửa, hai ông cùng vào. Thái Tổ cắp thanh gươm đi ra, hai ông cùng lạy phục xuống đất và nói rằng:
- Chúng tôi xa xôi lặn ngòi noi nước đến đây, là vì thấy ngài làm được chúa thiên hạ, xin cho chúng tôi được theo hầu.

Thái Tổ cười, lưu hai người ở lại, mưu việc khởi binh. Ông Nguyễn Trãi lấy mỡ viết vào lá cây tám chữ: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Về sau sâu cắn những lá ấy rụng xuống, người ta thấy vậy cho là sự trời định, đồn rực cả lên, bởi thế nhân dân tranh nhau theo về với ông ấy, quân thế mỗi ngày một thịnh.

Đến năm Mậu tuất, mới bắt đầu ra đánh nhau với quân nhà Minh, ông Nguyễn Trãi bàn mưu lập kế giúp vua Thái Tổ đánh hơn 20 trận. Năm Bính ngọ, quân ta thắng trận, tiến sát đến Đông Đô, tướng nhà Minh là Vương Thông giữ vững trong thành. Nhà Minh lại sai An viễn hầu là Liễu Thăng và Kiềm quốc công là Mộc Thạnh chia quân làm hai đường sang cứu Đông Đô. Thái Tổ đón đánh ở núi Mã An, chém được Liễu Thăng, và bắt sống được bọn Hoàng Phúc, Thôi Tụ hơn 300 người, Mộc Thạnh phải trốn về nước, Vương Thông mở cửa thành ra hàng.

Tự bấy giờ hai nước lại thông hiếu, nội là tờ bồi giao thiệp với Tàu, do tự một tay Nguyễn Trãi cả.

Vì có công được phong quốc tính, gọi là họ Lê, lại mà thăng lên làm Vinh lộc đại phu nhập nội hành khiển coi cả việc trong ba quân và được phong là Tế văn hầu.

Trần Nguyên Hãn thì được phong làm quốc công, đến khi mất, lại được phong làm thành hoàng, bây giờ còn đền thờ ở làng Hoắc Xa.

Nguyễn Trãi văn chương hùng dũng, có khí lực, phàm các bài như là văn “Bình Ngô đại cáo” cùng là văn bia “Lam kinh thần đạo” có chép vào bộ Thực lục là tự tay ông ấy soạn ra cả.

Tính ông ấy điềm đạm, không ham mê danh lợi, thường có chí muốn từ chức về nhà. Ông ấy có một trại riêng ở tỉnh Bắc, gọi là Tiêu Viên. Đến đời vua Thái Tôn, Nguyễn Trãi trí sĩ về ẩn ở trại ấy. Cuối đời Thiệu Bình, vua Thái Tôn nhân đi chơi qua tỉnh Bắc, vào chơi trại Tiêu Viên, Nguyễn Trãi đi vắng, có nàng hầu là Thị Lộ, ở nhà pha chè hầu vua, chiều hôm ấy vua mất, đình thần cho là Thị Lộ giết vua, bởi thế cả nhà ông Nguyễn Trãi phải tội tru di.

Khi trước đánh nhau ở núi Mã An, Nguyễn Trãi bắt được Thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc. Hoàng Phúc giỏi nghề địa lý, khi ở nước Nam, bao nhiêu chỗ kiểu đất hay, đã biên kỳ lấy cả. Bấy giờ phải bắt, Nguyễn Trãi có ý khinh bỉ.

Hoàng Phúc cười bảo rằng:   
- Mả tổ nhà tôi có Xá văn tinh, chẳng qua chỉ phải nạn trong năm ngày là cùng, không đến nỗi như ông có đất phải tru di tam tộc.

Bấy giờ cũng cho lời ấy nói xằng, về sau Hoàng Phúc quả nhiên được tha về, mà Nguyễn Trãi thì mắc nạn, mới biết lời trước là nghiệm.

Tục truyền khi ông Nguyễn Trãi chưa đỗ, dạy học trò ở làng Nhị Khê, thường có sai học trò dọn cỏ một cái gò ở ngoài đồng để làm trường dạy học. Đêm hôm trước, mơ thấy một người đàn bà vào kêu rằng: “Tôi mẹ yếu con thơ, xin ông khoan cho ba ngày để tôi đem con tôi đi chỗ khác, rồi ông sẽ sai dọn cỏ”. Sáng sớm, thức dậy ra đồng xem thì học trò đã dọn sạch rồi, và bắt được hai cái trứng rắn.

Nguyễn Trãi hỏi thì học trò nói rằng:   
- Ban nãy chúng tôi thấy con rắn ở trong đám cỏ rậm, đánh nó đứt đuôi mà chạy mất, chỉ bắt được hai cái trứng ở đây.

Nguyễn Trãi nghĩ con rắn hẳn là người đàn bà báo mộng hôm qua, phàn nàn không ngần nào, mới đem hai cái trứng về nhà nuôi cho nở. Đêm hôm ấy, đang ngồi xem sách, có con rắn trắng leo lên xà nhà rỏ máu trúng vào chữ đại [vi] (代) trong trang sách, thấm xuống ba tờ giấy. Nguyễn Trãi biết là nó tất báo oán đến ba đời, đến khi hai cái trứng kia nở ra, thì một con dài, một con ngắn. Nguyễn Trãi sai đem thả xuống sông Tô Lịch ở cạnh làng.

Khi Nguyễn Trãi đã hiển đạt, một bữa, ở trong triều về, đi qua hàng chiếu, trời đã tối sâm sẩm, gặp một đứa con gái đi bán chiếu, nhan sắc tuyệt trần, Trãi đọc lên bốn câu thơ để hỏi đùa.   
Thơ rằng:
Ả ở đâu đi bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu chừng độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa được mấy con?
  

Người con gái ấy cũng đọc lên một bài đáp lại.   
Thơ rằng:
Tôi ở Tây hồ bán chiếu gon,
Nỗi chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu tuổi mới trăng tròn lẻ.
Chồng còn chưa có, có chi con!


Nguyễn Trãi thấy nói đối đáp ngay được, lấy làm khoái chí lắm. Hỏi tên thì nói tên là Thị Lộ, mới đem về cho làm nàng hầu.   
Vua Thái Tôn nghe tin nàng ấy đẹp và hay chữ, sai làm nữ học sĩ, thường thường cho ra vào trong cung.

Khi vua vào chơi nhà ở Tiêu Viên, thì ông Nguyễn Trãi đi vắng, chỉ có Thị Lộ ở nhà. Nàng ấy pha nước dâng lên vua xơi, vua uống phải thì mất ngay. Nguyên Thị Lộ tức là con rắn hiện hình ra làm người để báo thù. Khi nó pha nước thì nó nhả cái nọc độc vào trong chén nước, cho nên vua trúng độc mà mất.

Các quan bắt con Thị Lộ vào tra hỏi, thì nó xưng là ông Nguyễn Trãi xui nó, đình thần mới chiểu luật bắt tội nhà ông ấy, mà bỏ con Thị Lộ vào cũi đem quăng ra sông Nhị Hà, thì nó lại hóa ra con rắn ở trong cũi chui ra đi mất.

Lúc nhà ông Nguyễn Trãi đang phải nạn, có người vợ lẽ đang có mang, chạy trốn xuống ở tỉnh Nam. Về sau sinh được người con trai đặt tên là Anh Võ. Ở đã lâu, chủ nhà mới biết là vợ lẽ ông Nguyễn Trãi.

Đến thời Quang Thuận, vua Thánh Tôn thương ông ấy mắc phải tội oan, ban chiếu giải oan, và phong tặng làm Thái sư Tuệ quốc công. Sai tìm dòng dõi nhà ông ấy, thì mới tìm thấy Anh Võ. Vua phong quan chức cho Anh Võ, để nối dõi nhà ông ấy. Đến sau Anh Võ sang sứ Tàu, đi qua hồ Động Đình, bỗng thấy con rắn ở dưới nước bò lên, rồi thì phong ba nổi lên ầm ầm. Anh Võ biết lại là con rắn trước báo oán, mới khấn rằng: “Xin cho trọn việc nước, rồi đến lúc trở về sẽ xin chịu tội”. Khấn vừa đoạn thì sóng gió lại yên. Đến lúc việc sứ xong trở về, quả nhiên lại nổi cơn sóng gió, đắm thuyền mà mất.
Vua Thái Tôn truy tặng cho làm Thái sư Sùng quốc công.

Trong năm Cảnh Hưng, triều đình duyệt lại các sắc phong của các ông khai quốc công thần. Khi duyệt đến sắc ông Nguyễn Trãi thì quan Thị lang là ông Lê Quí Đôn xé đạo sắc ấy ra nói rằng:
- Bọn loạn thần tắc tử, còn để cáo sắc làm gì nữa!

Nói vừa buông lời, bỗng nhiên ngã gục ngay xuống, rồi thấy hai tên lính bắt đi, đưa đến một chỗ đền đài, tường liễu chung quanh, có các cây cổ thụ to hàng mười ôm. Trong đền có vài chục chiếc ỷ. Ở mé hữu có một tấm sập, trên sập có một ông quan ngồi, đầu đội mũ, mình mặc áo bố tử. Lính hầu xúm xít chung quanh. Hai tên lính bắt ông Lê Quí Đôn quì ở dưới thềm, rồi ông quan ngồi trên sập thét lên rằng:
- Ta là Tế văn hầu đây, ngươi là sơ học tiểu sinh, sao dám bỉ báng người có công tiền triều, tội ngươi đáng chết!

Lê Quí Đôn ngồi nín lặng, không dám ngẩng mặt lên nhìn. Bên cạnh có người đội khăn lượt mặc áo xanh, kêu van thay cho Quí Đôn, ông quan lại nói rằng:
- Công danh sự nghiệp của ta, không thèm so sánh với ngươi, ngươi đừng tưởng ngươi đỗ Bảng nhỡn mà đã khinh người, cho về mà thử xem bài “Bình Ngô đại cáo” của ta, nếu ngươi làm hay hơn được bài ấy, thì xé sắc của ta cũng phải.

Lê Quí Đôn tỉnh dậy, kinh hãi lắm, lập tức viết lại sắc của ông Nguyễn Trãi. Vì thế sắc của công thần không ai phải tước cả.

