Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
EM CHIM HÁT HAY QUÁ by mytutru Today at 07:53

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:46

Chết rồi! by Phương Nguyên Yesterday at 17:43

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Yesterday at 13:41

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Yesterday at 13:33

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) by Ai Hoa Wed 15 May 2024, 10:25

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 15 May 2024, 10:08

Một thoáng mây bay 13 by Ai Hoa Wed 15 May 2024, 07:34

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Tue 14 May 2024, 13:15

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Tue 14 May 2024, 09:55

4 chữ by Tinh Hoa Mon 13 May 2024, 20:23

MÂY NGŨ SẮC 13.05.2024 by mytutru Mon 13 May 2024, 15:05

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Mon 13 May 2024, 06:14

CÁC LOÀI CHIM ĐẸP by mytutru Sun 12 May 2024, 10:51

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Sun 12 May 2024, 00:04

Lục bát by Tinh Hoa Sat 11 May 2024, 14:33

QUY NHƠN TÔI YÊU by phambachieu Fri 10 May 2024, 16:51

Mái Nhà Chung by mytutru Thu 09 May 2024, 23:18

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Thu 09 May 2024, 12:37

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Sun 05 May 2024, 11:06

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 19:13

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 06:36

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Wed 01 May 2024, 21:49

7 chữ by Tinh Hoa Tue 30 Apr 2024, 10:59

5 chữ by Tinh Hoa Sun 28 Apr 2024, 22:27

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 PHÁP CHỈ QUÁN

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2
Tác giảThông điệp
mytutru

mytutru

Tổng số bài gửi : 11224
Registration date : 08/08/2009

PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: PHÁP CHỈ QUÁN   PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 I_icon13Fri 16 Sep 2011, 14:09

PHẦN CHÁNH TÔNG
VII.- TƯỚNG THIỆN CĂN KHAI PHÁT


Hành giả nếu hay từ Giả nhập Không quán Trung, tu Chỉ, Quán như thế thì trong khi tọa thiền thân tâm sáng suốt. Khi ấy sẽ có các thứ thiện căn khai phát cần phải biết rõ. Nay lược nói tướng thiện căn khai phát có hai thứ:

A. TƯỚNG THIỆN CĂN KHAI PHÁT BÊN NGOÀI

Nghĩa là những việc thiện khai phát như: bố thí, trì giới, ở hiếu thuận cha mẹ, tôn trưởng, cúng dường Tam Bảo và nghe kinh, học đạo v.v... Nếu không tu hành chân chánh sẽ bị ma cảnh chen vào. Ở đây khỏi giải thích.

B. TƯỚNG THIỆN CĂN KHAI PHÁT BÊN TRONG

Nghĩa là những pháp môn thiền định thiện căn khai phát. Có chỗ nói các pháp môn thiền định thiện căn khai phát có ba ý:
1. Hiểu rõ tướng thiện căn khai phát.
Có năm thứ:
a) Tướng sổ tức thiện căn khai phát.
Hành giả vì khéo tu Chỉ, Quán nên thân tâm được điều hòa, vọng niệm dừng bặt, nhân đó tự biết tâm dần dần nhập định, phát các định Dục giới vị đáo địa, thân tâm lặng lẽ rỗng rang, định tâm an ổn.

Ở trong định này đều không thấy có tướng mạo của thân tâm. Về sau, hoặc trải một phen ngồi, hai phen ngồi, nhẫn đến một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng lần lần dứt hết không còn đắc thất hay lui sụt.

Chính ở trong định chợt biết thân tâm vận động phát ra tám thứ cảm giác. Nghĩa là cảm giác thân đau, ngứa, lạnh, ấm, nhẹ, nặng, nhám, trơn.

Trong khi cảm giác thân tâm an định, rỗng rang thư thái, vui vẻ thanh tịnh không có gì sánh bằng. Ấy là biết tướng “Sổ tức thiền định căn bản thiện căn khai phát”.

Hành giả hoặc ở trong định Dục giới vị đáo địa thoạt nhiên biết hơi thở ra, vào, dài, ngắn, những lỗ chân lông khắp thân đều trống hở.

Dùng tâm nhãn thấy cả ba mươi sáu vật (1) ở trong thân, như mở cửa kho thấy các thứ đậu, mè v.v... tâm sợ, mừng, vắng lặng, an vui. Ấy là tướng “Tùy tức đặc thắng thiện căn khai phát”.

b) Tướng bất tịnh quán thiện căn khai phát.
Hành giả nếu được định Dục giới vị đáo địa, ở trong định này thân tâm rỗng lặng, thoạt nhiên thấy thân người nam nữ chết; chết rồi phát sình, nứt nở, dòi tửa, máu mủ tươm ra, thấy xương trắng bừa bãi, trong tâm sanh buồn, mừng, nhàm chán sự yêu thương.

Đó là tướng “Cửu tưởng thiện căn khai phát”. Hoặc ở trong định yên lặng chợt thấy bên trong thân nhớp nhúa, bên ngoài thân sình chương, rạn nứt, thân mình xương trắng từ đầu đến chân từng lóng gá nhau.

Thấy việc ấy rồi, định tâm an ổn tỉnh ngộ lý vô thường, chán nhàm ngũ dục, không chấp ngã, nhân. Đó là tướng “Bội xả thiện căn khai phát”. Hoặc trong khi định tâm thấy trong thân tất cả loài phi cầm tẩu thú, đồ mặc, thức ăn uống, phòng nhà, rừng núi thảy đều bất tịnh. Đây là tướng “Đại bất tịnh thiện căn khai phát”.

c) Tướng từ tâm thiện căn khai phát.
Hành giả nhân tu Chỉ, Quán, hoặc được định Dục giới vị đáo địa, ở trong định này thoạt nhiên phát tâm thương, nhớ tưởng chúng sanh. Hoặc vin nơi người thân, được tướng an vui liền phát thâm định, nội tâm vui vẻ thanh tịnh không thể thí dụ.

Hoặc vin nơi người không thân, không sơ, kẻ oán thù, nhẫn đến năm loài chúng sanh trong mười phương cũng lại như thế. Sau khi xuất định tâm vẫn vui vẻ thấy người nào gương mặt cũng hòa nhã. Ấy là tướng “Từ tâm thiện căn khai phát”. Tướng Bi tâm, Hỉ tâm, Xả tâm khai phát, so cái này có thể biết.

d) Tướng nhân duyên quán thiện căn khai phát.
Hành giả nhân tu Chỉ, Quán, hoặc được định Dục giới vị đáo địa thân tâm an tịnh. Thoạt nhiên tâm sanh giác ngộ, suy tầm các nhân duyên vô minh, hành v.v...

Trong ba đời, không thấy tướng nhân ngã, lìa đoạn kiến, thường kiến, phá các chấp kiến, được định an ổn, giải tuệ khai phát, tâm sanh pháp hỉ, không nhớ việc thế gian, nhẫn đến trong Ngũ ấm, Thập nhị xứ, Thập bát giới phân biệt cũng như vậy. Đó là tướng “Nhân duyên quán thiện căn khai phát”.

e) Tướng niệm Phật thiện căn khai phát.
Hành giả nhân tu Chỉ, Quán hoặc được định Dục giới vị đáo địa thân tâm rỗng lặng. Thoạt nhiên nghĩ nhớ chư Phật có công đức, tướng hảo không thể nghĩ bàn; có pháp Thập lực, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng, tam-muội, giải thoát v.v...

không thể nghĩ bàn; có thần thông, biến hóa, thuyết pháp không ngăn ngại, lợi ích chúng sanh không thể nghĩ bàn; như thế, những công đức vô lượng không thể nghĩ bàn.

Khi khởi niệm ấy liền sanh tâm kính mến, tam-muội khai phát, thân tâm khoái lạc, thanh tịnh an ổn, không có các tướng ác. Sau khi xuất định, thân thể nhẹ nhàng tự biết có công đức cao vọi, được người yêu kính.

Ấy là tướng “Niệm Phật tam-muội thiện căn khai phát”.