_________________________
Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: TRỊNH KIỂM   Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 I_icon13Fri 25 Dec 2009, 18:37

TRỊNH KIỂM


Trịnh Kiểm người làng Sóc Sơn, huyện Chân Phúc, tỉnh Thanh Hóa. Khi còn hàn vi, nhà nghèo lắm, mà thờ mẹ rất hiếu. Mẹ tính hay ăn thịt gà, mà nhà thì không có, ngày nào cũng phải ăn trộm một con gà của láng giềng để nuôi mẹ. Láng giềng ai cũng ghét, một bữa nhân ông ta đi chơi vắng, bắt mẹ ông ta ném xuống vực Tôm ở cạnh làng, để khỏi ăn trộm gà nữa. Không ngờ lòng trời run rủi, chỗ vực ấy chính là một huyệt to. Đêm hôm ấy, trời nổi cơn mưa gió lớn, rồi vực ấy bỗng dưng nổi đất lên thành mộ. Về sau có người địa lý Tàu xem ngôi đất ấy, nói rằng: “Ngôi đất này phát ra không phải đế, cũng không phải bá, mà có quyền nhất cả thiên hạ, truyền được tám đời, rồi vạ tự trong nhà sinh ra”.

Trịnh Kiểm từ khi mẹ mất, đi lơ bờ kiếm ăn, nấn ná sang Ai Lao, ở chăn ngựa cho đức Triệu tổ Nguyễn triều ta [vii]. Nguyên bấy giờ nhà Mạc chiếm mất ngôi nhà Lê, đức Triệu tổ đương làm Điện tiền tướng quân, rước con cả vua Cung đế nhà Lê là vua Trang Tôn chạy sang Ai Lao, tìm kế khôi phục, cho nên ở bên ấy.

Một hôm, đang đêm Triệu tổ đứng dậy mở cửa ra sân, trông xuống dưới trại, thấy có hai khối tinh đỏ đòng đọc, tựa hồ như hai bó đuốc, sai người đánh đuốc xuống xem cái gì, thì té là Trịnh Kiểm đang ngủ ở chỗ ấy, hào quang từ trong mắt ánh ra. Triệu tổ lấy làm kỳ, gọi lên hỏi chuyện, thì ứng đối giỏi giang, tài đảm hơn người.

Triệu tổ thấy người có tướng lạ, biết không phải người tầm thường, đem lòng yêu mến, cử lên làm tướng bộ hạ và gả con gái là nàng Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm.

Tự khi ấy, Trịnh Kiểm theo Triệu tổ đi đánh giặc lập được nhiều công trạng to, Triệu tổ lại càng kính trọng lắm, cử lên làm đại tướng, sai đốc binh ra đánh Nghệ An, dần dần tiến ra đến Thanh Hóa khôi phục được Tây đô.

Đến khi Triệu tổ mất bao nhiêu quyền chính của ngài, vua Trang Tôn giao phó cả về tay Trịnh Kiểm, Trịnh Kiểm có quyền to tự đấy.

Trịnh Kiểm tuy người võ, nhưng mưu trí hơn người, giúp vua Trang Tôn, đánh nhau với nhà Mạc, lập lên công trạng, được tiến vị phong làm Thái sư, Dực quận công, sau lại thăng làm Lang quận công. Đến đời con là Trịnh Tùng lại sắc sảo lắm, giúp vua Anh Tôn, phá được quân nhà Mạc ở cửa bể Thần Phù, dần dần tiến binh ra thành Thăng Long, bắt được Mạc Mậu Hiệp, đem lại được giang sơn cho nhà Lê, được tiến phong làm Bình an vương.

Từ bấy giờ con cháu họ Trịnh, đời đời tập phong tước vương, quyền chính lấn cả thiên tử. Trải 200 năm, tám đời truyền kế nhau, đến đời Trịnh Khải bị Bắc bình vương [viii] giết mất, bấy giờ mới hết.

_________________________
Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: LƯƠNG HỮU KHÁNH   Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 I_icon13Sat 26 Dec 2009, 18:03

LƯƠNG HỮU KHÁNH


Chi họ Lương ở Thanh Hóa, phong phú có tiếng nhất ở vùng ấy. Tổ họ ấy khi xưa sinh được ba con trai, thành ra ba chi. Đang khi cuối nhà Trần loạn lạc, một chi xiêu dạt sang Tàu, ngụ ở tỉnh Vân Nam. Có người làm nên, đời đời được tập phong tước vương. Một chi thiên ra ở xã Tào Sơn huyện Ngọc Sơn, cũng kế thế đăng khoa. Còn một chi thì ở xã Hội Trào, huyện Hoằng Hóa, sinh ra ông Lương Đắc Bằng, đỗ Bảng nhãn trong thời Cảnh Thống đời vua Hiến Tôn nhà Lê.

Lương Đắc Bằng vì có người họ ở Tàu, mới mua được nhiều thứ sách quí, cho nên học giỏi về nghề lý số. Ngoại 50 tuổi, chưa có con trai, chỉ có người vợ lẽ có mang được ba tháng. Khi gần mất, dặn vợ lẽ rằng:
- Nếu mai sau sinh được con trai, thì tất nó làm nên công danh sự nghiệp, tỏ rạng cửa nhà. Khi nào con lớn, thì nên cho đến học ông Trạng Trình ở huyện Vĩnh Lại, thì mới giữ được nền nếp nhà ta.

Nói đoạn thì mất. Về sau người vợ lẽ quả sinh được con trai, mới đặt tên là Hữu Khánh.
Hữu Khánh thông minh sớm, mười tuổi đã biết làm văn, mà sức ăn cực khỏe, thường ăn gấp ba bốn phần người thường mới no. Mẹ lắm khi phải nhịn đói để con ăn.   

Nhà ông ấy nghèo, mới bảo với mẹ rằng:
- Cha tôi khi xưa làm quan thanh liêm, đến nỗi con cháu không đủ cơm cháo mà ăn. Vậy mẹ cho tôi đi nơi khác, tùy đường kiếm ăn, kẻo để phiền đến bụng mẹ.   

Mẹ buồn rầu nói rằng:
- Mẹ con không nuôi được nhau, đến nỗi để con đi tha phương cầu thực, mẹ lấy làm đau xót ruột lắm.

Nói thế rồi, ứa hai hàng nước mắt. Ông ấy từ mẹ đi ra, sang các nhà học trò bên cạnh huyện ngâm thơ làm phú để độ thân.

Một khi đi qua bến đò sông Tam Kỳ, gặp 5, 6 nhà sư tự đám chay về, mang một cái đẫy có 100 phẩm oản. Nhà sư thấy ông ấy có dáng đói, cho vài chiếc oản. Ông ấy từ nói rằng:
- Học trò nghèo nhịn đói, đã mấy hôm nay, may gặp được Đại bồ tát, tưởng là có bụng bố thí làm sao, lại bủn xỉn cho được vài phẩm oản, thì ăn chả bõ dính mồm.   

Có một nhà sư già cười nói rằng:
- Thầy kia đã gọi là học trò, thì thử làm một bài thơ “Học trò đi thuyền chung với nhà sư”, hễ sang khỏi sông mà xong bài thơ, thì có bao nhiêu oản xin biếu cả.

Ông ấy ngồi trong thuyền, ngâm ngay một bài thơ như sau này:

Một pho kinh sử bộ kim cương,
Đây đấy cùng thuyền khéo một đường.
Trong hội cồ đàm ngươi thỏa thích;
Trên ngôi đài các tớ nghênh ngang.
Truyện xưa ngươi vẫn căm Hàn Dũ [ix]
Việc trước ta còn oán Thủy Hoàng [x].
Gặp gỡ mảy may rồi lại biệt,
Kể tròn quả phúc, kẻ vinh xương.


Chưa sang khỏi đò đã vịnh xong bài thơ. Nhà sư mừng rỡ, dốc cả đẫy oản ra cho ông ấy. Ông ấy ngồi ngay đầu thuyền ăn một lúc hết 80 phẩm oản. Người trong thuyền ai cũng ngạc nhiên, nhà sư lấy làm kỳ dị, lại tặng thêm một quan tiền nữa và nói rằng:
- Thầy có tài như thế, nay tuy còn ở trong trần ai, nhưng tất có ngày làm nên hách dịch. Sư nghèo này xin dâng một bữa, ngày sau có đắc chí, đánh dẹp đốt phá ở đâu, thì xin chừa những nơi chùa chiền ra, mới là ân huệ.

Sang khỏi đò, ông ấy từ bọn sư rồi đi. Bấy giờ đang lúc Lê, Mạc đánh nhau, dân xã điêu tàn, ông ấy đi đến đâu, không một kẻ nào nhìn đến, có khi ba ngày mới được ăn một bữa, thường vẫn phải làm mướn kiếm ăn.

Một buổi sớm, đến làng Vĩnh Trị, gặp một bà già ra chợ, gọi người thuê làm ruộng hoang. Hỏi mấy mẫu, thì bà già đưa đến chỗ ruộng sâu, trỏ ra bảo rằng:
- Chỗ ruộng kia nước sâu, mà cỏ mọc bùm tum, ước chừng năm mẫu.   

Ông ấy bảo rằng:
- Bà cụ về nhà thổi cơm độ mười người ăn, và đem sẵn tiền gạo thuê công đến bờ ruộng này, để tôi gọi giúp người làm cho.

Bà kia y lời ấy trở về làm cơm. Ông ấy mới cầm một con dao to lội xuống ruộng dọn cỏ, chưa đến buổi trưa, đã dọn quang cả 5 mẫu ruộng. Dọn xong, nằm ngủ dưới gốc cây, tiếng ngáy như sấm.

Một lát, bà già sai người nhà đem cơm đến, gọi ông ấy thức dậy, ông ấy ăn một lúc, hết cả hai mâm cơm, rồi lấy tiền gạo mà đi.

Chúng[xi] tưởng là thần, dần dần mới biết là con quan Bảng nhãn ai nấy phàn nàn không ngần nào.

Đến năm 18 tuổi, nhớ lời cha dặn, mới đến học quan Trạng Trình. Bấy giờ học trò quan Trạng hơn 3.000 người, duy có ông Kế Khê là hay chữ nhất trường. Khi ông Hữu Khánh đến học, mới làm ba kỳ văn, đã đè trên ông Kế Khê.

Trình tiên sinh vốn là học trò ông Lương Đắc Bằng khi xưa, nay thấy con thầy đến học, hay chữ như thế, có bụng quí trọng trăm phần, thường tư cấp cho để mà học.

Bấy giờ nhà Mạc mở khoa thi, ông Lương Hữu Khánh vốn không có bụng làm quan với nhà Mạc, nhưng ngặt vì nhà nghèo và còn mẹ già, bất đắc dĩ phải ra thi. Khi thi thì bốn kỳ cùng thứ nhất, mà văn ông Kế Khê thì đỗ thứ nhì. Đến lúc hồi phách [xii] quan Tràng thấy ông ấy là người Thanh Hóa, mới đánh xuống thứ nhì mà ông Kế Khê lên thứ nhất (vì bấy giờ tự Thanh trở vào thuộc về nhà Lê, tự Ninh Bình trở ra thuộc về nhà Mạc). Ông Hữu Khánh thấy xử thiên tư làm vậy, mới bỏ không vào thi đình nữa, vì thế ông Kế Khê mới đỗ Trạng Nguyên [xiii].

Khi ấy, Hữu Khánh trọ ở hàng Bông, một hôm để dành được 6, 7 đấu gạo, và hai lọ nước mắm, thổi cơm rồi trải chiếu xuống đất ngồi ăn, rung đùi đắc chí, cười vang lên nói rằng:
- Thế này chẳng kém gì mâm cơm nhà quan!

Xẩy có một ông quan tự trong triều trở về, nghe thấy tiếng cười nói, dừng xe lại nhìn, lấy làm kỳ dị cho 5 quan tiền, rồi tiến lên với vua nhà Mạc.

Vua Mạc sai sứ đến nhà trọ, khuyên dụ trăm điều, Hữu Khánh nhất định không ra làm quan. Tự bấy giờ lại đi bơ vơ, nay đây mai đó, con một nơi, mẹ một nẻo, trông cảnh động lòng, lắm phen chua xót.

Nhà Lê bấy giờ khởi quản ở phủ An Tràng, vốn nghe tiếng ông Hữu Khánh là người tài lạ, nhiều khi muốn sai người ra đón về giúp, nhưng vì đường xá xa khơi, đi lại gian hiểm, cho nên chưa có dịp nào mà đem về được.

Vài năm sau, Kế Khê được cầm quyền chính nhà Mạc, sai người tìm Hữu Khánh thì gặp cả hai mẹ con ở huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc đem về. Kế Khê nghĩ tình bạn lưu ở trong nhà, cung đốn tử tế, và khuyên dỗ cho ra làm quan, nhưng Hữu Khánh biết cơ nhà Lê sắp trung hưng, có ý muốn phò nhà Lê, cho nên không ra làm quan với nhà Mạc.

Kế Khê biết ý Hữu Khánh, muốn đuổi đi nhưng không nói ra, nhân một bữa ở trong triều về, giả tảng nói rằng:
- Tôi hôm nay phụng chỉ làm một bài phú, nhưng việc quan bận bội lắm, nhờ anh làm giúp cho tôi.

Nói rồi, thò tay vào túi, lấy ra một mảnh giấy đầu bài, đưa cho ông Hữu Khánh. Hữu Khánh thấy đầu bài: “Tần quan văn kê[xiv] biết là ý muốn đuổi mình, lập tức dặn mẹ đi lẻn ra bến Hoàng Liệt về Thanh Hóa trước, mà mình thì mật đưa một bài biểu vào An Tràng, hẹn ngày ấy thì đem thuyền ra đón tại cửa Thần Phù.

Được vài hôm, làm xong bài phú, để trên đầu giường, rồi lẻn ra đi gấp đường xuống cửa bể Thần Phù. Khi Kế Khê ở trong triều trở về, đến nhà học, không thấy ông Hữu Khánh đâu, cho đi hỏi khắp cả các nhà anh em bạn học, cũng không thấy tin tức gì cả. Xẩy thấy trên đầu giường có bài phú, trong bài có câu rằng: “Lưu khách hóa ra đuổi khách”. Kế Khê ngạc nhiên nói rằng:
- Anh này đi mất, triều đình còn là nhiễu về anh này!

Lập tức sai quân đi các ngả đuổi theo bắt về. Khi Hữu Khánh đến cửa Thần Phù, thì vua Lê đã sai năm chiếc thuyền chiến và 1.000 quân ra đón. Hữu Khánh vừa bước chân xuống thuyền thì quân nhà Mạc đuổi theo vừa đến.

Hữu Khánh ngồi trong thuyền gọi to lên bảo rằng:   
- Gửi lời các anh, về tạ ông Kế Khê, ngày sau ta sẽ xin đền trả ơn.

Khi về đến cửa phủ An Tràng, vua Lê mừng rỡ lắm, cử làm Thị lang, cho tham tá việc quân cơ. Hữu Khánh bầy ra mưu mẹo gì cũng đắc cả, vua tin dùng hơn cả mọi người, sai cầm riêng một đạo quân đi dẹp giặc.

Hữu Khánh nhớ đến lời nhà sư khi trước, phàm các trận mạc, thấy chỗ nào đồn giặc đóng cạnh chùa chiền, thì rút quân lảng đi không đánh, để tránh sự phá hại nhà chùa.

Về sau làm đến Binh bộ thượng thư, công nghiệp hiển hách vào bậc danh thần đời trung hưng.

_________________________
Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: PHẠM ĐÌNH TRỌNG   Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 I_icon13Sat 26 Dec 2009, 18:30

PHẠM ĐÌNH TRỌNG


Phạm Đình Trọng người làng Khinh Dao, huyện Giáp Sơn, tỉnh Hải Dương.

Tục truyền ngài là thần Ngũ hồ giáng sinh [xv]. Năm 26 tuổi đỗ Tiến sĩ, quan trường là Nguyễn Trọng Quát xem văn của ngài, đã mừng cho triều đình được người kinh luân giỏi.

Năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740) được cử làm Giám sát ngự sử, một khi ở kinh về, ngủ trọ làng Hoàng Xá, huyện Kim Thành, trông thấy một người nằm núp trong đống củi, bắt ra tra hỏi, thì là tướng giặc tên là quận Gió, ngài bắt đem nộp, được thưởng 300 quan tiền.

Năm Tân sửu ngài làm Hiệp đồng, kiêm chức Phòng ngữ sứ, phải đi dẹp giặc, bắt được hai tướng giặc là ngụy Cừ và ngụy Tuyển ở núi Ngọa Vân, đóng cũi đem về kinh đô, được thăng làm Công bộ Hữu thị lang.

Bấy giờ trong nước lắm giặc, mà kiệt hiệt nhất là Quận He, tên chữ là Nguyễn Hữu Cầu. Quận He là người làng Lôi Đỗng, huyện Thanh Hà, có sức khỏe như thần, mỗi khi lâm trận, chỉ cắp hai thanh siêu đao phi ngựa xông vào, quan quân tan dãn, không ai địch nổi, đã có tiếng gọi là Hạng Võ nước Nam. Tục truyền là thần cá bể sinh ra, cho nên lại tài nghề lặn nước.

Quận He quấy nhũng vùng đông nam, quan quân đánh mãi không trừ được. Ngài phụng mệnh đốc quân thủy; đóng ở bờ sông cạnh núi Đồ Sơn, huyện Đông Triều. Một hôm, ngài đang ngồi trong thuyền, không ngờ Quận He lặn ngầm dưới nước, nhẩy vọt lên thuyền, giết chết một tên lính. Ngài vội vàng đóng cửa thuyền hô to lên rằng:   
- Tao đã chém được Quận He rồi đây!

Chúng tưởng thực xô cả lại. Quận He phải nhẩy xuống sông, núp dưới bánh lái. Ngài sai quân cầm giáo đâm xỉa xuống. Quận He chạy mất.

Lại một hôm, ngài chỉ có một chiếc thuyền đóng ở bến Triều, bất thình lình, giặc kéo 3 chiếc thuyền đến vây lại đánh, ngài suất thủ hạ đánh hăng sức quá, giặc phải bỏ mà chạy, vua khen là mưu dũng hơn người, phong làm Giao lĩnh hầu.

Năm Nhâm tuất, vua triệu ngài về sai làm chủ khảo thi hội. Thi xong, lại sai cùng với Tuân quận công tiến quân đi đánh giặc, ngài tâu tường tận lắm, vua mừng mà thưởng cho 3 cấp và 300 quan tiền.

Năm Giáp tý, Quận He chiếm giữ núi Đồ Sơn ở phủ Kinh Môn, tán tía, tàn vàng, lừng lẫy một vùng bãi bể, tự hiệu là nhà Triều, thủ hạ có 18 quận công, và bốn năm vạn quân, thanh thế rất là hách dịch.

Ngài phụng mệnh làm Thống lĩnh bình khấu đại tướng quân, được quyền sai phái binh mã thủy bộ các xứ Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Nam, An Quảng. Ngài nhận chức, coi việc đánh giặc là trách nhiệm của mình. Khi cất quân ra khỏi cửa phủ, đóng cờ ở đình Quảng Văn, rồi vào hầu Hoàng thượng ở trong đền chính, Hoàng thượng an ủy một hồi, rồi ngự viết một đạo sắc ban cho.

Sắc rằng:   
Trăm họ đâu cũng là binh, kho tàng đâu cũng là của, cho ngươi tùy tiện mà làm việc, nhất thiết giao phó cho ngươi cả đó”.

Ngài lạy từ đi ra, tiến binh đến thẳng núi Đồ Sơn, chiếm chỗ núi cao hạ trại, rồi dùng mẹo đánh phá, sai quân thủy chặn đường tải lương của giặc ở các cửa bể; mà ngài mang một đạo binh, đi ngầm đàng mé sau núi, chặt cây cối mở lối đi, rồi xe súng lớn lên trên đỉnh núi, bắn vào trong trại giặc, giặc phải trốn đi nơi khác, lại chiếm giữ mạn sông Thương ở tỉnh Kinh Bắc, đắp thành Thọ Xương, dần dần lại chiếm được hết tự bờ sông trở sang bắc.

Bấy giờ Hoàng Ngũ Phúc (Quận Việp) đang làm Thống lĩnh tỉnh Bắc, đem quân đánh nhau với giặc, đánh ba trận thì thua cả ba, vì thế giặc lây láng ra mọi nơi.