Lại nữa, hành giả nhân tu Chỉ, Quán, nếu được thân tâm lóng sạch, hoặc phát tướng vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, tướng nhàm chán sự ăn uống, bất tịnh ở thế gian, tướng khi chết lìa tất cả, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm xả, niệm thiên, niệm xứ, chánh cần, như ý, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, không, vô tướng,
vô tác, lục độ, các thứ ba-la-mật, thần thông, biến hóa v.v...

Tướng tất cả pháp môn phát hiện, trong ấy nên rộng phân biệt. Cho nên trong kinh nói: “Giữ tâm một chỗ không việc gì chẳng xong.”
2. Phân biệt chân ngụy.
Có hai thứ:

a) Biện tướng thiền tà ngụy phát hiện.
Hành giả nếu khi phát các thứ thiền như trước, mỗi pháp tùy nhân hiện ra: hoặc thân xao động, hoặc thân nặng nề như bị vật gì đè lên, hoặc thân nhẹ nhàng muốn bay, hoặc như bị trói buộc, hoặc xiêu vẹo ngủ mê, hoặc rất lạnh, rất nóng, hoặc thấy bao nhiêu cảnh giới khác lạ, hoặc tâm mờ mịt, hoặc khởi nghĩ tưởng dữ, hoặc nhớ các việc thiện, tạp nhạp bên ngoài khiến tâm tán loạn, hoặc vui mừng loạn động, hoặc buồn bã lo rầu, hoặc những thú dữ chạm vào rợn người lông dựng đứng, hoặc rất vui khiến say mê.

Những thứ tà pháp như thế cùng với thiền đồng phát gọi là tà ngụy. Những thứ tà định này, nếu người mê thích tức là cùng chín mươi lăm thứ quỉ thần tương ưng, phần nhiều ưa mất trí điên cuồng. Hoặc khi các loài quỉ thần biết được những điều mà người tu thiền ưa thích liền giúp thế lực khiến các thứ tà định, tà trí, biện tài, thần thông làm mê lầm xao động người thế gian.

Những kẻ ngu trông thấy cho là chứng đạo quả, thảy đều tin phục; kỳ thật người kia trong tâm điên đảo, chuyên hành pháp quỉ làm mê loạn thế gian. Người ấy khi chết hằng không gặp Phật, lại đọa trong các loài quỉ thần.

Nếu khi ngồi phần nhiều hành theo pháp ác tức đọa địa ngục. Hành giả khi tu Chỉ, Quán, nếu chứng các thứ thiền như thế, có những tướng tà ngụy này liền phải đuổi nó. Làm thế nào đuổi nó? Hoặc biết nó là hư dối, chánh tâm không thọ, không đắm trước liền tự tiêu diệt; nên dùng chánh quán phá nó tức thì dứt sạch.

b) Biện tướng thiền chân chánh phát hiện.

Hành giả nếu trong khi ngồi phát các thứ thiền không có những tướng tà ngụy như trước đã nói, tùy mỗi thứ thiền khi phát hiện liền biết cùng với định tương ưng, sáng suốt, thanh tịnh, trong tâm vui mừng, lặng lẽ khoái lạc, không có che đậy, thiện tâm khai phát, lòng tin kính tăng trưởng, trí soi xét phân minh, thân tâm êm dịu, tinh tế rỗng lặng, nhàm chán thế gian, không tác động, không tham muốn, ra vào tự tại, ấy là người chánh thiền khai phát.

Ví như cộng sự với người ác thì thường bị lo phiền, nếu cộng sự với người thiện thì hằng gặp những việc tốt, phân biệt tướng hai thứ thiền tà, chánh phát hiện cũng như vậy.

3. Khéo dùng Chỉ, Quán nuôi lớn các thiện căn.
Nếu trong khi ngồi, các thứ thiện căn khai phát nên dùng hai pháp Chỉ, Quán tiến tu, khiến nó tăng trưởng. Nếu nên dùng Chỉ thì lấy Chỉ mà tu, nếu nên dùng Quán thì lấy Quán mà tu. Phần trước đã nói đủ, ở đây chỉ lược bày đại ý.
(1) Ba mươi sáu vật: tóc, lông, răng, móng v.v…



Được sửa bởi mytutru ngày Fri 16 Sep 2011, 14:24; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
http://<marquee>mytutru_welcome.. tứ trụ kính chúc T
mytutru

mytutru

Tổng số bài gửi : 11224
Registration date : 08/08/2009

PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: PHÁP CHỈ QUÁN   PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 I_icon13Fri 16 Sep 2011, 14:12

PHẦN CHÁNH TÔNG
VIII.- HIỂU BIẾT MA SỰ


Tiếng Phạn gọi là Ma-la, đời Tần dịch là Sát. Nó cướp của công đức và giết mạng trí tuệ của người tu hành, nên gọi là ác ma. Sự là lấy công đức trí tuệ độ thoát chúng sanh vào Niết-bàn là Phật sự; thường phá hoại căn lành của chúng sanh khiến lưu chuyển trong vòng sanh tử là ma sự. Nếu người khéo an tâm trong chánh đạo mới biết đạo càng cao, ma càng thạnh. Phải biết ma sự có bốn loại:
1. Ma phiền não
2. Ma ấm, nhập, giới
3. Ma chết
4. Ma quỉ thần

Ba loại ma trước đều là việc thường ở thế gian và tùy tâm người sanh ra, nên phải tự tâm chân chánh đuổi trừ nó, ở đây không phân biệt. Tướng ma, quỉ thần là điều cần phải biết, đây lược nêu ra. Quỉ thần có ba loại:

a) Ma Tinh mị
Là loài thú theo mười hai giờ, nó biến hóa làm các thứ hình sắc. Hoặc nó hóa người thiếu nữ, người già nua, nhẫn đến những hình tướng đáng sợ không phải ít để làm não loạn người tu hành. Các loài tinh mị này não hại người tu, mỗi loài đến theo giờ của nó, phải biết rành rõ.

Nếu giờ Dần (3 giờ - 5 giờ) đến, ắt là loài cọp v.v...
Nếu giờ Mẹo (5 giờ - 7 giờ) đến, ắt là loài thỏ, nai v.v...
Nếu giờ Thìn (7 giờ - 9 giờ) đến, ắt loài rồng, trạnh v.v...
Nếu giờ Tỵ (9 giờ - 11 giờ) đến, ắt loài rắn, trăn v.v...
Nếu giờ Ngọ (11 giờ - 13 giờ) đến, ắt loài ngựa, lừa, lạc đà v.v...
Nếu giờ Mùi (13 giờ - 15 giờ) đến, ắt loài dê v.v...
Nếu giờ Thân (15 giờ - 17 giờ) đến, ắt loài khỉ, vượn v.v... Nếu giờ Dậu (17 giờ - 19 giờ) đến, ắt loài gà, chim v.v...
Nếu giờ Tuất (19 giờ - 21 giờ) đến, ắt loài chó, chó sói v.v... Nếu giờ Hợi (21 giờ - 23 giờ) đến, ắt loài lợn v.v...

Nếu giờ Tý (23 giờ - 1 giờ) đến, ắt loài chuột v.v...
Nếu giờ Sửu (1 giờ - 3 giờ) đến, ắt loài trâu v.v...
Hành giả nếu thấy chúng thường dùng những giờ này đến, tức biết những loài tinh thú ấy, kêu tên nó mà quở trách liền phải tiêu diệt.

b) Ma đôi dịch
Nó cũng làm những việc xúc chạm não loạn người tu hành. Hoặc hóa như con sâu, con mọt bò lên đầu, mặt người vùi, chích, chớp nhoáng; hoặc bươi, vạch dưới hai nách của người; hoặc chợt ôm người giữ người; hoặc kêu vang lên làm ồn náo và hóa hình các loài thú rất nhiều tướng lạ.

Khi nó đến não loạn, người tu liền biết nên nhất tâm nhắm mắt lại, thầm mắng nó thế này: “Ta nay đã biết ngươi, ngươi là loài quỉ Thâu-lạp-kiết-chi tà kiến ưa phá giới ngửi mùi ăn lửa trong cõi Diêm-phù-đề, ta nay giữ giới quyết không sợ ngươi.”
Nếu người xuất gia nên tụng giới bản, nếu người tại gia nên tụng Tam qui, Ngũ giới v.v...

thì bọn quỉ này khúm núm rút lui. Nếu có hóa các thứ tướng mạo làm chướng nạn người tu như thế và các phương pháp đoạn trừ, ở trong kinh thiền có nói rộng.
c) Ma não
Bọn ma này hay hóa làm ba thứ cảnh tướng ngũ trần đến phá thiện tâm người.