Năm Ất sửu, ngài lại phụng mệnh đốc chiến. Một hôm, ngài đang ngồi ở mé nam bờ sông Thương, cùng với một người khách uống rượu, bàn việc binh. Giặc ở bên kia bờ sông, bắn sang một phát, chết mất một tên lính hầu.ân đánh nhau với giặc, đánh ba trận thì thua cả ba, vì thế giặc lây láng ra mọi nơi. Người khách xin ngài hãy tạm lánh đi. Ngài nói rằng:
- Ba quân hay dở, quan hệ về một ông tướng, nếu ta mà lui đi, thì giặc tất kéo sang sông ngay.

Bấy giờ giặc dàn chiến thuyền ở mé bắc, mà cắm cờ ở cửa sông để phòng quan quân tràn vào, ngài sai đắp lũy ở trên bờ sông, làm kế vững bền, một mặt thì sai kéo tự trên thượng lưu, di chuyển đường bộ kéo xuống, đến làng Đa Mai, huyện An Dũng, thủy bộ giáp hai mặt lại đánh. Giặc núng thế, muốn phá cừ để chạy ra ngoài, nhưng không ngờ cừ đã bị quân của ngài đóng kỹ lại tự bao giờ, không sao phá mà ra được, giặc phải bỏ cả thuyền chạy lên bộ, quan quân đuổi đánh, bắt được rất nhiều.

Vua được tin mừng lắm, thưởng cho 10 lạng vàng và vài trăm thẻ bạc, để tùy ý thưởng cho tướng sĩ. Vua lại viết bốn chữ “Văn võ toàn tài” ban cho.

Khi ấy lại có đám nghịch Ngũ chiếm giữ làng Ngọc Bội, đã được vài năm, thế cũng hùng dũng. Phan phái hầu là Nguyễn Phan đem quân đi đánh, bị giặc vây ở làng Hương Canh. Vua sai ông Quốc cữu cầm 18 cơ binh lên đánh giải vây, đánh hơn một tháng trời không được. Vua thấy mặt đông bắc đã hơi yên, mới triệu ngài về sai lên dẹp mặt Sơn Tây.

Khi ngài về vào chầu, vua ban cho một thanh gươm bảo rằng:   
- Từ phó tướng trở xuống, hễ ai không tuân lời cho phép cứ chém; còn cái áo gấm ban cho tướng trước sai đi, làm không nổi việc, cho người lên mà đòi lấy, hẹn cho 10 hôm thì phải xong việc.

Ngài từ vua mang quân đi. Khi đến gần chỗ đất giặc, ngài cưỡi voi trèo lên trái núi trông xem, thì thấy khu giặc ở có 15 ngọn đồn, liên tiếp với nhau; mà chung quanh ngoài lũy thì toàn đồng lầy cả. Ngài mới truyền cho quân mỗi người phải mang một bó củi và một bó đuốc, nửa đêm kéo quân vào, sai ném củi xuống đồng lầy làm đường đi, rồi phá trộm lũy vào chính trại to của giặc, phóng hỏa đốt trại, rồi thì trong ngoài đánh áp vào, đốt luôn cả các đồn khác. Giặc đánh không nổi phải tan chạy, mới giải được vây cho Phan phái hầu.

Ngài ngồi trên đầu voi, thảo biểu dâng về tâu công, và sai người lại đòi áo gấm của tướng trước, rồi đem quân về chầu, bấy giờ mới có 6 ngày.

Vua mừng lắm, cho ngồi ăn yến cùng một chiếu với Việp quận công.   
Vua bảo rằng:
- Nghịch Ngũ tuy nhiên dông dỡ, nhưng chẳng qua chỉ là giặc giữ nhà mà thôi. Còn như nghịch He, nó còn ra vào bất trắc lắm, ngươi phải lưu tâm mà đề phòng, vậy ngươi nên về ngay dưới mặt đông nam mới được.

Ngài lạy tạ, lập tức lên đường, về đến trại cũ ở làng Bối Thị huyện Vĩnh Lại, khao thưởng quân sĩ, nói phao lên rằng: cho quân ăn uống vui chơi năm ngày.

Bỗng dưng đến nửa đêm hôm thứ ba, nghe tiếng trống om sòm, thì ra ngài đã mang quân thủy đuổi đánh Quận He ở ngã ba sông Tranh. Các tướng cũng kéo quân bộ ra đánh. Quận He phải chạy trốn mất. Các tướng ai nấy mừng rỡ, nhưng không biết vì cớ gì mà ngài biết trước giặc đến mà đánh ngay được như thế.   

Các tướng hỏi thì ngài bảo rằng:
- Ta mới tự kinh đô lại đây, giặc tất có người dọ thám. Hôm thứ nhất nó xem ta động tĩnh thế nào. Nó thấy ta nói phao lên cho quân ăn uống năm ngày, tất nó đồ [xvi] rằng quân ta trễ nhác. Sang ngày thứ hai, nó tất đem ngầm quân đến đánh quân ta, ngày thứ ba thì nó đến nơi, cho nên ta đón đường trước mà đánh. Đó là phép binh nhử cho người đến mà đánh đấy.

Các tướng ai cũng chịu là mẹo cao. Ngài lại sai quân chia giữ các nơi xung yếu; và sức cho dân phải giữ giúp cho nhau, hễ có giặc phải báo quan ngay, để đem binh đến tiễu [xvii]. Từ đấy thế giặc mỗi ngày một kém, dần dần quân thưa lương cạn.   

Một hôm, Quận He sai người cầm giấy lại trình ngài, trong giấy ra một câu đối rằng:

- Ngọc tàng nhất điểm; xuất vi chúa, nhập vi vương [xviii].
玉 藏 一 點 出 爲 主 入 爲 王

Ngài lập tức viết lại đối rằng:   

- Thổ tiệt bán hoành; thuận giả thượng, nghịch giả hạ [xix].
土 截 半 橫 順 者 上 逆 者 下

Quận He trông thấy, vừa sợ vừa thẹn, không dám đánh nhau nữa. Mới sai người đem vàng bạc hối lộ cho người quyền thần phủ chúa Trịnh tên là Đỗ Thế Giai, giả tiếng xin ra hàng, mà kỳ thực là muốn dùng chước hoãn binh. Đỗ Thế Giai nhận lễ, nói với chúa Trịnh. Chúa Trịnh tin lời cho hàng, và phong cho Quận He làm Ninh đông hầu, truyền đem thủ hạ lại chầu.

Phạm Đình Trọng khăng khăng một mực xin đánh, thề không chịu cùng với giặc sống ở đời. Có quan Thự phủ nhân có hiềm riêng với ngài, gièm pha với chúa Trịnh, để chúa Trịnh triệu ngài về kinh. Ngài thì biết cơ Quận He trá hàng, mới đóng quân lại ở đồn Bôi Thị, và chiêu mộ thêm quân cường tráng các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Thượng Hồng, Vĩnh Lại, chia làm hai cơ nghĩa binh, đặt tên gọi là cơ Thanh Kỳ và cơ Hồng Vĩnh, sai hai tướng thủ hạ thống lĩnh hai cơ ấy.

Quan Thự phủ gièm với chúa Trịnh rằng:   
- Phạm Đình Trọng chẳng khác gì Huyền Đức, mà Thanh Kỳ thì là Quan Võ, Hồng Vĩnh thì như Trương Phi. Nay ông ta cầm đại binh ở ngoài, hoặc sinh bụng bất trắc thì làm thế nào?

Chúa Trịnh vốn tin ngài, không nói gì đến, lại đưa cho một bài thơ để ngài yên tâm.   
Về sau Quận He quả nhiên không ra hàng, cướp bóc vùng đông nam lại càng nhũng lắm. Triều đình sai Quận Côn lĩnh binh đi đánh. Khi sang qua sông Nhị Hà, đến trạm Điên Dao, bị giặc đánh lừa, bắt sống được Quận Côn, chư quân tan vỡ mất cả. Giặc bắt triều đình phải chuộc Quận Côn 300 lạng bạc. Kinh thành nhao nhác cả lên.

Chúa Trịnh lại sai ngài đi đánh. Ngài lập tức phái binh các đạo và quân nghĩa binh tiến tiễu, đánh nhau ở Gia Phúc, Quảng Xuyên, An Ninh, Tòng Hóa trận nào cũng được, giặc phải trốn đi nơi xa, dân vùng ấy lại được yên ổn.

Khi trước ở bến Hồng Đàm châu Vạn Ninh, là một nơi rất hiểm ở miền bể đông. Có đám giặc Quan lan, tụ đồ đảng giữ chỗ ấy làm sào huyệt, cướp bóc các thuyền buôn đường bể, việc buôn bán ta với Tàu đọng cả lại. Quan Tổng đốc Quảng Đông không sao trừ được, nhiều lần đưa giấy sang cho quan Tuần phủ Yên Quảng, hợp binh tiễu giặc, đánh luôn mấy năm vẫn chưa xong. Khi ấy ngài đi tuần mặt bể đông, sai thuộc tướng là Vinh thọ hầu đem chiến thuyền đóng ở châu Vạn Ninh, nói phao lên rằng đánh giặc, hẹn ngày với quan Tàu để hợp tiễu [xx]. Mà ngài thì mật đem đội thuyền từ dưới núi Đề Thi, ra đường Bạch Long Vĩ, đến thẳng bến Hồng Đàm, đánh phá trại giặc, bắt được tướng đầu đảng và 7 người đồ đảng, đóng cũi nộp cho quan Tàu. Ngài thân đến chơi với quan Trấn thủ Long Môn, người Tàu trông thấy ngài lấy làm lạ lùng, tiếc thay cho ngài là đại tài mà sinh về nước nhỏ, chính nhân mà thờ người quyền thần.

Quan Tàu tâu việc ấy lên vua Tàu. Vua Tàu khen nước Nam có người giỏi, yên được cõi ngoài ven, sai quan sang ban thưởng cho ngài áo đai, trăm tấm gấm, mười lạng vàng và phong làm Thượng thư. Chúa Trịnh cũng phong cho ngài làm Binh bộ Thượng thư, bởi thế gọi là Thượng thư hai nước.

Sực lại có tin Quận He quấy nhiễu các huyện Thần Khê, Thanh Lan, dân sự tàn hại. Chúa Trịnh lại sai ngài đi đánh. Ngài đi gấp đường đến huyện Ngự Thiên, đang cùng bàn mưu với Quận Việp, xảy đâu giặc kéo đến vây kín làng ấy. Quận Việp lo phát phiền, một đêm mà đầu bạc trắng xóa. Ngài sai chư quân dàn trận, cầm giáo trông về phía giặc. Một mặt sai quân đắp lũy. Ngài ngồi ngay trong trận thảo tờ hịch, sai đòi tướng tá lại hội. Đang khi ấy, giặc bắn chết một tên lính cầm nghiên mực, ngài sai tên khác thay vào, mà ngài thì cứ ngồi vững vàng như không, trỏ bảo các quân. Giặc thấy vậy không dám đến gần, phải tháo vây mà chạy. Ngài đem quân các đạo, thừa thế đuổi đánh, phá được giặc ở sông Lộng Khê (về huyện Phụ Dực). Lại đuổi đến làng An Vệ, huyện Quỳnh Côi vây bọc được giặc hai ba tầng. Quận He sai quân bó nhiều đình liệu [xxi], nói phao lên rằng đến đêm thì đốt đình liệu mà đánh ra. Chiều tối, giặc bỗng nhiên bỏ cả đình liệu thúc ngựa kéo ra, quân sĩ không ai dám chống lại, chỉ có một mặt của ngài vây mé ngoài thì giặc không dám ra cửa ấy.

Về sau Quận He trốn về Nghệ An, hợp đảng với nghịch Diên, quấy nhiễu trong vùng Thanh, Nghệ, ngài đem quân vào Nghệ, đốt phá được trại giặc ở làng Hưng Lãm, rồi đánh tràn vào đến Bạch Đường, Bào Giang. Ngài suất bộ tướng là Quận Trân làm tiên phong, sai Quận Viên làm hậu quân, đuổi giặc mãi đến huyện Quỳnh Lưu, qua làng Hoàng Mai, ở đấy có một trái núi rậm, ngài đồ rằng giặc tất núp vào trái núi ấy, mới đổi tiền quân làm hậu, hậu quân làm tiền, sai vây bọc chung quanh dưới chân núi. Bấy giờ Quận He thế lực đã kiệt lắm rồi, biết thân không còn thể nào chạy thoát, mới đến tiền quân xin hàng.

Khi trước Quận Trân cầm tiền quân, vốn quen nhau với Quận He. Không ngờ tiền hậu mới đổi, té ra Quận Viên cầm tiền quân. Quận Viên mới sai đóng cũi giải nghịch He về Kinh sư.

Từ đấy ngài mới thành công trở về, được gia chức là Thiếu bảo, phong làm Dương võ tuyên lực công thần ban cho 12 xã dân và 150 mẫu ruộng để làm ruộng thế nghiệp.

Năm Cảnh Hưng thứ 12, ngài phụng mệnh trấn thủ tỉnh Nghệ An và châu Bố Chính. Một khi ngài đang ngồi coi việc trên phủ đường bỗng dưng có một con rắn to tự ngoài ra sân bò vào, quân sĩ toan đánh, ngài không cho đánh, thử để xem ra làm sao, thì thấy con rắn bò quanh chỗ sập ngài ngồi, rồi leo lên tràng áo ngài. Ngài cứ ngồi nghiễm nhiên không động, một lát nó lại bò xuống, rồi bò vào hồ Bán nguyệt đi mất.

Ngài có ý buồn rầu, biết là cái điềm nó đến đón mình. Ngài mới đi khắp trong thuộc hạt, khuyên dân làm ăn yên nghiệp.

Một hôm, ngài đang nằm trong màn, đang đêm bỗng “dạ” to lên một tiếng, cả nhà giật mình. Hỏi cớ làm sao thì ngài nói rằng:   
- Thượng đế sai đòi ta về rồi.

Chúng ngạc nhiên, chưa biết thế nào. Đến ngày mồng một tháng giêng năm sau, là năm Giáp tuất, ngài mặc áo chầu ra giữa phủ đường, ngoảnh mặt về bắc lễ vọng Thiên tử, rồi lên giường nằm, tự nhiên thiếp dần đi rồi mất.

Vua được tin thương xót vô cùng, sai quân thủy bộ hộ tống linh cữu về làng ngài an táng, và sai quan Thượng thư là Trần Cảnh đến nhà dự tế.

Chúa Trịnh cũng sai Thượng thư là Nguyễn Công Thái đến tế, và tặng 16 chữ: “Phủ dân, tiễu khấu, cố bản, an biên, ái quốc, trung quân, hoàn danh, cao tiết”. Lại gia tặng chức Thái phó, phong làm Hải quận công thượng đẳng phúc thần, sai lập đền thờ ở làng Giáp Sơn.

Chúa Trịnh lại ban cho một câu đối thờ rằng:

Cái thế anh hùng kim cổ thiểu.
Tại nhân công đức địa thiên tràng.
[xxii]

_________________________
Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: MẠC ĐĨNH CHI   Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 I_icon13Sun 27 Dec 2009, 17:52

CHƯƠNG THỨ III: CÁC BẬC DANH HIỀN


MẠC ĐĨNH CHI

Mạc Đĩnh Chi tự là Tiếu Phu, người làng Lũng Đỗng, huyện Chí Linh (Hải Dương), nguyên về dõng dõi quan Thượng thư Mạc Hiển Tích về triều nhà Lý (Hiển Tích đỗ Trạng nguyên đời vua Trung Tôn nhà Lý, làm Lại bộ Thượng thư).

Tục truyền làng Lũng Đỗng có một thung rừng rậm, cây cối bùm tum lắm giống hầu (con khỉ) ở. Mẹ ông ấy thường khi vào rừng kiếm củi, phải con hầu to bắt hiếp. Về nói với chồng, chồng ăn mặc giả làm đàn bà, giắt sẵn con dao sắc vào rừng, con hầu quen thói lại ra, bị ông kia chém chết bỏ thây ở đấy. Sáng mai ra xem thì mối đã đùn đất lấp hết, thành một gò mả.

Bà kia từ đấy thụ thai, đủ tháng, sinh ra Mạc Đĩnh chi, mặt mũi xấu xí, người nhỏ loắt choắt tựa như giống hầu.   
Ông cha đến lúc gần mất, dặn lại táng lên trên mả con hầu, vì biết chỗ ấy là chỗ đất kết (ngôi mả đến giờ vẫn còn).

Mạc Đĩnh Chi lớn lên bốn năm tuổi, tư chất thông minh hơn người. Bấy giờ Hoàng tử là Chiêu quốc công mở trường dạy học trò, Đĩnh Chi vào học. Đến năm gần 20 tuổi, là năm Giáp thìn đời vua Anh Tôn nhà Trần, Đĩnh Chi thi đình, văn đáng đỗ đầu cả mọi người. Nhưng vua trông thấy người hình dạng xấu xa, toan không cho đỗ Trạng nguyên, Đĩnh Chi là một bài phú “Ngọc tỉnh liên” để ví vào mình, vua mới lại cho đỗ Trạng nguyên.

Khi Đĩnh Chi phụng mệnh sang sứ nhà Nguyên bên Tàu, đã hẹn ngày với người Tàu đến hôm ấy thì mở cửa ải, vì gặp phải trời mưa gió sai hẹn, người Tàu đóng cửa không cho vào. Đĩnh Chi nói tử tế xin cho mở cửa. Người Tàu ra một câu đối tự trên ải ném xuống, và bảo hễ đối được thì mở cửa.

Câu ra:   
Quá quan trì, quan quan bế; nguyện quá khách quá quan[xxiii].   

Đĩnh Chi viết ngay một mảnh giấy đối lại đưa lên:   
Xuất đối dị, đối đối nan; thỉnh tiên sinh tiên đối[xxiv].

Người Tàu khen có tài nhanh nhẩu, mới mở cửa ải cho vào. Khi đến cửa Yên Kinh, người Tàu thấy xấu xa, có bụng khinh bỉ. Một hôm, quan Tể tướng Tàu mời vào phủ đường ngồi chơi, Đĩnh Chi trông thấy trên bức trướng có thêu con chim sẻ vàng đậu trên cành trúc, tưởng là con chim thực, đứng dậy chạy lại bắt. Người Tàu cười ầm cả lên, Đĩnh Chi xé tan ngay bức trướng ấy ra.

Chúng ngạc nhiên hỏi cớ làm sao thì thưa rằng:   
- Tôi có nghe người ta thường vẽ chim sẻ đậu cành mai, không ai vẽ đậu cành trúc bao giờ. Nay Tể tướng sao lại cho vẽ thế? Trúc là giống cây quân tử, chim sẻ là loài vật tiểu nhân, vẽ thêu như thế, thì cho tiểu nhân ở trên quân tử, tôi e rằng đạo tiểu nhân mỗi ngày thịnh lên, mà đạo quân tử mỗi ngày mòn đi, nên tôi trừ giúp cho thánh triều đấy thôi.

Chúng chịu là biện bác có lẽ.

Đến khi vào chầu, nhân có ngoại quốc dâng một đôi quạt quí. Vua Tàu sai Đĩnh Chi và một người sư Cao Ly, mỗi người đề một bài tán vào quạt.   

Sứ Cao Ly làm xong trước.

Lời tán rằng:   
Uẩn long trùng trùng, Y Doãn, Chu Công. Vũ tuyết thê thê, Bá Di, Thúc Tề[xxv].

Bấy giờ Mạc Đĩnh Chi chưa nghĩ ra ý tứ làm sao, nhác trông sang quản bút bên kia viết, biết là lời lẽ như thế, mới suy ra mà đề một bài như sau này:
Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô; nhĩ ư tư thời hề, Y, Chu cự nho! Bắc phong kì lương, vũ tuyết tái đồ; nhĩ ư tư thời hề, Di, Tề ngã phu; Y! dụng chi tắc hành xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù?[xxvi].

Đề xong dâng lên, vua Tàu cầm bút khuyên chữ Y, phê rằng: “Lưỡng quốc trạng nguyên” (nghĩa là trạng nguyên hai nước).