• Hóa cảnh nghịch ý: Như hóa cọp, sói, sư tử, những hình tượng đáng sợ, là ngũ trần ghê sợ khiến người phải kinh khủng.

• Hóa cảnh thuận ý: Như hóa hình tượng cha mẹ, anh em, chư Phật và nam nữ đẹp đẽ đáng yêu, là ngũ trần yêu thích khiến người sanh tâm đắm mến.

• Hóa cảnh không thuận không nghịch: Là cảnh ngũ trần bình thường làm loạn động tâm người tu hành khiến mất thiền định.

Thế nên, ma gọi là “Sát” cũng gọi là “Mũi tên hoa”, cũng gọi là “Năm mũi tên”; vì nó bắn vào năm giác quan của người. Giữa vật chất và tinh thần nó tạo ra bao nhiêu cảnh giới làm mê lầm não loạn người tu hành, nên gọi là ma.

Hoặc nó tạo ra những thứ âm thanh hay, dở; những thứ mùi thơm, hôi; tạo ra những thứ vị ngọt, đắng; những cảnh giới khổ, vui đến làm xúc não thân người đều là việc của ma, tướng nó rất nhiều, ở đây không thể kể hết.

Tóm phần trọng yếu, nếu tạo những thứ ngũ trần làm não loạn người, khiến mất pháp lành, khởi các phiền não đều là ma quân. Do nó hay phá hoại tính bình đẳng của Phật pháp, khởi các pháp chướng đạo: tham dục, lo buồn, giận hờn, ngủ mê v.v...

Như bài kệ trong kinh chép:

Dục ma quân thứ nhất,
Ưu sầu đội thứ hai,
Đói khát quân thứ ba,
Mến yêu là thứ tư,
Ngủ mê quân thứ năm,
Kinh sợ đội thứ sáu,
Nghi hối quân thứ bảy,
Giận hờn là thứ tám,
Mê danh lợi thứ chín,
Ngã mạn là thứ mười.
Như thế, những thứ quân,
Dìm đắm người xuất gia.
Ta lấy sức thiền trí,
Phá dẹp các quân ma,
Được thành Phật đạo rồi,
Độ thoát tất cả người.

Hành giả đã biết việc ma, cần phải đuổi nó. Phương pháp đuổi có hai:

1. Tu Chỉ đuổi: Phàm thấy tất cả cảnh ma bên ngoài đều biết là hư dối, không lo, không sợ, cũng không thủ, không xả hay vọng chấp phân biệt, dứt tâm lặng yên thì ma tự tiêu diệt.
2. Tu Quán đuổi: Nếu thấy các cảnh ma như trước đã nói, dùng Chỉ đuổi không đi, phải phản quán tâm năng kiến không thấy chỗ nơi thì bọn ma kia chỗ nào mà não loạn? Khi quán như thế ma liền diệt hết.

Nếu nó trì hoãn không đi, cần phải chánh tâm, chớ sanh tưởng kinh sợ, không tiếc thân mạng, chánh niệm không động, biết trên bản tánh chân như ma giới tức là Phật giới; nếu ma giới là Phật giới thì chỉ có một không hai; rõ biết như vậy thì ma giới không xả, Phật giới không thủ, Phật pháp tự sẽ hiện tiền, ma cảnh tự nhiên tiêu diệt.

Lại nữa, nếu thấy ma cảnh không tiêu chẳng cần phải lo, nếu thấy tiêu diệt cũng chớ sanh mừng. Vì cớ sao?
Vì chưa từng thấy có người ngồi thiền thấy ma hóa làm cọp, sói đến ăn thịt, cũng chưa từng thấy ma hóa làm nam nữ đến kết làm vợ chồng, chính nó là huyễn hóa.

Người ngu không rõ, tâm sanh kinh sợ và khởi lòng tham đắm, nhân đó mà tâm loạn, mất thiền định và sanh cuồng, tự chuốc lấy họa hoạn đều tại mình không có trí tuệ mà thọ hại, không phải tại ma gây nên.

Nếu các ma cảnh làm não loạn người tu, hoặc trải qua nhiều tháng đến cả năm mà không đi, chỉ phải đoan tâm chánh niệm cho kiên cố, không tiếc thân mạng, chớ ôm lòng lo sợ, phải tụng các kinh Đại thừa, Phương đẳng và thần chú trị ma, thầm tụng niệm và hằng nhớ Tam Bảo.

Nếu khi xuất định cũng phải tụng chú để tự đề phòng, sám hối, hổ thẹn và tụng giới luật, tà không can phạm được chánh, lâu lâu nó tự diệt. Ma sự rất nhiều nói không thể hết, phải khéo mà biết nó.

Thế nên, người sơ tâm tu hành cần phải gần gũi thiện tri thức. Nếu có những việc nạn như vậy, ấy là ma nhập tâm người hay khiến người tâm thần cuồng loạn, hoặc mừng, hoặc lo, nhân đó thành bệnh đến chết.

Hoặc khi ma cho được tà thiền định, trí tuệ, thần thông, đà-la-ni, thuyết pháp giáo hóa, người đều kính phục, về sau phá hoại việc lành xuất thế của người và phá hoại chánh pháp.
Những việc ma như thế, có nhiều loại sai biệt không thể nói hết. Nay lược chỉ bày những điều cần yếu để cho người tu trong lúc tọa thiền không lầm nhận các cảnh giới ma.

Nói tóm lại, nếu muốn dẹp tà về chánh phải quán thật tướng của các pháp, khéo tu Chỉ, Quán thì không có cái tà nào mà không dẹp được. Cho nên trong kinh luận chép: “Trừ thật tướng của các pháp, kỳ dư tất cả là ma sự.” Như bài kệ chép:

Nếu phân biệt nhớ tưởng,
Tức là lưới của ma,
Không động, không phân biệt,
Ấy tức là pháp ấn.


Được sửa bởi mytutru ngày Fri 16 Sep 2011, 14:23; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
http://<marquee>mytutru_welcome.. tứ trụ kính chúc T
mytutru

mytutru

Tổng số bài gửi : 11224
Registration date : 08/08/2009

PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: PHÁP CHỈ QUÁN   PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 I_icon13Fri 16 Sep 2011, 14:15

IX.- TRỊ BỆNH

Hành giả chuyên tâm tu hành, hoặc tứ đại có bệnh là vì dùng quán tâm, quán hơi thở kích động bệnh cũ phát khởi. Hoặc không khéo điều hòa ba việc - thân, tâm, hơi thở - trong, ngoài có chỗ sai suyển, cho nên có bệnh hoạn.

Phàm phương pháp tọa thiền nếu khéo dụng tâm thì bốn trăm lẻ bốn bệnh tự nhiên lành, nếu dụng tâm sai suyển thì bốn trăm lẻ bốn bệnh nhân đó phát sanh.

Thế nên, nếu tự tu hay dạy người tu, phải khéo biết gốc bệnh, phải khéo biết phương pháp dùng nội tâm trị bệnh trong lúc tọa thiền. Một phen phát bệnh chẳng những chướng ngại sự tu hành, còn lo mất mạng là khác.

Nay nói về pháp trị bệnh có hai ý:
1. Tướng bệnh phát khởi
2. Phương pháp trị bệnh
1. Tướng bệnh phát khởi
Bệnh phát tuy có nhiều cách, lược nói không ngoài hai thứ:

a) Tướng bệnh do tứ đại tăng giảm.
Nếu địa đại tăng thì mắc bệnh thũng kiết trầm trọng, thân thể khô gầy, như thế một trăm lẻ một bệnh sanh. Nếu thủy đại tăng thì đàm ấm dẫy đầy, ăn uống không tiêu, đau bụng, hạ hơi v.v... một trăm lẻ một bệnh sanh.