Thường khi cưỡi lừa đi đường, chạm phải ngựa của người Tàu. Người kia đọc lên một câu rằng:   
Súc ngã kỵ mã, Đông di chi nhân dã! Tây di chi nhân dã![xxvii]

Đĩnh Chi ứng khẩu đối rằng:   
Át dư thừa lư, Nam phương chi cường dư! Bắc phương chi cường dư![xxviii]

Lại thường đối đáp với người Tàu, Tàu ra rằng:   
An, nữ khứ: thỉ nhập vi gia[xxix]

Đối rằng:   
Tù, nhân xuất: vương lai thành quốc[xxx]   

Người Tàu phê rằng:
- Con cháu về sau, tất có người làm đến đế vương, nhưng hiềm về chữ quốc () đơn, thì hưởng nước không được tràng cửu mấy nỗi.   

Lại ra:
Nhật hỏa vân yên; bạch trú thiêu tàn ngọc thỏ[xxxi]   

Đối:   
Nguyệt cung tinh đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô[xxxii]

Người Tàu phê rằng:   
- Con cháu về sau, tất có người cướp nước (Mạc Đăng Dung giết vua Lê cướp nước).    

Lại ra:   
Li, vị, võng, lưỡng, tứ tiểu quỉ[xxxiii]   

Đối:   
Cầm, sắt, tì, bà, bát đại vương[xxxiv]

Tàu phê rằng:   
- Đời sau được làm phúc thần, hưởng người ta tế bái (về sau quả nhiên làm thành hoàng làng Cổ Trai).   

Lại ra:   
Điểu tập chi đầu đàm Lỗ luận: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri![xxxv]   

Đối:   
Oa minh trì thượng độc Châu thư: Lạc dữ tiểu lạc nhạc, lạc dữ chúng lạc nhạc, thục lạc?[xxxvi]

Lại ra:
Lạc thủy thần qui đan ứng triệu, thiên số cửu, địa số cửu, cửu cửu bát thập nhất số, số số hỗn thành tam đại đạo, đạo hợp Nguyên thủy thiên tôn, nhất thành hữu cảm[xxxvii]

Đối:   
Kì sơn minh phụng lưỡng trình tường, hùng thanh lục, thư thanh lục, lục lục tam thập lục thanh, thanh thanh ưởng triệt cửu trùng thiên, thiên sinh Gia Tĩnh hoàng đế, vạn thọ vô cương[xxxviii]

Một khi bà Hoàng hậu ở Tàu mất, vua Tàu sai ông Mạc Đĩnh Chi vào đọc văn tế. Đến lúc quì xuống cầm bản văn đọc thì chỉ thấy một tờ giấy trắng, có bốn chữ nhất mà thôi. Đĩnh Chi không nghĩ ngợi gì, đọc ngay rằng:

Thanh thiên nhất đóa vân,
hồng lô nhất điểm tuyết,
ngọc uyển nhất chi hoa,
dao trì nhất phiến nguyệt.
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết
[xxxix]

Bài văn ấy còn chép vào sử Tàu. Người Tàu ai cũng chịu tài ứng biến nhanh.

Tục truyền rằng Mạc Đĩnh Chi ở Tàu, ai cũng chịu là người tài, mà xét đến tướng mạo, thì không có gì làm quí cách, mới cho người rình, lúc đi đại tiện thấy tiện ra hình vuông, mới biết có ẩn tướng ở đấy.

Đến lúc đi sứ về, người Tàu lại theo sang xem địa lý, xem đến ngôi mộ thân phụ ông ấy, chịu là ngôi đất hay và có nói rằng ngôi ấy hình thế rất đẹp, chỉ hiềm không có nước tụ, thiếu mất hổ thủy, cho nên quí mà vẫn nghèo.

Đĩnh Chi làm quan liêm quá, vua Minh Tôn biết tính ông ấy; thường sai người đem 10 quan tiền, rình lúc tối bỏ vào cửa nhà ông ấy. Sớm mai Đĩnh Chi vào tâu ngay với vua, xin bỏ tiền ấy vào kho.

Vua bảo rằng:   
- Tiền ấy đã không có ai nhận, thì cho người cứ việc mà tiêu.

Bấy giờ Đĩnh Chi mới lấy, đại để thanh liêm như thế cả. Đến triều vua Hiến Tôn, làm nên đến chức Tả bộc xạ (Tể tướng). Văn chương lưu truyền lại về sau rất nhiều, mà bài nào cũng vui thích cho tai mắt người ta cả. Vả lại có đức hiền hậu, cho nên để phúc mãi đến đời con cháu. Con ông ấy là Khản, Trực, cùng làm đến Viên ngoại lang. Cháu là Địch, Toại, Viễn, cùng có quyền thế làm quan đương lúc nhà Minh cai trị. Đời cháu chắt thiên [xl] sang ở làng Cổ Trai huyện Nghi Dương, thì có Đăng Dung là cháu bảy đời ông ấy làm vua nhà Mạc.

Nhà Mạc lên làm vua, truy phong Đĩnh Chi làm Huệ việt linh thánh đại vương, bây giờ ở làng ấy còn thờ làm phúc thần.

_________________________
Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: CHU VĂN AN   Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 I_icon13Sun 27 Dec 2009, 17:58

CHU VĂN AN


Tiên sinh húy là Văn An, tự là Linh Triệt. Người làng Quang Liệt, huyện Thanh Trì, đỗ Tiến sĩ về triều nhà Trần.

Ngài tính ngay thẳng mà điềm đạm, không ham đường danh lợi, chỉ cốt lấy sự tỏ đạo thánh nhân mà triệt mối dị đoan làm việc mình.

Ngài mở một trường dạy học ở cạnh đầm thôn Cung Hoàng làng ấy. Học trò đến học rất đông, mà nhiều người làm nên hiển đạt, như là Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát làm đến Tể tướng, mà vẫn phải giữ phép học trò, đứng hầu dưới đất. Trong bọn học trò, ai có điều gì không phải, thì lập tức quát mắng đuổi đi ngay.

Trong năm Khai Thái đời vua Minh Tôn, vua nghe tiếng ngài là bậc đạo học mô phạm, vời vào làm Quốc tử giám Tư nghiệp để dạy Thái tử học. Đến năm Đại Trị đời vua Dụ Tôn, chính sự triều đình mỗi ngày một suy đốn, bọn quyền thần lắm kẻ sinh ra kiêu ngạo, ngài dâng sớ xin chém bảy người gian nịnh, thì toàn những người quyền thế hách dịch bấy giờ. Vua không nghe, vì thế ngài cởi mũ trả chức quan, xin về làng cũ.

Ngài trí sĩ rồi, nhân ra chơi làng Ái Kiệt, huyện Chí Ninh (Hải Dương), thấy có phong cảnh lạ lùng, núi non vui vẻ [xli], mới làm nhà ở trong khoảng núi Lân Phụng, tự hiệu là Tiều ẩn tiên sinh. Mỗi khi nhàn ngài ra thẩn thơ chơi trên đầm Miết và trong sông Thanh Lương, ngâm thơ uống rượu làm vui. Khi nào có việc triều hội gì, thì lại vào chầu. Vua Dụ Tôn muốn dùng ngài làm tướng, nhưng ngài nhất định không làm quan nữa.

Bà Hiếu từ thái hậu nói rằng:   
- Người ấy là bậc cao hiền, thiên tử không có quyền bắt người ta làm tội được, giao thế nào được chính sự cho người ta!

Vua mới sai đem áo mũ đến ban cho ngài, ngài nhận lấy nhưng lại đem cho người khác, thiên hạ ai cũng khen ngài là cao. Học trò bấy giờ coi ngài như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu, trọng vọng vô cùng.

Không bao lâu, ngài mất ở nhà, vua Nghệ Tôn sai quan đến dự tế, ban tên thụy gọi là Văn trinh công, và cho hiệu là Khang tiết tiên sinh, cho được tòng tự [xlii] vào bên hữu võ đền Văn miếu (đền thờ đức thánh Khổng tử) ngang hàng hàng với các bậc tiên nho.

Tục truyền khi ngài dạy học ở cạnh làng Cung Hoàng, có người học trò trẻ tuổi, mặt mũi phương phi, sáng nào cũng đến nghe sách, ngài khen là người siêng năng, mà không biết là người ở đâu, mới rình xem lúc về đi đường nào, thì thấy đi đến đầm Cung Hoàng rồi biến mất.

Ngài biết người ấy tất là thủy thần, nhân bấy giờ trời nắng mãi, ngài mới bảo người ấy rằng:
- Thiên tai khi nắng, khi lụt, số trời không biết đâu mà nói, nhưng mắt trông thấy dân phương này tiều tụy lắm, ai là chẳng thương tình. Anh có phép gì làm mưa, giúp cho thầy mà cứu lấy dân này không?

Người học trò có ý khó lòng, nhưng nể lời thầy không biết nói làm sao, mới mài mực đem ra giữa sân, hòa với nước phun ra, một lát mưa to như trút nước xuống. Dân được trận mưa ấy, lúa má đỡ hại nhiều.

Người ấy từ về, sáng mai, thấy một con thuồng luồng to chết nổi ở trong đầm, mới biết tức là người học trò ấy.   

Ngài thấy vậy thương xót lắm, sai học trò vớt xác thuồng luồng lên chôn cho tử tế. Bây giờ vẫn còn gò mả thuồng luồng.

_________________________
Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN BỈNH KHIÊM   Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 I_icon13Mon 28 Dec 2009, 19:32

NGUYỄN BỈNH KHIÊM


Tiên sinh húy là Bỉnh Khiêm, hiệu là Bạch vân cư sĩ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương. Tiên thế nhà ngài có âm đức, đời ông là Văn Tỉnh được phong tặng Thiếu bảo Tư quận công, được ngôi dương cơ, Văn Định được phong tặng làm Thái bảo Nghiêm quận công. Mẹ ngài là Từ thục phu nhân họ Nhữ, nguyên là con gái quan Hộ bộ thượng thư là Nhữ Văn Lan, ở làng An Tử, huyện Tiên Minh. Bà ấy thông kinh sử, giỏi văn chương, mà lại tinh nghề tướng số.

Bà ấy kén chồng đến ngoài 20 tuổi, thấy ông Văn Định có tướng sinh ra quí tử mới lấy. Về sau lại gặp một chàng trẻ tuổi đi qua bến Hàn, ngạc nhiên nói rằng: “Tiếc thay! Khi trước không gặp người này!”. Hỏi ra thì chàng ấy là Mạc Đăng Dung (về sau làm vua nhà Mạc). Bà ấy phàn nàn không ngần nào.