Nếu hỏa đại tăng thì chợt lạnh, chợt nóng toàn thân đau nhức, hôi miệng, đại tiểu không thông v.v... một trăm lẻ một bệnh sanh. Nếu phong đại tăng thì thân thể lơ lửng như treo trên không, lăn lộn đau nhức, phổi sưng thở gấp, ụa mửa mệt lả, như thế v.v... một trăm lẻ một bệnh sanh.

Cho nên trong kinh nói: “Một đại không điều hòa thì một trăm lẻ một bệnh sanh, tứ đại không điều hòa thì bốn trăm lẻ bốn bệnh đồng khởi.” Tứ đại phát bệnh mỗi thứ có tướng mạo của nó, chính trong khi ngồi thiền và trong khi mộng phải khảo sát cho rõ.
b) Tướng ngũ tạng sanh bệnh.

Từ tim sanh bệnh thì thân thể nóng, lạnh, đầu nhức, miệng khô v.v... vì tim là chủ về miệng. Từ phổi sanh bệnh thì thân thể mập phù, tứ chi mỏi mê, mũi nghẹt v.v... vì phổi chủ về mũi.
Từ gan sanh bệnh trong lòng thường không vui, buồn rầu, thương lo, giận hờn, đầu nhức, mắt mờ v.v... vì gan chủ về con mắt.

Từ lá lách sanh bệnh thì thân thể và trên mặt nổi phong khắp cả, ngứa ngáy đau nhức, ăn uống không ngon v.v... vì lá lách chủ về lưỡi.

Từ trái cật sanh bệnh thì ở cổ sanh nấc cục, bụng no, lỗ tai bùng v.v... vì trái cật chủ về lỗ tai. Năm tạng sanh bệnh rất nhiều, mỗi cái có tướng của nó, phải xem xét trong khi ngồi thiền và trong mộng thì biết được.

Như thế nguyên nhân sanh bệnh của tứ đại, ngũ tạng không phải một, tướng bệnh rất nhiều không thể nói hết. Hành giả nếu muốn tu pháp môn Chỉ, Quán để thoát ly sanh tử, phải khéo biết nguyên nhân sanh bệnh.

Hai thứ bệnh này nguyên nhân chung là do trong và ngoài phát động. Hoặc do dụng tâm không điều hòa, quán hạnh sai lạc, hoặc do khi pháp định phát sanh không biết giữ gìn đến khiến tứ đại, ngũ tạng sanh bệnh, ấy là tướng bệnh do bên trong phát khởi.

Lại nữa, có ba thứ nhân duyên khiến người mắc bệnh:

1. Tứ đại, ngũ tạng tăng giảm khiến người mắc bệnh như đã nói ở trên.
2. Quỉ thần gây nên khiến người mắc bệnh.
3. Nghiệp báo khiến người mắc bệnh.

Những bệnh như thế, mới mắc phải sớm trị rất dễ được lành, nếu để qua thời gian lâu bệnh thành thục, thân gầy bệnh nặng, chữa trị rất khó lành.

1. Phương pháp trị bệnh

Đã rõ nguyên nhân phát bệnh, cần tạo phương pháp trị bệnh. Phương pháp trị bệnh có nhiều cách, tóm lược không ngoài hai phương tiện Chỉ và Quán.

Thế nào dùng Chỉ trị bệnh? Có thầy nói: “Phải an tâm ngưng tại chỗ bệnh, tức là bệnh lành. Tại sao? Vì tâm là chủ của thân quả báo trong một thời kỳ, ví như vua đến chỗ nào thì bọn trộm cướp đều tan sạch.” Lại có thầy bảo:

“Dưới rốn một tấc gọi là đơn điền, nếu ngưng tâm tại chỗ này không tán loạn, trải qua thời gian lâu đa số bệnh đều dứt.” Có thầy bảo: “Thường ngưng tâm dưới chân, bất luận đi, đứng, nằm hay nghỉ liền trị được bệnh. Vì cớ sao? Vì người do tứ đại không điều hòa cho nên sanh các bệnh, đó là do tâm thức duyên lên trên khiến tứ đại không điều hòa. Nếu an tâm ở dưới thì tứ đại tự nhiên điều hòa, các bệnh đều lành.”

Dùng Quán trị bệnh. Có thầy nói: Dùng Quán tâm tưởng sáu thứ hơi thở trị bệnh, tức là dùng Quán trị bệnh. Thế nào là sáu thứ hơi thở? Nghĩa là: suy, hô, hi, ha, hư, hứ. Sáu thứ hơi thở này đều do trong lưỡi, miệng và tâm tưởng phương tiện chuyển động mà thành, phải dùng đều đều nhẹ nhẹ. Bài tụng chép:

Tâm thuộc về ha, thận thuộc suy,
Tỳ hô, phổi hứ Thánh đều biết,
Gan và tạng nhiệt do chữ hư,
Tam tiêu ngăn trệ chỉ nói hi.
Có thầy nói: Nếu khéo dùng Quán tưởng vận chuyển mười hai thứ hơi thở thì trị được nhiều bệnh.

Mười hai thứ hơi thở:

1. Hơi thở lên
2. Hơi thở xuống
3. Hơi thở đầy
4. Hơi thở tiêu
5. Hơi thở tăng trưởng
6. Hơi thở diệt hoại
7. Hơi thở ấm
8. Hơi thở lạnh
9. Hơi thở xông lên
10. Hơi thở gìn giữ
11. Hơi thở điều hòa
12. Hơi thở bồi bổ

Mười hai thứ hơi thở này đều do tâm quán tưởng mà có. Nay lược tướng đối trị của mười hai thứ hơi thở. Hơi thở lên trị bệnh trầm trọng. Hơi thở xuống trị bệnh lơ lửng. Hơi thở đầy trị bệnh khô gầy. Hơi thở tiêu trị bệnh thũng phù. Hơi thở tăng trưởng trị bệnh ốm yếu. Hơi thở diệt hoại trị bệnh tăng thạnh.

Hơi thở ấm trị bệnh lạnh. Hơi thở lạnh trị bệnh nóng. Hơi thở xông lên trị bệnh ngăn nghẹn không thông. Hơi thở gìn giữ trị bệnh lăn lộn. Hơi thở điều hòa chung trị bệnh tứ đại bất hòa. Hơi thở bồi bổ bồi dưỡng tứ đại suy kém. Khéo dùng các thứ hơi thở này, có thể trị lành các bệnh, suy ra có thể biết.

Có thầy nói: Khéo dùng giả tưởng quán hay trị hết các bệnh. Như người mắc bệnh lạnh, tưởng trong thân hơi lửa xông ra liền trị được bệnh lạnh. Cách trị bệnh này trong kinh Tạp A-hàm về bảy mươi hai thứ bí pháp trị bệnh có nói rộng.

Có thầy bảo: Dùng Chỉ, Quán kiểm xét tứ đại trong thân không có bệnh, tâm cũng không có chỗ sanh bệnh thì các bệnh tự lành. Như thế, bao nhiêu thuyết nói dùng Quán trị bệnh chỗ ứng dụng không đồng, nếu khéo hiểu được ý đều trị lành bệnh.

Hai pháp Chỉ, Quán nếu người khéo hiểu được ý thì không bệnh nào mà trị chẳng lành. Nhưng người thời nay, căn cơ tối, cạn, đa số tập quán tưởng không thành công nên pháp này ít được lưu truyền.

Lại có người tu không được pháp này, bèn xoay qua học khí thuật, nhịn cơm e sau này sanh kiến chấp tà dị, những thứ thuốc bằng cây, cỏ, vàng, đá... thích hợp với bệnh thì nên dùng.
Nếu là bệnh do quỉ phá thì phải lập tâm cho vững, thêm tụng chú để giúp sự trị bệnh. Nếu là bệnh nghiệp báo cần phải tu phước và sám hối, bệnh ắt tiêu diệt. Hai pháp Chỉ,

Quán trị bệnh, nếu người khéo hiểu một pháp cũng đủ tự tu và dạy người, huống là thông đạt cả hai. Nếu cả hai pháp đều không biết thì bệnh sanh không thể trị, chẳng những bỏ bê sự tu hành, còn e tánh mạng khó bảo toàn làm sao tự tu và dạy người? Thế nên, người muốn tu Chỉ, Quán phải hiểu phương pháp nội tâm trị bệnh. Pháp này không phải hiểu một, hiểu ý tại người, chớ không thể truyền bằng văn tự.

Lại nữa, trong khi ngồi thiền dụng tâm trị bệnh cần phải gồm đủ mười pháp sẽ được lợi ích. Mười pháp:
1. Tin
2. Dùng
3. Siêng
4. Thường trụ trong duyên
5. Phân biệt nguyên nhân bệnh khởi
6. Phương tiện
7. Thực hành lâu
8. Biết thủ xả
9. Giữ gìn
10. Biết ngăn cản
Thế nào là tin? Nghĩa là tin pháp này hay trị được bệnh.
Sao là dùng? Nghĩa là tùy thời hằng dùng.
Sao là siêng? Chuyên cần không nghỉ, đến khi lành bệnh mới thôi.
Sao là trụ trong duyên? Tâm vi tế luôn luôn y nơi pháp, không duyên cái gì khác.
Sao là phân biệt nguyên nhân bệnh khởi? Như đoạn trước đã nói.
Sao là phương tiện? Là thở ra, hít vào tâm tưởng vận chuyển khéo léo thành tựu không cho trái phép.
Sao là thực hành lâu? Nếu áp dụng chưa có lợi ích chẳng kể ngày tháng thường tập không phế bỏ.
Sao là biết thủ xả? Biết cái có ích liền chuyên cần, cái có hại liền xả đi, chín chắn chuyển tâm điều trị.
Sao là gìn giữ? Khéo biết các duyên xúc phạm mà giữ gìn.
Sao là ngăn cản? Được điều ích lợi không đến người khác nói, chưa tổn hại không sanh nghi chê.
Nếu y mười pháp này trị bệnh quyết định có hiệu nghiệm không dối vậy.


Được sửa bởi mytutru ngày Fri 16 Sep 2011, 14:22; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
http://<marquee>mytutru_welcome.. tứ trụ kính chúc T
mytutru

mytutru

Tổng số bài gửi : 11224
Registration date : 08/08/2009

PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: PHÁP CHỈ QUÁN   PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 I_icon13Fri 16 Sep 2011, 14:19

X.- CHỨNG QUẢ

Nếu hành giả khi tu Chỉ, Quán như thế, biết rõ tất cả pháp đều do tâm sanh, nhân duyên hư giả không thật, nên là không; vì biết không, nên không thấy có tướng danh tự của tất cả pháp, thế là thể nhập chân thật.

Khi ấy, trên không thấy có Phật quả đáng cầu, dưới không thấy có chúng sanh đáng độ. Ấy gọi là quán từ Giả nhập Không, là quán Nhị đế, là tuệ nhãn, là Nhất thế trí.

Nếu trụ nơi quán này tức là sa vào quả vị Thanh văn, Bích-chi Phật. Cho nên trong kinh nói: “Các vị Thanh văn v.v... tự than rằng: Chúng ta nếu nghe cõi Phật thanh tịnh, giáo hóa chúng sanh, tâm không vui mừng.

Vì sao? Vì tất cả pháp thảy đều rỗng lặng, không sanh không diệt, không lớn không nhỏ, vô lậu vô vi, suy nghĩ như thế nên không vui mừng.” Phải biết người thấy được pháp vô vi mà vào chánh vị, người ấy trọn không thể phát ba thứ tâm Bồ-đề, vì sức định nhiều mà không thấy Phật tánh.

Nếu Bồ-tát vì tất cả chúng sanh thành tựu tất cả Phật pháp thì không nên chấp giữ vô vi tự tịch diệt, khi ấy nên tu quán từ Không nhập Giả.

Nghĩa là phải thật quán Tâm tánh tuy Không, nhưng khi đối duyên liền sanh ra tất cả các pháp cũng như huyễn hóa, tuy không quyết định thật mà vẫn có các tướng thấy, nghe, hiểu, biết v.v... khác nhau.

Hành giả khi quán như thế, tuy biết tất cả pháp rốt ráo là rỗng lặng, mà hay ở trong Không tu các hạnh, như gieo giống trong Không; cũng hay phân biệt các căn của chúng sanh tánh dục vô lượng, nên thuyết pháp cũng vô lượng.

Nếu chứng được Vô ngại biện tài thì hay làm lợi ích chúng sanh khắp lục đạo. Ấy gọi là Phương tiện tùy duyên Chỉ, là quán từ Không nhập Giả, là quán bình đẳng, là Pháp nhãn, là Đạo chủng trí. Trụ trong quán này sức trí tuệ nhiều, tuy thấy được Phật tánh mà không rõ ràng.

Bồ-tát tuy thành tựu hai pháp quán trên, đó gọi là Quán môn phương tiện, không phải là chánh quán. Kinh chép: “Hai thứ trước là đạo phương tiện, nhân hai thứ quán Không, Giả ấy được vào quán Trung đạo đệ nhất nghĩa, song chiếu cả hai đế, tâm thường vắng lặng, tự nhiên trôi vào biển Đại giác.

Nếu Bồ-tát muốn ở trong một niệm đầy đủ tất cả Phật pháp nên tu: “Chỉ dứt hai bên phân biệt” (Tức nhị biên phân biệt Chỉ) thực hành chánh quán Trung đạo.”

Thế nào là Chánh quán? Nếu thấu hiểu tâm tánh không phải Chân, không phải Giả, dứt tâm duyên Chân, Giả gọi là Chánh thật quán, tâm tánh không phải Không, không phải Giả, mà không phá hoại pháp Không, Giả.

Nếu hay chiếu liễu như thế thì ở nơi tâm tánh thông đạt được Trung đạo, viên chiếu cả Nhị đế. Nếu hay Tự tâm thấy được Trung đạo, Nhị đế, thì thấy Trung đạo, Nhị đế của tất cả pháp, mà không chấp Trung đạo, Nhị đế. Bởi vì quyết định tánh không thể có, ấy gọi là chánh quán Trung đạo. Như bài kệ Trung Luận nói: Nhân duyên sanh các pháp,

Ta nói tức là không,
Cũng gọi là giả danh,
Cũng gọi nghĩa Trung đạo.

Sưu tầm ý bài kệ này, không những đầy đủ phân biệt tướng Trung quán, cũng gồm nói chỉ thú hai thứ quán môn phương tiện trước. Phải biết chánh quán Trung đạo tức là Phật nhãn, Nhất thế chủng trí.

Nếu trụ nơi quán này thì sức định và tuệ đồng đẳng, thấy Phật tánh rõ ràng, an trụ trong Đại thừa, bước đi bằng phẳng nhanh như gió, tự nhiên vào trong biển Đại giác.
Thực hành hạnh Như Lai, vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai, dùng đồ trang nghiêm của Như Lai mà tự trang nghiêm.

Được sáu căn thanh tịnh, vào cảnh giới của Phật, đối với tất cả pháp không nhiễm trước, tất cả Phật pháp đều được hiện tiền, thành tựu niệm Phật tam-muội.

An trụ trong định Thủ Lăng Nghiêm, thế là phổ hiện Sắc thân tam-muội, khắp vào cõi Phật trong mười phương, dạy bảo chúng sanh trang nghiêm tất cả cõi Phật, cúng dường mười phương chư Phật, thọ trì pháp tạng của chư Phật, đầy đủ tất cả hạnh ba-la-mật, ngộ nhập vị đại Bồ-tát, cùng với ngài Văn-thù, Phổ Hiền kết bạn.

Thường trụ trong thân pháp tánh, vì chư Phật khen ngợi thọ ký, ấy là trang nghiêm Đâu-suất-đà thiên, thị hiện giáng thần trong thai mẹ, xuất gia, đến đạo tràng, hàng phục ma oán, thành Chánh giác, chuyển Pháp luân, vào Niết-bàn.

Ở các cõi nuớc khắp mười phương làm viên mãn tất cả Phật sự, đầy đủ hai thân Chân và Ứng ... ấy là Sơ phát tâm Bồ-tát.
Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Khi sơ phát tâm liền thành Chánh giác, thông suốt tánh chân thật của các pháp, được tuệ thân không phải do người khác mà ngộ.