Bỉnh Khiêm sinh về năm Tân hợi đời Hồng Đức (niên hiệu vua Lê Thánh Tôn), đẫy đà to lớn, mặt mũi khôi ngô, chưa đầy tuổi tôi đã biết nói. Một khi Văn Định đang ẵm trên tay cho trông ngóng bỗng dưng nói rằng: “Mặt trời mọc về phương đông”. Văn Định lấy làm kỳ dị. Đến năm lên bốn tuổi, phu nhân dạy ngài học chính văn trong kinh truyện, dạy đến đâu thuộc lòng đến đấy. Bà ấy lại dạy học thuộc lòng vài mươi bài thơ nôm.

Một bữa, phu nhân đi vắng, Văn Định kéo một cái dây đùa với con, rồi ngâm đùa một câu rằng: “Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung”. Đương đọc dở dang, thì con tiếp theo mà ngâm rằng: “Vén tay tiên hốt hốt rung!”. Văn Định thấy con thông minh mừng lắm, về khoe chuyện với phu nhân. Phu nhân giận nói rằng:
- Mặt trăng là phận bày tôi, sao ông lại dạy con điều ấy?   

Văn Định thẹn thò xin chịu lỗi, nhưng bà ấy vẫn còn căm tức xin từ về, nhất định không ở đấy nữa, về sau bà ấy già đời ở nhà bố mẹ đẻ [xliii].

Khi Bỉnh Khiêm còn để hai trái đào, cùng bọn trẻ con tắm ở bến Hàn, có người đi thuyền trông thấy nói rằng:   
- Tiếc thay cho thằng bé này, bộ da dày lắm, chỉ làm được Trạng nguyên Tể tướng là cùng!

Khi ngài bé thì học ở nhà, đến lúc lớn, nghe tiếng ông Bảng nhãn Lương Đắc Bằng hay chữ, mới vào Thanh Hóa theo học ông Bảng nhãn.

Lương Đắc Bằng vốn ở làng Hội Trào, huyện Hoằng Hóa. Nguyên có một chi họ lạc sang ở Vân Nam, đời đời làm quan bên Tàu. Khi Đắc Bằng sang sứ nhà Minh, gặp một người cùng họ là Lương Nhữ Hốt cho một quyển “Thái ất thần kinh”. Đắc Bằng đem về học tập, cho nên tinh nghề lý số, việc gì cũng tính biết được trước.

Nguyễn Bỉnh Khiêm học hết được phép thuật của ông Lương Đắc Bằng. Khi ông Đắc Bằng mất, dặn lại Nguyễn Bỉnh Khiêm về sau phải trông nom cho con mình là Lương Hữu Khánh.

Trong năm Quảng Thiệu (Lê Chiêu Tôn), có việc biến loạn, Nguyễn Bỉnh Khiêm ở ẩn một chỗ không muốn cầu tiếng tăm với đời. Bấy giờ Trịnh Tuy, Mạc Đăng Dung cùng có ý muốn tranh quyền, đánh nhau luôn mấy năm. Ngài tính số Thái ất, biết cơ nhà Lê lại khôi phục được.

Ngài có bài thơ cảm hứng sau này:

Non sông nào phải buổi binh thời,
Thù đánh nhau chi khéo nực cười!
Cá vực, chim rừng ai khiến đuổi?
Núi xương, sông tuyết thảm đầy vơi.
Ngựa phi chắc có hồi quay cổ [xliv]
Thú dữ nên phòng lúc cắn người [xlv].
Ngán ngẩm việc đời chi nói nữa,
Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi!


Về sau, nhà Mạc chiếm giữ Kinh thành, bốn phương đã hơi yên ổn, các bạn bè nhiều người khuyên ngài ra làm quan. Ngài bất đắc dĩ phải ra thi đỗ Trạng nguyên năm Đại Chính thứ sáu nhà Mạc. Bấy giờ ngài đã 44 tuổi.

Vua nhà Mạc cất ngài làm Tả thị lang, Đông các đại học sĩ. Ngài làm quan được 8 năm, trước sau dâng sớ hạch 18 người lộng thần, nhân có chàng rể là Phạm Dao cũng kiêu hoạnh, ngài sợ phải vạ lây, mới từ quan cáo về dưỡng lão.

Khi ngài trí sĩ rồi, làm nhà chơi mát ở mé dưới làng, gọi là am Bạch Vân, lại bắc hai dịp cầu gọi là Nghênh Phong và cầu Tràng Xuân, thường thường ra chơi hóng mát. Lại làm một cái quán Trung Tân ở bến sông Tuyết Giang, dựng bia kí sự mình. Khi thì ngài bơi thuyền chơi ở bể Kim Hải và bể Úc Hải, khi thì đi với một vài nhà sư chơi ở các núi An Tử, núi Ngọa Vân và núi Đồ Sơn. Đi đến đâu làm thơ ngâm vịnh đến đấy, chỗ nào có cây cối mát, chim kêu ríu rít, thì lấy làm khoái chí lắm, nhởn nhơ cả ngày.

Ngài tuy ở nhà, nhưng vua nhà Mạc vẫn coi ngài quí trọng, nhà nước có công việc gì to, thì sai sứ đến hỏi tận nhà, hoặc khi mời về Kinh mà hỏi. Ngài bàn định lắm điều ích lợi cho nhà nước, nhà Mạc phong ngài làm Lại bộ thượng thư, Thái phó Trình quốc công, vì thế ta thường gọi là Trạng Trình.

Năm Ất dậu, ngài phải bệnh, Mạc Mậu Hiệp sai sứ đến thăm và hỏi việc hậu sự.

Ngài bảo rằng:   
- Ngày sau, nước có việc, ở xứ Cao Bình, tuy nhỏ, nhưng cũng có thể hưởng phúc được vài đời nữa.

Đến sau nhà Mạc mất nước, chạy lên Cao Bình, quả nhiên còn giữ được bốn đời, rồi mới tuyệt.   
Ngày 28 tháng một năm Ất dậu ngài mất, thọ 95 tuổi. Học trò gọi ngài là Tuyết giang phu tử.

Ngài học tinh về thuật số, phàm các việc tai, tường, họa, phúc, cùng là ngày mưa, ngày nắng, việc gì cũng biết trước. Có một người học trò tên là Bùi Sinh, ngài bảo người ấy về sau tất phú quí. Đến khi Bùi Sinh gần 70 tuổi vẫn còn nghèo hèn, cho là ngài đoán số mình sai. Ngài cười không nói gì. Một hôm ngài bảo Bùi Sinh mượn 10 chiếc thuyền đánh cá, cho bơi ra bến Hồng Đàm bể Vạn Ninh, dặn đến giờ ấy… hễ gặp cái gì thu lấy đem về, chắc được thưởng to. Bùi Sinh tuân lời quả nhiên gặp một bà cụ già, áo mũ chỉnh tề, thuyền bạt phong [xlvi] đến đấy. Bùi Sinh đem về phụng dưỡng coi như mẹ. Được vài hôm, có quan Tổng đốc Quảng Đông sai người sang nói với vua rằng: “Thái phu nhân chơi bể bạt phong, xem thiên văn thì thấy ở phương nam, xin nhà vua vì nghĩa láng giềng mà tìm giúp cho”. Ngài sai Bùi Sinh đem bà cụ ấy dâng lên, vì thế được phong tước là Thao quận công.

Năm Thuận Bình thứ 8 nhà Lê (1556), vua Trung Tôn mất không có con, bấy giờ Trịnh Kiểm đang cầm quyền, có bụng hồ nghi, không biết nghĩ ra thế nào. Hỏi Phùng Khắc Khoan, Khắc Khoan cũng không biết thế nào cho phải, mới sai người đi lẻn ra Hải Dương để hỏi ngài, ngài chẳng nói câu gì, chỉ ngảnh lại bảo đầy tớ rằng:
- Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ.   

Nói rồi, sai tiểu quét dọn đốt hương, để ngài ra chơi chùa, và bảo tiểu rằng:
- Giữ chùa thờ phật thì ăn oản.   

Đó là có ý khuyên Trịnh Kiểm tìm lấy dòng dõi nhà Lê mà lập nên, mà phải cứ giữ đạo làm tôi ăn mày phật thì mới được hưởng phúc.

Sứ giả về nói với Trịnh Kiểm, Trịnh Kiểm hiểu ý, mới đón vua Anh Tôn lập nên, quả nhiên dựng lại được cơ đồ nhà Lê mà họ Trịnh cũng đời đời được vinh hiển.

Khi ấy đức Dụ tổ triều Nguyễn ta (Đức Nguyễn Hoàng) đang có hiềm với Trịnh Kiểm, Trịnh Kiểm có ý muốn âm hại [xlvii], đức Dụ tổ lo sợ, không biết nghĩ mưu gì cho tránh được nạn, mới sai người ra hỏi ngài. Bấy giờ ngài đang chống gậy chơi trong vườn cảnh. Trong vườn có vài mươi ngọn núi non bộ, lại chồng chất đá làm một rặng núi ngang. Trên núi cây cối rườm rà, có đàn kiến đang bò trên tảng đá, ngài nhìn xem đàn kiến rồi tủm tỉm cười nói rằng:   
- Một dải núi Hoành Sơn (núi ngang) kia, có thể yên thân được muôn đời.

Người kia thấy nói vậy, về nói với đức Dụ tổ. Đức Dụ tổ biết ý, muốn xin vào trấn thủ trong xứ Thuận Quảng (trong ấy có dải núi Hoành Sơn), quả nhiên mỗi ngày một thịnh, mở ra cơ nghiệp Nguyễn triều.

Học trò ngài rất nhiều, nhưng chỉ có Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Trương Thời Cử là làm nên to mà có danh hơn cả. Phùng, Lương thâm thúy về nghề lý học, cùng làm danh thần lúc nhà Lê trung hưng.

Khi trước ông Phùng Khắc Khoan thuê nhà đến học ngài. Lúc học giỏi rồi, ngài đang đêm đến chơi nhà trọ, gõ cửa mà bảo rằng:
- Gà đã gáy rồi, sao không đứng dậy mà thổi cơm ăn, còn nằm mãi đấy ư?

Lời ấy có ý giục ông Khắc Khoan vào Thanh Hóa giúp nhà Lê. Ông Khắc Khoan cũng biết ý thế, mới cùng với Nguyễn Dữ vào giúp nhà Lê, làm đến công thần.