” Cũng nói: “Sơ phát tâm Bồ-tát được một thân Như Lai làm vô lượng thân.” Cũng nói: “Sơ phát tâm Bồ-tát tức là Phật.” Kinh Niết-bàn nói: “Sơ phát tâm và Cứu kính tâm hai cái không khác, hai tâm như thế, tâm trước là khó.

” Kinh Đại Phẩm nói: “Tu-bồ-đề! Có Đại Bồ-tát mới sơ phát tâm liền tọa đạo tràng, chuyển bánh xe chánh pháp, phải biết Bồ-tát ấy như Phật vậy.”
Trong kinh Pháp Hoa nàng Long Nữ dâng hạt châu làm chứng, những kinh như thế đều nói sơ phát tâm làm đủ tất cả Phật pháp, như kinh Đại Phẩm nói “chữ A”

(1), kinh Pháp Hoa nói “khiến chúng sanh khai Phật tri kiến”, kinh Niết-bàn nói “thấy Phật tánh cho nên trụ Đại Niết-bàn”. Đã lược nói tướng Sơ phát tâm nhân tu Chỉ, Quán được chứng quả.
Kế nói Hậu tâm chứng quả. Cảnh giới của Hậu tâm chứng không thể biết, nay suy theo giáo lý để rõ, trọn không rời hai pháp Chỉ và Quán. Tại sao?

Kinh Pháp Hoa nói: “Ân cần khen ngợi trí tuệ của chư Phật là nghĩa Quán.” Đây là đứng về Quán để rõ quả. Kinh Niết-bàn luận rộng về “một trăm câu giải thoát” để giải thích Đại Niết-bàn.

Niết-bàn nghĩa là Chỉ. Đó là đứng về Chỉ để rõ quả. Cho nên nói Đại Niết-bàn là thường tịch định. Định tức là nghĩa Chỉ.
Trong kinh Pháp Hoa tuy đứng về mặt Quán để rõ quả, nhưng cũng nhiếp Chỉ. Cho nên nói: Nhẫn đến tướng cứu kính Niết-bàn thường tịch diệt trọn qui về Không.

Trong kinh Niết-bàn tuy đứng về mặt Chỉ để rõ quả, nhưng cũng gồm Quán. Bởi vì lấy ba đức làm Đại Niết-bàn. Hai bộ kinh lớn này tuy văn có hiện, có ẩn khác nhau, nhưng đều đứng về hai môn Chỉ, Quán biện chỗ cứu kính của nó, gồm căn cứ hai pháp Định, Tuệ để rõ quả vị cùng tột.

Hành giả phải biết quả ban đầu, bậc giữa, rốt sau đều không thể nghĩ bàn. Cho nên bản tân dịch kinh Kim Quang Minh nói: “Như Lai lúc ban đầu không thể nghĩ bàn, Như Lai khoảng giữa bao nhiêu thứ trang nghiêm.

Như Lai rốt sau thường không thể phá hoại.” Đó là ước về hai tâm tu Chỉ, Quán để biện kết quả của nó. Bài kệ trong kinh Ban Châu Tam-muội chép:

Chư Phật từ tâm được giải thoát,
Tâm ấy thanh tịnh gọi không nhớp,
Năm đạo sạch sẽ chẳng nhuốm màu,
Học được pháp này thành Đại đạo.

Thệ nguyện tu hành phải trừ tam chướng và ngũ cái. Nếu như không trừ, tuy siêng năng dụng công trọn không lợi ích.
(1) Trong kinh Đại Phẩm ví sơ phát tâm là “Chữ A”, cứu kính là “Chữ Trà”.


Về Đầu Trang Go down
http://<marquee>mytutru_welcome.. tứ trụ kính chúc T
mytutru

mytutru

Tổng số bài gửi : 11224
Registration date : 08/08/2009

PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: PHÁP CHỈ QUÁN   PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 I_icon13Tue 27 Sep 2011, 17:29


PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 Tuongphat
Về Đầu Trang Go down
http://<marquee>mytutru_welcome.. tứ trụ kính chúc T
mytutru

mytutru

Tổng số bài gửi : 11224
Registration date : 08/08/2009

PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Quán Từ Bi / sưu tầm   PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 I_icon13Tue 27 Sep 2011, 17:41

Quán Từ Bi

Những câu sau đây cần được tụng lên. Tôi sẽ giải thích thêm về từng đề mụcđể giúp cho việc quán tưởng được dễ dàng. Bắt đầu, hãy chú ý vào hơi thở trong giây lát. Giờ bắt đầu bằng câu thứ nhất:

MONG CHO TÔI KHÔNG CÓ OÁN THÙ

Hãy quán sát xem ta đã có những oán thù, những mâu thuẫn, ghét bỏ, giận hờn với ai. Nếu đã có những tình cảm đó hoặc ở trong hiện tại hay quá khứ, ta cần quán tưởng để chuyển hóa chúng thành lòng từ bi.

MONG CHO TÔI KHÔNG LÀM TỔN HẠI AI

Hãy quán sát xem ta đã làm tổn hại đến chúng sinh nào trong quá khứ hay có ý định làm thế. Nếu có, ta phải thay đổi thế nào để việc đó đừng xảy ra nữa.

MONG CHO TÔI KHÔNG BỊ KHỔ THÂN VÀ TÂM

Hãy quán sát xem ta đang có những vấn đề gì nơi thân tâm, tìm ra những nguyên nhân sâu xa của chúng. Sau đó thực hành buông xả khổ đau bằng cách không bám víu.

MONG CHO TÔI CÓ THỂ BẢO VỆ HẠNH PHÚC CỦA MÌNH

Hãy quán sát xem hạnh phúc đối với ta là gì? Khi đã chắc chắn hạnh phúc bao gồm những gì, ta phải làm gì để bảo vệ nó khỏi bị phá hoại, đánh đổ?

MONG CHO TẤT CẢ MỌI CHÚNG SINH ĐỀU KHÔNG CÓ HẬN THÙ

Chúng ta cũng cầu mong cho người khác có được những lợi ích mà ta đã quán sát cho mình. Trước hết, chính ta cần biết phải làm gì. Sau đó ta mới có thể giúp người khác hành động như thế, và hạnh phúc của ta cũng sẽ lan toả ra ngoài.

MONG CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH KHÔNG BỊ TỔN HẠI

Chúng ta cũng muốn chia xẻ với người khác những kinh nghiệm ta đã trải qua. Nếu chúng ta tự tại, chúng ta cũng có thể khiến tình cảm đó phát khởi nơi người khác.
Sự quán sát của ta bao gồm trong việc tìm ra phương cách để ýnghĩ, lời nói và hành động của ta không làm thương tổn ai.

MONG CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH KHÔNG BỊ KHỔ THÂN VÀ TÂM

Ở đây ta có thể xét xem tâm từ bi của ta đối với người khác như thế nào? Chúng ta có thực sự đồng cảm với họ không?

MONG CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐỀU ĐƯỢC HẠNH PHÚC

Nếu ta có lòng thương yêu, bi cảm đối với người khác, ta sẽ không bao giờ phá hoại hạnh phúc của họ. Ta sẽ cẩn trọng, sẽ giúp họ bảo vệ hạnh phúc củahọ. Chúng ta cần quán sát xem mình thật sự có cảm nghĩ như thế không, đến mức độ nào, và tìm cách phát triển thêm.

Hướng Dẫn Quán Từ Bi – I

Bắt đầu, hãy chú ý vào hơi thở trong giây lát.Hãy để tình thương tràn đầy trong tim cho bản thân và cho tất cả những khổ đau (dukkha) đã xảy ra hay sẽ xảy ra trong cuộc đời. Hãy cảm nhận sự thiếu vắng của giác ngộ, cảm nhận những khó khăn trong thực tập. Hãy để nhữngcảm giác nầy bao trùm, che chở bạn.

Hãy truyền tình thương trong lòng bạn đến người ngồi cạnh bạn. Hãy đồng cảm với những khổ đau đã và sẽ xảy đến trong cuộc đời họ, đồng cảm vớinhững khó khăn họ phải đương đầu trong khi hành thiền. Hãy làm cho người ấy cảm thấy được chăm sóc, thương yêu.

Hãy truyền tình thương đến tất cả mọi người trong thiền đường. Hãy nhớ rằng tất cả chúng sinh đều khổ đau.
Hãy nhớ rằng tất cả mọi người đều muốnđược thương yêu, lo lắng.

Hãy bảo bọc họ bằng tình thương của bạn.Hãy nghĩ đến cha mẹ của mình.

Hãy thông cảm với những khó khăn, đau khổcủa họ. Hãy bao bọc họ bằng tình thương, bằng sự đồng cảm, hãy biểu lộ lòng lo lắng, quan tâm đến với họ.

Hãy nghĩ đến tất cả bạn bè của bạn, hãy để tình thương yêu tràn đầy tronglòng. Hãy biểu lộ cho họ biết rằng bạn quan tâm, thông cảm với họ. Hãy để tình thương yêu đó bảo bọc họ.Hãy nghĩ đến những người bạn hiềm khích.

Hãy nghĩ đến họ với tình thương trong lòng bạn. Hãy thông cảm với những khó khăn, hạn chế, khổ đau (dukkha) của họ. Hãy để tình thương cảm nầy thực sự đến với họ, bao bọc họ.Hãy nghĩ đến tất cả những cuộc đời khốn khổù hơn ta.

Có thể họ đang nằmviện, ở trong tù, trong các trại di tản, trong các nước bị chiến tranh tàn phá; có thể họ đang đói, bị tàn tật, đui mù, không nơi nương thân, không bạn bè thânthích.

Hãy để tấm lòng tràn đầy tình thương cảm của ta đến tất cả những người ấy, hãy bao bọc, thông cảm, chia xẻû nỗi đau của họ, muốn cứu giúp họ.

Hãy chú tâm trở lại bản thân, hãy để tình thương yêu trùm phủ, bao bọc ta,hãy để ta có cảm giác được giúp đở, thương yêu, chấp nhận, tự tại.

Cầu mong tất cả chúng sinh đều có lòng thương yêu lẫn nhau.

Hướng Dẫn Quán Từ Bi –II

Bắt đầu, hãy chú ý vào hơi thở trong giây lát. Hãy phát khởi trong lòng niềm vui được có duyên đi theo con đường đạo dẫntới hạnh phúc, an lành, viên mãn tuyệt đối.

Cảm nhận niềm vui trong lòng ta,hãy để niềm vui đó chan hoà trong ta.Tiếp đến, hãy chia sẻ niềm vui với người tọa thiền cạnh bạn, mừng cho họ cùng đi trên con đường đạo, cùng biết hành đạo. Hãy để niềm vui đó bảo bọc,chan hoà trong họ.

Hãy chia sẻ niềm vui đó đến với tất cả mọi người trong thiền đường, hãy vuimừng rằng họ cũng có cơ hội để tinh tấn hành thiền, đem pháp vào đời sống. Hãy để niềm vui đó tràn lan đến tất cả mọi người.

Hãy tưởng nghĩ đến cha mẹ bạn. Hãy chia sẻ niềm vui với họ về tất cả nhữnggì họ trân trọng trong đời, bất kể là bạn có đồng ý với họ hay không. Hãy vui mừng rằng họ có những duyên lành trong cuộc sống. Hãy để niềm vui đó chanhoà trong họ.

Hãy nghĩ đến những người gần gũi, thân cận với bạn. Hãy vui niềm vui củahọ, dầu đó là gì. Hãy vui mừng biết rằng họ đã có được niềm vui, hạnh phúc trong đời. Hãy để niềm vui đó chan hoà trong họ.

Hãy nghĩ đến bạn bè; hãy hoan hỷ với những thành tựu của họ, với tất cảnhững gì khiến họ hạnh phúc.

Hãy tán thán tình bằng hữu. Hãy mang niềm vui đến với họ, để niềm vui đó chan hoà trong họ.Hãy nghĩ đến những người bạn hiềm khích. Hãy hoan hỷ với những thành tựu, sở hữu của họ.

Hãy mang niềm vui đến với họ, để niềm vui đó chan hoà trong họ.Hãy mở rộng lòng để mang niềm vui đến với tất cả mọi chúng sanh. Hãy hạnh phúc với hạnh phúc của người.

Hãy vui, niềm vui của họ. Hãy chia sẻniềm vui trong lòng bạn với họ, để niềm vui đó chan hoà trong họ. Hãy để niềm vui đó lan tỏa xa rộng.
Hãy chú tâm trở lại bản thân.

Hãy để niềm vui chan hoà trong lòng bạn, mang đến cho bạn những nghị lực, sức sống mới, vì bạn đã nhận thức được rằng con đường tâm linh là con đường đầy niềm vui viên mãn.

Hãy để niềm hạnh phúc vì đã phần nào được bước trên con đường đạo chan hoà trong lòng bạn. Cầu mong tất cả chúng sinh đều có lòng thương yêu lẫn nhau.

Hướng Dẫn Quán Từ Bi –III

Bắt đầu, hãy chú ý vào hơi thở trong giây lát. Hãy tưởng tượng có một bông hoa sen trắng đang nở từng cánh rộng trong lòng bạn.

Giữa hoa, tỏa ra một luồng ánh sáng vàng rực trùm phủ lấy bạn, mang đến cho bạn sự ấm áp, sáng láng, một cảm giác tự tại, chan hoà niềm thương yêu.

Hãy để luồng ánh sáng đó lan tỏa đến người đồng tọa thiền cạnh bạn, mang đến cho họ sự ấm áp, sáng láng, một cảm giác tự tại, chan hoà niềm thương yêu.Hãy mở rộng lòng.

Hãy để luồng ánh sáng đó bùng phát mạnh hơn, lan tỏa đến mọi người trong thiền đường, mang đến cho họ sự ấm áp, sáng láng, một cảm giác tự tại, chan hoà niềm thương yêu. Như một quà tặng đến họ.

Hãy nghĩ đến các vị thầy của bạn, dù họ còn sống hay đã khuất. Hãy để luồng ánh sáng trong lòng bạn lan tỏa đến họ, mang đến cho họ sự ấm áp, hạnh phúc,cảm giác tự tại, chan hoà niềm thương yêu.

Hãy nghĩ đến bậc sinh thành của bạn, dù họ còn sống hay đã khuất. Hãy để luồng ánh sáng trong lòng bạn lan tỏa đến họ, mang đến cho họ tình thương vàánh sáng.
Hãy để tình cảm ấm áp, lòng biết ơn bao bọc họ.Hãy nghĩ đến những người gần gũi, thân cận với bạn.

Hãy để luồng ánh sáng trong lòng bạn lan tỏa đến họ, mang đến cho họ tình thương, sự thân thiện, hạnh phúc, chan hoà tự tại mà không đòi hỏi họ phải trả đáp lại bạn.Hãy nghĩ đến những người bạn tốt của ta.

Hãy để luồng ánh sáng trong lòng bạn lan tỏa đến họ, mang đến cho họ tình bằng hữu chân thật, thân ái, hạnh phúc, chan hoà tình thương, lòng lo lắng cho họ, mà không đòi hỏi họ phải trả đáp lại.

Hãy nghĩ đến những người bạn đã gặp gỡ hôm nay hay trong quá khứ, dầu họ có quen biết hay là người xa lạ: hàng xóm, bạn đồng nghiệp, người trên đường,ngoài phố, người gặp gỡ trên chuyến du lịch.

Hãy để luồng ánh sáng trong lòng bạn lan tỏa đến họ, mang đến cho họ sự thân ái, tình thương yêu, bày tỏ lòng quan tâm, chăm sóc đến họ, biến họ thành một phần của cuộc đời bạn.

Hãy nghĩ đến những người gây khó khăn cho bạn, khiến bạn khó gần gũi,thương yêu. Hãy nghĩ đến họ như một người thầy. Hãy để ánh sáng trong lòng bạn lan tỏa đến những người ấy, để không còn hiềm khích trong lòng bạn.

Hãybày tỏ lòng biết ơn với họ vì đã tạo cơ hội cho bạn thực tập, bằng tâm hỉ xả, bao dung. Ban cho họ tình thương, lòng từ bi, vì biết rằng họ cũng như ta, tất cả đều có cùng những nỗi khổ đau.