Tính ngài thuần nhã, không hay nói, mà đã nói câu nào thì là thích đáng. Ngài làm ra thơ từ rất nhiều, đến nay vẫn còn một tập thơ Bạch Vân và một quyển sấm ký truyền lại.

Khi ngài mất rồi, người làng nhớ ân đức của ngài lập miếu ở nơi nhà cũ của ngài, bốn mùa cúng tế. Miếu ấy đến bây giờ vẫn còn…

_________________________
Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: ĐẶNG ĐÌNH TƯỚNG   Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 I_icon13Mon 28 Dec 2009, 19:36

ĐẶNG ĐÌNH TƯỚNG


Đặng Đình Tướng người làng Lương Xá, huyện Chương Đức.

Tục truyền đời tổ mẫu nhà ông ấy nghèo khó, phải đi ăn xin. Trong làng có một cái đầm, bốn mùa không lúc nào cạn nước. Những người cấy gặt, thường phải bơi thuyền thúng đi làm. Giữa đầm có một gò cao, chúng thường tụ ở đấy kiếm ăn. Bà cụ kia cũng thường theo người ta vào đấy ăn cơm. Một hôm trời rét lắm, bà già không chịu được, nằm xuống ở đấy. Khi chúng trở về, không ai bảo. Đến lúc bà ấy đứng dậy thì không còn người nào. Trời hôm ấy đã rét lại thêm mưa phùn, bà kia chết ở đấy. Hôm sau chúng lại ra, thì thấy mối lấp đất lên lù lù một đống to, mới biết bà ấy chết mà được ngôi thiên táng.

Từ khi ấy con cái làm ăn mỗi ngày một khá. Đến đời cháu là Đặng Đình Tướng học hành thông thái rồi thi đỗ Tiến sĩ năm Canh tuất đời Cảnh Trị (đời vua Lê Huyền Tôn). Từ đấy ra làm quan, rồi phụng mệnh sang sứ Tàu, được thiên lên làm Lại bộ Thị lang. Lâu mãi làm đến Thái phó, phong tước Quận công. Sau lại làm đến Đại tư đồ.

Tính ngài nhân hậu phúc đức lắm, chỉ mong làm những việc cho dân được nhờ. Trên từ vua, các quan, dưới đến trăm họ, ai ai cũng có lòng kính trọng. Đến lúc ngoài 70 tuổi thì ngài trí sĩ, về làng Lương Xá chơi bời sông núi, xem phong cảnh cho vui tuổi già. Nhưng cứ đến ngày sóc vọng [xlviii] thì lại vào chầu vua một lần.

Trong lòng ngài lúc nào cũng thương đến dân. Khi ngài từ quan về rồi, treo hai cái giỏ tre ngoài cổng ngõ, phàm dân gian ai có điều gì oan uổng, cho bỏ giấy vào hai cái giỏ ấy. Mỗi khi ngài vào chầu Kinh đô, thì tâu lên vua để gỡ hết oan cho người ta. Tuy vậy, ngài không thèm kể ơn với ai, cứ đạo công bằng mà cứu cho thôi, nếu ai đến tạ ơn thì ngài lấy làm ghét lắm, và không cho vào đến cửa. Vì thế ai cũng phục bụng ngài.

Ngài thọ 80 tuổi mới mất. Vua nhớ người nhân đức, phong làm Thành hoàng làng ấy, sai dân lập miếu thờ.

Từ khi ấy nhà ngài thịnh vượng lắm, con cháu làm quan khắp triều đình, mà thời nào cũng có người hiển đạt, hơn 200 năm, không lúc nào hết người làm quan. Tục có câu rằng: “Đánh giặc họ Đinh, làm quan họ Đặng”.

_________________________
Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN HIỀN   Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 I_icon13Wed 30 Dec 2009, 00:05

CHƯƠNG THỨ IV: CÁC BẬC VĂN TÀI


NGUYỄN HIỀN


Nguyễn Hiền quê ở làng Hà Dương, huyện Thượng Nguyên (Nam Định), đỗ thủ khoa năm Bính Ngọ thời vua Thái Tôn nhà Trần, đến năm sau thi đình đỗ Trạng.

Nguyễn Hiền thông minh từ thủa nhỏ. Khi 6, 7 tuổi học nhà sư ở chùa, nhà sư mỗi buổi dạy 10 tờ giấy, Nguyễn Hiền chỉ học qua là thuộc lòng.

Một hôm nhà sư tụng kinh vừa xong, vào phòng nằm nghỉ, mơ thấy Phật giáng xuống bảo rằng: “Nhà sư sao không biết bảo Trạng, cứ để cho lên chùa lờn với Phật”. Nhà sư tỉnh dậy soi đèn xem các tượng Phật, thì thấy sau lưng một tượng có chữ đề: “Phạt 30 trượng” và sau mình hai tượng hộ pháp thì có chữ đề: “Phạt 60 trượng”. Nhận nét chữ thì chính chữ ông Nguyễn Hiền. Nhà sư quở mắng Nguyễn Hiền, bắt phải lấy nước tẩy đi.

Nguyễn Hiền học các sách, qua mắt một lượt là nhớ ngay. Thơ từ phú sách, nói ra tức là văn chương. Năm 11 tuổi, đã nổi tiếng thần đồng, bấy giờ có người học trò ở Kinh Bắc tên là Đặng Tính, tự thị tài mình hơn cả đời. Nghe tiếng Hà Dương có thần đồng, đến chơi tận nhà, thử xem tài học ra làm sao. Khi đến ra một bài phú:   

Phụng hoàng sào vu A các, Kì lân du vu Uyển hựu[xlix].

Nguyễn Hiền đọc ngay bốn câu rằng:

“a) Qui phi Lạc Thủy,
b) Long bất Mạnh Hà.
c) Ý bỉ Hữu Hùng chi quốc,
d) Ấp vu Trác Lộc chi a.”
[l]

Đặng Tính mới nghe được bốn câu, đã lắc đầu le lưỡi nói rằng:   
- Thiên tài xin nhường bác trẻ tuổi này!   

Năm ấy thi đỗ thủ khoa. Năm sau vào thi đình, vua ra bài phú: “Áp tử từ kê mẫu qui hồ[li]. Văn Nguyễn Hiền hay nhất, vua cất lên đỗ Trạng nguyên, bấy giờ mới 12 tuổi.

Trạng vào bái mạng vua trong sân rồng, vua thấy còn bé loắt choắt, lấy làm lạ, hỏi rằng:   
- Trạng nguyên học ai ở nhà?   

Trạng thưa rằng:
- Tâu bệ hạ, tôi sinh ra đã biết ngay, chỉ còn chỗ nào tôi không biết, thì hỏi nhà sư một vài chữ mà thôi.

Vua thấy Trạng ứng đối, chưa biết lễ phép, ăn nói không được khiêm tốn, mới cho về học lễ phép, ba năm rồi mới dùng làm quan.

Nguyễn Hiền về nhà ở không được bao lâu, có sứ Tàu đem một bài thơ ngũ ngôn sang thử nhân tài nước Nam.   

Thơ rằng:
Lưỡng nhật bình đầu nhật,
Tứ sơn điên đảo sơn,
Lưỡng vương tranh nhất quốc,
Tứ khẩu tung hoành gian.


Vua hỏi các quần thần thì không ai hiểu nghĩa lý ra làm sao. Phải sai hai quan văn võ đến nhà ông Nguyễn Hiền mời vào triều để hỏi. Hai quan sứ đến làng Hà Dương, gặp một đứa trẻ trong nhà hàng, mặt mũi phương phi. Sứ giả hỏi thì đứa trẻ ấy không thèm đáp lại. Mới đọc một câu đối nôm rằng:

“Tự () là chữ, cất giằng đầu chữ tử () là con: con ai con ấy?”   

Đứa trẻ đối ứng khẩu ngay rằng:   

“Vu () là chưng, bỏ ngang lưng chữ đinh () là đứa: đứa nào đứa này?”

Sứ giả biết đứa trẻ ấy tức là Trạng Hiền, mới hỏi thăm đến tận nhà, thì thấy Trạng đang lúi húi ở dưới bếp, nhân lại đọc một câu rằng:
Ngô văn quân tử viễn bào trù; hà tu mị táo.” [lii]   

Trạng ứng khẩu đối rằng:   
Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại; khả tạm điều canh.” [liii]

Sứ giả thấy ứng đối nhanh nhẩu và có ý cao, chịu là giỏi, mới bày kể ý vua xin mời vào kinh.   
Trạng nói rằng:
- Thiên tử trước bảo ta chưa biết lễ phép, nhưng chẳng những là Trạng chưa biết lễ phép, cả đến thiên tử cũng chưa biết lễ phép.

Nói thế rồi nhất định không chịu đi. Sứ giả về tâu lại với vua, vua phải sai đem xe ngựa và đồ lễ đến đón, bấy giờ Trạng mới đi.

Khi đến kinh, vua đưa bài thơ của Tàu ra hỏi, Trạng Hiền cầm bút viết ra một chữ và giải rằng:
- Câu thơ thứ nhất nghĩa là chữ nhật (日) ngược xuôi bằng đầu nhau; thứ nhì là bốn chữ san (山) ngược xuôi cùng là chữ san cả; thứ ba hai chữ vương (王) tranh nhau ở trong một nước; thứ tư là bốn chữ khẩu (口) ngang dọc cùng thành chữ khẩu cả. Tóm lại chỉ là một chữ điền (田).

Giải xong đưa cho sứ Tàu xem, sứ Tàu phải chịu. Vì thế vua cử Nguyễn Hiền làm Kim tử vinh lộc đại phu. Sau lại làm đến Công bộ thượng thư, không được bao lâu thì ông ấy mất.

Vua thấy người đại tài như thế mà không được thọ, thương tiếc vô cùng. Huyện ông ấy nguyên tên là huyện Thượng Hiền, vua mới kiêng tên ông ấy, đổi ra gọi là Thượng Nguyên. Lại cấp cho năm mẫu ruộng tư điền, bắt dân ấy phải lập miếu thờ.

_________________________
Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính   Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính - Page 2 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Cõi Riêng PHAN NGỌC HẢI
» Ca dao miền Nam - Phan Tấn Tài
» Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần
» Xuất dương lưu biệt (潘佩珠) - Phan Bội Châu
» Phan Kim Liên
Trang 2 trong tổng số 6 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Lịch Sử-