Hãy nghĩ đến những người cùng quê. Hãy mở rộng lòng để ánh sáng vi diệukia có thể lan tỏa đến họ, tràn vào nhà họ, vào tim họ, chan hòa trong họ sự ấm áp, sáng láng, tự tại.

Ban cho họ tình thương, lòng từ bi, biến họ thành một phần của cuộc sống, của trái tim bạn. Hãy trở về nơi thân, hãy để ánh sáng vi diệu đó bao trùm bạn với sự tự tại,đầy niềm vui, thỏa mái, thanh tịnh từ nội tâm.

Hãy để làn áng sáng vi diệu đó trở về với bông sen đang khép cánh. Hãy đặt bông sen đó giữa tim bạn, biến nó thành một với trái tim bạn.

Cầu mong tất cả chúng sinh đều được an lành.Đức Phật đã nói đến bao nhiêu điều lợi ích khi ta thực hành lòng từ bi.

Ba điều đầu tiên là “Ta sẽ ngủ ngon giấc, không mơ thấy ác mộng và thức dậy vớitâm hồn sảng khoái”. Tôi cũng mong các bạn ngủ ngon giấc, không ác mộng,và thức dậy sảng khoái.

Năm Điều Quán Tưởng Hằng Ngày.

Đức Phật khuyên ta mỗi ngày cần quán tưởng đến năm điều. Tất cả chúng ta đều biết những điều ấy, nhưng ta thường dễ quên. Ta thường tự dối rằng chúngkhông hiện hữu.

Để rồi khi chúng xảy ra, như một định luật, ta lại cho đó là tainạn, dầu chúng chỉ là những định luật tự nhiên. Đây là quán tưởng, không phải thiền quán, ta cần phân biệt hai thứ nầy.

Trong thiền quán, ta cố giữ tâm trụ vào một điểm, một đề mục của thiền quán, để giúp cho tâm trở nên tĩnh lặng, thanh tịnh, hòng có được sức mạnh để đạt được tuệ giác.

Trong quán tưởng, chúng ta chọn một đề tài là một vấn đề chung của nhânloại, không phải là vấn đề của cá nhân, và xem chúng ảnh hưởng đến ta như thế nào.

Phân tích thái độ của ta đối với chúng. Chính các phản ứng đó chuyển tải tầm quan trọng của vấn đề đến với ta.

Quán tưởng có nghĩa là ta đào sâu một vấn đề, cho dầu đó là một vấn đề ta đãquá quen thuộc, ta vẫn có thể có những nhận thức mới về nó.

Ta nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác. Chúng ta có thể có được tuệ giác, vì đã bỏ được những suynghĩ viễn vông, vì biết chuyên tâm vào một vấn đề. Trí tuệ được phát triển nhưthế đó:

không phải là do suy nghĩ về một vấn đề, mà quán tưởng đến chân lýcủa vấn đề, xem xét những ứng dụng của nó trong cuộc sống của ta; nhìn dưới mọi khía cạnh, kết nối nó với thực tế, để có được một quan điểm mới mẽ hơn.
Có thể so sánh với việc ta ngồi ở cửa sổ quan sát một cái cây, với việc ta đứng lên quan sát nó trở lại. Trước ta chỉ thấy có nửa thân cây, sau đó ta có thể nhìn cây toàn diện.

Cây không thay đổi, nhưng cái nhìn của ta về cây thì đã khác.Tôi khuyên các bạn hãy xướng những câu sau đây, vì nó giúp bạn dễ nhớ.

Sau mỗi câu, tôi bổ túc thêm một số điều để giúp bạn dễ quán tưởng hơn.

Bạn không cần phải tuân theo những điều ấy, vì chúng chỉ là phương tiện để hướng dẫn. Nếu bạn có những cách khác, cũng tốt thôi.

Quán tưởng về nội tâm của riêng mình sẽ hiệu quả hơn.Trước hết hãy trở về với hơi thở trong chốc lát. Xong, xướng những câu sau:

TÔI SẼ BỊ HOẠI DIỆT, TÔI KHÔNG TRÁNH KHỎI SỰ HOẠI DIỆT

Trước hết hãy xét xem câu nầy có đúng sự thật không, nếu đúng, xét xem trong cuộc sống ta có quan tâm đến điều nầy không.

Hãy xét xem trong tâm thức ta có phản đối sự thật đó không? Ta có ước ao giá mà nó đừng xảy ra.Nếu là thế, ta phải xét xem tại sao ta không tuân theo định luật tự nhiên nầy.

THÂN TÔI SẼ BỊNH, TÔI KHÔNG THOÁT KHỎI BỊNH YẾU

Lần nữa, ta lại xét xem điều đó đúng sự thật không? Ta đã từng bao giờ bịnhhoạn chưa, ta có chắc không bịnh nữa không?

Điều nầy có nghĩa gì đối với thân, với cái mà ta vẫn gọi là ‘tôi’. Thân ta có làm theo ý ta không? Hay là nó chỉ nghe theo những luật riêng của nó, khi bịnh yếu không cần hỏi đến ý ta?

TÔI SẼ CHẾT, TÔI KHÔNG THOÁT KHỎI CỬA TỬ

Tất cả chúng ta đều biết đó là chân lý. Nhưng cần phải xét xem ta có luôn nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, xét xem ta có sống theo suy nghĩ đó không.
Hãy tự hỏi xem mình có chuẩn bị, có ở trong tư thế sẵn sàng, nếu không, ta còn bám víu vào gì nữa?

Chúng ta cần làm gì để chuẩn bị cho cái chết, để cái chết không còn là nỗi đe dọa của ta?

TẤT CẢ NHỮNG GÌ TÔI COI LÀ QUÝ BÁU, LÀ NIỀM VUI, LÀ CỦA TÔI,SẼ KHÔNG CÒN, SẼ ĐỔI THAY.

Hãy nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể nhớ lại rằng có những vật, những kỷ niệm, những hoàn cảnh, những con người mà ta trân quý, yêu thương, đã thay đổi, đã hoại diệt. Nếu thế, những thứ bây giờ ta trân qúy sẽ ra sao?
Liệu chúng có ở bên ta mãi?

Điều Ghi Nhớ Thứ Năm: Nghiệp


TÔI LÀ CHỦ CỦA NGHIỆP Khi ta chấp nhận sự thật nầy, ta sẽ có trách nhiệm với tất cả những gì xảy racho ta. Chúng ta cần quán tưởng xem ta có thực sự là chủ của nghiệp, để buông bỏ bất cứ ý nghĩ nào cho rằng người khác đã tạo ra điều gì đó cho ta.

TÔI THỪA TỰ NGHIỆP CỦA MÌNH Mỗi chúng ta tự tạo ra nghiệp của mình. Nếu chúng ta luôn ghi nhớ điều đó, thường suy tưởng về điều đó, ta sẽ thấy dễ làm điều thiện, điều hữu ích.

TÔI SINH RA DO NGHIỆP CỦA MÌNH Chính ước muốn được có mặt, được sống khiến ta sinh ra trong hoàn cảnh của mình. Hòan cảnh đó là một kinh nghiệm học hỏi của ta.

TÔI LIÊN HỆ VỚI NGHIỆP CỦA MÌNH Ở đây ta có thể quán rằng nghiệp là liên hệ thân thích nhất, gần gũi như da thịt của mình. Đó là điều ta phải chấp nhận, phải sống với nó.

DẦU TÔI TẠO NGHIỆP THIỆN HAY ÁC, TÔI SẼ LÀ NGƯỜI PHẢI LÃNH CHỊU Nhận thức nầy mang chúng ta trở lại với thực tại, khi biết rằng ta không ngừng tạo nghiệp, và thường là ta phải chịu quả ngay sau đó, do ta tự tạo ra cho mình.


PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 Tubiw
Về Đầu Trang Go down
http://<marquee>mytutru_welcome.. tứ trụ kính chúc T
Sponsored content




PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: PHÁP CHỈ QUÁN   PHÁP CHỈ QUÁN - Page 2 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
PHÁP CHỈ QUÁN
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 2 trong tổng số 2 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện sáng tác, truyện kể ::   :: mytutru-